CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Bình luận tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã

13/09/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Bài viết này tập trung nghiên cứu, phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, từ đó kiến nghị một số vấn đề chưa rõ để giúp các cơ quan...

Bài viết này tập trung nghiên cứu, phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, từ đó kiến nghị một số vấn đề chưa rõ để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng áp dụng thuận lợi hơn.

Nếu như trước đây, theo Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã chỉ được quy định chung với hành vi bảo vệ rừng, thì BLHS năm 1999 đã có riêng một điều luật về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý, hiếm; đến nay, BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là BLHS năm 2015) đã có hai điều luật quy định về tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, đó là: Điều 234 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã) tại Chương XVIII BLHS năm 2015 (Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), Điều 244 (Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) tại Chương XIX BLHS năm 2015 (Các tội phạm về môi trường).

Điều 234 BLHS năm 2015 quy định hành vi xâm phạm động vật hoang dã thuộc nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES), thì ở Điều 244 BLHS năm 2015 quy định hành vi xâm phạm động vật thuộc nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước CITES.

Điều 190 BLHS năm 1999 chỉ quy định một tội danh, với mức hình phạt tối đa chỉ đến 07 năm tù, thì nay với hai điều luật mà người phạm tội bị kết án cả hai tội, mức hình phạt tối đa có thể đến 27 năm tù. Đây là quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện Công ước CITES mà Việt Nam đã tham gia.

Sau khi BLHS năm 2015 được Quốc hội thông qua, ngày 24/02/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã kịp thời ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT quy định Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES. Đây là văn bản quan trọng để các cơ quan chức năng xử lý hành chính và các cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo khi xác định hành vi phạm tội theo Điều 234 và Điều 244 BLHS năm 2015.

So với Điều 190 BLHS năm 1999, thì Điều 234 BLHS năm 2015 quy định chi tiết hơn, rõ ràng hơn; đã lượng hóa các trường hợp phạm tội, tạo thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử như: Quy định trị giá và số lượng động vật hoang dã; động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của loài động vật; bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống cùng loại của động vật làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự.

1. Cấu thành tội phạm của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã

Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này không chỉ có thể nhân (người phạm tội), mà có cả pháp nhân thương mại.

Theo quy định của Điều 12 BLHS năm 2015, chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm, còn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Đối với trường hợp người chuẩn bị phạm tội cũng không phải là chủ thể của tội phạm này (theo quy định tại khoản 2 Điều 13 BLHS năm 2015).

Ngoài các yếu tố về tuổi, người phạm tội này phải thỏa mãn các điều kiện về năng lực trách nhiệm hình sự như: Không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Tuy nhiên, người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 234 BLHS năm 2015 thì mới cần xác định người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính hay chưa, còn các điểm khác quy định tại khoản 1 của điều luật không cần xác định người phạm tội đã bị xử phạt hành chính.

Theo quy định tại Điều 75 BLHS năm 2015, pháp nhân thương mại chỉ là chủ thể của tội phạm này khi hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; vì lợi ích của pháp nhân thương mại; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015.

Pháp nhân thương mại đã bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm c khoản 1 Điều 234 BLHS năm 2015 là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại Điều 234, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 234.

Khách thể

Điều 234 BLHS năm 2015 thuộc Chương XVIII (Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế), nên khách thể của tội phạm này phải là các quan hệ về “trật tự quản lý kinh tế”, mà cụ thể là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”.

Rõ ràng, khách thể bị xâm phạm chủ yếu là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. “Trật tự quản lý kinh tế” cũng chỉ là cái mà người phạm tội thông qua nó để xâm phạm đến một quan hệ cụ thể hơn, đó là “các quy định về bảo vệ động vật hoang dã”.

Vì vậy, chúng tôi cho rằng, nên quy định tội phạm này trong Chương XIX (Các tội phạm về môi trường) cho phù hợp với tính chất của hành vi phạm tội, phù hợp với Công ước CITES và các văn bản khác của Nhà nước.

Theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 thì đối tượng tác động của tội phạm này là: Động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP (Nghị quyết số 05/2018) ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của BLHS, động vật hoang dã khác quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015 là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã, nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước CITES:

Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể. Ví dụ: Cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân.

Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết. Ví dụ: Đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...

Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Ví dụ: Thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...; động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến. Ví dụ: Cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã.

Mặt khách quan

- Hành vi khách quan:

Theo quy định của Điều 234 BLHS năm 2015 thì người phạm tội có thể thực hiện một hoặc một số hành vi khách quan sau:

Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã thuộc Danh mục nêu trên.

Như vậy, hành vi khách quan của Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã không có hành vi chiếm đoạt, mà nếu người phạm tội có hành vi chiếm đoạt thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu.

Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2018, hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là trường hợp người hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của BLHS.

Hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015.

Đối với hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có từ trước ngày 01/01/2018 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nhằm mục đích buôn bán, thu lợi bất chính.

