Tội phạm giết người trên địa bàn thành phố Hà Nội không có chiều hướng giảm và tiếp tục diễn biến phức tạp do sự tác động của nhiều nguyên nhân và điều kiện khác nhau, đòi hỏi VKSND thành phố Hà Nội khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực tư pháp phải thể hiện vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát. Trong đó, hoạt động kiểm sát điều tra tại hiện trường các vụ án giết người phải bảo đảm hoạt động điều tra tại hiện trường của Cơ quan Cảnh sát điều tra đúng quy định của pháp luật. Tác giả nêu một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm sát điều tra tại hiện trường các vụ án giết người trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:
Thứ nhất, phương pháp, quy trình kiểm sát hoạt động điều tra tại hiện trường
Kiểm sát viên muốn làm tốt hoạt động kiểm sát điều tra tại hiện trường cần có một phương pháp kiểm sát khoa học, để mọi hoạt động diễn ra Kiểm sát viên phải bao quát được toàn bộ, từ đó có sự chỉ đạo và yêu cầu kịp thời với những hoạt động không đúng theo quy định của pháp luật. Muốn làm được việc này, Kiểm sát viên cần tiến hành và thực hiện tốt những nội dung sau đây:
- Trước khi tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên phải yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra làm tốt công tác bảo vệ hiện trường và thông báo những thông tin liên quan đến việc cần khám nghiệm, kết quả điều tra xác minh ban đầu, về những tình tiết liên quan đến hiện trường, như:
Điều tra viên chủ trì khám nghiệm phải báo cáo sơ bộ vụ án để Kiểm sát viên và các thành viên Hội đồng khám nghiệm nắm được, trong đó cần báo cáo rõ một số nội dung, như: Ai là người đã phát hiện hiện trường đầu tiên, phát hiện trong điều kiện, hoàn cảnh nào, mối quan hệ của người phát hiện với hiện trường, tử thi, công tác bảo vệ hiện trường được tiến hành khi nào, hiện trường còn nguyên vẹn hay đã bị xáo trộn; thông báo về việc giải quyết những vấn đề phát sinh tại hiện trường đã được tiến hành, việc cấp cứu nạn nhân, sự di chuyển đồ vật, tại sao lại có sự xáo trộn đó, những vùng nào xáo trộn để xác định và lý giải những vấn đề sau này xảy ra, như: Tại sao mất dấu vết, tại sao xuất hiện nhiều dấu vết lạ tại hiện trường…
Cần phải có đánh giá, nhận định sơ bộ ban đầu về nguyên nhân chết, tình trạng nạn nhân khi đến hiện trường, tư thế nạn nhân, đặc điểm nạn nhân. Việc xác định những tình tiết ban đầu để truy tìm tung tích nạn nhân, những dấu vết trên thân thể nạn nhân, những dấu vết tại hiện trường sẽ giúp Cơ quan Cảnh sát điều tra truy tìm hung thủ theo dấu vết nóng, đặc biệt phải thu giữ đầy đủ mọi dấu vết, vật chứng xuất hiện tại hiện trường, như: Lông, tóc, sợi, máu, dấu vết đường vân..., khi mô tả vào biên bản phải mô tả tỷ mỷ, cụ thể, chi tiết, khách quan từng loại dấu vết... làm cơ sở giúp Cơ quan Cảnh sát điều tra truy nguyên công cụ, phương tiện phạm tội, truy tìm hung thủ gây án.
Việc nắm chắc những thông tin ban đầu sẽ giúp Kiểm sát viên định hướng trước về nội dung, phương pháp cũng như phạm vi công tác khám nghiệm hiện trường để hoạt động này đạt kết quả cao. Muốn hoạt động điều tra tại hiện trường vụ án giết người đạt kết quả cao, trước khi Hội đồng khám nghiệm tiến hành khám nghiệm, Kiểm sát viên phải trao đổi trước với Điều tra viên những vấn đề cần thu thập, làm rõ, chứng minh để thống nhất về phương pháp và cách thức tiến hành khám nghiệm đạt hiệu quả tốt nhất.
Ngay từ đầu Kiểm sát viên đến hiện trường phải kiểm tra ngay về tư cách pháp lý của các thành viên trong Hội đồng khám nghiệm cũng như những người được tham gia vào việc khám nghiệm (đại diện chính quyền địa phương, người chứng kiến...) đảm bảo thành phần khám nghiệm đúng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp thành phần không đầy đủ, không đúng, phải kiên quyết yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra triệu tập đầy đủ và đúng thành phần mới tiến hành khám nghiệm.
