CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng

07/08/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực tiễn công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND cấp cao 3) cho thấy một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến: Việc xác định địa chỉ, nơi cư trú của bị đơn; việc xác định thành viên trong hộ gia đình; việc thanh toán tiền lãi chậm trả lãi… đòi hỏi hoàn thiện các quy định của pháp luật để thống nhất trong nhận thức và áp dụng.

Quan hệ tín dụng ngân hàng thực chất là quan hệ vay mượn vốn phát sinh giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) với các tổ chức, cá nhân. Hình thức pháp lý của quan hệ này chính là hợp đồng tín dụng (HĐTD). Một trong những đặc trưng cơ bản của HĐTD là tiềm tàng rủi ro rất lớn cho bên cho vay. Khi lợi ích của một trong hai bên không đạt được sẽ dẫn đến tranh chấp, vì thế, các tranh chấp phát sinh từ HĐTD thường chiếm tỉ lệ lớn hơn so với các loại hợp đồng khác.

Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/11/2022, VKSND cấp cao 3 chỉ thụ lý 25 vụ, việc kinh doanh, thương mại (KDTM) về tranh chấp HĐTD theo thủ tục phúc thẩm, trong đó, Tòa án đã đưa ra giải quyết 22 vụ. Tuy nhiên, số liệu thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm lại có chiều hướng thay đổi về số lượng cũng như gia tăng tính chất phức tạp theo từng năm. Cụ thể, trong năm 2017, VKSND cấp cao 3 thụ lý 64 vụ, việc; năm 2018, thụ lý 99 vụ, việc; năm 2019, thụ lý 66 vụ, việc; năm 2020, thụ lý 73 vụ, việc; năm 2021, thụ lý 92 vụ, việc; năm 2022, thụ lý 41 vụ, việc.

Thực tế cho thấy có một số vi phạm chủ yếu trong việc: (1) Đưa thiếu người tham gia tố tụng; (2) Xác định sai quan hệ tranh chấp và thời điểm tính lãi; (3) Nhận định tư cách tố tụng của bị đơn trong phần quyết định của bản án không chính xác dẫn đến việc tuyên án và áp dụng pháp luật về miễn nộp án phí không đúng; (4) Ủy quyền tham gia tố tụng; (5) Công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp (HĐTC) tài sản là quyền sử dụng đất; vi phạm về xử lý tài sản thế chấp; (6) Tuyên vô hiệu HĐTC; (7) Đánh giá chứng cứ không chính xác; (8) Xử lý tài sản thế chấp.

1. Một số khó khăn, vướng mắc

- Về thời hạn nghiên cứu hồ sơ theo thủ tục phúc thẩm: Theo Điều 292 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Viện kiểm sát chỉ có thời hạn 15 ngày để vừa nghiên cứu hồ sơ, sao chụp tài liệu và lập hồ sơ kiểm sát, cũng như lập báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế, các vụ án KDTM liên quan đến tranh chấp HĐTD là những vụ án phức tạp nên việc hoàn thiện hồ sơ kiểm sát, đề xuất quan điểm giải quyết trong 15 ngày là không đủ thời gian nghiên cứu, dẫn đến chất lượng lập hồ sơ kiểm sát chưa cao.

- Về việc xác định địa chỉ, nơi cư trú của bị đơn: Việc xác minh địa chỉ mới của đương sự trong một số trường hợp khó thực hiện. Mặt khác, nhiều trường hợp bị đơn, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không hợp tác, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc như cố tình trốn tránh, đi khỏi nơi cư trú, dẫn tới việc Tòa án không tống đạt được văn bản tố tụng.

