Quy định về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Ghi nhận việc hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú được áp dụng trước thời gian xét xử trong bản án; chỉ được gia hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử khi có quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử; cho phép kê biên tài sản đối với người khác không phải người bị buộc tội.
1. Một số bất cập trong quy định của pháp luật về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế
1.1. Về biện pháp ngăn chặn
Thứ nhất, theo Điều 112 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) về bắt người đang bị truy nã, thì người nào cũng có quyền bắt người đang bị truy nã và giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo luật định. Tuy nhiên, thực tế phát sinh trường hợp: Bị cáo đang bị truy nã, sau đó Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt và tuyên hình phạt tù đối với bị cáo; trong thời gian bản án chưa có hiệu lực pháp luật, Cơ quan điều tra bắt được người này. Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của liên ngành trung ương hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTHS và Luật thi hành án hình sự về truy nã chỉ hướng dẫn các trường hợp truy nã trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trường hợp bắt bị cáo trong thời gian truy nã nêu trên không thuộc giai đoạn xét xử hay giai đoạn thi hành án (do bản án chưa có hiệu lực), thì cần xử lý như thế nào? Cơ quan nào có thẩm quyền ra lệnh tạm giam?
Thứ hai, về cơ quan có thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử lý lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời gian chuẩn bị xét xử và sau khi tuyên án. Theo khoản 4 Điều 123 BLTTHS năm 2015: “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử…”; theo khoản 2 Điều 240 BLTTHS năm 2015: “Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng… cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày”. Như vậy, trong thời hạn giao bản cáo trạng, cơ quan nào có thẩm quyền ra lệnh/quyết định áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú? Bên cạnh đó, đối với bị cáo bị tuyên hình phạt tù thì thời điểm xác định bị cáo thi hành án tù là từ ngày đưa bị cáo đi chấp hành án, nhưng thực tế có trường hợp: Sau khi kết thúc phiên tòa, Tòa án ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo là 45 ngày để đảm bảo thi hành án; sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án ra quyết định thi hành án, bị cáo đi chấp hành án ngay, trong khi đó lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo vẫn còn hiệu lực, chưa bị hủy bỏ thì xử lý như thế nào?
Thứ ba, trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung và xét thấy cần tiếp tục áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị cáo thì cần tiếp tục sử dụng quyết định tạm giam của Tòa án hay Viện kiểm sát/Cơ quan điều tra phải ban hành lệnh/quyết định tạm giam mới kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ điều tra bổ sung? Thực tế, các địa phương còn có quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Thứ tư, về việc gia hạn tạm giam bị cáo trong trường hợp kéo dài thời gian mở phiên tòa. Điều 278 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật này”. Khoản 3 Điều 277 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án có thể mở phiên tòa trong thời hạn 30 ngày”. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 chưa quy định việc gia hạn tạm giam trong trường hợp Tòa án kéo dài thời gian mở phiên tòa theo khoản 3 Điều 277.
Mặt khác, khoản 3 Điều 278 BLTTHS năm 2015 quy định: “Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 chưa quy định rõ trình tự, thủ tục việc tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án sau khi kết thúc phiên tòa. Thực tiễn, một số Tòa án vẫn căn cứ theo điểm a Mục 2.2 Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS năm 2003 để ra lệnh tạm giam đối với bị cáo là chưa phù hợp với Điều 278 BLTTHS năm 2015.
Thứ năm, về việc áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp; bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Hiện nay, tình hình tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng với tính chất, mức độ phức tạp, nghiêm trọng hơn, nhiều vụ có yếu tố băng nhóm, côn đồ. Nhiều người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị khởi tố về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng những người này vẫn tiếp tục phạm tội. Hoàn cảnh gia đình của những người này thường có cha mẹ có tiền án, tiền sự, ly hôn, bạo lực, tệ nạn, không quan tâm, quản lý, giáo dục con, nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú không hiệu quả. Mặc dù quy định hiện hành thể hiện tính nhân văn và chính sách khoan hồng đặc biệt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nhưng không đủ quyết liệt để ngăn chặn người dưới 18 tuổi tiếp tục phạm tội mới, dẫn đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự gặp khó khăn.
