Vừa qua, Công đoàn Viên chức Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Tọa đàm "Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn VKSND tối cao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao đại diện Công đoàn VKSND tối cao tham dự Tọa đàm.
Tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Minh, Ủy viên Ban Chấp hành công đoàn VKSND tối cao, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSND tối cao đã đại diện Công đoàn VKSND tối cao phát biểu tham luận với chủ đề "Cải tiến lề lối làm việc của các cấp công đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Theo đó, Công đoàn VKSND tối cao là Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam với 30 Công đoàn bộ phận.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan VKSND tối cao được đào tạo, rèn luyện qua thực tiễn công tác, tận tụy với công việc, luôn tin tưởng và góp sức mình vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đồng thời, có ý thức phấn đấu, học tập nâng cao trình độ mọi mặt, tiếp thu kiến thức mới về quản lý, khoa học công nghệ, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong những năm qua, việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị đã được thực hiện sâu rộng trong hệ thống chính trị, trong cán bộ, đảng viên nói chung và trong công chức, viên chức, người lao động cơ quan VKSND tối cao nói riêng. Việc đẩy mạnh học tập này đã có sức lan tỏa ảnh hưởng đến từng cá nhân, tập thể và góp phần cải tiến lề lối làm việc của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị xã hội, trong đó có tổ chức công đoàn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến lề lối làm việc của cán bộ, công chức. Người đã viết tác phẩm nổi tiểng: “Sửa đổi lề lối làm việc”, căn dặn cán bộ, công chức phải thực sự là công bộc của nhân dân. Tiếp thu tư tưởng của Bác, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến lề lối làm việc của cán bộ, công chức; tiếp tục khẳng định “Cán bộ, công chức là công bộc của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt nhiệm vụ, công vụ được giao”.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, những năm qua, Công đoàn VKSND tối cao đã rất chú trọng công tác đổi mới lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả công tác, đồng thời xây dựng nhận thức cho đoàn viên công đoàn trong việc thực hiện tu dưỡng, rèn luyện. Đội ngũ cán bộ các cấp công đoàn đã có sự chuyển biến tích cực trong đổi mới lề lối làm việc và thực thi nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào thành tích chuyên môn của cơ quan, đơn vị, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với Ban Chấp hành Công đoàn: Ban Chấp hành Công đoàn đã đổi mới lề lối làm việc, khắc phục bệnh quan liêu, hành chính trong hoạt động công đoàn. Hoạt động công đoàn luôn gắn liền với các phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị, hướng về cơ sở. Tránh việc hội họp, ban hành nhiều văn bản giấy tờ hành chính. Nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để có biện pháp kịp thời, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn trong chuyên môn, trong cuộc sống. Trong hoạt động công đoàn coi trọng thuyết phục, giáo dục, vận động, phát huy tính tự nguyện, tích cực để hoạt động công đoàn thực sự là hoạt động quần chúng. Việc sinh hoạt Ban Chấp hành được duy trì thường xuyên theo quy định của Điều lệ, nội dung sinh hoạt được chuẩn bị chu đáo, có hiệu quả. Coi trọng việc xây dựng khối đoàn kết trong tập thể Ban Chấp hành và trong toàn thể đoàn viên công đoàn tại cơ quan, đơn vị.
Hai là, về công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động vững mạnh. Công đoàn tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thông tin tuyên truyền; cải tiến chế độ thông tin, báo cáo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, trao đổi thông tin hai chiều đảm bảo tính kịp thời.
Ba là, về tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức, lao động: Công đoàn Viện kiểm sát nhân dân VKSND tối cao đã lựa chọn và cụ thể hóa các phong trào thi đua thành những nội dung cụ thể, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ công tác của từng đơn vị. Đã phối hợp giữa nhiệm vụ công đoàn với nhiệm vụ chuyên môn, vận động công chức, viên chức, người lao động và đoàn viên công đoàn đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc, thực hiện nếp sống văn minh công sở, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xây dựng cơ quan đơn vị văn hoá. Công chức, viên chức, người lao động thay đổi trong cách nghĩ và làm, có ý thức kỷ luật tốt, chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị, nâng cao hiệu quả thời gian làm việc, có chuyển biến tích cực trong thực thi công vụ, cải cách thủ tục hành chính trong quan hệ giải quyết công việc với công dân.
4. Về công tác tổ chức, chỉ đạo
Với phương châm hướng hoạt động công đoàn về cơ sở, sát đoàn viên, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn luôn được coi là vấn đề thường trực trong hoạt động thực tiễn của công đoàn. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc trong quá trình tổ chức chỉ đạo thực hiện. Việc kiểm tra thực chất là giúp đỡ, hướng dẫn các công đoàn cấp dưới do phần lớn cán bộ công đoàn là kiêm nhiệm. Lắng nghe ý kiến, nắm bắt thông tin nhiều chiều, xử lý thông tin một cách khách quan, khoa học để phát huy dân chủ, khai thác trí tuệ của quần chúng. Tổ chức sơ kết, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm, nhân điển hình tiên tiến, rút ra bài học về thực tiễn để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặt biệt là phù hợp với tình hình mới tại cơ sở góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng lớn mạnh.
Trong thời gian tới, để đổi mới phong cách, lề lối làm việc của tổ chức công đoàn các cấp, Công đoàn VKSND tối cao đề ra một số giải pháp như sau:
Một là, luôn quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ công đoàn, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác.
Hai là, đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, người lao động, về yêu cầu cấp bách đổi mới, chỉnh đốn lề lối, phong cách làm việc của công chức, viên chức, người lao động. Phải xem công việc này không chỉ nhằm hoàn thiện nhân cách của từng cá nhân con người mà còn là một giải pháp cơ bản xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị vững mạnh.
Ba là, đổi mới các khâu của công tác cán bộ hướng vào hoàn thiện lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, đặc biệt là xây dựng phong cách làm việc khoa học, dân chủ, chuyên nghiệp. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, trong đó bao hàm cả giám sát lề lối, phong cách làm việc.
Bốn là, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại với người lao động, phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, luôn đặt người lao động là trung tâm phục vụ.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng cơ quan văn hóa; xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh; chú trọng việc xây dựng và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện công tác dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Duy trì giữ vững các danh hiệu Đoàn thể trong sạch vững mạnh, góp phần xây dựng hệ thống công đoàn các cấp phát triển bền vững.