Nhân dịp kỷ niệm 61 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2021), Cổng thông tin điện tử VKSND tối cao trân trọng giới thiệu bài viết về người Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên - Đồng chí Hoàng Quốc Việt, một trong những nhà lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân nước ta, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân ta - người Viện trưởng đặc biệt của ngành Kiểm sát nhân dân.
1. Chân dung chính trị Cụ Hoàng Quốc Việt - Hạ Bá Cang (1905 - 1992)
Cụ Hoàng Quốc Việt là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc tiền bối Cách mạng của Đảng; Nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của dân tộc, Chủ tịch Danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cụ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1925; tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội năm 1925; là Đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng năm 1928.
Cụ nguyên là: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930; Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (1937 - 1940 và 1943 - 1945); Ủy viên Thường vụ Đảng Cộng sản Đông Dương - phụ trách Tổ chức, Dân vận, Mặt trận, Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1941 - 1951); Bí thư, Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh (1941 - 1951); Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ (1945); Chủ nhiệm Bộ Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (Phụ trách: Tổ chức - Kiểm tra Đảng - Nội chính Trung ương, Kinh tế, Dân vận - Mặt trận Trung ương, Ban Giao thông liên lạc Trung ương, Ban Tổ chức trù bị Đại hội (1947 - 1951); Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ (sau 23/9/1945); Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam (1946); Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam; Ủy viên Trung ương Đảng khóa I-II-III-IV; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Việt Nam (1946 - 1976); Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao (1960 - 1976); Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1970 - 1985); Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII; Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Thế giới; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Trung; Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
2. Đức độ
Cụ Hoàng Quốc Việt để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng.
Trong bài viết “Một nhà cách mạng được sự kính trọng, yêu mến rộng rãi” của đồng chí Hoàng Tùng - Bí thư Trung ương Đảng đã một lần nữa khẳng định đức độ của đồng chí Hoàng Quốc Việt: “Tấm gương trong sáng suốt đời của Hạ Bá Cang - Hoàng Quốc Việt là không ham địa vị, danh vọng. Lúc nào cũng muốn chia sẻ gánh nặng với các đồng chí khác. Nhận trách nhiệm tùy theo sức mình, ra sức làm tròn không quản nguy nan. Thẳng thắn, nghiêm khắc đối với những hành vi gây tổn thất đối với lợi ích của cách mạng và của nhân dân. Năm 1940, cụ cùng với Hoàng Văn Thụ, quyết định cho người đi đón đồng chí Đặng Xuân Khu đang hoạt động bí mật ở Thái Bình lên và cử làm Bí thư Xứ ủy. Khi cả Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang, Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời thay các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn và các đồng chí khác đã bị địch bắt, Cang và Thụ vẫn cử Khu làm Tổng Bí thư. Tại Hội nghị Trung ương năm 1941, mọi người nhất trí bầu Bác Hồ làm Tổng Bí thư, song Người từ chối, Đặng Xuân Khu lại được cử giữ chức vụ cũ. Tại Hội nghị Tân Trào, Hoàng Quốc Việt được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương.
Là một đồng chí ở cơ quan lãnh đạo lâu năm, song đồng chí Hoàng Quốc Việt không bao giờ xa cách các đồng chí và đồng bào. Phong cách khiêm tốn, cần cù, giản dị, ghét xa hoa, lãng phí, đặc biệt ghét thói kênh kiệu, lên mặt, quan cách. Làm việc với đồng chí rất dễ dàng, thoải mái, nếu là người trung thực, chân chỉ, có ý thức trách nhiệm; nhưng rất khó khăn đối với những người gian dối, lười biếng, ham quyền lực. Đông đảo cán bộ quý trọng đồng chí Hoàng Quốc Việt như người thầy, người anh, người bạn.
Bác Hồ rất yêu quý đồng chí, thường gọi vui là “cụ Việt”. Các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn rất kính trọng anh Việt”.
