Để công tác kiểm sát giải quyết các việc dân sự được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo cho quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được pháp luật bảo vệ, khắc phục những mặt còn tồn tại và hạn chế như đã phân tích trên; bài viết xin đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các việc dân sự sơ thẩm như sau:
- Giải pháp về quản lý, chỉ đạo điều hành: Lãnh đạo Viện cần bố trí, sắp xếp các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên có năng lực, kinh nghiệm kiểm sát trực tiếp các quyết định của Tòa án nhằm phát hiện ra những vi phạm của Tòa án để thực hiện kháng kiến nghị theo thẩm quyền, đồng thời tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các Kiểm sát viên, chuyên viên tập trung nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực giải quyết các việc dân sự; thường xuyên cử các Kiểm sát viên, Kiểm tra viêcn làm trong khâu công tác dân sự được tập huấn theo yêu cầu Kế hoạch công tác bồi dưỡng cán bộ của Ngành Kiểm sát. Ngoài ra, tùy vào mức độ công việc của Bộ phận dân sự, Lãnh đạo Viện có thể trưng dụng các Kiểm sát viên của bộ phận công tác khác bổ sung cho những đợt cao điểm xét việc của Tòa án.
Hằng tháng, quý, năm Lãnh đạo Viện cần tiến hành kiểm tra chất lượng xây dựng hồ sơ kiểm sát, phương pháp nghiên cứu hồ sơ, cách thức thu thập chứng cứ trong hồ sơ, đánh giá chứng cứ như thế nào để đưa ra đường lỗi giải quyết việc dân sự, báo cáo đề xuất đường lối giải quyết; khả năng phát hiện vi phạm.
Trong năm, Lãnh đạo Viện cũng cần tham gia vài vụ dân sự hoặc chọn việc dân sự làm phiên tòa, phiên họp rút kinh nghiệm nhằm tạo cho các Kiểm sát viên, chuyên viên của bộ phận dân sự học tập và rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Bên cạnh đó tập hợp những khó khăn vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết các việc dân sự để cùng nhau trao đổi hoặc gửi Viện kiểm sát cấp trên cùng tháo gỡ nhằm cho việc giải quyết các việc dân sự được triệt để và thống nhất; tham khảo kinh nghiệm với các đơn vị đã làm tốt, có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm; cần tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên, khuyến khích tự nghiên cứu học tập, tổ chức học tập rút kinh nghiệm ở các quận khác.
- Giải pháp về chuyên môn nghiệp vụ:
Kiểm sát viên chuẩn bị tốt trước khi tham gia phiên họp: Muốn làm tốt khâu công tác chuẩn bị trước phiên họp đòi hỏi Kiểm sát viên cần tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thụ lý việc ngay từ ban đầu, tự Kiểm sát viên đưa ra phương hướng nhận định cho một việc mình sắp tham gia phiên họp để từ đó kiểm sát xem xét việc tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu của Tòa án, xác định tính hợp pháp, tính có căn cứ của các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ việc đã thực sự đầy đủ chưa? Tòa án thụ lý việc đó có đúng thẩm quyến hay không, nếu không đúng thẩm quyền thì cần kiến nghị Tòa án đình chỉ việc và trả lại đơn yêu cầu theo Điều 363, 364, 366 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cần chú ý các thủ tục tố tụng mà Tòa án gửi cho Viện kiểm sát kiểm sát đối với từng việc cụ thể có sự tham gia của Viện kiểm sát, từng bước tiếp cận hồ sơ việc. Xem xét đối với từng việc thì Tòa án phải gửi cho Viện kiểm sát những Quyết định tiếp theo trong quá trình giải quyết việc và việc chuyển Quyết định đó có đúng thời hạn quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hay không? Trước khi tham gia phiên họp Kiểm sát viên phải trực tiếp nghiên cứu toàn bộ hồ sơ việc dân sự của Tòa án, nghiên cứu lại hồ sơ kiểm sát sau khi photo (đã sắp xếp theo thứ tự thời gian), trích yếu việc dân sự thật chặt chẽ, đồng thời đánh giá chính xác, khách quan từng chứng cứ có trong hồ sơ việc và nếu khi nghiên cứu hồ sơ Kiểm sát viên phát hiện những tình tiết liên quan muốn làm rõ một số vấn đề thì căn cứ Khoản 3 Điều 58 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 “Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này”. Quy định này là điểm mới Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án xác minh thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết khi thấy cần thiết phải làm rõ một số vấn đề trong hồ sơ việc dân sự. Việc nghiên cứu hồ sơ trước khi tham gia phiên họp của Kiểm sát viên rất quan trọng bởi nó quyết định chất lượng hiệu quả khi Kiểm sát viên tham gia phiên họp: Kiểm sát viên nắm rõ nội dung việc, các chứng cứ có trong hồ sơ việc và những chứng cứ không khắc phục được buộc Kiểm sát viên đề nghị Tòa án phải tạm ngừng phiên họp quy định tại Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; đồng thời nghiên cứu kỹ hồ sơ giúp Kiểm sát viên tự đưa ra các câu hỏi, lập đề cương xét hỏi đối với tình tiết cần làm rõ tại phiên họp xét, tự đặt ra những tình huống phát sinh tại phiên họp (nếu có).
