Thực tiễn thi hành Luật thi hành án dân sự năm 2008 cho thấy, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự thuận lợi hơn; thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự đã khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót của cơ quan Thi hành án. Tuy nhiên, quá trình áp dụng luật vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật.
1. Một số khó khăn, vướng mắc
- Về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, của Kiểm sát viên:
Luật thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2022 (gọi tắt là Luật THADS năm 2008) chỉ quy định chung, chưa quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác thi hành án. Cụ thể, tại điểm c khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2008 quy định: “Trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan...”, dẫn đến không thống nhất về việc kiểm sát hoạt động của công ty, tổ chức thẩm định giá, bán đấu giá ký kết hợp đồng thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án với cơ quan Thi hành án, hoặc tổ chức Thừa phát lại thực hiện một số hoạt động về thi hành án theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Việc kiểm sát các cơ quan, tổ chức này trên thực tế gặp không ít khó khăn.
Theo Điều 5 Luật tổ chức VKSND năm 2014: “Trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này thì VKSND kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật...”; điểm đ khoản 2 Điều 12 Luật THADS năm 2008 cũng quy định: “Khi kiểm sát thi hành án dân sự, VKSND có nhiệm vụ, quyền hạn kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan THADS cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa”.
Trường hợp “vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng” chưa được Luật THADS năm 2008 quy định cụ thể; về thời hạn trả lời đối với kiến nghị cũng chưa được quy định. Do đó, trong thực tiễn áp dụng pháp luật phát sinh một số quan điểm trái chiều, chẳng hạn như: Điều 161 Luật THADS năm 2008 quy định thời hạn trả lời đối với quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát là 15 ngày. Tuy nhiên, Viện kiểm sát không thể căn cứ vào quy định này để yêu cầu cơ quan THADS trả lời văn bản kiến nghị hoặc nếu Viện kiểm sát tự đề ra thời hạn trả lời kiến nghị thì sẽ như thế nào?
Một số đơn vị ban hành kiến nghị ngay sau khi phát hiện vi phạm, nhưng cũng có đơn vị tổng hợp các dạng vi phạm để định kỳ quý, 06 tháng, một năm ban hành kiến nghị tổng hợp, dẫn đến nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật nhưng không được kiến nghị kịp thời, để vi phạm pháp luật kéo dài mới kiến nghị yêu cầu chấn chỉnh, khắc phục.
Hiện nay, chưa có quy định về chế tài xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thi hành án không trả lời việc thực hiện kiến nghị, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả khắc phục vi phạm.
- Trong kiểm sát việc ra quyết định thi hành án:
Điều 27 Luật THADS năm 2008 về cấp bản án, quyết định và Điều 36 về ra quyết định thi hành án chưa thống nhất và khó thi hành do Điều 27 quy định bản án, quyết định có ghi “để thi hành”. Tuy nhiên, khi cấp cho đương sự hoặc Tòa án chuyển giao bản án cho cơ quan THADS không đóng dấu này, dẫn đến việc thụ lý không theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 36. Bên cạnh đó, khi nhận đơn của đương sự kèm theo bản án, trong 05 ngày làm việc, cơ quan Thi hành án phải ra quyết định thi hành án, khi đó Tòa án chưa gửi bản án cho cơ quan Thi hành án, nên gặp khó khăn trong việc thụ lý để ra quyết định thi hành.
Luật THADS năm 2008 chưa quy định khi cơ quan THADS gửi quyết định thi hành án đến Viện kiểm sát phải gửi kèm bản án, quyết định của Tòa án, nhất là đối với quyết định ủy thác thi hành án và cũng chưa quy định khi tiến hành xác minh, làm việc với người phải thi hành án, người được thi hành án, các cá nhân, tổ chức liên quan đến thi hành án, Chấp hành viên phải gửi các biên bản, kết quả xác minh, làm việc hoặc đối với những việc đã thi hành xong thì phải gửi kết quả giải quyết xong vụ, việc cho Viện kiểm sát để làm căn cứ kiểm sát theo quy định. Đây cũng là một khó khăn cho việc kiểm sát thời hạn ban hành và nội dung quyết định thi hành án.