3. Thông thái
Cụ Hoàng Quốc Việt xuất thân trong một dòng dõi nho gia yêu nước, đời đời đinh tài khoa mục hiển vinh. Ông nội là Cụ Hạ Bá Đạt (1820 - 1886), thụy Minh Duệ, hiệu nghĩa Yên Tiên Sinh cũng gọi cụ đồ Yên Thế với hơn 200 môn sinh đã cùng với cụ Đề Nắm (Lương Văn Nắm, (?-1892)) lập căn cứ kháng chiến, tổ chức khởi nghĩa Yên Thế (1886 - 1913), chống thực dân Pháp. Pháp đàn áp cụ bị thương rồi hy sinh, mộ cụ vẫn sừng sững trên núi Trung Sơn, căn cứ Yên Thế, Bắc Giang -nơi cụ đã quên thân chiến đấu vì nghĩa cả.
Cụ thân sinh ra cụ Hoàng Quốc Việt là thầy đồ Hạ Bá Khoát (1853 - 1935). Do Pháp quyết tiêu diệt hệ thống khoa cử Hán học của Việt Nam, nên khoa thi năm 1919 đã đặt dấu chấm hết cho hệ thống khoa cử này, về mặt chữ viết, chúng ta đã hoàn toàn bị cắt đứt với quá khứ. Các thầy đồ mất nghiệp, khánh kiệt và hóa thành vô sản.
Thuở thiếu thời, gia đình nghèo kiệt quệ, từ nhỏ đã phải đi làm để được học, Hạ Bá Cang đã thi đỗ “Certificat” - Sơ học yếu lược. Cụ được học bổng vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Trong thời gian đi học, Cụ đã tham gia bãi khóa chống thực dân Pháp đàn áp bắt bớ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Sau đó, cụ cùng Lương Khánh Thiện bỏ trường đi vô sản hóa, hòa mình vào giới thợ thuyền từ mỏ than Phấn Mễ, Mạo Khê rồi nhà máy Ca Rông - Hải Phòng để tìm “phong trào”, sớm tìm ra con đường cứu nước.
Những năm đầu của thế kỷ XX, đất nước ta đang chìm đắm trong ách cai trị của thực dân Pháp và phong kiến, nhiều xu thế phong trào yêu nước nổ ra như phong trào Phan Chu Chinh, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học… Cụ đã mau chóng chọn con đường theo Bác, chọn lý tưởng Cộng sản để nguyện suốt đời phấn đấu, chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân làm lẽ sống, làm lý tưởng. Đặc biệt, từ năm 1960 đến 1976, Cụ đã cùng lúc điều hành ba cơ quan chủ chốt: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam; Viện trưởng VKSND tối cao và nhiều công việc quan trọng khác của Đảng và đoàn thể.
4. Tôi luyện
Được tôi luyện trong lò lửa chiến tranh cách mạng và kể cả 06 năm trong lao tù Côn Đảo - địa ngục trần gian của thực dân Pháp; được tổ chức phái vào hoạt động ở Nam Kỳ, đồng chí được cử vào cơ quan lãnh đạo và khi thành lập An Nam Cộng sản Đảng, được cử là người đứng đầu và đi dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến Hải Phòng thì bị địch bắt và bị Tòa Đề hình Kiến An kết án, với bản án: Cấm cố, chung thân, lưu đày biệt xứ. Trước Tòa Đề hình của thực dân Pháp, Cụ đã không cần luật sư mà tự bào chữa. Với lời bào chữa nổi tiếng được báo chí đăng tải: “…Tôi không hề chối bỏ hành động cách mạng của mình. Song tôi có bổn phận cứu vớt 20 triệu đồng bào Việt Nam đang bị thực dân Pháp đàn áp bóc lột nặng nề”. Tại Tòa án, người bị cáo đã tự biện hộ về hoạt động cách mạng chính nghĩa của mình, lên án tội ác xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp. Tiếng tăm của Hạ Bá Cang trước Tòa án do các báo lúc ấy đưa tin đã lan rộng trong xã hội, cổ vũ những người cách mạng. Cụ bị tra tấn thành thương tật và bị đày đi các nhà tù, đặc biệt là nhà tù Côn Đảo. Tuy không có mặt ở Hội nghị nói trên, cụ vẫn được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Lâm thời đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương. Trải qua Sở mật thám, Tòa án và các nhà tù Hà Nội, Kiến An, Côn Đảo…, Hạ Bá Cang vẫn là một chiến sĩ kiên cường, nêu cao khí tiết, dũng khí cách mạng.
