Đối với các vụ án giết người chưa đạt, Kiểm sát viên cần nhận diện đúng loại tội phạm này ngay từ khi kiểm sát việc phân loại, thụ lý tố giác, tin báo tố giác về tội phạm đối với vụ việc xô xát ...
Đối với các vụ án giết người chưa đạt, Kiểm sát viên cần nhận diện đúng loại tội phạm này ngay từ khi kiểm sát việc phân loại, thụ lý tố giác, tin báo tố giác về tội phạm đối với vụ việc xô xát đánh nhau có người bị thương phải đưa đi cấp cứu trong thời gian sớm nhất, theo đó đề ra các yêu cầu điều tra cụ thể, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án sau này.
Về mặt lý luận, đối với loại tội phạm giết người nói chung, không có gì thay đổi, nhưng về nhận thức áp dụng pháp luật rõ ràng đã có sự chuyển biến, thay đổi rõ rệt, đặc biệt từ sau khi VKSND cấp cao tại Hà Nội ban hành Thông báo rút kinh nghiệm số 45 ngày 15/11/2016. Từ một vụ án cụ thể được đề cập trong Thông báo này, nhận thấy hành vi của bị can trong vụ án hoàn toàn bột phát. Chỉ từ mâu thuẫn nhỏ nhặt bất ngờ phát sinh, bị cáo đã dùng dao chém một nhát duy nhất vào vùng đầu nạn nhân, hậu quả làm nạn nhân bị 01 vết thương vùng thái dương đỉnh trái làm vỡ xương sọ, kèm theo có vỡ lún xương sọ, rách màng cứng, làm tổn thương 29% sức khoẻ. Cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử bị cáo về tội Cố ý gây thương tích quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS. Vụ án này đã bị cấp Giám đốc thẩm xử huỷ án vì không đúng tội danh. Theo đó, căn cứ vào hung khí (dao phát ruộng) và hành vi khách quan mà bị can thực hiện, cấp Giám đốc thẩm đánh giá ý thức của bị cáo là mong muốn tước đoạt mạng sống nạn nhân thông qua hành vi tấn công vào vùng nguy hiểm đến tính mạng, từ đó nhận định bị cáo phạm tội giết người quy định tại Điều 93 BLHS.
Trước khi có Thông báo rút kinh nghiệm nói trên, theo nhận thức phổ biến của phần lớn người tiến hành tố tụng, khi tiến hành giải quyết các vụ án giết người có hậu quả làm nạn nhân bị thương, ngoài hành vi khách quan của bị can tác động lên các vùng hiểm yếu trên thân thể người, thì các tình tiết liên quan đến việc đánh giá ý thức chủ quan của bị can mong muốn đoạt mạng nạn nhân còn phụ thuộc vào kết quả điều tra về động cơ, mục đích gây án, về mâu thuẫn của các bên, tính chất quyết liệt trong hành vi khách quan của bị can thể hiện bằng lời nói, hành động cụ thể trước, trong và sau khi gây ra hậu quả thương tích cho nạn nhân. Ví dụ như: Do ghen tuông, bị can dùng hung khí chém nhiều nhát vào các vị trí khác nhau làm nạn nhân gục xuống, tưởng nạn nhân chết nên mới bỏ đi. Hoặc do phát sinh mâu thuẫn nhỏ nhặt, bị can đã thực hiện động tác đâm 02 nhát dao vào vùng ngực nạn nhân, thấu ngực, sát mỏm tim và thùy phổi, nạn nhân gục xuống đường thì bị can cầm dao bỏ chạy… Các vụ án tương tự như nội dung vụ án nêu trong Thông báo số 45 nói trên cơ bản đều được định hướng theo tội danh cố ý gây thương tích để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng, thực tiễn trong thời gian qua, thấy rằng khi tiếp nhận tố giác tin báo về tội phạm đối với nhiều vụ việc xô xát đánh nhau do tức thời phát sinh mâu thuẫn, dẫn đến việc các bên sử dụng hung khí (dao, kiếm, mã tấu, tuýp sắt, côn nhị khúc...) gây ra hậu quả thương tích cho đối phương, các đơn vị tiếp nhận tố giác, tin báo ban đầu thường chỉ lập biên bản vụ việc mà không tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng liên quan đến tội phạm để làm căn cứ điều tra sau này. Với nhận thức về hành vi của người gây ra hậu quả thương tích cho nạn nhân, cần phải chờ kết quả khám thương của Cơ quan pháp y mới có căn cứ áp dụng các biện pháp tố tụng tiếp theo, chính vì vậy có nhiều vụ án không kịp thời thu thập vật chứng và các dấu vết liên quan, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án, đặc biệt là các vụ án có dấu hiệu đồng phạm. Sau này, khi vụ án được chuyển đến cấp thành phố, có vụ án phải dựng lại hiện trường.
Quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án giết người không có hậu quả chết người xảy ra, có nhiều quan điểm khi đánh giá chứng cứ còn phụ thuộc chủ yếu vào lời khai nhận của bị can về ý thức chủ quan khi thực hiện hành vi phạm tội. Các câu hỏi thường được nhiều Điều tra viên sử dụng, như: Bị can có ý định giết chết nạn nhân không ?; bị can nhằm vào vị trí nào trên thân thể nạn nhân để chém, có nhận thức được đó là vùng hiểm yếu trên thân thể người hay không ?; bị can có nhận thức được hành vi của mình có nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân hay không ?; tình trạng của nạn nhân sau khi bị đâm (chém) như thế nào ?; thái độ, hành động của bị can lúc đó như thế nào ? (nhằm xác định bị can có bỏ mặc nạn nhân hay không)... Đối với các câu hỏi như vậy, hầu hết các bị can đều khai né tránh, không thừa nhận có việc mong muốn nạn nhân bị chết; né tránh khi khai về nhận thức của bản thân có thể biết được vị trí cụ thể nào trên thân thể người là vùng hiểm yếu, nguy hiểm đến tính mạng và bị can không nhằm vào vị trí đó để thực hiện hành vi đâm, chém... Phần lớn các bị can đều né tránh bằng các câu trả lời, đại loại như: "Đến nay hoặc chỉ đến khi được Điều tra viên giải thích thì mới biết rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho tính mạng nạn nhân"... Do còn phụ thuộc vào lời khai nhận của bị can để làm căn cứ đánh giá ý thức chủ quan của người phạm tội trước và trong thời điểm gây án, nên các cơ quan tố tụng đã nhận định về lỗi của bị can là lỗi cố ý gián tiếp, hậu quả đến đâu phải chịu đến đó để làm căn cứ xác định tội danh (giết người trong trường hợp có hậu quả chết người xảy ra và cố ý gây thương tích trong trường hợp có người bị thương).
Nhìn vào số vụ án giết người chưa đạt đã được thụ lý, giải quyết trong thời gian qua, nhận thấy các vụ án đều có đặc điểm rất chung là xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt mới phát sinh, bị can thực hiện hành vi sử dụng hung khí (dao, tuýp sắt...) đâm, chém vào vùng đầu, ngực của nạn nhân (đây là những vùng được xác định là hiểm yếu trên thân thể người), làm tổn thương não, thấu ngực làm thủng phổi... gây hậu quả tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân từ trên 30% đến dưới 60%. Theo đó, ý thức chủ quan của người phạm tội (mong muốn đoạt mạng nạn nhân) được đánh giá thông qua hành vi khách quan mà bị can đã thực hiện. Lỗi của bị can được nhận định là lỗi cố ý trực tiếp. Hậu quả nạn nhân không bị chết nằm ngoài mong muốn của bị can vì đã được cấp cứu kịp thời. Việc xác định tội danh không hoàn toàn phụ thuộc vào việc bị can có khai nhận về ý muốn giết chết nạn nhân hay không.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là các trường hợp phạm tội đơn lẻ, không có đồng phạm. Thực tế, xảy ra tương đối nhiều các vụ án có đông người tham gia, các bên bất ngờ phát sinh mâu thuẫn, ví dụ như vụ án xảy ra trong một quán bar, họ đều có thể lấy được bất cứ đồ vật trong quán, như chai, cốc thủy tinh; chày đập đá, bình hút shisha để làm hung khí, sau đó rượt đuổi đánh nhau hỗn loạn, dẫn đến hậu quả có người bị thương nặng bởi các nhát đánh vào đầu làm vỡ sọ... Kết quả điều tra, xác định trong số những người tham gia đánh, gây thương tích, ngoài các đối tượng có sử dụng hung khí (chày đập đá, bình shisha, chai thủy tinh) đánh vào đầu nạn nhân, còn có một số người khác chỉ dùng tay chân đấm, đá nạn nhân. Vậy, những đối tượng này liệu có đồng phạm tội giết người hay không ? Còn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc định tội danh cho nhóm người này. Có ý kiến cho rằng hành vi cùng đồng bọn đánh nạn nhân, mặc dù chỉ dùng tay chân đấm, đá nhưng lại biết rõ việc đồng bọn sử dụng hung khí đánh vào vùng hiểm yếu trên thân thể nạn nhân và bỏ mặc, nên được đánh giá là cùng chung ý chí với đồng bọn trong việc mong muốn đoạt mạng nạn nhân và phải chịu chung trách nhiệm hình sự về tội giết người, quy định tại Điều 93 BLHS. Bên cạnh đó, cũng còn có ý kiến xác định bị can chỉ phạm tội gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 245 BLHS.
Từ thực tiễn giải quyết các vụ án giết người chưa đạt, chúng tôi nêu một số kinh nghiệm về kỹ năng nghiệp vụ cơ bản đối với Kiểm sát viên, trao đổi với các đồng nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra với loại tội phạm này như sau:
Giai đoạn kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Đầu tiên, Kiểm sát viên cần nhận diện đúng loại tội phạm này ngay từ khi kiểm sát việc phân loại thụ lý tố giác, tin báo tố giác về tội phạm đối với vụ việc xô xát đánh nhau có người bị thương phải đưa đi cấp cứu trong thời gian sớm nhất (tính từ thời điểm xảy ra vụ việc), theo đó đề ra các yêu cầu điều tra cụ thể, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án sau này.
