Chỉ có Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có quyền ra quyết định hủy quyết định đã ban hành. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Chỉ có Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có quyền ra quyết định hủy quyết định đã ban hành. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 và Điều 106 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đến nay đã có Thông tư liên tịch số 04/2018 TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Bộ Công an, Bộ quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao – hướng dẫn việc áp dụng Điều 368 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Nghị quyết số: 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/04/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc áp dụng Điều 66 và Điều 106 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc tha tù có điều kiện trước thời hạn là việc làm mang tính nhân đạo, tuy nhiên, trong quá trình chấp hành thời gian thử thách, một số người được tha tù trước thời hạn có điều kiện không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần trở lên thì Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể hủy bỏ quyết định này đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Người chấp hành thời gian thử thách bị coi là cố ý vi phạm nghĩa vụ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không trình diện Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân cấp xã nơi về cư trú và không đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày được tha tù trước thời hạn có Điều kiện.
- Không chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế nơi cư trú, làm việc; không tham gia lao động, học tập; không chấp hành đầy đủ hình phạt bổ sung.
- Không chấp hành sự quản lý, giám sát, giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, làm việc và người được cơ quan có thẩm quyền phân công quản lý, giáo dục.
- Khi đi khỏi nơi cư trú không xin phép hoặc không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Đi khỏi địa bàn cư trú trong thời gian 03 ngày mà không được sự đồng ý của người được giao trực tiếp quản lý, giáo dục; đi khỏi địa bàn cư trú trên 03 ngày mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Không có mặt theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi về cư trú, làm việc.
- Hàng tháng không báo cáo với người được phân công quản lý, giáo dục về tình hình học tập, lao động, rèn luyện và sự tiến bộ của mình.
- Định kỳ 03 tháng không báo cáo bằng văn bản việc chấp hành các quy định đối với người được tha tù trước thời hạn có Điều kiện với Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi về cư trú, làm việc.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 368 BLTTHS năm 2015, thì trường hợp người được tha tù trước thời hạn vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 66 của BLHS thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được tha tù trước thời hạn về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó phải lập hồ sơ chuyển đến Viện kiểm sát và Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện để xem xét, hủy quyết định đã ban hành và buộc người đó phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Như vậy, BLTTHS năm 2015 quy định rất cụ thể về thẩm quyền của Tòa án đối với việc hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện – Chỉ có Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có quyền ra quyết định hủy quyết định đã ban hành. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện sẽ nảy sinh những khó khăn, vướng mắc, bất cập, đó là:
Việc ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện do Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù (khoản 1 Điều 368 BLTTHS năm 2015). Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại một Trại giam, Trại tạm giam trên địa bàn một địa phương nhất định, không có nghĩa là nơi cư trú của họ cũng ở địa phương đó. Khi một Tòa án nhân dân tỉnh A hoặc Tòa án quân sự quân khu B ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ giao người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về các địa phương khác nhau (nơi mà người đó cư trú). Việc quản lý, giám sát, giáo dục họ sẽ do nhiều địa phương khác nhau (không thuộc địa bàn của Tòa án đã ra quyết định). Khi người chấp hành thời gian thử thách cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính 02 lần, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó phải lập hồ sơ chuyển đến Viện kiểm sát và Tòa án đã ra quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện để xem xét, hủy quyết định đã ban hành và buộc người đó phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành.
Tuy nhiên, khoản 10 Điều 368 BLTTHS chỉ quy định trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Tòa án phải mở phiên họp để xem xét, ra quyết định và trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, Tòa án phải gửi quyết định cho cơ quan, cá nhân theo quy định. Khoản 10 không quy định cụ thể trong thời hạn bao nhiêu ngày thì Cơ quan Thi hành án hình sự… phải gửi hồ sơ cho Tòa án có thẩm quyền…
Trường hợp Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng ra quyết định hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người đang chấp hành thời gian thử thách tại tỉnh Điện Biên và ngược lại, thì thời gian gửi hồ sơ đề nghị và gửi quyết định hủy bỏ sẽ bị kéo dài, sẽ không mang tính kịp thời; trong thời gian chờ đợi quyết định, việc quản lý người chấp hành thời gian thử thách sẽ rất khó khăn (có thể bỏ trốn khỏi nơi cư trú, việc bắt người đó đi chấp hành án sẽ gặp khó khăn).
Theo quan điểm của tác giả, cần sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung Điều 368 BLTTHS theo hướng giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người chấp hành thời gian thử thách cư trú, ra quyết định buộc người vi phạm phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại của bản án (giống như việc ra quyết định rút ngắn thời gian thử thách) sẽ phù hợp hơn và đảm bảo tính kịp thời./.
Nguyễn Hữu Sơn – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(kiemsat.vn)