- Kiểm sát viên khi tiến hành kiểm sát điều tra tại hiện trường cần kiểm sát chặt chẽ hoạt động của những thành viên tham gia trong Hội đồng khám nghiệm, kịp thời phát hiện những thiếu sót để yêu cầu khắc phục ngay, quá trình Hội đồng tiến hành thu thập dấu vết, vật chứng tại hiện trường cũng như tiến hành những hoạt động điều tra khác tại hiện trường phải đảm bảo tính hợp pháp và tính có căn cứ khi tiến hành những hoạt động đó, những vùng nào cần phải chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả chi tiết tỷ mỷ, chính xác trong biên bản, những mẫu vật nào phải thu giữ, niêm phong... thì Kiểm sát viên cần yêu cầu Hội đồng khám nghiệm hiện trường tiến hành ngay.
Một trong những hoạt động điều tra tại hiện trường không thể thiếu đó là hoạt động lấy lời khai của người bị hại hoặc của những người biết việc…, Kiểm sát viên cần giám sát chặt chẽ hoạt động này, yêu cầu Điều tra viên thực hiện đầy đủ mọi hoạt động trên, tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Kiểm sát viên cần có sổ tay theo dõi ghi chép tỷ mỷ toàn bộ diễn biến tại hiện trường, tình hình hiện trường để đảm bảo hoạt động nghiên cứu, đối chiếu sau này.
- Kiểm sát viên cần kiểm tra hình thức biên bản có được lập đúng theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự không; nội dung biên bản có phản ánh đầy đủ, khách quan, toàn diện kết quả khám nghiệm hiện trường không, như: Quá trình tiến hành, những dấu vết, vật chứng thu thập được, thành phần gồm những ai, thủ tục tiến hành như thế nào; biên bản phải được lập tại chỗ và phải được các thành viên trong Hội đồng khám nghiệm thông qua và ký xác nhận. Những chỗ nào nội dung trong biên bản phản ánh còn thiếu, chưa đúng, thì Kiểm sát viên phải yêu cầu bổ sung ngay. Sau khi tiến hành hoạt động kiểm sát điều tra tại hiện trường, Kiểm sát viên phải báo cáo kết quả hoạt động với lãnh đạo đơn vị mình.
* Đối với hiện trường có dấu hiệu của vụ án giết người hoặc hiện trường vụ án giết người thì xây dựng quy trình để Kiểm sát viên phải đặc biệt lưu ý và thực hiện những nội dung sau:
- Nếu nạn nhân chết chưa rõ nguyên nhân, thì phải cùng Điều tra viên đưa ra các giả thuyết về cái chết của nạn nhân, để xem xét một cách toàn diện, nhằm xác định sơ bộ ban đầu có hay không vụ án giết người; nơi phát hiện xác nạn nhân có phải là hiện trường chính hay hiện trường phụ hoặc là hiện trường giả...
- Trường hợp hiện trường là một phòng kín, thì phải quan sát kỹ hiện trường trước khi bước vào bên trong, kiểm tra xem tình trạng các khóa cổng, khóa cửa để xem có dấu vết cạy phá và đột nhập từ bên ngoài vào không; lối vào, lối ra... Nếu nạn nhân chưa chết thì phải khẩn trương tiến hành chụp ảnh, đồng thời lấy sinh cung để xác định có hay không vụ án giết người và chuyển nạn nhân đến một vị trí khác để cấp cứu. Việc khám nghiệm hiện trường được tiến hành từ vị trí nạn nhân mở rộng ra các vùng xung quanh.
- Nếu xác định nạn nhân bị giết do hung khí, thì phải chú ý tập trung tìm các hung khí ở hiện trường. Nếu tìm được hung khí, phải xem xét cẩn thận, tỷ mỉ để phát hiện, thu lượm các dấu vết máu, dấu vết vân tay…
- Nếu xác định nạn nhân bị giết người bằng súng phải chú ý tìm vỏ đạn và đầu đạn; muốn tìm được vỏ đạn, đầu đạn thì phải sơ bộ xác định được hướng bắn, khoảng cách bắn. Nếu tìm thấy súng phải xem xét để phát hiện các dấu vết trên súng.