- Về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai: Theo khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015: … “2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm: a) Tài sản chưa hình thành; b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”. Theo đó, tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là tài sản chưa tồn tại, đang được đầu tư, xây dựng vào thời điểm xem xét nhưng chắc chắn sẽ có và hình thành trong tương lai hoặc là tài sản đã hình thành nhưng mới thuộc sở hữu tại thời điểm giao kết giao dịch và chưa chuyển giao quyền sở hữu. Khoản 3 Điều 295 BLDS năm 2015 cũng quy định: “Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai”, như vậy, khi vay thế chấp, bên vay có thể dùng tài sản hình thành trong tương lai làm biện pháp bảo đảm trong hợp đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai như thế nào? Theo Điều 55 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 quy định thi hành BLDS về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ: “Việc xử lý tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai thực hiện theo thỏa thuận của các bên. Thỏa thuận này có thể có các nội dung sau đây: Trường hợp tài sản bảo đảm chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận trong trường hợp thuộc đối tượng phải đăng ký theo quy định của pháp luật thì bên nhận bảo đảm có thể chuyển nhượng hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng khác về xác lập quyền đối với tài sản hình thành trong tương lai, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm hoặc bán tài sản hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật…”. Theo đó, đối với tài sản bảo đảm chưa hình thành hoặc đã hình thành nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận thì các bên có thể giải quyết bằng cách chuyển nhượng hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng khác về xác lập quyền đối với tài sản hình thành trong tương lai (chuyển nhượng quyền tài sản), tuy nhiên, việc định giá, đánh giá giá trị tài sản (giá trị quyền tài sản) trong trường hợp này là rất khó bởi lẽ nếu lấy giá chuyển nhượng tương đương với số tiền mà khách hàng đã nộp cho chủ đầu tư thì sẽ rất thiệt thòi cho bên chuyển nhượng (tại thời điểm này giá trị tài sản đã có thể tăng cao hơn rất nhiều).

- Về xác định thành viên trong hộ gia đình: Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, các thành viên có thể thỏa thuận cử người đại diện tham gia, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung của hộ gia đình. Thông thường, khi thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung của hộ gia đình, việc xác định thành viên hộ gia đình thường được dựa trên sổ hộ khẩu, nhưng thực tế thành viên trong sổ hộ khẩu thường xuyên thay đổi do tách, nhập hộ… nên nếu chỉ dựa vào sổ hộ khẩu là chưa đủ căn cứ. Mặt khác, thành viên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm xác lập, hình thành tài sản chung thường không trùng với thành viên tại thời điểm thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung, đặc biệt đối với những tài sản chung được sử dụng ổn định lâu dài. Theo Luật đất đai năm 2013 thì hộ gia đình được xác định bởi: “(1) Những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; (2) Đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất” - nghĩa là xác định dựa trên sổ hộ khẩu, nhưng phải tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Đồng thời, Điều 98 Luật đất đai năm 2013 cũng quy định phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sở hữu đối với thửa đất nhiều người có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, thực tế áp dụng pháp luật còn thiếu đồng nhất, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của hộ gia đình chỉ ghi tên một người đại diện; trong khi đất là tài sản chung được sử dụng ổn định, lâu dài nên thành viên trong sổ hộ khẩu có rất nhiều thay đổi. Việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất tại trang của giấy chứng nhận vẫn chỉ ghi họ tên, năm sinh của chủ hộ gia đình; nếu chủ hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó; còn các thành viên khác trong hộ gia đình thì không được đề cập đến. Đó là một vướng mắc khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

 Đồng thời, trong một số trường hợp, Tòa án cho rằng do ngân hàng không thực hiện việc xem xét, thẩm định đối với tài sản thế chấp dẫn đến việc không biết được tài sản đã được chuyển nhượng, bàn giao cho bên thứ ba quản lý sử dụng hoặc trên đất có tài sản không thuộc sở hữu của bên thế chấp nên tuyên HĐTC vô hiệu, xác định lỗi là do ngân hàng. Quan điểm khác cho rằng, ngân hàng không có nghĩa vụ, trách nhiệm xem xét, thẩm định đối với tài sản thế chấp nên trong trường hợp này ngân hàng là bên thứ ba ngay tình. Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên đối với trường hợp xem xét tài sản thế chấp mà vấn đề này phụ thuộc vào quy trình, thủ tục của từng ngân hàng. Một số ngân hàng nhận thế chấp quyền sử dụng đất chỉ căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho bên thế chấp, một số ngân hàng có thực hiện quy trình thẩm định trước khi cho vay. Việc đánh giá ngân hàng ngay tình hay không trong việc nhận tài sản thế chấp căn cứ vào quy trình, thủ tục của từng ngân hàng dẫn đến các ý kiến không thống nhất khi giải quyết vấn đề này.

