Trên cơ sở phân tích các quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo pháp luật tố tụng hình sự hiện hành và việc thực hiện các quy định đó trên thực tế, tác giả đề xuất cần có văn bản hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong trường hợp “phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ”.
Quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Theo điểm a khoản 1 Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015: “Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân”.
Các đối tượng trên được xem là các đối tượng có nhân thân liên quan đến Quân đội (các đối tượng do Quân đội quản lý), do đó, khi phạm vào bất kỳ tội gì được quy định trong Bộ luật Hình sự và phạm tội ở bất kỳ nơi đâu thì đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Trước đây, theo quy định tại Mục 1 Phần I Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 (Thông tư số 01/2005) thì thẩm quyền xét xử theo đối tượng của Tòa án quân sự được quy định như sau: “Quân nhân tại ngũ bao gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và quân nhân chuyên nghiệp được quy định trong Luật nghĩa vụ quân sự, Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
Công chức quốc phòng bao gồm những công dân được tuyển dụng vào phục vụ trong Quân đội hoặc từ sĩ quan chuyển sang và do các đơn vị doanh nghiệp Quân đội trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam;
Công nhân quốc phòng bao gồm: Những công dân được tuyển dụng thuộc biên chế của các đơn vị, doanh nghiệp quân đội; những công dân có hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, nếu họ phạm tội khi đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo hợp đồng;
Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, diễn tập hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng động viên, tình trạng sẵn sàng chiến đấu theo quy định của pháp luật về lực lượng dự bị động viên;
Dân quân, tự vệ trong thời gian phối thuộc với Quân đội trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu theo quy định của pháp luật về dân quân, tự vệ;
Những người được trưng tập làm nhiệm vụ quân sự do các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý bao gồm những công dân do nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc do nhiệm vụ quân sự khác được các đơn vị quân đội trưng tập và trực tiếp quản lý họ để đáp ứng các nhu cầu đó”.
Như vậy, so với quy định tại Mục 1 Phần I Thông tư số 01/2005 thì quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015 đã bổ sung thêm đối tượng là “viên chức quốc phòng” và “công dân được điều động hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân”. Quy định này thể hiện sự rõ ràng, tránh trường hợp tranh chấp về thẩm quyền xét xử vụ án hình sự giữa Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự.
Về các đối tượng là người không do Quân đội quản lý và sử dụng, điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015 quy định: “Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ”.
Theo quy định tại Mục 2 Phần I Thông tư số 01/2005 trước đây thì đối tượng phạm tội không thuộc Quân đội quản lý, sử dụng thì vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự nếu: Họ phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội. Theo đó, bí mật quân sự là bí mật của Quân đội, bí mật về an ninh quốc phòng được xác định là bí mật quân sự và được quy định trong các văn bản do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Gây thiệt hại cho Quân đội là gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm của những người quy định tại khoản 1 Điều 3 của Pháp lệnh hoặc tài sản của những người này được Quân đội cấp phát để thực hiện nhiệm vụ quân sự; gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội. Tài sản của Quân đội là tài sản do Quân đội quản lý, sử dụng, kể cả trường hợp Quân đội giao tài sản đó cho dân quân tự vệ hoặc bất kỳ người nào khác quản lý, sử dụng để chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự. Cũng được coi là gây thiệt hại cho Quân đội trong trường hợp người đang bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành hình phạt tù trong nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam do Quân đội quản lý mà lại tiếp tục phạm tội”.
Như vậy, điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015 và mục 2 Phần I của Thông tư số 01/2005 đều xác định những vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc Quân đội quản lý, sử dụng liên quan đến bí mật hoặc gây thiệt hại cho Quân đội thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 quy định bổ sung thêm đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự là trường hợp cá nhân “phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ”. Quy định này bảo đảm được về đối tượng phạm tội do Tòa xét xử, nhưng việc xác định thế nào là phạm tội trong doanh trại Quân đội và khu vực quân sự gặp khá nhiều khó khăn. Do vậy, cần phải có các văn bản hướng dẫn áp dụng trường hợp này.
Về các đối tượng trong trường hợp thiết quân luật, khoản 2 Điều 272 BLTTHS năm 2015 quy định: “Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật”.
Đây là quy định mới, thể hiện sự tiến bộ của BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật của Tòa án quân sự, có tính chất dự báo và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đối với những người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội hoặc những người đang phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trước khi vào Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân xét xử.