Theo khoản 2, Điều 36 Luật THADS năm 2008: “Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với bản án, quyết định”. Điều luật chưa quy định cụ thể là phân công cho Chấp hành viên bằng hình thức nào, dẫn đến vận dụng thiếu thống nhất. Vì trên thực tế, tại cơ quan Thi hành án hai cấp có nơi ra quyết định thi hành án phân công cụ thể Chấp hành viên, có nơi không phân công cụ thể Chấp hành viên, mà phân công theo địa bàn Chấp hành viên phụ trách. Đối với những việc tiếp nhận ủy thác thi hành án từ nơi khác chuyển đến thì Viện kiểm sát không biết Chấp hành viên nào được phân công. Đây cũng là một trong những khó khăn mà Viện kiểm sát gặp phải trong công tác kiểm sát các quyết định thi hành án.
Điều 38 Luật THADS năm 2008 quy định: “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho VKSND cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. Tuy nhiên, cơ quan Thi hành án chỉ gửi các quyết định về thi hành án chủ động, thi hành án theo đơn yêu cầu theo quy định tại điều này. Còn các quyết định khác như quyết định giảm giá tài sản, quyết định kê biên, xử lý tài sản, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ... khi tiến hành kê biên, xử lý tài sản thì cơ quan Thi hành án mới gửi kèm theo thư mời phối hợp, dẫn đến Viện kiểm sát không cập nhật kịp thời các quyết định để kiểm sát và cập nhật vào hồ sơ kiểm sát đúng theo Quy chế công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính (ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao).
Khoản 1 Điều 46 Luật THADS năm 2008 không quy định cụ thể thời gian tổ chức cưỡng chế thi hành án. Tại một số địa phương cấp huyện, việc cưỡng chế thi hành án phụ thuộc vào ý thức chủ quan của Chấp hành viên, nhiều vụ việc thi hành án đã hết thời gian tự nguyện thi hành án nhưng cơ quan Thi hành án không tổ chức cưỡng chế, dẫn đến bị tồn đọng, kéo dài.
Để kiểm sát thời hạn Tòa án chuyển giao bản án, quyết định sang cơ quan Thi hành án và kiểm sát thời hạn cơ quan Thi hành án ra quyết định thi hành án thì Viện kiểm sát phải yêu cầu Tòa án và cơ quan Thi hành án cung cấp sổ giao nhận bản án, quyết định để kiểm tra, đối chiếu. Tuy nhiên, trong thực tế, Viện kiểm sát không thể kiểm sát chỉ tiêu này kịp thời, đầy đủ, liên tục để cập nhật sổ quản lý thi hành án và báo cáo kết quả kiểm sát định kỳ hàng tuần, hàng tháng được vì không thể liên tục yêu cầu Tòa án và cơ quan Thi hành án cung cấp sổ để đối chiếu (sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan này). Đây cũng là một khó khăn mà Viện kiểm sát thường gặp trong công tác kiểm sát thi hành án.
- Trong kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án và phân loại việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành:
Luật THADS năm 2008 chưa quy định chế tài đối với trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan THADS tiến hành xác minh điều kiện thi hành án. Trong thực tế, quá trình liên hệ với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng để thu thập thông tin về cư trú, thông tin về tài sản của người phải thi hành án, Chấp hành viên còn gặp không ít khó khăn khi chính quyền địa phương cung cấp thông tin chưa chính xác làm cho vụ việc thi hành án bị tồn đọng, kéo dài, không xử lý dứt điểm được.
