CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Bàn về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”

19/10/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Thông qua việc tìm hiểu quy định của một số quốc gia trên thế giới, tác giả bình luận 04 yếu tố cấu thành tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, từ đó kiến nghị: Đổi tên tội danh thành tội “Sử dụng người dưới 18 tuổi vào các hoạt động khiêu dâm”; Bổ sung dấu hiệu pháp lý “phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy về người dưới 18 tuổi” vào hành vi khách quan của tội phạm.

Để tìm hiểu tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, trước hết cần phải xác định được thuật ngữ khiêu dâm là gì.

Nghị định thư không bắt buộc bổ sung Công ước về quyền trẻ em về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em năm 2000 đã đưa ra định nghĩa về văn hóa phẩm khiêu dâm, theo đó: “Văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em nghĩa là bất kỳ sự trình bày nào, bằng bất kỳ phương tiện gì, về trẻ em tham gia vào các hoạt động tình dục một cách thực sự hoặc mô phỏng, hay bất cứ sự trình bày nào về các cơ quan sinh dục của trẻ em, mà chủ yếu là nhằm các mục đích tình dục”.

Hiện nay, có một số văn bản pháp lý của Việt Nam đã định nghĩa về khiêu dâm. Theo đó, khoản 5 Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (sau đây gọi là Nghị định số 178/2004) giải thích về thuật ngữ khiêu dâm như sau: “Khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục”. Trong khi đó, Thông tư số 09/2010/TT-BVHTTDL ngày 24/8/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa định nghĩa cụ thể, rõ ràng hơn: “Khiêu dâm là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, bao gồm: Mô tả bộ phận sinh dục, khỏa thân, mô tả khỏa thân hoặc không khỏa thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức”.

Điều 147 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” như sau: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khái niệm “trình diễn khiêu dâm” và “trực tiếp chứng kiến trình diễn khiêu dâm” đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS năm 2015 và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (sau đây gọi là Nghị quyết số 06/2019), theo đó: “Trình diễn khiêu dâm là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức”; còn “trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức”.

Tham khảo BLHS một số nước có thể thấy, Điều 8 Chương 6 BLHS Thuỵ Điển quy định về tội danh này như sau: “Người nào khuyến khích hoặc bóc lột trẻ dưới 15 tuổi thực hiện hoặc tham gia vào việc trình diễn khiêu dâm thì bị phạt tiền hoặc phạt tù đến hai năm về tội “Bóc lột trẻ em trình diễn khiêu dâm”. Tại Điều 10a Chương 16 BLHS Thụy Điển quy định: “Người nào vẽ chân dung trẻ em trong các bức tranh khiêu dâm hoặc phổ biến, chuyển giao, trưng bày hoặc bằng các hình thức khác nhằm phổ biến các hình ảnh khiêu dâm đó cho người khác hoặc mua, đề nghị mua các hình ảnh khiêu dâm của trẻ em hoặc làm trung gian giữa người mua và người bán hình ảnh khiêu dâm trẻ em, hoặc thực hiện các biện pháp để thúc đẩy việc mua bán, chiếm hữu bức tranh đó hoặc sở hữu hoặc xem hình ảnh khiêu dâm trẻ em thì phạm tội khiêu dâm trẻ em và bị phạt tù đến hai năm. Như vậy có thể thấy, tội phạm về khiêu dâm trẻ em được BLHS Thụy Điển quy định trong 02 tội danh là tội “Bóc lột trẻ em trình diễn khiêu dâm” và tội “Khiêu dâm trẻ em”. Về mặt nội dung, có sự tương đồng nhất định giữa BLHS Thụy Điển và chuẩn mực quốc tế đối với dấu hiệu không thể thiếu của các tội phạm về khiêu dâm trẻ em. Đó là hành vi “khuyến khích hoặc bóc lột trẻ em thực hiện hoặc tham gia vào việc trình diễn khiêu dâm”. Về đối tượng bị xâm hại của tội phạm, BLHS Thụy Điển quy định gồm: Trẻ em dưới 15 tuổi hoặc trẻ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu tính chất của việc trình diễn có thể gây nguy hại cho sức khỏe hoặc cho sự phát triển của trẻ em đối với tội “Bóc lột trẻ em” trình diễn khiêu dâm; trẻ em đang trong giai đoạn dậy thì hoặc người dưới 18 tuổi đối với tội “Khiêu dâm trẻ em”.