- Nếu xác định nạn nhân bị giết người bằng lựu đạn, thuốc nổ... phải xác định điểm nổ, các mảnh nổ, mỏ vịt, đoạn dây cháy chậm còn sót lại... để thu giữ đưa đi giám định. Việc thu giữ các vật chứng trên phải theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
- Nếu xác định nạn nhân chết do bị ngộ độc phải tìm và thu giữ các loại thuốc ở hiện trường, các chất nghi có độc tố mà nạn nhân đã sử dụng, chất nôn của nạn nhân.
- Nếu xác định nạn nhân chết ngạt nước phải xác định vị trí xuống nước, từ đó tìm các dấu vết để lại trên bờ, xác định nhận dạng địa chỉ tình trạng của tử thi.
- Đối với các vụ nạn nhân chết ở trạng thái treo cổ phải chú ý tư thế của nạn nhân, cách thức buộc dây treo, các vật làm giá đứng được đặt ở phía dưới và các vật khác xung quanh có thể tạo điều kiện cho việc tự treo cổ hay không. Xem xét trên giá đứng có vết chân, dấu dép của nạn nhân không. Nếu khoảng cách từ giá đứng đến chân nạn nhân quá xa hoặc có dấu vết của người khác thì phải nghĩ đến khả năng không phải nạn nhân treo cổ tự tử. Phải xem xét kỹ kẽ móng chân, móng tay, quần áo ở vùng bụng nạn nhân để phát hiện vết leo trèo của nạn nhân qua các vật có độ cao..., phải xem xét ghi nhận chính xác vết hằn của dây treo trên cổ nạn nhân, chiều hướng và độ sâu của vết hằn, cần thiết phải yêu cầu Bác sĩ pháp y xác định vết hằn này có trước hay sau khi nạn nhân chết.
Để có cơ sở vững chắc xác định có án giết người xảy ra hay không, Kiểm sát viên phải đề ra các nội dung cần làm rõ để Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu Giám định viên khám nghiệm tử thi kết luận, cụ thể:
- Nếu nạn nhân chưa rõ tung tích thì phải thu giữ nghiên cứu tất cả các loại giấy tờ, tài sản và các đồ vật khác của nạn nhân để lại, qua đó phát hiện địa chỉ nạn nhân hoặc người quen biết nạn nhân. Nếu không xác định được nạn nhân là ai thì phải lấy vân tay miêu tả thật cụ thể vào biên bản đặc điểm nhận dạng, đặc điểm quần áo, giày dép của nạn nhân, chụp ảnh nhận dạng, chụp ảnh toàn thân, tiến hành thông báo truy tìm tung tích nạn nhân.
- Phải khám nghiệm bên ngoài và mổ tử thi, để kết luận nguyên nhân chết của nạn nhân.
Sau khi đã xem xét kỹ các dấu vết bên ngoài cơ thể nạn nhân, yêu cầu Giám định viên giải phẫu tử thi để xem xét các dấu vết bên trong cơ thể nạn nhân, Kiểm sát viên chú ý các trường hợp sau:
+ Những trường hợp chết do súng mà chỉ có lỗ đạn vào thì chỉ kết thúc giải phẫu tử thi sau khi lấy được đầu đạn, niêm phong đầu đạn.
+ Nếu có tổn thương bệnh lý thì lấy mảnh phủ tạng có tổn thương để xét nghiệm vi thể.
+ Nếu nạn nhân bị đầu độc hoặc nghi vấn bị đầu độc phải lấy máu và các mảnh tạng xét nghiệm, phải kiểm tra toàn bộ nội tạng (ngực, bụng, sọ, não…) để phát hiện dấu vết… Mọi tổn thương do chấn thương hoặc do bệnh đều được ghi rõ đặc điểm.
Kiểm sát viên cần nêu ra những vấn đề để Giám định viên nghiên cứu giải đáp: Về thời gian chết của nạn nhân? Nạn nhân chết có sự tác động từ bên ngoài không, tính chất các thương tích, vật gây nên các thương tích và thời gian gây ra, nguyên nhân dẫn tới nạn nhân chết, nhóm máu của nạn nhân, trước khi chết nạn nhân đã ăn uống gì, nếu là phụ nữ thì ở bộ phận sinh dục của nạn nhân có tinh trùng không? Nếu nạn nhân chết do ngạt thở thì có phải chết do tác động bên ngoài tới đường hô hấp hay không? Các dấu vết ở cổ (nếu có), xuất hiện lúc nạn nhân còn sống hay sau khi đã chết.