Về điều kiện thi hành án, điểm c khoản 1 Điều 44a quy định về chưa có điều kiện thi hành án và điểm b khoản 1 Điều 48 Luật THADS năm 2008 quy định về hoãn thi hành án không thống nhất. Khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên lập biên bản thể hiện chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án, đối với trường hợp này thì Chấp hành viên ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án hay ra quyết định hoãn thi hành án? Trên thực tế, một số trường hợp đối với thi hành án chủ động người phải thi hành án bỏ địa phương đi từ 05 năm trở lên không về, gia đình và người thân không biết tin tức hoặc họ bán hết tài sản đi đến địa phương khác mà không có tin tức. Chấp hành viên xác minh ghi nội dung người phải thi hành án đã bỏ địa phương đi đâu và làm gì không rõ hoặc Công an xác nhận có đăng ký hộ khẩu tại địa phương, nhưng người phải thi hành án vắng mặt trong thời gian dài. Trong trường hợp này, một số chi cục Thi hành án ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án; một số lại ra quyết định hoãn thi hành án.
Ngoài ra, khi áp dụng khoản 2 Điều 126 Luật THADS năm 2008 đối với tài sản có giá trị thấp (xe mô tô, điện thoại di động...) cho thấy một số vướng mắc. Nếu thực hiện theo Điều 98, 99 và 101 Luật THADS năm 2008 thì không có chi phí để thành lập hội đồng kê biên xử lý tài sản. Khoản 2 Điều 126 Luật THADS năm 2008 còn quy định thời gian để Chấp hành viên xử lý tài sản (hết thời gian 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà đương sự vẫn không đến nhận số tiền đã được gửi tiết kiệm mà không có lý do chính đáng thì cơ quan THADS làm thủ tục sung quỹ nhà nước). Điển hình một số trường hợp xảy ra ở đơn vị cấp huyện, đến nay vẫn chưa thi hành được do không có chi phí tạm ứng tiền để kê biên, xử lý tài sản.
Khi tiến hành kiểm sát hồ sơ thi hành án, có một số trường hợp Chấp hành viên tiến hành xác minh khi chưa hết thời hạn tự nguyện thi hành án. Viện kiểm sát phải ghi nhận vi phạm của Chấp hành viên vì không tuân thủ đúng quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS năm 2008. Mặc dù, việc xác minh khi chưa hết thời hạn tự nguyện thi hành án tạo sự thuận lợi cho người được thi hành án cũng như tránh tình trạng tẩu tán của người phải thi hành án.
- Trong kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản để thi hành án:
Điều 98, 101 Luật THADS năm 2008 chưa quy định về việc khi có chứng thư thẩm định giá và sau khi ký hợp đồng bán đấu giá tài sản thì cơ quan THADS phải gửi chứng thư thẩm định giá và thông báo bán đấu giá cho Viện kiểm sát biết. Thực tế hiện nay, Viện kiểm sát chỉ kiểm sát trên hồ sơ sau khi các thủ tục định giá và bán đấu giá tài sản đã hoàn thành. Như vậy, trong quá trình thẩm định giá, bán đấu giá nếu có xảy ra vi phạm, Viện kiểm sát sẽ không phát hiện kịp thời, dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá thi hành án.
Theo khoản 1 Điều 74 Luật THADS năm 2008, trường hợp trong văn bản thỏa thuận tự phân chia tài sản chung giữa những người đồng sở hữu mà người phải thi hành án từ chối nhận tài sản chung hoặc nhận ít hơn phần tài sản mà lẽ ra họ được chia trong khối tài sản chung hoặc lập hợp đồng phân chia tài sản mang tính giả cách để xác định phần tài sản của người phải thi hành án ít hơn thực tế để nhằm né tránh nghĩa vụ thi hành án; việc phân chia tài sản chỉ được thực hiện bởi Tòa án. Bởi việc quy định những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất tự thỏa thuận phân chia tài sản chung, khó có thể thực hiện hoặc vô hình trung tạo điều kiện cho người phải thi hành án và những người đồng sở hữu lợi dụng quy định này từ chối nhận tài sản chung để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Bên cạnh đó, việc áp dụng khoản 2 Điều 9; khoản 1 Điều 95 Luật THADS năm 2008 còn vướng mắc trong trường hợp các khoản nộp án phí hoặc nộp phạt số tiền không lớn, nhưng người phải thi hành án chỉ có tài sản là nhà ở duy nhất không thuộc trường hợp có thể khai thác để thi hành án theo điểm a Điều 107 Luật THADS năm 2008, không thuộc trường hợp không bị kê biên theo Điều 87 Luật THADS năm 2008 và họ không có thu nhập hoặc bất cứ tài sản nào khác để đảm bảo thi hành án. Nhà ở có giá trị quá lớn không tương xứng nghĩa vụ phải thi hành, nhưng lại là nơi ở duy nhất của họ, dẫn đến khó khăn trong việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên.
