Luận tội là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của VSND khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm (Điều 266 BLTTHS năm 2015), do Kiểm sát viên (KSV) trực tiến hành...
Luận tội là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của VSND khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm (Điều 266 BLTTHS năm 2015), do Kiểm sát viên (KSV) trực tiến hành, được thực hiện ngay sau khi kết thúc phần xét hỏi, mở đầu phần tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.
Luận tội là gì?
Xét về mặt nội dung thì bản luận tội không những là căn cứ để bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về toàn bộ vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố trước Tòa án, là cơ sở để Tòa án xem xét, quyết định việc đưa ra phán quyết của mình đối với người phạm tội và toàn bộ vụ án theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.
Căn cứ pháp lý để KSV thực hiện việc luận tội được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật tổ chức VKSND năm 2014, các điều 42, 266, 320, 321 BLTTHS năm 2015.
Trước đây, BLTTHS năm 2003 quy định chủ thể thực hiện việc luận tội là KSV(điểm đ khoản 1 Điều 37 và khoản 1 Điều 217 BLTTHS năm 2003), nhưng không quy định cụ thể về nội dung luận tội. việc xây dựng luận tội trong thời gian qua căn cứ vào hướng dẫn tại Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế 960). Ngày nay, BLTTHS năm 2015 đã được bổ sung 01 điều luật (Điều 321) quy định cụ thể, đầy đủ nội dung luận tội của KSV. theo đó:
(1) Luận tội của KSV phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa (Khoản 1).
Quy định như trên nhằm bảo đảm tính khách quan, tính có căn cứ và chính xác trong việc thực hiện luận tội của KSV. Đây không phải là nội dung mới vì đã được quy định tại Điều 217 (Trình tự phát biểu khi tranh luận) của BLTTHS năm 2003. BLTTHS năm 2015 chỉ thay đổi vị trí, đưa nội dung này vào Điều 321 (Luận tội của Kiểm sát viên) thay vì đưa vào Điều 320 (Trình tự phát biểu khi tranh luận) để đảm bảo sự phù hợp về nội dung.
Để thực hiện yêu cầu này, KSV khi tham gia phiên tòa cần lưu ý:
- Vì yêu cầu luận tội phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa nên KSV cần tập trung chú ý theo dõi việc xét hỏi của Hội đồng xét xử và tiến hành hỏi thêm về những tình tiết chưa được làm rõ, còn có mâu thuẩn, đảm bảo tất cả các chứng cứ, tài liệu, đồ vật phải được kiểm tra tại phiên tòa, quyết không được bỏ sót bất kỳ chứng cứ, tài liệu, đồ vật nào. KSV còn phải chú ý lắng nghe, ghi chép đầy đủ, xem xét cẩn thận ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, để rồi kết luận chấp nhận hay không chấp nhận ý kiến của họ.
- Căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra và ý kiến của người tham gia tố tụng tại phiên tòa, KSV tiến hành sữa chữa, bổ sung dự thảo luận tội cho chính xác, đầy đủ trước khi trình bày luận tội. BLTTHS năm 2015 không có quy định về thời gian để KSV xem xét, quyết định bổ sung, sữa chữa lại dự thảo luận tội trước khi trình bày. Điều này gây khó khăn cho KSV trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phức tạp, nhiều tình tiết mới cần thời gian để xem xét cho rõ. Vì vậy, KSV cần nhanh nhạy, vừa lắng nghe việc xét hỏi, vừa ghi chép, đánh giá lời khai của bị cáo và ý kiến của những người tham gia tố tụng để kịp thời bổ sung, sữa chữa dự thảo luận tội.
(2) Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án (Khoản 2).
Về phân tích, đánh giá chứng cứ: Phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo có tội như: biên bản khám nghiệm, biên bản kiểm tra, thu giữ vật chứng, kết luận giám định pháp y, sổ sách, chứng từ, lời khai của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng... Kiểm sát viên phải cập nhật diễn biến tại phiên tòa để đưa ra lập luận bác bỏ hoặc chấp nhận lời trình bày của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời viện dẫn chứng cứ chứng minh quan điểm của mình. Đối với những vấn đề, tình tiết mới phát hiện tại phiên tòa có thể làm thay đổi cơ bản nội dung, tính chất của vụ án nếu chưa được thẩm tra đầy đủ, chưa có đủ căn cứ thì không được kết luận mà phải đề nghị hoãn phiên tòa để điều tra xác minh...