- Về thanh toán tiền lãi chậm trả lãi: Theo Điều 25 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước về phạt vi phạm thì: “Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại: (1) Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp TCTD hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này; (2) Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp TCTD và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”. Điểm b khoản 4 Điều 13 Thông tư này cũng quy định về mức phạt vi phạm: “Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do TCTD và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả”.

Tại Điều 8 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 về áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “(1). Đối với HĐTD xác lập trước ngày 01/01/2017 thì lãi trong hợp đồng được xác định bao gồm: Một là, lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả được xác định theo lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất tương ứng với thời hạn vay chưa trả. Hai là, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng phải phù hợp với quy định pháp luật về lãi suất áp dụng cho HĐTD tại thời điểm xác lập hợp đồng; (2) Đối với HĐTD xác lập kể từ ngày 01/01/2017 thì lãi trong hợp đồng được xác định bao gồm: Một là, lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ gốc quá hạn được xác định theo như HĐTD xác lập trước ngày 01/01/2017 như trình bày trên. Hai là, trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi trên nợ gốc theo thỏa thuận tại HĐTD, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất giới hạn mà pháp luật quy định tương ứng với thời gian chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn”.

Tuy nhiên, hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2019 vẫn chưa rõ ràng về nội dung phạt vi phạm nên thực tiễn còn nhiều quan điểm trong việc chấp nhận hay không yêu cầu của ngân hàng về lãi phạt vi phạm, dẫn đến tình trạng trong thực tiễn xét xử, cùng loại tranh chấp HĐTD, trong đó các bên thỏa thuận về lãi suất (bao gồm lãi suất trong hạn và lãi suất nợ quá hạn), thỏa thuận phạt vi phạm nhưng có Tòa án xử chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn và phạt vi phạm, có Tòa án xử chỉ chấp nhận tính lãi suất nợ quá hạn mà không chấp nhận phạt vi phạm vì cho rằng tính lãi suất quá hạn đồng thời phạt vi phạm là “lãi chồng lãi”, “phạt chồng phạt”.

Theo tác giả, căn cứ Điều 12 Nghị quyết số 01/2019: “Xử lý việc không trả nợ đúng hạn trong hợp đồng vay tài sản: (1) Hợp đồng vay tài sản có thỏa thuận xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án xem xét, quyết định theo nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn; (2) Hợp đồng vay tài sản vừa có thỏa thuận phạt vi phạm, vừa có thỏa thuận lãi trên nợ gốc quá hạn hoặc hình thức khác áp dụng đối với hành vi không trả nợ đúng hạn của bên vay thì Tòa án căn cứ quy định tương ứng của BLDS, Luật các TCTD và văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng BLDS, Luật các TCTD tại thời điểm xác lập hợp đồng, thời điểm tính lãi suất để xem xét, quyết định xử lý đối với hành vi không trả nợ đúng hạn theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 1 Điều này”. Như vậy, việc chấp nhận vừa tính lãi suất quá hạn vừa phạt vi phạm là vi phạm nguyên tắc chỉ xử lý một lần đối với mỗi hành vi không trả nợ đúng hạn, vi phạm quy định về “lãi chồng lãi” bởi lẽ việc tính lãi suất quá hạn cũng là một hình thức áp dụng đối với hành vi không trả nợ đúng hạn.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, cần hoàn thiện các quy định về lãi suất cho các đối tượng vay khác nhau dựa trên mức trần lãi suất tham chiếu là % để điều chỉnh hợp lý giữa BLDS và luật có liên quan. Đồng thời, sửa đổi các quy định của Luật ngân hàng nhà nước, Luật tổ chức tín dụng theo hướng tương thích với BLDS năm 2015.

