CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2022

13/01/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 12/HD-VKSTC về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2022.

Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 được xác định:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đối với VKSND; chú trọng những định hướng lớn của Đảng về công tác tư pháp, bảo đảm thống nhất nhận thức và hành động, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; đề ra các giải pháp thiết thực nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo yêu cầu của Ngành và Quốc hội.

Thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, nhất là việc thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Chú trọng công tác kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử để kháng nghị theo thẩm quyền hoặc đề xuất Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị; kiên quyết kháng nghị nếu phát hiện có vi phạm và bảo vệ các kháng nghị có căn cứ, đúng pháp luật.

- Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự, bảo đảm căn cứ buộc tội vững chắc, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát chặt chẽ, đầy dủ các biên bản phiên tòa, yêu cầu lập biên bản kiểm sát biên bản phiên tòa đối với phiên tòa phức tạp, phiên tòa có quan điểm giữa Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử không thống nhất.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự như công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa; nâng cao các kỹ năng thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng chứng cứ, dữ liệu điện tử.

- Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 26/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tác quản lý, giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND.

Nhiệm vụ cụ thể

1. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án được phân công, dự thảo đề cương xét hỏi, chi tiết, dự kiến các tình huống phát sinh tại phiên tòa để chủ động tranh tụng; nghiêm túc thực hiện các Chỉ thị, Quy chế của Ngành, của đơn vị, bảo đảm chất lượng nghiên cứu hồ sơ phục vụ cho hoạt động xét xử tại phiên tòa. Đối với những vụ án phức tạp, lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, trực tiếp nghe báo cáo án, lựa chọn Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm để phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Khi cần thiết có thể tổ chức họp hai ngành Tòa án và Viện kiểm sát trước khi xét xử đối với những vụ án phức tạp, trái quan điểm, những vụ án mà bị can không nhận tội.

- Quá trình xét xử, Kiểm sát viên phải tích cực chủ động tham gia xét hỏi để đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát; ghi chép đầy đủ diễn biến phiên tòa, trong đó có các câu hỏi và câu trả lời của bị cáo về hành vi phạm tội và các tình tiết liên quan đến vụ án để cập nhật, bổ sung vào Luận tội; không để tình trạng đưa ra nhận định chưa đủ căn cứ, thiếu tính thuyết phục, phiến diện, dẫn đến không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

- Lập biên bản kiểm sát biên bản phiên tòa đối với vụ án phức tạp, có quan điểm khác nhau giữa Viện kiểm sát và Tòa án.

- Phải kiên quyết kháng nghị phúc thẩm hoặc báo cáo Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị đối với những vụ án có vi phạm, việc giải quyết vụ án không khách quan, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

- Hồ sơ kiểm sát xét xử sơ thẩm được lập theo đúng quy định của Ngành, phản ánh đầy đủ, rõ ràng các thao tác nghiệp vụ của Kiểm sát viên và công tác quản lý, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện.

- Thực hiện kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện, tổng hợp vi phạm pháp luật qua công tác kiểm sát để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu xử lý, khắc phục và phòng ngừa chung.

2. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hình sự Lãnh đạo, Kiểm sát viên phải nắm chắc phạm vi, nội dung kháng cáo của người tham gia tố tụng, kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát; nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đặc biệt là phần nhận định và quyết định của bản án sơ thẩm liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị; chuẩn bị tốt bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm, dự kiến nội dung cần tiếp tục tranh tụng làm rõ để cập nhật vào nội dung phát biểu về kháng cáo, kháng nghị và việc giải quyết vụ án.

- Chú ý cập nhật, đánh giá những tình tiết mới phát sinh sau khi xét xử sơ thẩm liên quan đến việc xem xét kháng cáo, kháng nghị để có quan điểm phù hợp, đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, xác minh làm rõ những nội dung liên quan đến kháng nghị phúc thẩm (nếu có) trước khi tham gia phiên tòa phúc thẩm.

