Đồng chí Võ Minh Tuấn, Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5 cho biết trong quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên thực tiễn, tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc Điều 185 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Bài viết dưới đây, tác giả nêu lên một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị đối một số vấn tại Điều 185.
So với Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 1999, Điều 185 BLHS có một số điểm mới, tiến bộ như: Quy định bổ sung một khung hình phạt, áp dụng đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng, khuyết tật đặt biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo; quy định cụ thể hai tình tiết định tội vào khoản 1 của điều luật để thay thế cho tình tiết định tội "gây hậu quả nghiêm trọng" còn chung chung của Bộ luật Hình sự năm 1999. Với sửa đổi, bổ sung như vậy theo tác giả là hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và áp dụng pháp luật trên thực tiễn, tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.
Một là, Điều 185 BLHS với kết cấu tên điều luật là "Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình". Mặt khách quan của tội phạm này bao gồm hai hành vi riêng biệt: Hành vi "ngược đãi" và hành vi "hành hạ". Tuy nhiên, phần quy định hành vi, các nhà làm luật chỉ khái quát một cách định tính về hành vi này, đó là: "Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu và những người có công nuôi dưỡng mình…".
Như vậy, như thế nào là đối xử tồi tệ và như thế nào là hành vi bạo lực? Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có sự thống nhất cụ thể cách hiểu vấn đề này. Tại khoản 1 Điều 50 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có khái quát hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình như sau: "Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ".
Xét thấy, đây là quy định hành vi cấu thành vi phạm hành chính, còn có hình sự hóa hành vi này hay không còn phụ thuộc và tính chất, mức độ hành vi nêu trên. Vấn đề này còn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Hai là, tội phạm này có cấu thành vật chất, có nghĩa là phải có nguyên nhân, hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này thì phải thỏa mãn hai điều kiện: Có hành vi ngược đãi và hành hạ đối với nạn nhân; hành vi đó thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Với quy định trên, đã thể hiện bất cập trên thực tế, bởi: "Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần", có nghĩa là hành vi này được lặp đi, lặp lại trong một thời gian dài, có tính hệ thống, không xác định số lần. Tuy nhiên, theo tác giả, chúng ta không nên sử dụng từ "thường xuyên", bởi lẽ, trên thực tế, khi diễn ra hành vi ngược đãi hoặc hành hạ còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác nhau như: Thời điểm bắt đầu và kết thúc hành vi, có hành vi bắt đầu và kéo dài đến vài năm và thậm chí cho đến khi nạn nhân chết; trạng thái tâm sinh lý của nạn nhân; điều kiện môi trường sống… Ví dụ: A có hành vi chửi mắng, đánh đập mẹ ruột của mình là bà B và dùng những lời nói trong bữa cơm rằng bà chỉ được ăn cơm với rau. Hành vi trên chỉ diễn ra một lần, nhưng bà B tinh thần hoản loạn; đến bữa ăn, nhớ lời đe dọa của A nên không dám ăn những thức ăn khác, dẫn đến sức khỏe giảm sút trầm trọng, bị bệnh và qua đời.
Như vậy hành vi nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa? Với quy định "Thường xuyên" thì A chỉ thực hiện một lần và đây là nguyên nhân dẫn đến trạng thái tâm sinh lý của bà B diễn biến thường xuyên từ hành vi ấy. Hơn nữa, sẽ rất khó khăn cho người tiến hành tố tụng chứng minh hành vi ấy diễn ra có thường xuyên hay không.
Ba là, về đối tượng tác động của tội phạm và hình phạt. Chúng ta thấy, đối tượng tác động của tội phạm này là những người có quan hệ huyết thống hoặc người có công nuôi dưỡng chủ thể của tội phạm. Các nhà lập pháp quy định đối tượng tác động nếu là người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu thì thuộc trường hợp cấu thành tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 185 BLHS, khung hình phạt áp dụng là phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên trên thực tiễn có hành vi dùng bạo lực xâm phạm thân thể của đối tượng tác động nêu trên, dẫn đến hậu quả thương tích hoặc tổn hại sức khỏe (có thể dưới 11%) nhưng với quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 134 BLHS thì mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Chúng ta thấy có sự chênh nhau giữa mức hình phạt của hai điều luật này, bởi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng sẽ tùy từng trường hợp mà có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 186 hoặc Điều 134 BLHS, mặc dù hai điều luật này có khách thể khác nhau nhưng trên thực tế có thể tác động đến cùng chung một đối tượng và mức độ hậu quả là như nhau. Dẫn đến sự khó khăn và không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.
Đề xuất, kiến nghị
Để áp dung pháp luật một cách thống nhất và hiệu quả, tác giả đề xuất thời gian tới Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cần phải có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng điều 185 BLHS vào thực tiễn.
Theo quan điểm tác giả, kiến nghị nâng mức hình phạt tại khoản 1 Điều 134 BLHS tương thích với mức hình phạt tại khoản 2 Điều 185 BLHS để bảo đảm tính răn đe và bảo vệ đối tượng yếu thế trong xã hội; đề xuất sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 185 BLHS theo hướng bỏ cụm từ "Thường xuyên", cụ thể: "Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.".
Võ Minh Tuấn/Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5