Trường hợp trong cùng một vụ án, nếu thu giữ được nhiều loài động vật hoang dã thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES nếu chưa đủ trị giá theo từng lớp quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015, thì xử lý như thế nào? (Nghị quyết số 05/2018 cũng chỉ hướng dẫn trường hợp này theo Điều 244, còn Điều 234 chưa có hướng dẫn).

- Hậu quả:

Hậu quả của hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật; tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES là những thiệt hại về vật chất và phi vật chất.

Những thiệt hại về vật chất điều luật đã quy định trường hợp nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn thiệt hại phi vật chất thì điều luật không thể quy định và cơ quan tiến hành tố tụng cũng khó xác định.

Khi xác định thiệt hại do hành vi phạm tội theo Điều 234 BLHS năm 2015 gây ra, cần phải chú ý đến mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả để xác định hành vi đã cấu thành tội phạm hay chưa? Nếu thiệt hại không phải do hành vi phạm tội gây ra thì không được tính để xác định là dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Nếu thiệt hại về vật chất theo quy định tại các khoản của điều luật thì cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định, không được căn cứ vào trị giá hàng phạm pháp vào thời điểm xâm phạm hay theo giá thị trường của từng địa phương hoặc trị giá hàng phạm pháp mà người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại mua bán.

Mặt chủ quan

Người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã là do cố ý. Nếu có căn cứ cho rằng, người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã là do vô ý, thì tùy trường hợp người hoặc pháp nhân thương mại phạm  tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 BLHS năm 2015.

Hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã có nhiều động cơ, mục đích khác nhau, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng chủ yếu là vì lợi nhuận. Ngoài ra, còn có những động cơ khác như vì thành tích, vì vụ lợi như muốn thăng quan, tiến chức hoặc vì nể nang... Tuy nhiên, động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, mà chỉ có ý nghĩa xem xét khi quyết định hình phạt.

2. Các trường hợp phạm tội cụ thể

2.1. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015

Người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các điểm sau nếu: 

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thu lợi bất chính hoặc trị giá dưới mức quy định tại điểm a, điểm b nêu trên nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 234 hoặc đã bị kết án về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b hoặc c nêu trên là thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 234 BLHS năm 2015 thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Còn đối với pháp nhân thương mại thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng; là tội phạm ít nghiêm trọng.

Khi quyết định mức hình phạt cụ thể, Tòa án phải căn cứ vào Điều 50 BLHS năm 2015 (căn cứ quyết định hình phạt) và các quy định đối với pháp nhân phạm tội quy định tại Chương XI BLHS năm 2015 về những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội, đặc biệt là quy định về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội được quy định từ Điều 77 đến Điều 88 BLHS năm 2015.

Nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã có trị giá càng thấp hoặc thu lợi bất chính với số tiền càng ít thì mức hình phạt càng nhẹ và ngược lại.

Vì là tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và với tinh thần là mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền, do đó, Tòa án nên áp dụng hình phạt tiền là hình phạt phổ biến đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại, nếu chỉ phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 234 BLHS năm 2015. Chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội trong trường hợp trị giá hàng phạm pháp từ 400.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc động vật hoang dã khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 150.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có tình tiết giảm nhẹ nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể.

2.2 Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015

a) Có tổ chức: Cũng như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Trong vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã có tổ chức, tuỳ thuộc vào quy mô và tính chất mà có thể có những người giữ vai trò khác nhau như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ; nếu không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện tội phạm; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng.

Khi áp dụng tình tiết phạm tội này, cần chú ý: Đối với pháp nhân thương mại mà vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã thì không bị coi là tình tiết định khung hình phạt vì người phạm tội chính là người đại diện của pháp nhân thương mại và họ đã là người có chức vụ, quyền hạn rồi. Chức vụ, quyền hạn của họ chính là dấu hiệu định Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nên không còn là dấu hiệu định khung hình phạt nữa.

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức: Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để phạm Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã là trường hợp người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”. Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này là thông qua các hợp đồng mua bán.

d) Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm: Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm là sử dụng các loại vũ khí, tên tẩm thuốc độc, chất nổ, chất độc, đào hầm, hố, cắm chông, bẫy kiềng lớn, bẫy cắm chông, bẫy gài lao, bẫy điện, bẫy sập, khúc gỗ lớn, răng sắt lớn hoặc các công cụ, phương tiện nguy hiểm khác mà cơ quan có thẩm quyền quy định không được phép sử dụng để săn bắt.

Sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 05/2018.

đ) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm: Săn bắt trong khu vực bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm trong khu bảo tồn, vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan hoặc săn bắt trong các khu vực khác có quy định cấm theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền (1).

e) Vận chuyển, buôn bán qua biên giới: Vận chuyển, mua bán động vật hoang dã qua biên giới là đem động vật hoang dã từ nước này qua nước khác dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều luật chỉ quy định “qua biên giới” mà không giới hạn qua biên giới Việt Nam với các nước có biên giới với Việt Nam, do đó, khi xác định trường hợp phạm tội này, ngoài hành vi vận chuyển, buôn bán qua biên giới Việt Nam với các nước có biên giới với Việt Nam thì còn bao gồm hành vi vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã từ một nước không phải từ Việt Nam sang một nước thứ ba. Ví dụ: Vận chuyển từ Thái Lan sang Trung Quốc, từ Myanma sang Philippin,…

g) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc của động vật hoang dã khác trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Còn nếu là động vật hoang dã khác không thuộc Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES thì phải có trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

h) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng: Thu lợi bất chính là việc người phạm tội bỏ ra một số tiền “vốn” để mua bán động vật hoang dã rồi đem bán lấy một khoản tiền “lời” sau khi đã trừ các khoản chi phí.