Luận tội phải phân tích, đánh giá chung tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; động cơ, mục đích, thủ đoạn phạm tội; mức độ hậu quả tác hại do tội phạm gây ra đối với người bị hại và an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Khi phân tích, đánh giá các nội dung trên, cần đúng mức, không phóng đại. Đánh giá vấn đề gì, cần phải có chứng cứ chứng minh chính xác, đầy đủ. Luận tội còn phải phân tích, đánh giá các nội dung khác: nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nguyên nhân, điều kiện phạm tội…
(3) Đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng (Khoản 3).
Trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn bộ chứng cứ của vụ án, KSV khẳng định nội dung truy tố của Cáo trạng là đúng hoặc cần phải thay đổi, bổ sung, rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn tại phiên tòa; kết luận và đề nghị xử lý về trách nhiệm hình sự, xử lý vật chứng và trách nhiệm dân sự trong vụ án.
(4) Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật (Khoản 4).
Luận tội phải chỉ rõ ra, phân tích kỹ các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, rồi kiến nghị các biện pháp cụ thể nhằm góp phần vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật.
Những vấn đề Kiểm sát viên cần lưu ý để nâng cao chất lượng xây dựng bản luận tội
Để xây dựng bản dự thảo luận tội có chất lượng tốt, theo chúng tôi, KSV cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, nghiên cứu hồ sơ vụ án: KSV chỉ tiến hành xây dựng dự thảo luận tội khi đã nghiên cứu thận trọng, khách quan, toàn diện, đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Phải nghiên cứu tất cả các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án với sự cẩn trọng thật cao để nắm vững, kết luận đúng hành vi phạm tội đã xảy ra thế nào, thời gian, địa điểm và các tình tiết khác của hành vi phạm tội; người thực hiện hành vi phạm tội, do cố ý hay vô ý, mục đích, động cơ phạm tội; những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can và đặc điểm về nhân thân của bị can; tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân và điều kiện phạm tội…Trong khi nghiên cứu, cần trích cứu đầy đủ, trung thực lời khai của bị can và những người tham gia tố tụng khác.
Khi nghiên cứu từng chứng cứ, KSV cần phải xem xét kỹ lưỡng, toàn diện các mặt (hình thức, nội dung chứng cứ). không nên coi trọng chứng cứ này, xem nhẹ chứng cứ khác. Tránh suy diễn sự việc theo ý chủ quan của mình, phải tôn trọng sự thật khách quan.
Thứ hai, dự thảo luận tội phải đúng, đầy đủ các nội dung, yêu cầu tại Điều 321 BLTTHS năm 2015.
Thứ ba, khi xây dựng dự thảo luận tội phải theo quy trình, hướng dẫn của VKSND tối cao: Khi xây dựng dự thảo luận tội, KSV phải bám sát quy trình, theo đúng hướng dẫn tại Quy chế 505: Dự thảo luận tội phải theo mẫu hướng dẫn của VKSND tối cao (Mẫu số 13), đối với các vụ án trọng điểm, phức tạp, xét xử lưu động thì phải báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát duyệt và cho ý kiến về dự thảo luận tội…
Thứ tư, viết dự thảo luận tội rõ ràng, ngắn gọn, dùng từ chính xác. Khi nêu tình tiết, sự việc gì, phải viện dẫn chứng cứ chứng minh.
Thứ năm, khi viết xong dự thảo luận tội rồi thì cần đọc đi, đọc lại nhiều lần nhằm phát hiện, sữa chữa các thiếu sót. Tránh để sai sót, dù là nhỏ. Nếu vụ án có nhiều KSV tham gia, thì tất cả các KSV phải đọc kỹ dự thảo luận tội, sửa đi sửa lại sao cho chính xác nhất, vì một người không thể thấy hết các vấn đề. đối với các vụ án trọng điểm, phức tạp, xét xử lưu động, thì KSV phải báo cáo lãnh đạo để cho ý kiến về dự thảo luận tội; còn với các vụ án khác, KSV cũng nên báo cáo lãnh đạo xem, giúp chỉnh sữa, bổ sung dự thảo luận tội, để mà học kinh nghiệm.
Thứ sáu, trước khi tham gia phiên tòa, KSV cần tự mình thực hành trình bày luận tội. Vì như thế giúp KSV nắm vững hồ sơ vụ án, kịp thời phát hiện những thiếu sót, những chỗ chưa đầy đủ để sữa chữa, bổ sung. KSV tự thực hành trình bày luận tội còn để lưu ý trước về cách trình bày hiệu quả nhất đối với từng vấn đề (tình tiết nào cần nhấn mạnh, phân tích kỹ càng? việc ngừng nghĩ ? sử dụng ngôn ngữ cơ thể)…
Nguyễn Cao Cường - VKSND huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế
(Theo kiemsat.vn)