CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số giải pháp để triển khai thực hiện quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn truy tố

12/08/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn truy tố...

Quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh  khi hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội trong giai đoạn truy tố

Điều 183, 184 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết. Việc Kiểm sát viên hỏi cung bị can được tiến hành theo quy định tại Điều này; mỗi lần hỏi cung bị can đều phải lập biên bản, theo quy định tại Điều 178 của BLTTHS; biên bản hỏi cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 (TTLT 03/2018) với 03 chương 11 Điều quy định về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh;

Theo các quy định này, Viện kiểm sát phải thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại trụ sở VKSNDtrong quá trình truy tố, gồm có các trường hợp:

Thứ nhất (bắt buộc): khi hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội;

Thứ hai (bắt buộc): trường hợp tiến hành đối chất có sự tham gia của bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tại trụ sở Viện kiểm sát;

Thứ ba (có thể): khi lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định tại các điều 146, 187, 188 và 189 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ tư (theo yêu cầu): Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác trụ sở VKSND được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Việc sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong giai đoạn truy tố

Trong giai đoạn truy tố, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh để phục vụ truy tố và làm cơ sở xác định tính khách quan trong hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; để đánh giá chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm, kiểm tra, phát hiện có hay không dấu hiệu oan, sai; bị can có bị bức cung hoặc dùng nhục hình hoặc vi phạm pháp luật trong giai đoạn điều tra. (Điều 7 TTLT số 03/2018)

Điều kiện cần thiết để Viện kiểm sát thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình truy tố

Phải có cán bộ chuyên môn: Đây là cán bộ thuộc biên chế của Viện kiểm sát, là người có trình độ chuyên môn kỹ thuật và sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, có trách nhiệm quản lý hệ thống phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và bảo quản, lưu trữ kết quả dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Phải có phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, như: Thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ, các phương tiện thiết bị kỹ thuật khác sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh;

Phải có Phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại trụ sở Viện kiểm sát, đây là phòng chuyên dụng bảo đảm đủ điều kiện về diện tích, ánh sáng, an toàn và được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đạt chất lượng về âm thanh và hình ảnh.

Như vậy, từ 01/01/2020, Viện kiểm sát phải thực hiện quy định ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong truy tố, nhưng các điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng hiệu quả khi ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình truy tố, là nội dung cần quan tâm, đó là:

Chỉ tính trên địa bàn tỉnh Hải Dương, đã có 11/12 VKSND cấp huyện, trụ sở được xây dựng từ trước năm 2006 (VKSND TP Chí Linh đưa vào sử dụng mới từ 7/2019) đáp ứng việc VKSND thực hiện nhiệm vụ quy định tại BLTTHS năm 2003. Nay phòng làm việc cho công chức, Kiểm sát viên chưa đáp ứng tiêu chuẩn, định mức; công trình phụ trợ xuống cấp, trang thiết bị làm việc hạn chế, thì việc bố trí phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại trụ sở, phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, gặp khó khăn nhất định.

Mặt khác theo định biên, VKSND cấp huyện có các công chức là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên nghiệp vụ và người lao động (nhân viên bảo vệ, nhân viên tạp vụ), thì việc quy định phải có cán bộ chuyên môn có trình độ chuyên môn kỹ thuật và sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, có trách nhiệm quản lý hệ thống phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và bảo quản, lưu trữ kết quả dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là quy định không dễ thực hiện ngay

Để khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm Luật định, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tổ chức cho công chức học tập, nghiên cứu nắm chắc, thống nhất nhận thức việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị mình; trong đó phân định rõ trường hợp bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; trường hợp nào khuyến khích… việc sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình giải quyết vụ án như thế nào? Ngành Kiểm sát Hải Dương tiếp tục tổ chức học tập các chuyên đề đã được bồi dưỡng năm 2017 và 2018 (về kỹ thuật ghi âm, ghi hình…), kiểm tra các trang thiết bị (máy ghi âm, máy quay…) đã được cấp phát đảm bảo sẵn sàng khi triển khai thực hiện.

Thứ hai,  đánh giá trình độ công chức đề xuất cấp có thẩm quyền đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về công nghệ thông tin, đáp ứng chuẩn cán bộ chuyên môn để họ có thể vừa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, lại đảm bảo tính bảo mật của vụ án hình sự.

Thứ ba, tranh thủ nguồn lực, khẩn trương cải tạo, xây mới phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại trụ sở đơn vị, trang cấp thiết bị kỹ thuật phù hợp yêu cầu, để thực hiện ngay từ 01/01/2020. Trước mắt khi chưa có phòng đủ điều kiện, chúng tôi cho rằng có thể sử dụng Phòng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của Cơ quan điều tra (bị can tại ngoại), Trại tạm giam (bị can tạm giam), nhưng nội dung này cần sự phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Trại tạm giam. Một giải pháp khác, làvận dụng linh hoạt quy định tại khoản 3 Điều 5 TTLT 03/2018 khi hỏi cung: Kiểm sát viên phải báo cho bị can biết việc không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, để họ có ý kiến đồng ý thì hỏi cung;

Thứ tư, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện khẩn trương rà soát, sửa đổi quy chế phối hợp với Cơ quan Công an, Tòa án cùng cấp, để thực hiện kịp thời quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; tranh thủ sự chỉ đạo của Cấp ủy, hỗ trợ kinh phí của chính quyền địa phương cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Thứ năm, đề nghị VKSND tối cao, tập huấn nghiệp vụ, đào tạo cán bộ chuyên môn, đồng thời quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo cơ sở vật chất cho việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại trụ sở Viện kiểm sát các cấp./.

Nguyễn Quang Trung, Phòng 7, VKSND tỉnh Hải Dương

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Hải Dương)

 
Tìm kiếm