Thứ hai, ban hành văn bản pháp luật hướng dẫn thống nhất về vấn đề tiền phạt vi phạm hợp đồng do chậm trả lãi để thống nhất cho các cấp Tòa án khi giải quyết.

Thứ ba, quy định rõ về khái niệm hộ gia đình phù hợp và thống nhất với quy định về hộ gia đình trong các văn bản pháp luật khác, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các thành viên trong hộ gia đình đối với tài sản thuộc sở hữu chung cũng như đảm bảo quyền lợi của các TCTD, ngân hàng khi có tài sản thế chấp liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Thứ tư, quy định thống nhất về quy trình, thủ tục xác minh, thẩm định đối với tài sản thế chấp trước khi ký kết HĐTC quyền sử dụng đất để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ vay.

3. Một số khuyến nghị đối với tổ chức tín dụng

Một là, khi khởi kiện tranh chấp HĐTD nói chung, các TCTD cần theo dõi, cập nhật và bám sát tiến độ giải quyết vụ án thông qua bộ phận pháp chế hoặc cán bộ pháp chế được ủy quyền tham gia tố tụng, tránh trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án, người được ngân hàng ủy quyền thực hiện việc thỏa thuận giải quyết vụ án vượt quá phạm vi ủy quyền, không bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của ngân hàng.

Hai là, các TCTD phải thực hiện đầy đủ, đúng quy trình khi ký kết các HĐTD, HĐTC và đặc biệt, khi có sự thay đổi về tài sản thế chấp, HĐTD thì phải ký phụ lục bổ sung để điều chỉnh.

Ba là, trong quá trình giải quyết vụ án về tranh chấp HĐTD, phía nguyên đơn là các TCTD cần tập hợp, cung cấp đầy đủ các bộ hồ sơ liên quan đến việc ký kết HĐTD, HĐTC, quá trình giải ngân, giấy nhận nợ, các chứng từ thu nợ gốc, nợ lãi… để đảm bảo việc giải quyết vụ án toàn diện, triệt để, tránh kéo dài thời gian tố tụng.

Bốn là, khi ký kết HĐTD, ngân hàng cần phải thẩm định chặt chẽ hồ sơ vay vốn như: Xác minh tình trạng hoạt động và hồ sơ năng lực của công ty, đánh giá đầy đủ, toàn diện phương án trả nợ vốn vay mà công ty đề xuất; thường xuyên kiểm tra hoạt động sử dụng vốn vay cũng như yêu cầu cung cấp đầy đủ các hóa đơn, chứng từ chứng minh cho việc sử dụng vốn vay (nếu là vay để kinh doanh, thanh toán tiền hàng hóa…) để đảm bảo việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và đạt hiệu quả, khi đó, phía vay vốn mới có khả năng để thanh toán tiền gốc, lãi đúng hạn.

Bên cạnh đó, liên quan đến tranh chấp HĐTD, các TCTD cũng cần lưu ý đến thỏa thuận về lãi suất (lãi suất cố định hay lãi suất thay đổi, nếu là lãi suất thay đổi thì phải xuất trình các quyết định tăng, giảm lãi làm căn cứ cho Tòa án xem xét lãi suất tính đúng hay sai); về tài sản thế chấp, bảo lãnh thì cần lưu ý xem xét tài sản là của hộ gia đình, tài sản chung của vợ chồng, tài sản thừa kế chưa chia,… và để ngân hàng thực sự ngay tình khi nhận tài sản thế chấp thì cần phải thực hiện nghiêm quy trình về thẩm định, xác minh quyền sở hữu đối với tài sản thế chấp, tránh trường hợp tài sản thế chấp không đúng với hiện trạng ghi trong hợp đồng hoặc tại thời điểm thế chấp, trên đất có tài sản thuộc sở hữu của người thứ ba mà phía ngân hàng không biết. Khi khởi kiện thì cần xem xét về tư cách khởi kiện của bên mua nợ của các TCTD, thời hiệu khởi kiện…

Phạm Đình Cúc - Vũ Hồng Cường (Tạp chí Kiểm sát in số 10/2023)

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm