CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp của VKSND tỉnh Cao Bằng

22/11/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
“Công tác tham mưu tổng hợp trong ngành Kiểm sát nhân dân là tổng thể các hoạt động trợ giúp công tác lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao theo nguyên tắc tổ chức và...

“Công tác tham mưu tổng hợp trong ngành Kiểm sát nhân dân là tổng thể các hoạt động trợ giúp công tác lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức VKSND; góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Như vậy, công tác tham mưu tổng hợp có vị trí, vai trò quan trọng, gắn liền với công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, các đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Công tác tham mưu được thực hiện ở tất cả các cấp Kiểm sát; thông qua nhiệm vụ quản lý, theo dõi, tổng hợp tình hình hoạt động để tham mưu giúp Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp về phương hướng, nhiệm vụ công tác trong quản lý, chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
          Tại đơn vị VKSND tỉnh Cao Bằng, nhìn chung công tác tham mưu tổng hợp thông qua hoạt động xây dựng báo cáo thường kỳ và báo cáo chuyên đề của các đơn vị đã được thực hiện có chất lượng và hiệu quả. Các báo cáo được xây dựng đảm bảo quy định về hình thức, kỹ thuật trình bày văn bản, bố cục rõ ràng, bám sát nội dung yêu cầu; những nhận định, đánh giá hợp lý, logic và có tính thực tiễn; kịp thời phản ánh đầy đủ, chính xác hoạt động của đơn vị. Qua đó, phục vụ tốt công tác tham mưu cho lãnh đạo Viện trong việc chỉ đạo, triển khai các kế hoạch, chương trình công tác cũng như theo dõi, kiểm tra, giám sát, báo cáo Viện kiểm sát cấp trên và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. Tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như:

Về chất lượng báo cáo: Hiện nay, ngoài hệ thống báo cáo theo quy định của VKSND tối cao như: Báo cáo tuần, tháng, sơ kết, tổng kết..., còn có khoảng hơn 20 báo cáo chuyên đề hoặc báo cáo đột xuất phát sinh khi có yêu cầu. Các phòng nghiệp vụ nhận được yêu cầu báo cáo theo hướng dẫn của VKSND tối cao trong thời gian gấp, khi triển khai yêu cầu, các đơn vị cấp huyện lấy số liệu thường gấp, có nhiều loại báo cáo số liệu trong nhiều năm, một số nội dung không thuộc số liệu đơn vị quản lý thường xuyên nên dẫn đến tình trạng các đơn vị lấy số liệu mang tính chất tương đối và chất lượng các báo cáo chuyên đề chưa thực sự đảm bảo. Hình thức báo cáo xây dựng chưa đúng theo thể thức văn bản quy định tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV ngày 19/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính; Quyết định số 393/QĐ-VKSTC ngày 01/7/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính trong Ngành.

Kỹ năng, phương pháp xây dựng báo cáo của một số đơn vị chưa đạt yêu cầu, như: Những nhận định, đánh giá chưa đúng tính chất pháp lý cũng như câu văn sử dụng còn rườm rà, chưa logic, sáng rõ; văn phong, từ ngữ sử dụng trong báo cáo mang tính văn nói, sai thuật ngữ tố tụng; chưa có nhận xét, đánh giá cụ thể về thực tế tình hình, kết quả công tác. Nội dung nhiều báo cáo còn sơ sài, không cập nhật các văn bản quy phạm mới, không bám sát vào yêu cầu báo cáo, còn lỗi copy từ những báo cáo cũ với những nội dung không còn phù hợp.

Việc chấp hành thời hạn gửi báo cáo còn chậm. Tuy có yêu cầu báo cáo cụ thể về thời gian nhưng các đơn vị gửi muộn hoặc có đơn vị không gửi báo cáo. Từ đó, dẫn đến việc tổng hợp, xây dựng báo cáo gửi VKSND tối cao gặp nhiều khó khăn và không đúng thời gian quy định.