1.2. Về biện pháp cưỡng chế
Thứ nhất, về biện pháp kê biên tài sản. Điều 128 BLTTHS năm 2015 quy định biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản “chỉ áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại...”. Theo đó, không thể tiến hành kê biên tài sản đối với người khác không phải bị can, bị cáo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều trường hợp người phạm tội, đặc biệt là các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, tham nhũng, kinh tế, chức vụ sử dụng tài khoản đứng tên người khác để chuyển, nhận tiền phạm tội hoặc tẩu tán tài sản. Việc không thể kê biên tài sản của người không phải bị can, bị cáo dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi tài sản, tạo kẽ hở cho người phạm tội tẩu tán, tiêu thụ tài sản.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, một số đối tượng phạm tội đã sử dụng nguồn tiền phạm tội vào việc mua cổ phiếu để tẩu tán tài sản hoặc rửa tiền. Tuy nhiên, pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện việc kê biên, xử lý đối với cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, dẫn đến khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản.
Thứ hai, về biện pháp phong tỏa tài khoản. Khoản 3 Điều 129 BLTTHS năm 2015 quy định: “Chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại”. Trên thực tế, trong một số trường hợp, Cơ quan điều tra phát hiện số dư trong tài khoản người bị buộc tội hoặc người liên quan khác không đủ số tiền mà người bị buộc tội chiếm đoạt của bị hại, nên đã ra lệnh phong tỏa tài khoản nhưng không ghi cụ thể số tiền. Ngân hàng có thể hiểu lệnh phong tỏa của Cơ quan điều tra là phong tỏa toàn bộ số tiền có trong tài khoản của người bị buộc tội hoặc người liên quan khác hay không? Có trường hợp Cơ quan điều tra ra 02 lệnh phong tỏa tài khoản gửi ngân hàng, trong đó lệnh có ghi số tiền cụ thể được gửi sau lệnh không ghi số tiền. Đến giai đoạn thi hành án, ngân hàng có ý kiến phản hồi rằng ngân hàng chỉ thi hành đối với lệnh có ghi số tiền cụ thể. Điều này dẫn đến việc chậm trễ phong tỏa tài khoản của người bị buộc tội hoặc người liên quan khác, tạo ra khoảng thời gian cho những người này tẩu tán tài sản, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị chiếm đoạt tài sản.
Thứ ba, về biện pháp thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính viễn thông. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa quy định rõ thời hạn, trách nhiệm của tổ chức viễn thông trong việc trả lời, cung cấp thông tin, chế tài áp dụng khi các tổ chức viễn thông chậm cung cấp hoặc không cung cấp thông tin theo lệnh thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra và quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát. Trong nhiều trường hợp, khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra buộc phải kết luận điều tra và tách nội dung về thu giữ thư tín, điện tín để chờ kết quả và làm rõ, xử lý sau.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật tố tụng hình sự
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS năm 2015 theo hướng:
- Ghi nhận việc hủy bỏ lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú được áp dụng trước thời gian xét xử trong bản án; quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền ra quyết định gia hạn áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời hạn giao bản cáo trạng (giai đoạn chuẩn bị xét xử).
- Quy định chỉ được gia hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử khi có quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử để đảm bảo đúng tinh thần của Điều 278 BLTTHS năm 2015; bổ sung quy định về thời hạn tạm giam đối với bị cáo sau khi xét xử; quy định tiếp tục áp dụng lệnh tạm giam cũ còn hiệu lực (không cần ban hành mới) trong trường hợp Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng lệnh tạm giam đối với bị cáo vẫn còn hiệu lực.
- Bổ sung vào Điều 128, Điều 129 BLTTHS năm 2015 nội dung: Cho phép áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với người khác không phải người bị buộc tội, nếu có căn cứ xác định tài sản phạm tội đã được chuyển vào tài khoản, khối tài sản của họ; quy định rõ về lệnh phong tỏa toàn bộ tài khoản và trình tự, thủ tục kê biên cổ phiếu…, nhằm tránh thất thoát, đấu tranh hiệu quả với tội phạm chiếm đoạt tài sản, tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
- Sửa đổi Điều 419 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Cho phép áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng có tính chất côn đồ, băng nhóm mà không cần có đủ điều kiện quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015.
Thứ hai, cần xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn các nội dung: Quy định của BLTTHS năm 2015 và Luật thi hành án hình sự năm 2019 về truy nã; hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản trong tố tụng hình sự, liên kết thực hiện việc phong tỏa tài khoản tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; công tác phối hợp về cung cấp thông tin, trách nhiệm của tổ chức viễn thông trong việc trả lời, cung cấp thông tin khi nhận được lệnh thu giữ thư tín, điện tín của Cơ quan điều tra và quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát; giải thích, hướng dẫn cụ thể khái niệm thư tín, điện tín để việc thu giữ và kiểm tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tránh trường hợp xâm phạm bí mật đời tư của công dân.