Luật THADS năm 2008 và các nghị định hướng dẫn hiện chưa có hướng dẫn về việc thực hiện định giá lại tài sản do chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực (theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về hiệu lực của kết quả thẩm định giá tối đa không quá 06 tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực). Thực tế trong quá trình tổ chức thi hành án, có những vụ việc kéo dài không thể chuyển bán đấu giá trong thời hạn 06 tháng dẫn đến chứng thư thẩm định giá hết hiệu lực phải thẩm định lại. Vậy chi phí thẩm định lại sẽ do bên nào chịu? Luật chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp này.
Đồng thời, trong việc kê biên quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận: Theo Điều 110 Luật THADS năm 2008, Chấp hành viên chỉ kê biên quyền sử dụng đất của người phải thi hành án thuộc trường hợp được chuyển quyền sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai. Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó.
Thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đất đai ở chính quyền địa phương chưa đồng bộ, việc cập nhật các biến động về đất đai ở một số nơi còn thực hiện sơ sài, chưa liên tục, chính xác. Do đó, việc xác minh làm rõ quyền sử dụng đất của người phải thi hành án khi họ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, văn phòng công chứng không chấp nhận việc công chứng đối với những trường hợp chưa có giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về công chứng, dẫn đến thực tế là tài sản được kê biên, xử lý nhưng sau khi đấu giá thành, người mua không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trong việc xử lý bán đấu giá tài sản không thành, theo quy định tại Điều 104 Luật THADS năm 2008, không hạn chế số lần giảm giá mà cứ giảm cho đến khi bán được tài sản đã làm kéo dài thời gian thi hành án. Đây là nguyên nhân gây tồn đọng nhiều vụ, việc thi hành án, đồng thời người phải thi hành án khiếu nại việc bán tài sản với giá quá thấp so với giá thị trường.
Theo quy định của Luật THADS năm 2008 thì việc định giá tài sản kê biên thi hành án do Tổ chức dịch vụ Thẩm định giá tiến hành. Việc giảm giá do Chấp hành viên quyết định và mỗi lần giảm giá không quá 10% giá trị tài sản, đồng thời không hạn chế số lần giảm giá mà cứ giảm cho đến khi bán được tài sản. Hiện nay, không có văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục và các căn cứ để Chấp hành viên quyết định giảm giá, trong khi Chấp hành viên không có kiến thức chuyên môn về giá. Điều này dễ dẫn đến sự tùy tiện, không rõ ràng, dễ phát sinh khiếu nại nếu không được hướng dẫn, giám sát.
Theo khoản 1 Điều 104 Luật THADS năm 2008, bán đấu giá tài sản theo nguyên tắc đến cùng, tài sản của người phải thi hành án khi được bán đấu giá nếu không có người mua thì Chấp hành viên ra quyết định giảm giá, mỗi lần giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần bán liền kề trước đó cho đến khi có người mua tài sản, nhưng không được thấp hơn chi phí cưỡng chế. Trên thực tế, có trường hợp giảm giá rất nhiều lần nhưng không có người mua. Việc giảm giá như vậy làm giảm giá trị tài sản, không đảm bảo được quyền và lợi ích cho người phải thi hành án, đồng thời thi hành án kéo dài, thậm chí không thi hành được…
Theo khoản 3 Điều 104 Luật THADS năm 2008, khi giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án nhận để trừ vào số tiền được thi hành án, chưa được quy định cụ thể trừ bao nhiêu vì giá trị tài sản đã bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế. Trường hợp giao lại tài sản cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng thì hướng giải quyết tiếp theo như thế nào cũng chưa có quy định cụ thể.