Nếu nạn nhân chết do thuốc độc thì ở trong phủ tạng và trong máu nạn nhân có chất độc gì? Liều lượng bao nhiêu? Có đủ để gây nên cái chết cho nạn nhân không? Chết do ngạt ôxit cacbon cũng phải lấy phủ tạng để xét nghiệm độc tố.
Nếu nạn nhân bị giết và bị cắt ra làm nhiều phần thì trưng cầu giám định để xác định các phần đã tìm thấy của một hay nhiều người, lứa tuổi, giới tính, tình trạng thể chất của nạn nhân, thủ phạm đã dùng phương tiện gì để cắt xác nạn nhân? Chú ý các bao túi đựng có đặc điểm gì? Trường hợp nạn nhân bị đốt cháy phải xem xét các bộ phận còn sót lại của thân thể, tư trang, chú ý đặc điểm hai hàm răng.
Nếu nạn nhân chết do ngạt nước thì phải xem có các dấu hiệu phổi căng, dạ dày căng nước hoặc đẩy xuống ruột non (nếu xác chưa bị thối, phân hủy) hoặc phải dùng đến các phương pháp xét nghiệm xác định có hay không có Điatôm (khuê tảo) trong tủy xương. Nếu có khuê tảo trong tủy xương thì đã có dấu hiệu chết ngạt nước.
Nếu nạn nhân chết do đạn bắn thì phải xác định lỗ đạn vào lỗ đạn ra, ở lỗ đạn vào có ám khói, vết cháy, bỏng, các mảnh thuốc đạn có bám ở quần áo và da không? Mục đích là xác định tầm đạn khoảng cách giữa đạn thoát ra từ nòng súng với nạn nhân là bao xa? Nếu chết vì thuốc nổ thì phải xác định trên tử thi có bao nhiêu vết thương, tính chất, mức độ các thương tích, có mảnh nổ găm trong xác nạn nhân không? Thu giữ các mảnh nổ để giám định, xác định loại vật liệu nổ.
Trong mọi trường hợp phải giải phẫu tử thi, phải kết luận được chính xác khoa học về nguyên nhân cái chết của nạn nhân, loại hung khí nào, vết thương nào quyết định tới cái chết của nạn nhân.
Nếu khám tại hiện trường mà không xác định được phải đưa nạn nhân vào Khoa giải phẫu bệnh viện để khám nghiệm tiếp, không được để gia đình nạn nhân hoặc chính quyền chôn cất nếu chưa làm rõ, vì khi đã chôn tử thi, có khai quật lại thì việc xác định tổn thương và nguyên nhân chết cũng gặp nhiều khó khăn và tốn kém.
Các dấu vết, vật chứng thu giữ tại hiện trường phải tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, không được trả lại gia đình nạn nhân các vật chứng, tài sản có ý nghĩa đối với vụ án hoặc không đánh số niêm phong để lẫn lộn, mất mát, hư hỏng… mà phải kịp thời gửi đi giám định hoặc bảo quản theo đúng quy định về quản lý vật chứng.
Cùng với công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, Kiểm sát viên chú ý yêu cầu Điều tra viên thu thập các chứng cứ khác như:
Nếu nạn nhân chưa chết, còn có khả năng nghe, nói được, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên lấy lời khai của nạn nhân để xác định “có án mạng xảy ra không?”, “Ai đã giết nạn nhân” và tiến hành truy bắt ngay thủ phạm.
Phải tiến hành ghi lời khai nhân chứng có mặt ở hiện trường; truy tìm và thu vật chứng. Nếu xác định được những người liên quan đến vụ án phải lấy ngay lời khai của họ, xác minh ngay những điều họ khai, đề phòng khả năng họ thông cung, đánh lạc hướng điều tra.