Về chất lượng đội ngũ cán bộ đảm nhiệm công tác tham mưu tổng hợp: Tại các đơn vị cán bộ làm công tác báo cáo, thống kê, đa số là kiêm nghiệm hoặc là chuyên viên, cán bộ mới vào Ngành. Do đó, kinh nghiệm trong các lĩnh vực công tác còn hạn chế, chưa nắm rõ các quy định cũng như hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành. Có sự chồng chéo, không phân nhiệm rõ ràng giữa cán bộ làm báo cáo và cán bộ thống kê. Do đó, không đối khớp giữa các số liệu thống kê và báo cáo viết dẫn đến tình trạng có số liệu thống kê nhưng không đưa vào số liệu báo cáo.

Do vậy, để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp của VKSND tỉnh Cao Bằng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, cần thực hiện một cách đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo trong chỉ đạo và thực hiện công tác tham mưu tổng hợp của đơn vị, nhất là những văn bản có tính chất quan trọng, có nội dung tham mưu trực tiếp, chỉ đạo; nâng cao chất lượng ban hành thông báo rút kinh nghiệm việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo và quản lý, tập trung nêu rõ những thiếu sót, tồn tại và nguyên nhân... để khắc phục.

Thứ hai, bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp trên cơ sở đánh giá, tuyển chọn, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, năng lực, sở trường; cán bộ làm công tác tham mưu tổng hợp phải là những người đã có kinh nghiệm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; có tinh thần trách nhiệm, hiểu biết sâu về các khâu công tác nghiệp vụ của Ngành. Cần đổi mới và đào tạo nguồn cán bộ có chất lượng. Có hình thức đào tạo kế nhiệm, cán bộ có kinh nghiệm kèm cặp cho cán bộ mới để hạn chế việc khi luân chuyển cán bộ lại phải đào tạo từ đầu đối với các đồng chí mới vào Ngành. Nên phân công cán bộ thống kê và báo cáo chung để vừa nắm rõ số liệu, vừa xây dựng báo cáo được đồng nhất về số liệu để tham mưu tốt cho lãnh đạo đơn vị trong công tác tổng hợp. Lãnh đạo VKSND tỉnh cũng cần mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn và phổ biến những quy định mới trong công tác thống kê, tổng hợp đến Viện kiểm sát hai cấp.

Thứ ba, bản thân cán bộ làm công tác tổng hợp cần chịu khó tự tìm tòi, nghiên cứu kỹ, nắm rõ hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết về phương pháp, kỹ năng xây dựng các văn bản tham mưu, tổng hợp (kế hoạch, chương trình, các loại báo cáo...) theo Hướng dẫn xây dựng cáo cáo công tác ban hành kèm theo Quyết định số 386/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017, của Viện trưởng VKSND tối cao. Nắm chắc các quy định về trình bày văn bản theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ nội vụ hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính; quy định của Ngành về Hệ thống các chỉ tiêu nghiệp vụ theo Quyết định số 379 QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao và Quyết định số 279/ QĐ-VKSTC ngày 01/8/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về Quy chế về chế độ thông tin báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Thứ tư, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp cùng cấp, quy định thống nhất về thời điểm lấy số liệu, việc phối hợp xây dựng báo cáo định kỳ nhằm nắm được chính xác tình hình vi phạm, tội phạm và những vấn đề phức tạp tại địa phương trong kỳ báo cáo, để có những chỉ đạo, điều hành sát hợp và thống nhất về mặt số liệu. Cần có hệ thống cụ thể về báo cáo chuyên đề của Viện kiểm sát cấp trên để các đơn vị theo dõi và kịp thời xây dựng đề cương báo cáo, tránh chồng chéo và đảm bảo chất lượng.

Thứ năm, đề nghị lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp quan tâm, chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn phòng; nâng cấp mạng internet nội bộ, bảo đảm các điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, truyền dữ liệu nội bộ được thông suốt, kịp thời, an toàn, bảo mật, phục vụ tốt cho hoạt động chung của toàn Ngành.

Kim Thuyên, Văn phòng VKSND tỉnh Cao Bằng

(Theo Trang tin điện tử VKSND tỉnh Cao Bằng)

 

 

 

Tìm kiếm