CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn một số nội dung nhằm phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính

08/06/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 28/HD-VKSTC hướng dẫn một số nội dung nhằm phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính để ban hành kháng nghị phúc thẩm.

Trong những năm qua, công tác kháng nghị phúc thẩm cùng cấp, cấp trên trực tiếp của nhiều đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt theo chỉ tiêu của ngành Kiểm sát và Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, còn một số vụ án, Viện kiểm sát chưa kịp thời phát hiện được vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm, có kháng nghị chất lượng chưa cao.

Để kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính của Tòa án, nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm; thông qua công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, VKSND tối cao hướng dẫn các nội dung chính nhằm phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính để ban hành kháng nghị phúc thẩm, gồm: Phát hiện vi phạm pháp luật về tố tụng và phát hiện vi phạm pháp luật về nội dung.

Việc phát hiện vi phạm về tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính của Tòa án, Hướng dẫn số 28/HD-VKSTC đã hướng dẫn các nội dung:

- Vi phạm trong việc xác định đối tượng khởi kiện;

- Vi phạm trong việc xác định thời hiệu khởi kiện;

- Vi phạm về thẩm quyền giải quyết vụ án;

- Vi phạm trong việc xác định người tham gia tố tụng;

- Vi phạm trong việc xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ;

- Vi phạm trong việc giải quyết không hết hoặc giải quyết vượt quá phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự;

- Vi phạm của Hội đồng xét xử khi quyết định vượt quá thẩm quyền;

- Vi phạm trong việc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Việc phát hiện vi phạm pháp luật về nội dung trong quá trình giải quyết vụ án hành chính của Tòa án, VKSND tối cao hướng dẫn như sau:

Vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ: Việc đánh giá chứng cứ là rất quan trọng; do đó, Kiểm sát viên phải nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước.

Trong các vụ án hành chính liên quan đến công tác quản lý về đất đai, vi phạm thường xảy ra trong việc xác định nguồn gốc đất, phân loại mục đích sử dụng đất, vị trí, xác định ranh giới thửa đất, công tác quản lý hồ sơ địa chính, trình tự, thủ tục, lập hồ sơ chưa đúng quy định của pháp luật về đất đai dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính xác, lập phương án bồi thường không phù hợp.

Vi phạm về nội dung xem xét, thẩm định tại chỗ: Kiểm sát viên lưu ý phải kiểm tra tính có căn cứ trong thẩm định tại chỗ mà Tòa án thực hiện, mô tả đối tượng (tài sản) được thẩm định tại chỗ như thế nào? Hiện trạng đó ra sao? Có đo vẽ, xác định chính xác vị trí tài sản hay không? Ý kiến của người có tài sản, có yêu cầu xem xét, thẩm định tại chỗ? Biên bản thẩm định tại chỗ được lập có đúng về hình thức, đầy đủ về nội dung, thành phần hay không?...

Việc xem xét, thẩm định tại chỗ không đúng nội dung, không đầy đủ, không rõ ràng dẫn tới việc giải quyết của Tòa án không được khách quan, là cơ sở để Viện kiểm sát xem xét kháng nghị.

Vi phạm trong việc áp dụng pháp luật không đúng, không thống nhất: Việc Tòa án áp dụng pháp luật không đúng, còn có sự khác nhau giữa các đối tượng cùng thỏa mãn các điều kiện như nhau sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Để phát hiện vi phạm của Tòa án trong trường hợp này, Kiểm sát viên phải nắm vững các quy định của pháp luật về nội dung thuộc từng lĩnh vực hành chính cần áp dụng để đối chiếu. Mặt khác, Kiểm sát viên cần lưu ý đến việc áp dụng pháp luật trong từng giai đoạn lịch sử để phù hợp với thời điểm xảy ra tranh chấp hoặc khi xảy ra tranh chấp dẫn đến khiếu kiện chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh để xác định Tòa án có vi phạm hay không?

Vi phạm trong việc xác định nghĩa vụ về án phí: Kiểm sát viên phải lưu ý xem xét từng yêu cầu cụ thể của người khởi kiện trong vụ án hành chính, ngoài yêu cầu khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có những trường hợp người khởi kiện còn có yêu cầu bồi thường về thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước gây ra, khi xác định có phần yêu cầu bồi thường này cần xác định họ là bên bị hại thì không phải nộp tạm ứng án phí, án phí.

TG (Giới thiệu)
Tìm kiếm