Nhưng trước khi tham gia phiên họp xét, theo quy chế, quy định của Ngành kiểm sát thì Kiểm sát viên cần làm báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện phụ trách khâu công tác về quan điểm giải quyết toàn bộ nội dung và về tố tụng của việc dân sự, xem xét tính hợp pháp và có căn cứ hay không, xác định quan chính xác quan hệ pháp luật của việc bởi lẽ nếu xác định không chính xác quan hệ pháp luật thì sẽ áp dụng không đúng điều luật ảnh hưởng đến kết quả giải quyết việc; Kiểm sát viên báo cáo đề xuất rõ những việc Tòa án thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu người tham gia tố tụng dân sự (chủ yếu là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) từ có có cơ sở để xem xét kháng kiến nghị theo thẩm quyền về thiếu những chứng cứ và thành phần người tham gia tố tụng. Sau khi Lãnh đạo Viện phụ trách phê duyện báo cáo đề xuất, Kiểm sát viên dự thảo bài phát biểu (Biểu mẫu số 13/DS (DP) theo Quyết định số 388/QĐ-VKSTC ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quy định tại phiên họp.
Nâng cao chất lượng kiểm sát của Kiểm sát viên tại phiên họp: Khi tham gia phiên họp, Kiểm sát viên cần chuẩn bị tác phong nghiêm túc sức khoẻ tốt, linh hoạt và trang phục thật gọn gàng đúng quy định của Ngành kiểm sát. Kiểm sát viên chuẩn bị đầy đủ, nắm chắc nội dung việc dân sự cùng các quy định của pháp luật giúp cho Kiểm sát viên bản lĩnh, tự tin hơn. Nhưng nếu sức khỏe không tốt, nghiên cứu hồ sơ sơ sài thì chắc chắn bản lĩnh và chất lượng tham gia phiên họp một phần cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều, từ đó vai trò của Kiểm sát viên bị giảm sút.
Trong quá trình nghiên cứu hồ sơ việc dân sự, Kiểm sát viên phải lập đề cương xét hỏi, dự trù những tình tiết sẽ phát sinh mới, nếu không thì tại phiên họp Kiểm sát viên sẽ lúng túng trong việc đặt câu hỏi, không thể hiện được quyền uy, uy nghiêm của Viện kiểm sát. Tại phiên họp, Kiểm sát viên cần ghi nhanh diễn biến tại phiên họp, ghi chép đầy đủ, chi tiết giúp cho Kiểm sát viên tìm ra những điểm cần làm sáng tỏ, kịp thời bổ sung những câu hỏi tại phiên họp.
Kiểm sát viên tham gia xét hỏi: Kiểm sát viên cần lắng nghe, ghi rõ các câu hỏi của Thẩm phán và phân tích câu trả lời của đương sự để xem xét các câu hỏi đã làm rõ việc dân sự chưa? Có phát sinh tình tiết hoặc chứng cứ mới hay không? Khi hỏi Kiểm sát viên tránh việc đặt trùng lập với Thẩm phán bởi câu hỏi của Thẩm phán thường chỉ tập trung chủ yếu vào nội dung việc dân sự mà quên đi phần Tố tụng, những vấn đề về Tố tụng cần hỏi làm rõ: thẩm quyền giải quyết của Tòa án, thời hiệu giải quyết việc dân sự, quan hệ pháp luật, Tòa án thu thập chứng cứ đủ và đúng theo thủ tục luật định chưa? Tòa án đã thực hiện việc cấp tống đạt cho đương sự có đảm bảo không? Sự cần thiết để đưa người tham gia tố tụng theo luật định?
- Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp: Kiểm sát viên cần phân tích, lập luận đầy đủ các câu hỏi của Thẩm phán và câu trả lời của đương sự. Từ đó, Kiểm sát viên tự rút ra kết luận việc thu thập chứng cứ, chứng minh đầy đủ của việc dân sự? Có hay không nội dung, tình tiết mới xuất hiện? Nếu tại phiên họp phát hiện có sự vi phạm thì Kiểm sát viên phải xem xét, đánh giá xác định mức độ vi phạm, căn cứ pháp luật để phát biểu kiến nghị về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán hoặc đề xuất kháng nghị theo thẩm quyền khi kết thúc phiên họp. Kiểm sát viên cần phát biểu quá trình kiểm sát chặt chẽ về những vấn đề như: Về thủ tục tố tụng thì kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán giải quyết việc dân sự, Thư ký phiên họp kể từ khi thụ lý việc dân sự cho đến trước thời điểm Thẩm phán ra quyết định giải quyết việc dân sự; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý việc dân sự cho đến trước thời điểm Thẩm phán ra quyết định giải quyết việc dân sự; về quan điểm giải quyết việc dân sự thì: Phát biểu tính có căn cứ và hợp pháp của yêu cầu giải quyết việc dân sự; Phân tích, đánh giá, nhận định về nội dung sự việc, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ; nêu rõ căn cứ pháp luật hoặc các căn cứ quy định tại Điều 45 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được áp dụng để giải quyết việc dân sự; đề nghị Tòa án kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc giải quyết việc dân sự có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên (nếu có); nêu rõ quan điểm về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Kiểm sát viên kiểm sát việc Tòa án quyết định giải quyết việc dân sự và biên bản phiên họp (Điều 369, 370 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015): Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định rõ về vấn đề này nhưng các điều luật khác quy định vụ án dân sự thì cũng biết được: Kiểm sát viên cần kiểm sát việc tuân theo pháp luật, chú ý nghe kỹ phân tích nội dung, về xác định quan hệ yêu cầu, đánh giá chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ, lời khai tại phiên họp của đương sự, Quyết định của Tòa án, Tòa án có chấp nhận hay chấp nhận yêu cầu của đương sự để có căn cứ so sánh, đối chiếu các tình tiết diễn biến tại phiên họp, trong hồ sơ kiểm sát với phần quyết định của Tòa án để xem xét, đánh giá và từ đó đề xuất Lãnh đạo Viện phụ trách theo dõi chỉ đạo khi có vi phạm nghiêm trọng thì ban hành kháng nghị theo thẩm quyền quy định tại Điều 371, 372 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Về kiểm sát biên bản phiên họp: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về việc biên bản phiên họp nhưng tại Điều 236 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về biên bản phiên tòa vụ án dân sự thì Kiểm sát viên cũng như những người tham gia tố tụng đều có quyền được xem biên bản phiên họp ngay sau khi kết thúc phiên họp, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản và ký xác nhận như đối với biên bản phiên tòa. Chính vì vậy khi Kiểm sát viên phát hiện có sai lệch, không đúng tình tiết diễn ra tại phiên họp ghi trong biên bản phiên họp thì Kiểm sát viên cần yêu cầu thư ký ghi biên bản phiên họp sửa đổi, bổ sung đúng quy định. Về báo cáo kết quả sau phiên họp: Ngay sau khi kết thúc phiên họp xét việc dân sự, Kiểm sát viên phải báo cáo với Lãnh đạo Viện phụ trách các nội dung phiên họp theo mẫu Ngành kiểm sát về kết quả sau khi xét họp như diễn biến phiên họp, những tình huống phát sinh và xử lý của kiểm sát viên đối với tình huống xảy ra (nếu có) phát hiện có vi phạm nghiêm trọng thủ tục Tố tụng thì thực hiện quyền kháng nghị theo quy định.
- Đảm bảo nâng cao chất lượng thực hiện quyền yêu cầu, kiến kháng nghị, thực hiện có hiệu quả Quy chế Ngành Kiểm sát nói chung và của công tác kiểm sát các việc dân sự nói riêng. Thường xuyên điều chỉnh linh hoạt, tùy tính chất, tình hình để yêu cầu, kiến kháng nghị triệt để, tránh chạy theo chỉ tiêu; bên cạnh đó cần đôn đốc và có biện pháp xử lý đối với những đơn vị đã nhận được yêu cầu, kiến kháng nghị của Viện kiểm sát nhưng đã không thực hiện hoặc chưa thực hiện nhằm đảm bảo các yêu cầu, kiến kháng nghị đó được tiếp thu, thực hiện.
Cần hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác kiểm sát giải quyết các việc dân sự; đẩy mạnh việc xây dựng án lệ liên quan đến các việc dân sự như: xác định thẩm quyền về yêu cầu xác định cha mẹ cho con hoặc xác định con cho cha mẹ, xác định ngày mất tích đối với yêu cầu tuyên bố một người mất tích, xác định ngày chết đối với yêu cầu tuyên bố một người là đã chết; hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về phần thủ tục giải quyết việc dân sự vì chưa quy định rõ thủ tục đối với từng trường hợp cụ thể vì việc dân sự gắn với quyền nhân thân của con người nên cần quy định đầy đủ và thống nhất.
Viện kiểm sát nhân dân cấp trên tiếp tục và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn Viện kiểm sát nhân cấp dưới để đảm bảo khâu công tác giải quyết các việc dân sự nói riêng và các khâu công tác khác nói chung được chuyên sâu, tránh các trường hợp bị hủy sửa do lỗi chủ quan vì nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi đua cuối năm của chính bản thân Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và chuyên viên làm khâu công tác này.
Đồng thời nên thêm các trang thiết bị cần thiết để có thể thực hiện số hóa hồ sơ như các vụ án hình sự: máy tính xách tay, máy ghi âm, ghi hình, USB để kịp thời phát hiện vi phạm của Tòa án tại phiên tòa đối với những vụ án phức tạp và hồ sơ nhiều bút lục.