Hai là, nắm bắt tình hình về hiện trường, xác định xem đơn vị tiếp nhận thông tin có tiến hành bảo vệ hiện trường hay không. Đồng thời, nắm bắt thông tin về tình trạng thương tích của nạn nhân, xác định vị trí các thương tích đó ở vùng đầu, gáy, cổ hay ngực nạn nhân; được tác động bởi loại hung khí nào... Từ đó, báo cáo Lãnh đạo đơn vị yêu cầu Cơ quan điều tra tổ chức khám nghiệm hiện trường.
Việc khám nghiệm hiện trường tùy vào thời điểm nắm được thông tin của vụ việc và đơn vị tiếp nhận đã thực hiện việc bảo vệ hiện trường. Trường hợp sau nhiều ngày kể từ khi xảy ra vụ án, đơn vị tiếp nhận không bảo vệ hiện trường, thì cần yêu cầu tiến hành xác định hiện trường vụ việc theo lời khai của người tố giác, người biết việc, người liên quan để làm căn cứ xác định vị trí, địa điểm xảy ra vụ án (liên quan đến thẩm quyền giải quyết vụ án sau này). Việc lập biên bản xác định hiện trường; xác định sơ đồ vị trí.... cần tuân thủ đúng các quy định tại Điều 95 và 125 BLTTHS.
Ba là, thực hiện việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trước, trong thời điểm khám nghiệm hiện trường (hoặc xác định hiện trường), từ đó nắm bắt nguyên nhân dẫn đến vụ án và các tình tiết liên quan khác để làm căn cứ đề xuất các yêu cầu điều tra tiếp theo.
Bốn là, Kiểm sát việc trưng cầu giám định pháp y về thương tích, xác định tỉ lệ tổn hại về sức khỏe của nạn nhân; cơ chế hình thành thương tích và vật tác động; xác định các dấu vết thương tích có phải do cùng loại hung khí gây ra hay không; trường hợp có đông đối tượng tham gia gây án, các dấu vết thương tích có đặc điểm khác nhau, cần yêu cầu Cơ quan giám định tách tỷ lệ thương tật của từng vết thương để làm căn cứ cá thể hóa tính chất, mức độ của các đối tượng sau này,....; trưng cầu giám định dấu vết sinh học, xác định dấu vết liên quan đến tội phạm...
Năm là, yêu cầu Cơ quan điều tra phối hợp với bệnh viện theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của nạn nhân. Kiểm sát viên nắm bắt thông tin này qua việc đôn đốc Điều tra viên để kịp thời đề xuất hướng điều tra tiếp theo. Chú ý các trường hợp có thể phải giám định bổ sung, xác định tỉ lệ % tổn hại cơ thể, Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên có kế hoạch giám sát chặt chẽ, tránh trường hợp các đối tượng từ chối giám định, gây khó khăn, xung đột quan điểm khi đánh giá hậu quả của vụ án.
Giai đoạn điều tra vụ án
Cần thống nhất nhận thức trong việc đánh giá ý thức chủ quan của người phạm tội (liên quan đến động cơ, mục đích gây án được biểu hiện thông qua hành vi khách quan) trong các vụ án giết người chưa đạt, cụ thể là:
- Lỗi của người phạm tội trong các vụ án này phải là lỗi cố ý trực tiếp.
- Căn cứ hung khí được sử dụng; hành vi khách quan của bị can; vị trí dấu vết thương tích để lại trên thân thể của nạn nhân, mức độ, cường độ tấn công nạn nhân; số lượng vết thương, hậu quả thương tích... từ đó, xác định động cơ gây án của người phạm tội nhằm đoạt mạng nạn nhân tại thời điểm gây án. Việc nạn nhân không bị chết là nằm ngoài mong muốn của người phạm tội.
Ngoài ra, tùy từng vụ án cụ thể, còn phải căn cứ vào tương quan lực lượng, như: Thể trạng, thể lực của bị can và bị hại; số lượng về người, về hung khí, tính chất hung khí mà các bên sử dụng đánh nhau... để yêu cầu Cơ quan pháp y trả lời nội dung “Nếu không được cấp cứu kịp thời, các thương tích có gây nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân hay không?.
- Các vị trí được xác định là vùng hiểm yếu trên thân thể người, gồm: Vùng đầu, gáy, cổ và vùng ngực... Việc gây thương tích ở vùng đầu, phải dẫn đến hậu quả làm tổn thương sọ, như: Vỡ, lún sọ. Việc gây thương tích ở vùng ngực phải dẫn đến hậu quả thấu ngực, có tổn thương phổi, tim... Tùy các vụ việc cụ thể, cần đánh giá đúng tính chất hành vi của bị can.
Trên đây là một số kinh nghiệm trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án giết người (chưa đạt về hậu quả), rất mong nhận được sự quan tâm, cùng nhau thảo luận, trao đổi nghiệp vụ của các đồng nghiệp.
Lương Thị Thúy Dung, Phó Trưởng phòng 2 VKSND tp Hải Phòng
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tp Hải Phòng)