Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 01/HD-VKSTC về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật năm 2022.
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được xác định như sau:
- Quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, công tác kiểm sát, việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được nêu trong Chỉ thị số 01/CT-VKSTC; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động; Quy trình kiểm sát bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính của TAND ban hành kèm theo Quyết định số 255/QĐ-VKSTC ngày 16/8/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao và các văn bản có liên quan.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động, kiểm sát việc giải quyết vụ việc theo thủ tục phá sản, kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân theo Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công tác giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại các phiên tòa, phiên họp; kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định về pháp luật tố tụng, nội dung của bản án, quyết định, kịp thời phát hiện vi phạm, thực hiện tốt thẩm quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị; nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tỷ lệ giải quyết đơn án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đáp ứng yêu cầu của Quốc hội theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 và chỉ tiêu nghiệp vụ của Ngành.
- Tổ chức Hội nghị tập huấn toàn Ngành về: “Thực trạng, nguyên nhân dẫn đến các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động bị Tòa án cấp trên hủy, sửa. Bài học kinh nghiệm, giải pháp khắc phục”.
VKSND tối cao xác định khâu công tác đột phá của năm 2022 là: “Thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Nâng cao số lượng kháng nghị, tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận, nhất là kháng nghị phúc thẩm án hành chính”.
Để thực hiện tốt khâu công tác này, VKSND tối cao đề ra một số nhiệm vụ cụ thể sau:
1. Về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
- Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao về việc yêu cầu các đồng chí Viện trưởng VKSND các cấp phát huy vai trò, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, trực tiếp phụ trách công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; chú trọng thực hiện đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm trong công tác kiểm sát, cụ thể:
+ Viện trưởng trực tiếp tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật;
+ Nghiên cứu, đọc báo cáo, phê duyệt, quyết định việc kháng nghị, bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa, phiên họp;
+ Trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án đối với những vụ án lãnh đạo VKSND tối cao, cấp ủy quan tâm, chỉ đạo, những vụ án có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình chính trị, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm;
+ Thành lập các tổ hoặc hội đồng tham mưu để thảo luận, đưa ra ý kiến phản biện, đa chiều nhằm phát huy trí tuệ, dự kiến các tình huống phát sinh để Viện trưởng quyết định kháng nghị và giúp Kiểm sát viên được phân công kiểm sát xét xử tại phiên tòa bảo vệ quan điểm kháng nghị;
+ Quan tâm chọn lựa, bố trí Kiểm sát viên, công chức có phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để phân công làm công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật đảm bảo tính ổn định, đan xen, kế thừa giữa các thế hệ;
+ Đưa công tác kháng nghị là một nội dung trọng tâm trong kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm của các cấp kiểm sát, qua đó biểu dương kịp thời những cá nhân, đơn vị làm tốt hoặc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa hết trách nhiệm trong công tác kháng nghị, gắn chất lượng công tác kháng nghị vào việc bình xét thi đua tập thể, cá nhân và chịu trách nhiệm chính khi đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội và Ngành giao.
- Chú trọng công tác đào tạo và tự đào tạo tại đơn vị. Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm, chuyên sâu về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật hướng dẫn trực tiếp các công chức mới được tuyển dụng. Lãnh đạo VKSND các cấp thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, trao đổi, học tập rút kinh nghiệm thông qua việc nghiên cứu, giải quyết các vụ án cụ thể. Xây dựng các chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, phiên tòa rút kinh nghiệm... nhằm nâng cao chất lượng phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp, nâng cao kỹ năng phát hiện vi phạm trong các bản án, quyết định của Tòa án để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị.
2. Về tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương
VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương, sự giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp, dư luận xã hội quan tâm hoặc có yếu tố nước ngoài. Quán triệt Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 9/11/2018 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 04-HD/TW ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động đến toàn thể cán bộ chủ chốt trong đơn vị.
3. Về nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật
- Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực, ý thức trách nhiệm trong việc nghiên cứu, kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Nắm chắc các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, các quy chế, quy trình, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành đối với khâu công tác này; đồng thời phải nghiên cứu, cập nhật và vận dụng đúng các quy định của pháp luật nội dung liên quan, các án lệ của TAND tối cao.
- Chú trọng việc nghiên cứu hồ sơ và chất lượng báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ việc, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp. Nâng cao trách nhiệm trong việc xây dựng báo cáo đề xuất và sơ đồ hóa, khái quát hóa nội dung, quá trình giải quyết vụ án.
- Thực hiện kiểm sát (100%) bản án, quyết định giải quyết vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm tra biên bản phiên tòa; thực hiện quyền yêu cầu, tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
- Thực hiện thẩm quyền kháng nghị của VKSND các cấp, tăng cường công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
+ Nâng cao kỹ năng xây dựng quyết định kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đảm bảo quy định về hình thức theo biểu mẫu tố tụng của Ngành; nội dung kháng nghị đạt chất lượng có căn cứ, đúng quy định pháp luật, lập luận chặt chẽ, sắc bén, có tính thuyết phục cao. Khi tham gia phiên tòa Kiểm sát viên phải nghiên cứu, nắm chắc hồ sơ vụ việc, chuẩn bị đủ các văn bản pháp luật, tài liệu, chứng cứ... để thuận lợi cho việc phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, đồng thời bảo vệ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát và chủ động xử lý linh hoạt tình huống liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị theo định.
+ VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp cao tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm nhằm giảm tỷ lệ bản án, quyết định của Tòa án bị cấp trên hủy sửa mà không có kháng nghị của Viện kiểm sát. Nâng cao số lượng và chất lượng kháng nghị. Trường hợp khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật, nếu không còn đủ thời gian để kháng nghị phúc thẩm thì thông báo bản án, quyết định có vi phạm ngay cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền; trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện vi phạm thì thông báo đề nghị VKSND có thẩm quyền kháng nghị.
+ Đối với VKSND cấp cao, thực hiện tiếp nhận, phân loại, xử lý và giải quyết kịp thời, đúng tiến độ, quản lý chặt chẽ đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Ngành. Đối với những đơn do cơ quan Đảng, Nhà nước kiến nghị, yêu cầu VKSND tối cao xem xét; đơn sắp hết thời hạn kháng nghị; đơn bức xúc, kéo dài thì phải khẩn trương nghiên cứu, báo cáo, đề xuất ngay với lãnh đạo đơn vị để chỉ đạo tập trung xem xét, giải quyết kịp thời. Thống nhất cách tính tỷ lệ giải quyết đơn trên số đơn thụ lý đã có hồ sơ. Đồng thời, thực hiện việc gửi bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm do TAND cấp cao giải quyết về Vụ 10 VKSND tối cao.
Bên cạnh đó, Hướng dẫn này còn quy định về công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm; công tác phối hợp giữa VKSND các cấp và với Toà án; công tác kiểm tra nghiệp vụ…