Ngoài ra, đối với việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp, nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án, hiện không thống nhất khi áp dụng khoản 1 Điều 90 Luật THADS năm 2008 và Điều 11 Nghị quyết số 42/2017/QH15 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Có quan điểm cho rằng nếu người phải thi hành án có tài sản đang thế chấp cho tổ chức tín dụng chưa bị đưa vào nợ xấu thì cơ quan THADS vẫn tiến hành kê biên để thanh toán cho ngân hàng và được thi hành án theo thứ tự quy định; quan điểm khác xác định là không thể kê biên vì ngân hàng không đồng ý.
Trên thực tế, phát sinh khó khăn khi thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật THADS năm 2008 đối với trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, do khi ký hợp đồng với tổ chức thẩm định giá cần thiết phải có bảng trích đo địa chính sau khi kê biên. Nhưng tại một số địa phương, sau khi kê biên ít nhất 30 ngày thì Trung tâm đo đạc mới gửi bản trích đo địa chính cho cơ quan Thi hành án; nên việc ký hợp đồng thẩm định giá tài sản trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên tài sản không thể thực hiện được.
Theo khoản 2, khoản 3 Điều 126 Luật THADS năm 2008 thì sau khi có quyết định trả lại tiền, tài sản tạm giữ, Chấp hành viên thông báo cho đương sự thời gian, địa điểm nhận lại tiền, tài sản. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà đương sự không đến nhận tiền thì Chấp hành viên gửi số tiền đó theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn và thông báo cho đương sự. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày được thông báo, đương sự không đến nhận tài sản mà không có lý do chính đáng thì Chấp hành viên xử lý tài sản theo quy định tại các Điều 98, 99 và 101 của Luật này và gửi số tiền thu được theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn, đồng thời thông báo cho đương sự...
Thực tế thì các tài sản trả cho đương sự trong trường hợp này có giá trị rất nhỏ nên thường thuộc trường hợp Chấp hành viên định giá theo khoản 3 Điều 98 Luật THADS năm 2008. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về thành phần, thủ tục tiến hành và chi phí thực hiện định giá và bán tài sản. Đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy tài sản theo quy định. Hiện chưa có quy định cụ thể về thành phần, thẩm quyền xác định tài sản hư hỏng không còn giá trị sử dụng; trình tự, thủ tục xác định không còn giá trị sử dụng như thế nào.
Điều 111 Luật THADS năm 2008 quy định: “Khi kê biên quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án thì kê biên cả quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất” nhưng chưa quy định cụ thể trường hợp có miếu, mồ mả… trên đất thì kê biên như thế nào? Thực tế, cơ quan Thi hành án không kê biên phần diện tích có mồ mả… Vấn đề đặt ra là để lại diện tích bao nhiêu để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.
- Trong kiểm sát việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án:
Đối với vấn đề này, hiện còn có Tòa án không thực hiện việc gửi quyết định về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án theo khoản 4 Điều 63 Luật THADS năm 2008. Viện kiểm sát đã kiến nghị nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện.
Khoản 3 Điều 63 Luật THADS quy định “… Khi tiến hành xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án, đại diện cơ quan thi hành án dân sự trình bày tóm tắt hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm; đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm. Trên cơ sở xem xét hồ sơ và ý kiến đại diện của Viện kiểm sát, cơ quan THADS, Thẩm phán ra quyết định chấp nhận, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án”. Có trường hợp hồ sơ xét miễn giảm thi hành án đã chuyển sang Tòa án và Tòa án đã ra thông báo mở phiên họp xét miễn nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án lại nộp hết số tiền đề nghị miễn nghĩa vụ thi hành án của Chi cục Thi hành án trước thời điểm mở phiên họp. Tại phiên họp, Chi cục Thi hành án xin rút hồ sơ đề nghị miễn nghĩa vụ thi hành án trên, Tòa án đồng ý việc rút hồ sơ trên và ra quyết định đình chỉ việc thi hành án trên liệu có đúng không? Theo Điều 9 Thông tư liên tịch số 12/2015/TTLT-BTP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/9/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao hướng dẫn việc miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu, nộp ngân sách Nhà nước thì Tòa án ra các quyết định chấp nhận toàn bộ, chấp nhận một phần hoặc không chấp nhận mà không quy định trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ hồ sơ miễn thi hành án.