- Đối với vụ án có kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới, Viện kiểm sát cấp trên có thể trao đổi, làm rõ thêm về những vấn đề nêu trong kháng nghị để bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát hoặc thống nhất về hướng xử lý đối với kháng nghị phúc thẩm và việc giải quyết vụ án, bảo đảm tính thuyết phục, có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

- Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần lựa chọn Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trực tiếp thụ lý giải quyết vụ án Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội, án có kháng nghị phúc thẩm, án đã bị hủy để điều tra, xét xử lại...

- Sau phiên tòa phúc thẩm, xét thấy có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần kịp thời báo cáo Viện kiểm sát có thẩm quyền để xem xét giải quyết; nếu phát hiện Viện kiểm sát cấp sơ thẩm có những thiếu sót, vi phạm trong quá trình truy tố, xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm cần thông báo rút kinh nghiệm kịp thời nhằm chấn chỉnh những sai sót, nâng chất lượng công tác này.

- Kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, kịp thời phát hiện, tổng hợp vi phạm để kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

3. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hình sự thẩm

- VKSND tối cao (Vụ 7) và các VKSND cấp cao phải thụ lý 100% và đúng thời hạn đơn, công văn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của pháp luật và quy định của Ngành (Quyết định số 201/QĐ-VKSTC ngày 20/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao và Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự); không để xảy ra trường hợp đơn, công văn đề nghị tồn đọng kéo dài, quá hạn luật định.

- Đối với vụ án Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát cấp trên có thể trao đổi, làm rõ thêm về những vấn đề nêu trong văn bản đề nghị để đảm bảo việc giải quyết có căn cứ. Kiên quyết kháng nghị để bảo vệ quan điểm truy tố, xét xử có căn cứ, đúng pháp luật của cấp dưới.

- Tăng cường công tác xác minh theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để có căn cứ vững chắc trước khi ban hành kháng nghị.

- Khi yêu cầu, Viện kiểm sát cấp dưới phải phối hợp, cung cấp hồ sơ kiểm sát và các tài liệu tố tụng liên quan cho VKSND cấp trên để xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

- Đối với các vụ án do Tòa án kháng nghị phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, chuẩn bị tốt nội dung phát biểu của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa giám đốc thẩm, phải có quan điểm rõ ràng trong trường hợp Tòa án kháng nghị không có căn cứ, không xuôi theo quan điểm kháng nghị của Tòa án.

- Sau phiên tòa giám đốc thẩm, nếu kháng nghị của Viện kiểm sát cấp cao không được chấp nhận hoặc quan điểm của Viện kiểm sát cấp cao về kháng nghị của Tòa án không được chấp nhận, thì báo cáo VKSND tối cao để xem xét kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.

4. Công tác bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát

- Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-VKSTC ngày 26/11/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tác quản lý, giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND; Quyết định số 304/QĐ-VKSTC ngày 29/6/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao ban hành kèm theo Quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của VKSND; Hướng dẫn số 34/HD VKSTC ngày 25/10/2019 về công tác quản lý việc giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát; Hướng dẫn số 35/HD-VKSTC ngày 07/12/2020 về việc áp dụng pháp luật về bồi thường thiệt hại của Nhà nước đối với một số vấn đề cụ thể: Hướng dẫn số 30/HD VKSTC ngày 09/8/2021 về áp dụng pháp luật trong xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Tăng cường quan hệ phối hợp công tác trong và ngoài ngành, chú trọng phối hợp với Cơ quan Tòa án, Công an, Tư pháp cùng cấp và các ban, ngành liên quan trong việc nắm bắt thông tin về các vụ việc liên quan đến trách nhiệm xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự, đặc biệt là các vụ việc yêu cầu bồi thường kéo dài nhiều năm, dư luận xã hội quan tâm.

Bên cạnh đó, Hướng dẫn này còn quy định về công tác kháng nghị, kiến nghị, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm, quản lý, chỉ đạo, điều hành của VKSND các cấp…

TL (giới thiệu)
Tìm kiếm