Là người giữ trọng trách cao nhất tại nhà tù Côn Đảo, cụ đã tổ chức anh em tù chính trị đấu tranh quyết liệt giành quyền sống, quyền cải thiện sinh hoạt, làm thay đổi cả chế độ nhà tù hắc ám. Các cụ đã tổ chức làm báo, dạy văn hóa, dạy lý luận chính trị Mác - Lê, lập thư viện, biến nhà tù thành trường học. Các cụ đã chuẩn bị nhân sự có thể lực tốt, văn hóa cao, trình độ lý luận sâu sắc và phương pháp hoạt động cách mạng vững vàng, chuẩn bị lực lượng hùng hậu cho ngày giành chính quyền, giành độc lập.
Được trả lại tự do năm 1936, cụ đã cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Minh, Đặng Xuân Khu, Lương Khánh Thiện… hoạt động bí mật, lập lại Xứ ủy Bắc Kỳ, tổ chức lại các cơ sở của Đảng ở các tỉnh và huyện. Cùng với đồng chí Hoàng Văn Thụ, cụ lần lượt được cử là Bí thư Xứ ủy, trong ba năm 1936 - 1939, một cao trào cách mạng rộng lớn đang dâng lên ở Bắc Kỳ, cũng như ở Trung Kỳ, Nam Kỳ. Cụ luôn luôn có mặt tại những cuộc đấu tranh nóng bỏng hoặc âm thầm đi vào những vùng nông thôn xây dựng lực lượng lãnh đạo đấu tranh.
Tháng 9/1939, sau khi phát xít Đức phát động cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, bọn thực dân Pháp đàn áp khủng bố Đảng Cộng sản. Hạ Bá Cang vẫn vùng vẫy trong vùng bí mật vì đồng chí đã xây dựng được nhiều cơ sở trong nhân dân ở nhiều địa phương.
Những năm 1940 - 1941 là thời kỳ Đảng cộng sản bị khủng bố dữ dội, điều kiện hoạt động nguy hiểm, gian khổ nhất. Các đồng chí Đặng Xuân Khu, Hạ Bá Cang bị địch kết án tử hình vắng mặt, ảnh dán khắp nơi, ai bắt được sẽ được thưởng một vạn đồng Đông Dương (lúc ấy có thể mua được một cái nhà). Nhiều lần suýt bị bắt hụt, nhờ dày dạn kinh nghiệm mà chạy thoát. Đồng chí có mặt khắp nơi, nhờ sự che chở, nuôi nấng của đồng bào, đồng chí cũng ở trong hoàn cảnh rau cháo qua ngày. Bị địch săn lùng trên đường vượt rừng núi từ Pắc Bó về đồng bằng, bị vây bắt ở Đình Bảng, Đồng Kỵ, Cổ Loa và nhiều nơi khác. Bọn mật thám nhiều phen tức tối, không sao bắt nổi một con người bé nhỏ, chân đi tập tễnh mà có tài xuất quỷ nhập thần, tài ấy một phần quan trọng là do sự đùm bọc, bảo vệ của đồng bào, đồng chí.
5. 16 năm trong 61 năm
Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức VKSND, được Quốc hội khóa II thông qua ngày 15/7/1960. Theo quy định của Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức VKSND năm 1960: Viện kiểm sát nhân dân là một hệ thống cơ quan độc lập trong bộ máy nhà nước, thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan nhà nước ở địa phương, các nhân viên cơ quan nhà nước và công dân, thực hiện quyền giám sát các hoạt động tố tụng và thực hiện quyền công tố. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Viện trưởng VKSND tối cao.