Thứ hai, nâng cao ý thức, trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát điều tra tại hiện trường các vụ án giết người
- Yêu cầu về chất lượng đòi hỏi đội ngũ kiểm sát viên phải trách nhiệm nghề nghiệp, có bản lĩnh nghiệp vụ, nắm chắc pháp luật và những quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội... bảo đảm trật tự an toàn xã hội, biết vận dụng đúng, chính xác pháp luật với những quy định đó trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn và phải thông thạo khâu nghiệp vụ mà mình đảm nhận trong từng giai đoạn tố tụng. Vì vậy, Kiểm sát viên không chỉ cần có trình độ pháp lý theo quy định mà còn phải được bồi dưỡng toàn diện về nghiệp vụ chuyên môn, phải từng bước nâng cao trình độ chính trị, kiến thức quản lý, kinh tế xã hội để không bị lỗi thời. Đồng thời, mỗi Kiểm sát viên phải tự rèn luyện mình để giữ vững và nâng cao phẩm chất đạo đức về năm đức tính của người cán bộ kiểm sát mà Bác Hồ đã dạy “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
- Trước khi bổ nhiệm Kiểm sát viên cần đào tạo cho Kiểm sát viên nắm vững quy trình hoạt động điều tra, kiểm sát hoạt động điều tra tại hiện trường.
- Định kỳ tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác điều tra tại hiện trường và kiểm sát điều tra tại hiện trường cho Kiểm sát viên.
- VKSND các cấp cần quan tâm thường xuyên đến hoạt động tổng kết, đúc rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát điều tra tại hiện trường; thông qua những vụ án phức tạp, nghiêm trọng, từ đó rút kinh nghiệm với toàn đơn vị khi tiến hành kiểm sát điều tra tại hiện trường, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Thông qua công tác đúc rút kinh nghiệm lãnh đạo Viện kiểm sát phải chỉ ra những phần công việc đã thực hiện tốt, những công việc còn tồn tại, yếu kém, chưa đạt yêu cầu, chỉ ra nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, sửa chữa.
- Cần xây dựng một số chuyên gia giỏi trong lĩnh vực kiểm sát điều tra tại hiện trường, bằng hình thức đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về kỹ năng kiểm sát điều tra tại hiện trường, đội ngũ này sẽ làm nòng cốt trong việc đào tạo tại chỗ về công tác kiểm sát điều tra tại hiện trường cho các đơn vị.
- Đào tạo đội ngũ Kiểm sát viên, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi kiến thức, khiêm tốn, cầu thị luôn có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tâm huyết với nghề nghiệp và có đạo đức nghề nghiệp cao. Đối với những Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra tại hiện trường, công việc này thường gặp nhiều khó khăn, vất vả, có những vụ khám nghiệm trong đêm tối, trời rét, có những vụ xác chết để lâu đã thối rữa, hôi thối, có những trường hợp khai quật tử thi để tiến hành khám nghiệm. Đòi hỏi Kiểm sát viên phải có tinh thần tận tụy, trách nhiệm với công việc.
- Kiểm sát viên phải nắm vững kiến thức pháp luật, trình độ nghiệp vụ thông thạo để tiến hành những hoạt động trên có hiệu quả.
Thứ ba, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường đạt hiệu quả
- Quan tâm chế độ vật chất cho những Kiểm sát viên được phân công tiến hành hoạt động kiểm sát điều tra tại hiện trường, như tiền bồi dưỡng độc hại để động viên khích lệ họ hoàn thành tốt công việc được giao.
- Quan tâm đầu tư những trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm sát khám nghiệm, như khẩu trang, quần áo chống độc, găng tay, mũ... đảm bảo khi khám nghiệm hiện tượng không bị lây các bệnh truyền nhiễm.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ cho hoạt động kiểm sát điều tra tại hiện trường đạt kết quả cao, như máy chụp ảnh; máy quay camera, máy ghi âm, ghi hình, đèn chiếu... giúp Kiểm sát viên ghi nhận lại chính xác, trung thực hiện trường vụ việc, để sau này làm cơ sở đối chiếu, so sánh với những tài liệu Cơ quan điều tra, đảm bảo tính đúng đắn, sự tin cậy của những chứng cứ, tài liệu đó.
- Trang bị phương tiện giao thông giúp Kiểm sát viên nhanh chóng, kịp thời có mặt ngay tại hiện trường vụ việc khám nghiệm, để tiến hành những phần công việc của mình theo quy định của pháp luật, không để hiện tượng đến muộn, đến sau, đến khi đã kết thúc cuộc khám nghiệm hoặc phải đi nhờ Cơ quan Cảnh sát điều tra, không chủ động, độc lập trong công việc.
Trên đây là một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm sát điều tra tại hiện trường các vụ án Giết người trên địa bàn thành phố Hà Nội. Rất mong nhận được sự trao đổi, bổ sung của các đồng nghiệp.
Lê Thị Bảo Yên