Tại khoản 1 Điều 61 Luật THADS năm 2008 quy định: “... Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng” thì mới đủ điều kiện miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Thời gian quy định như điều luật là quá dài, số tiền được xét có giá trị nhỏ mà hồ sơ thi hành án phải theo dõi nhiều năm.
2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Một là, bổ sung quy định cụ thể tại Điều 12 Luật THADS năm 2008 về đối tượng của việc trực tiếp kiểm sát đối với “tổ chức và cá nhân liên quan” thành “tổ chức Thẩm định giá, bán đấu giá, tổ chức và cá nhân liên quan” để Viện kiểm sát thực hiện được quyền kiểm sát đối với hai tổ chức này.
Khoản 2 Điều 36 Luật THADS năm 2008 sửa đổi thành: “Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành đối với bản án, quyết định”. Cần bổ sung quy định: “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án phải ra quyết định phân công Chấp hành viên (có họ tên cụ thể) tổ chức thi hành án”.
Điều 38 về gửi quyết định về thi hành án cần sửa đổi thành: “… các quyết định và các văn bản, tài liệu về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp…”. Đồng thời, khoản 1 Điều 46 Luật THADS năm 2008 cần bổ sung thời hạn cụ thể phải cưỡng chế thi hành án.
Hai là, về việc Tòa án chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan Thi hành án; cần bổ sung quy định việc chuyển giao, giao nhận bản án, quyết định phải thông báo cho Viện kiểm sát nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc kiểm sát thời hạn chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cũng như thời hạn ban hành quyết định thi hành án của cơ quan THADS từ khi tiếp nhận bản án, quyết định.
Ba là, về thời hiệu yêu cầu thi hành án, cần quy định thời hiệu cụ thể đối với từng trường hợp, với trường hợp thi hành án về việc cấp dưỡng đến 18 tuổi, nhưng nếu quá thời hiệu 05 năm người được thi hành án không am hiểu pháp luật dẫn đến chậm yêu cầu hoặc trong trường hợp người được hưởng trợ cấp chưa đủ 18 tuổi nhưng người giám hộ không yêu cầu thi hành án dẫn đến hết thời hiệu yêu cầu.
Bốn là, về việc phân loại điều kiện thi hành án, cần quy định việc trả lại đơn yêu cầu thi hành án khi xác minh người phải thi hành án không có điều kiện thi hành, đến khi cơ quan Thi hành án phát hiện thông tin mới về tài sản của người phải thi hành án thì thông báo cho người được thi hành án yêu cầu tiếp tục thi hành án, hoặc người được thi hành án phát hiện thông tin mới về tài sản của người phải thi hành án thì thông báo cho cơ quan Thi hành án ra quyết định tiếp tục thi hành án.
Năm là, về thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, đối với tài sản kê biên bán đấu giá không có người tham gia đấu giá hoặc đấu giá không thành thì cần quy định các mức độ giảm giá nhất định, cũng như quy định số lần ra quyết định giảm giá, tránh trường hợp giảm giá tài sản tùy tiện và có trường hợp ra quyết định giảm giá 15-16 lần như hiện nay.
Sáu là, đối với trường hợp trả lại tài sản cho đương sự mà đương sự không đến nhận thì cần bổ sung quy định nguồn kinh phí để tạm ứng chi phí kê biên, xử lý tài sản trên và tài sản dưới 02 triệu đồng, nếu sau một năm kể từ ngày ra quyết định thi hành án và đã được thông báo hợp lệ mà đương sự không đến nhận thì tài sản được sung vào công quỹ nhà nước.
TS. Huỳnh Đông Bắc - Đỗ Tấn Quốc (Tạp chí Kiểm sát số 15/2023)