Với uy tín chính trị lớn lao, với đức độ, sự thông thái và được tôi luyện trong lò lửa chiến tranh cách mạng, Cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy nhiệm thay mặt Nhà nước xây dựng hệ thống VKSND và là Viện trưởng đầu tiên của VKSND tối cao trong nhiều năm, góp phần xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức rất mới này trong thể chế nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Từ năm 1960 đến 1976, đất nước ta đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Đó là nhiệm vụ tối thượng của toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có Viện kiểm sát. Với chức năng: Kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước và của công dân; kiểm sát các hoạt động tố tụng; thực hiện quyền công tố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt của Bộ Chính trị: Ngành Kiểm sát là một trong những công cụ của Nhà nước Dân chủ nhân dân, có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân. Nói đến kiểm tra việc tuân theo pháp luật, cần chú trọng trước hết kiểm tra việc tuân theo pháp luật của các cơ quan nhà nước, bởi vì sự vi phạm của một số công dân nào đó đối với pháp luật có lẽ không tai hại bằng những sự lạm quyền của các cơ quan chính quyền, các cơ quan quản lý kinh tế, văn hóa và của những người có trách nhiệm thi hành pháp luật. Nếu những người này làm sai pháp luật thì chẳng những vi phạm cả quyền tự do dân chủ của nhân dân, mà còn làm trái chủ trương, chính sách là sinh mạng của Đảng, là linh hồn của pháp luật nhà nước; điều đó sẽ đánh vào nguồn gốc sức mạnh của chế độ ta, là sự tín nhiệm và ủng hộ của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Vì vậy, trước hết phải bảo đảm sự tôn trọng pháp luật một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ của các cơ quan nhà nước, của những người thay mặt nhân dân nắm quyền hành chính và công việc quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội.
Để đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất, ngành Kiểm sát cần kiểm sát các vụ bắt giam và xét xử một cách sáng suốt, thận trọng; cần có biện pháp xử lý thích đáng, kiên quyết không xử oan một người ngay, nhưng cũng không để lọt một kẻ có tội… Chúng ta phải đem tấm lòng ưu ái của người Cộng sản đối với những đau khổ của con người, kết hợp với yêu cầu giữ gìn những quy tắc của cuộc sống chung trong xã hội mà xử phạt sao cho công minh, nhằm giáo dục và cải tạo những người phạm pháp trở thành những người lương thiện, nhằm ngăn ngừa những hành động sai trái. Vấn đề không phải chỉ đơn giản là xử một vụ án, trừng phạt một tội phạm nào đó, điều quan trọng là phải tìm mọi cách để làm giảm bớt những hành động phạm pháp và tốt hơn nữa là ngăn ngừa, đừng để các việc sai trái xảy ra.
Trong 16 năm với cương vị Viện trưởng VKSND tối cao, Cụ Hoàng Quốc Việt đã để lại cho ngành Kiểm sát một di sản lớn:
- Đặt nền móng cho việc xây dựng hệ thống tổ chức VKSND từ trung ương đến địa phương và hình thành hệ thống lý luận, phương pháp công tác kiểm sát.
- Yêu cầu công tác kiểm sát phải phục vụ kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng luôn là phương châm hành động của đồng chí Hoàng Quốc Việt trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân.
- Dựa vào nhân dân, quan tâm, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, nêu cao tính dân chủ trong hoạt động kiểm sát, vừa là tư tưởng chỉ đạo, vừa là tác phong làm việc hàng ngày của đồng chí Hoàng Quốc Việt.
- Hướng về cơ sở một cách sâu sát, trực tiếp và cụ thể luôn được đồng chí đặt ra trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân.
- Mở trường đào tạo, chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Kiểm sát luôn là tâm niệm của đồng chí Hoàng Quốc Việt.
Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp năm 1959 đã hiến định một loại hình cơ quan nhà nước mới trong bộ máy nhà nước ta, đó là VKSND. Việc xây dựng tổ chức mới này đã gắn bó với người Viện trưởng đầu tiên - Cụ Hoàng Quốc Việt, trong suốt 16 năm, Cụ đã góp phần xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trong thể chế Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; nhất là trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phương châm “không có vùng cấm”, càng khẳng định vai trò nòng cốt của các cơ quan tư pháp, trong đó có vai trò quan trọng của VKSND trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa: “Cuộc chiến đấu khổng lồ để chống những gì cũ kỹ hư hỏng, tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi”.