Tuy nhiên, BLHS năm 2015 chưa quy định thế nào là thu lợi bất chính, nên khi áp dụng tình tiết phạm tội này cần phân biệt với khái niệm thu lợi bất chính khác, trong đó có cả khoản tiền mà người phạm tội chiếm đoạt hoặc nhận hối lộ.

Cũng không coi là thu lợi bất chính số tiền lời hợp pháp, được các cơ quan nhà nước (cơ quan thuế hoặc cơ quan tài chính cho phép người phạm tội được hưởng chênh lệch).

i) Tái phạm nguy hiểm: Cũng như các trường hợp “tái phạm nguy hiểm” được quy định trong các tội phạm khác, chỉ cần người phạm tội có đủ các dấu hiệu quy định tại khoản 2 Điều 53 BLHS năm 2015 là đã bị coi là tái phạm nguy hiểm, mà không cần phải bị kết án về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã thuộc trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã” thuộc trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, hoặc đã tái phạm về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm i, thì bị áp dụng khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015 và bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, là tội phạm nghiêm trọng.

Khi áp dụng khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015 cần chú ý:

Mặc dù khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015 là tội phạm nghiêm trọng nhưng vẫn quy định hình phạt tiền, điều này thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước ta đối với các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là áp dụng hình phạt tiền vẫn là hình phạt phổ biến. Chỉ nên áp dụng hình phạt tù đối với người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015, nhất là tình tiết “tái phạm nguy hiểm”.

Ngoài việc phải căn cứ vào Điều 50 BLHS năm 2015, nếu các tình tiết khác của vụ án như nhau thì người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015 sẽ bị áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h và i khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015 thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng. Việc nhà làm luật không quy định pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điểm b, c là vì các tình tiết này đã là dấu hiệu định tội đối với pháp nhân thương mại.

Nếu pháp nhân thương mại phạm Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, mà gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện hành vi “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (2).

2.3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015

a) Động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước  CITES trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc của động vật hoang dã khác trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên.

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015, chỉ khác nhau ở chỗ trị giá hàng phạm pháp nếu là động vật, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB hoặc Phụ lục II Công ước CITES trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên,  còn đối với động vật hoang dã khác thì phải có trị giá 1.500.000.000 đồng trở lên.

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên: Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm h khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015, chỉ khác nhau ở chỗ số tiền thu lợi bất chính phải từ 500.000.000 đồng trở lên. Việc xác định số tiền thu lợi bất chính cũng tương tự như việc xác định tiền thu lợi bất chính quy định tại điểm h khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015, chỉ khác ở chỗ số tiền thu lợi bất chính trong trường hợp này là từ 500.000.000 đồng trở lên.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại một trong hai điểm a hoặc b nêu trên thì người phạm tội bị áp dụng khoản 3 Điều 234 BLHS năm 2015, có khung hình phạt từ 07 năm đến 12 năm tù, là tội phạm rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 234 BLHS năm 2015, thì điều luật không quy định hình phạt tiền. Tuy nhiên, người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 BLHS năm 2015, không có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015 hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, chỉ phạm tội thuộc một trường hợp tại khoản 3 Điều 234 BLHS năm 2015 và trị giá hàng phạm pháp hoặc thu lợi bất chính ở mức khởi điểm theo điểm a hoặc b khoản 3 Điều 234 BLHS năm 2015 thì người phạm tội vẫn có thể được áp dụng hình phạt tiền. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt tiền đối với trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật chỉ là cá biệt, khi thấy việc áp dụng hình phạt tù là không cần thiết. Nếu chưa đến mức được áp dụng hình phạt tiền mà người phạm tội có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 BLHS năm 2015 thì có thể được hưởng án treo.

Trường hợp người phạm tội tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 3 Điều 234 BLHS năm 2015 nhưng lại thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt đến 12 năm tù.

Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 234 BLHS năm 2015, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Cũng như đối với khoản 2 Điều 234 BLHS năm 2015, nếu pháp nhân thương mại phạm Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, mà gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra, hoặc pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện hành vi “vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã”, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

2.4. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại phạm tội

Nếu là người phạm tội thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

(1) Xem khoản 1, 2 Điều 3 Nghị quyết số 05/2018.

(2)  Xem Điều 79 BLHS năm 2015.

(Tác giả: Đinh Văn Quế, Nguyên Chánh tòa hình sự, TAND tối cao, Tạp chí Kiểm sát số 08/2019)

(Theo kiemsat.vn)

 

 

 

Tìm kiếm