Tại Nhật Bản, theo khoản 3 Điều 2 Đạo luật về quy định và trừng phạt các hành vi liên quan đến mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em và nhằm mục đích bảo vệ trẻ em đã đưa ra khái niệm “khiêu dâm trẻ em”. Theo đó “khiêu dâm trẻ em” được định nghĩa là hình ảnh, phương tiện ghi hình có chứa các bản ghi điện tử hoặc từ tính (có nghĩa là bản ghi được sử dụng trong xử lý thông tin trên máy vi tính được tạo ở dạng điện tử, từ tính hoặc bất kỳ hình thức nào khác không thể cảm nhận được bằng các giác quan của con người) hoặc bất kỳ phương tiện nào sau đây mô tả hình ảnh của trẻ em, dưới dạng có thể nhận biết bằng giác quan: Bất kỳ hình ảnh nào về quan hệ tình dục hoặc bất kỳ hành vi nào tương tự như quan hệ tình dục với trẻ em hoặc giữa trẻ em; bất kỳ hình ảnh nào về trẻ em có cơ quan sinh dục bị người khác chạm vào hoặc trẻ em chạm vào cơ quan sinh dục của người khác nhằm khơi dậy hoặc kích thích ham muốn tình dục; bất kỳ hình ảnh nào của trẻ em khỏa thân toàn bộ hoặc một phần, trong đó các bộ phận cơ thể tình dục của trẻ em (cơ quan sinh dục hoặc các bộ phận xung quanh, mông hoặc ngực) bị phô bày hoặc nhấn mạnh nhằm khơi dậy hoặc kích thích ham muốn tình dục.

Như vậy, từ quy định của BLHS một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam, có thể để đưa ra khái niệm sau: Tội “Sử dụng nguời dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do nguời từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý bằng cách thức lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc nguời duới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.

Các dấu hiệu pháp lý của tội “sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Khách thể

Khách thể của tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” là danh dự, nhân phẩm của con người, sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý và thể chất của người dưới 16 tuổi. Việc sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm tuy không trực tiếp xâm phạm đến quyền tự do tình dục nhưng có khách thể tương tự như các tội về xâm hại tình dục khác.

Đối tượng tác động của tội phạm này bắt buộc là người dưới 16 tuổi và không phân biệt là nam hay nữ. Quy định này phù hợp với Điều 1 Luật trẻ em năm 2016: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Theo đó, người dưới 16 tuổi được xem là chưa thành niên, thuộc nhóm đối tượng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương, cần có sự chăm sóc, giáo dục và bảo vệ an toàn từ gia đình và xã hội. Do đó, nếu nạn nhân từ đủ 16 tuổi trở lên thì sẽ không cấu thành tội phạm này.

Mặt khách quan

Căn cứ vào khoản 1 Điều 147 BLHS năm 2015 thì có hai nhóm hành vi khách quan của tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” như sau:

- Nhóm hành vi thứ nhất là “lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm”. Việc “lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc” thực chất là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để buộc người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Theo đó, lôi kéo là việc sử dụng hành động, cử chỉ hoặc lời nói làm cho người khác nghe theo hoặc tin tưởng mà tự nguyện làm theo một việc gì đó; dụ dỗ là việc dùng lời nói hoặc lời hứa hẹn về những quyền lợi mà nạn nhân sẽ được nhận để người đó nghe và làm theo; ép buộc là việc dùng hành động, lời nói, thái độ hung hãn… để buộc người khác phải làm theo một việc trái với ý muốn chủ quan của họ. Thông thường, ép buộc là hành vi gây ảnh hưởng nhiều nhất và cũng để lại tác động nặng nề nhất cho nạn nhân.

Về việc hiểu thế nào là trình diễn khiêu dâm, theo khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 06/2019: Trình diễn khiêu dâm là “hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục (bao gồm giao cấu, thủ dâm và các hành vi tình dục khác) dưới mọi hình thức”. Ở đây, người phạm tội thường sử dụng các thủ đoạn nêu trên để nạn nhân thực hiện các động tác mang tính khiêu dâm như trong hướng dẫn của Nghị quyết số 06/2019; hoặc thực hiện các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc nhằm làm cho người dưới 16 tuổi phải tham gia vào các buổi trình diễn khiêu dâm. Theo Nghị quyết số 06/2019 cũng như thực tế hiện nay, các buổi trình diễn khiêu dâm có thể là múa khỏa thân, biểu diễn thời trang phản cảm, thậm chí là hình thức bày đồ ăn trên người mẫu khỏa thân… Đồng thời, cần tách bạch rõ giữa hành vi khiêu dâm và hành vi quan hệ tình dục như “giao cấu” hoặc “các hành vi quan hệ tình dục khác”. Bởi lẽ, mục đích của hành vi khiêu dâm là biểu diễn, trình diễn công khai trước nhiều người, thực hiện những hành động phản cảm nhằm kích thích sự ham muốn tình dục cho người xem. Nói một cách đơn giản thì đây là sự phô diễn cơ thể của người dưới 16 tuổi theo ý chí chủ quan của người phạm tội nhằm khêu gợi, kích thích sự ham muốn tình dục từ người xem, chứ không nhằm giao cấu hoặc thỏa mãn tình dục trực tiếp như hành vi giao cấu hay hành vi quan hệ tình dục khác.

- Nhóm hành vi thứ hai là “lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm”.

Để áp dụng Điều 147 BLHS năm 2015 được chính xác và thống nhất trên thực tế, Nghị quyết số 06/2019 hướng dẫn: “Trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1 Điều 147 của BLHS là trường hợp người dưới 16 tuổi trực tiếp chứng kiến người khác trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức”.

Đồng thời, Nghị quyết số 06/2019 cũng làm rõ những hình thức biểu hiện của trình diễn khiêu dâm và trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm, bao gồm:

“a) Trực tiếp trình diễn khiêu dâm trước mặt người dưới 16 tuổi hoặc dụ dỗ người dưới 16 tuổi trực tiếp trình diễn khiêu dâm;

b) Chiếu trực tiếp cảnh trình diễn khiêu dâm có sự tham gia của người dưới 16 tuổi;

c) Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi tự chụp, quay lại cảnh trình diễn khiêu dâm của mình sau đó phát tán;

d) Dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc người dưới 16 tuổi khỏa thân và truyền tải trực tiếp âm thanh, hình ảnh qua internet (livestream);

đ) Trình chiếu các ấn phẩm đồi trụy có sử dụng người dưới 16 tuổi hoặc hình ảnh mô phỏng người dưới 16 tuổi (hoạt hình, nhân vật được tạo ra bằng công nghệ số);

e) Mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết này;

g) Các hình thức biểu hiện khác của trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm”.

Cần lưu ý, đối với hình thức “mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người” không phải trong mọi trường hợp đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 06/2019 thì người làm công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người thì không bị xử lý hình sự, bởi vì mục đích trong các trường hợp này là vì giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế theo quy định của pháp luật.

Chủ thể

Chủ thể của tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” chỉ là cá nhân. Ngoài ra, tội phạm này có dấu hiệu chủ thể đặc biệt - phải là người đủ 18 tuổi trở lên.

Mặt chủ quan

Đối với tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, có thể dựa vào dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm để khẳng định hình thức lỗi là cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi ép buộc, dụ dỗ, lôi kéo người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm xâm hại đến danh dự, nhân phẩm, sự phát triển bình thường về tâm, sinh lý, thể chất của người dưới 16 tuổi, tức là nhận thức rõ hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, có đủ điều kiện để lựa chọn một hành vi khác phù hợp nhưng vẫn thực hiện tội phạm, đây là dấu hiệu lý trí của lỗi cố ý.

Kiến nghị hoàn thiện quy định về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”

Về tên tội danh

Khi xem xét tên tội danh “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm”, chúng tôi thấy:

Thứ nhất, xét về đối tượng tác động của tội danh, quy định của BLHS năm 2015 về tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” cần có chế tài bảo vệ người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Theo Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em được thông qua ngày 20/11/1989 tại Viên (Áo) thì:“Trong phạm vi của Công ước này, trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Bên cạnh đó, thực tiễn lập pháp hình sự của nhiều quốc gia như Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Thụy Điển đều có chế tài bảo vệ người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trước những hành vi khiêu dâm. Đặc biệt, nạn nhân của tội phạm khiêu dâm trong BLHS Nhật Bản không những là trẻ em, mà còn bao gồm người đã thành niên.

So sánh với Công ước về quyền trẻ em cũng như pháp luật của đa số các quốc gia trên thế giới, quy định về độ tuổi của trẻ em trong luật hình sự Việt Nam có sự khác biệt nhất định. Việc quy định người dưới 16 tuổi trong Điều 147 BLHS năm 2015 là hoàn toàn tương thích với Luật trẻ em năm 2016. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc các hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến trình diễn khiêu dâm sẽ không cấu thành tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc BLHS năm 2015 chỉ bảo vệ người dưới 16 tuổi trước những hành vi khiêu dâm chưa đáp ứng được yêu cầu về đối tượng tác động của hành vi khiêu dâm trẻ em theo chuẩn mực quốc tế.

Trong khi đó, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật Việt Nam là người chưa thành niên, thể chất và tâm sinh lý chưa thật sự phát triển và hoàn thiện đầy đủ. Đồng thời, một số tội xâm hại tình dục trẻ em trong BLHS năm 2015 đã quy định khung hình phạt cụ thể nhằm bảo vệ tốt hơn cho các đối tượng từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi như: Khoản 4 Điều 141 BLHS năm 2015: “Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm” hay khoản 4 Điều 143 BLHS năm 2015: “Cưỡng dâm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”. Như vậy, việc chưa có chế tài nhằm bảo vệ người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trước các hành vi phạm tội khiêu dâm là một hạn chế lớn trong quy định hiện hành.

Thứ hai, xét về mục đích của tội phạm, tên tội danh “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” khiến nhiều người nhầm lẫn rằng mục đích khiêu dâm là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm, vì thế cần sử dụng cụm từ khác thay cho cụm từ “vào mục đích khiêu dâm”.

Luật hình sự Việt Nam quy định mục đích là dấu hiệu định tội trong một số cấu thành tội phạm. Xét về mặt hình thức, thông thường mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm sẽ tồn tại dưới hai dạng sau:

- Mục đích được thể hiện ngay trong tên tội danh và thường theo sau các từ “nhằm”, “để”, “vì mục đích”… hoặc không theo sau bất kỳ từ gì như tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 109 BLHS năm 2015) có mục đích là nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”(Điều 174 BLHS năm 2015) có mục đích là chiếm đoạt tài sản, tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” (Điều 187 BLHS năm 2015) có mục đích là thương mại, tội “Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật” (Điều 285 BLHS năm 2015) có mục đích là trái pháp luật…

- Mục đích không được thể hiện ngay trong tên tội danh mà được thể hiện trong nội dung của điều luật hoặc được suy ra từ hành vi khách quan của tội phạm như tội “Bạo loạn” (Điều 112 BLHS năm 2015) có mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, tội “Khủng bố” (Điều 299 BLHS năm 2015) có mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, tội “Đầu cơ” (Điều 196 BLHS năm 2015) có mục đích nhằm thu lợi bất chính…

Đối chiếu với hai hình thức trên, tên tội danh “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” đang được xây dựng theo hình thức thứ nhất, do đó có thể hiểu là bắt buộc phải có mục đích khiêu dâm mới cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội này. Người phạm tội chỉ cần thực hiện một trong các hành vi khách quan được mô tả tại Điều 147 BLHS năm 2015 với bất kì mục đích gì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này. Việc quy định tên tội danh với cụm từ “vào mục đích khiêu dâm” được xem là một bất cập lớn cần phải thay đổi nhằm tạo nên sự thống nhất khi áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tế, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm hay làm oan người vô tội. Thay vì cụm từ “vào mục đích khiêu dâm”, chúng tôi đề xuất sử dụng cụm từ “vào các hoạt động khiêu dâm” nhằm tránh sự nhầm lẫn, đồng thời thể hiện được bản chất của tội danh.

Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi tên tội danh đối với Điều 147 - Tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” thành tội “sử dụng người dưới 18 tuổi vào các hoạt động khiêu dâm”.