Việc thực hiện thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Điều 272 BLTTHS năm 2015 quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cơ bản đã khắc phục được những điểm bất cập, hạn chế của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 và phù hợp với các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn một số vướng mắc sau:
Trên thực tế, việc xác định phạm tội trong doanh trại quân đội rất dễ xác định. Các vụ án xảy ra trong doanh trại Quân đội như Ban Chỉ huy quân sự huyện, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bệnh viện Quân y… có khuôn viên bảo vệ, xác định được rõ địa điểm phạm tội và hành vi phạm tội ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của các đơn vị Quân đội. Tuy nhiên, việc xác định thế nào là “khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ” trong thực tế cũng gặp vướng mắc. Khu vực quân sự của Quân đội có nhiều nơi khác nhau như: Kho tàng, nhà xưởng, đất đai có gắn biển quản lý và có người bảo vệ; các khu vực huấn luyện, diễn tập quân sự hoặc các khu vực Quân đội trưng dụng tạm thời để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh hoặc các đơn vị kinh tế quốc phòng của Quân đội, trường bắn, Đoàn an điều dưỡng... có diện tích rộng lớn. Điều này dẫn đến việc khó xác định địa điểm phạm tội cụ thể; hành vi phạm tội đó có lúc không gây thiệt hại và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của đơn vị quân đội, thậm chí, trong cùng một doanh trại Quân đội và khu vực quân sự vẫn có trường hợp việc quản lý, bảo vệ là do các đơn vị trong và ngoài Quân đội.
Ví dụ: A và B đều là dân thường, vào khu vực đất của Trường bắn quân sự đang quản lý, đánh nhau dẫn đến chết người thì thẩm quyền do Tòa án nhân dân hay Tòa án quân sự giải quyết? Vụ án này hiện có hai quan điểm giải quyết như sau:
Quan điểm thứ nhất: Nếu hành vi phạm tội xảy ra trong khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ thì Tòa án quân sự xét xử.
Quan điểm thứ hai: Trường hợp phạm tội trong khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ nhưng không gây mất trật tự, không gây thiệt hại gì cho Quân đội thì Tòa án nhân dân có thể xét xử vụ án.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, vì theo quy định tại khoản điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015 thì mọi trường hợp phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ đều thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, bất kể hành vi phạm tội đó có gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị Quân đội, liên quan đến bí mật quân sự hay gây thiệt hại đến đơn vị Quân đội hay không. Việc xem hành vi phạm tội có gây ảnh hưởng thiệt hại cho Quân đội hay không làm tiêu chí để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự hay Tòa án nhân dân đối với các hành vi phạm tội trong khu vực quân sự theo tác giả là chưa hợp lý. Hậu quả có thể là hậu quả về vật chất và phi vật chất; hậu quả về vật chất thường dễ xác định được còn hậu quả phi vật chất thường khó khác định. Nhiều vụ án xảy ra tại khu vực quân sự không chỉ gây hậu quả về vật chất mà còn bao gồm hậu quả phi vật chất, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng thời cũng tránh việc không xác định được thẩm quyền xét xử giữa Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân khi có hành vi phạm tội trong doanh trại Quân đội.
Doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự bao gồm nhiều yếu tố bí mật quân sự như: Địa điểm đóng quân; phiên hiệu; mật danh đơn vị; số liệu về quân số, vũ khí… Do vậy, không phải ai cũng có thể tiếp cận hoặc có thể ra vào, kể cả nhằm thu thập chứng cứ, tài liệu, khám nghiệm hiện trường… đối với vụ án xảy ra trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự. Ngay trong Quân đội, cũng chỉ cho phép một số cá nhân thuộc đơn vị, cơ quan nhất định trong Quân đội mới được phép tiếp cận đối với doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự chứa đựng nhiều nội dung cơ mật liên quan đến bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Một yêu cầu khác được đặt ra đối với những người tiến hành tố tụng trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự là phải nắm vững kiến thức quân sự, quốc phòng, để khi thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự. Do vậy, cần có các văn bản hướng dẫn áp dụng về trường hợp này.
Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lý luận, phân tích các quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo pháp luật tố tụng hình sự hiện hành và thực hiện các quy định đó trên thực tế, chúng tôi đề xuất cần có các văn bản hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong trường hợp “phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ”, dựa trên sự kế thừa những quy định còn giá trị của Thông tư số 01/2005 và căn cứ theo một số quy định mới của BLTTHS năm 2015 cho phù hợp. Theo đó, cần quy định rõ các khái niệm sau:
“Doanh trại Quân đội là nơi các cơ quan, đơn vị của Quân đội đóng quân, làm việc và sinh hoạt được Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
Khu vực quân sự là các khu vực có kho tàng, nhà xưởng, đất đai... hoặc các khu vực huấn luyện, diễn tập quân sự hoặc các khu vực trưng dụng tạm thời được Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền”.
Việc quy định rõ thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự sẽ góp phần bảo vệ tối đa sức mạnh chiến đấu của Quân đội, phù hợp với các đặc điểm về tổ chức, hoạt động của Quân đội. Phân định rõ thẩm quyền xét xử của Tòa án nói chung và của Tòa án quân sự nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho việc xét xử khách quan, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; bảo vệ quyền con người, quyền công dân./.
Ths. Đinh Minh Lượng, Ths. Đặng Thế Thanh