Các dấu hiệu pháp lý của tội phạm

Về cơ bản, BLHS năm 2015 đã đáp ứng được yêu cầu hình sự hóa hành vi sử dụng trẻ em trong các cuộc biểu diễn khiêu dâm (hành vi thứ nhất) được đề cập trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Điều 147 BLHS năm 2015 đã hình sự hóa hành vi sử dụng trẻ em trong các cuộc biểu diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, hành vi thứ hai “sản xuất, phân phối, phổ biến, nhập khẩu, xuất khẩu, chào mời, bán hay sở hữu ấn phẩm khiêu dâm trẻ em” lại chưa được quy định cụ thể. Bởi lẽ, đối với tội “Truyền bá văn hóa phẩm đối trụy” tại Điều 326 BLHS năm 2015, ngoài hành vi khách quan “làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy” thì mục đích “phổ biến văn hóa phẩm đối trụy” cũng là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Trong trường hợp một người thực hiện một trong các hành vi đó nhưng không nhằm mục đích “phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy” thì không cấu thành tội phạm và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, theo chuẩn mực quốc tế thì việc thực hiện một trong các hành vi “sản xuất, phân phối, phổ biến, nhập khẩu, xuất khẩu, chào mời, bán hay sở hữu ấn phẩm khiêu dâm trẻ em” đã bị coi là phạm tội khiêu dâm trẻ em. Có thể thấy, quy định này của các điều ước quốc tế là hoàn toàn hợp lý. Bởi lẽ, ngay từ khi một người thực hiện một trong các hành vi nêu trên dù có nhằm mục đích “phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy” hay không thì cũng đều trực tiếp hoặc gián tiếp tác động và tiếp tay cho các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, biến trẻ em trở thành nạn nhân của các hoạt động khiêu dâm, xâm phạm đến quyền được tôn trọng về danh dự, nhân phẩm và các quyền được quy định tại các điều 19, 32, 34, 39 Công ước về quyền trẻ em. Cùng với đó, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Cộng hòa liên bang Đức, Thụy Điển, Nhật Bản đã hình sự hóa đối với hành vi “sản xuất, phân phối, phổ biến, nhập khẩu, xuất khẩu, chào mời, bán hay sở hữu ấn phẩm khiêu dâm trẻ em” mà không quy định mục đích “phổ biến” là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Trong đó, Nhật Bản quy định các hành vi “phân phối, bán hoặc công khai trưng bày các tài liệu có tính chất khiêu dâm dưới dạng viết, tranh ảnh hoặc các sản phẩm khác” đều bị coi là tội phạm.

Như vậy, có thể thấy BLHS năm 2015 chưa hình sự hóa đầy đủ các hành vi khách quan của tội phạm khiêu dâm trẻ em được đề cập trong các văn bản pháp lý quốc tế. Do đó, để phù hợp với chuẩn mực quốc tế về hình sự hóa các hành vi khiêu dâm trẻ em, đồng thời trên cơ sở học tập kinh nghiệm lập pháp hình sự của một số quốc gia trên thế giới, để có chế tài bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất, chúng tôi cho rằng đối với tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” (Điều 326 BLHS năm 2015), trong cấu thành tội phạm không cần quy định mục đích nhằm “phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy” là dấu hiệu bắt buộc.

Ngoài ra, đối với tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”, chỉ mới có một tình tiết định khung tăng nặng là “phổ biến cho người dưới 18 tuổi” tại điểm e khoản 2 Điều 326 BLHS năm 2015 mà chưa quy định về hành vi “làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy về người dưới 18 tuổi”. Việc BLHS năm 2015 không tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy về trẻ em là không thỏa đáng và chưa thật sự có hiệu quả trong việc bảo vệ quyền trẻ em. Bởi lẽ, văn hóa phẩm đồi trụy có sự tham gia của trẻ em có tính chất nghiêm trọng hơn rất nhiều so với văn hóa phẩm đồi trụy có sự tham gia của người đã thành niên, vì vậy cần phải có một chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi này. Do đó, chúng tôi cho rằng nên bổ sung tình tiết “văn hóa phẩm đồi trụy về người dưới 18 tuổi” làm dấu hiệu định khung tăng nặng của tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” tại Điều 326 BLHS năm 2015 nhằm bảo vệ tối ưu quyền trẻ em.

Như vậy, tiếp thu quan điểm của các văn bản pháp lý quốc tế cùng với một số quốc gia trên thế giới, chúng tôi cho rằng BLHS năm 2015 chưa hình sự hóa đầy đủ các hành vi khách quan của tội phạm khiêu dâm trẻ em. Tuy nhiên, chúng tôi không đề xuất sửa đổi các quy định của tội “Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” mà đề xuất bỏ mục đích “phổ biến văn hóa phẩm đồi trụy” là dấu hiệu bắt buộc định tội của tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy”; đồng thời, và bổ sung quy định “văn hóa phẩm đồi trụy về người dưới 18 tuổi” làm dấu hiệu định khung tăng nặng của tội này./.

Ths. Lê Xuân Lục

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm