Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật khi giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, bảo đảm cho việc giải quyết các dạng tranh chấp này được giải quyết đúng pháp luật, tác giả xin nêu một số ...
Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật khi giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, bảo đảm cho việc giải quyết các dạng tranh chấp này được giải quyết đúng pháp luật, tác giả xin nêu một số vấn đề cần lưu ý về lãi suất khi nghiên cứu hồ sơ kinh doanh thương mại (KDTM) về tranh chấp Hợp đồng tín dụng.
1. Về lãi suất trong Hợp đồng đồng tín dụng
Trong vụ án tranh chấp Hợp đồng tín dụng (HĐTD), nội dung thỏa thuận về lãi suất là rất quan trọng, việc xác định đúng lãi suất điều chỉnh sẽ là căn cứ để bên vay vốn và bên thế chấp tài sản hoặc bên bảo lãnh tài sản phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Những thỏa thuận cụ thể về lãi suất được các bên ghi nhận trong HĐTD hoặc trong các khế ước nhận nợ là cơ sở để xác định thỏa thuận đó có phù hợp với quy định pháp luật không; và là căn cứ để giải quyết các yêu cầu và xác định nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng.
Thực tế nghiên cứu dạng hồ sơ này, tác giả thấy rằng Tòa án và VKS cấp huyện trên địa bàn thành phố thường không hay chú trọng đến cách tính lãi suất trong hạn và lãi suất quá hạn; không kiểm tra việc có hay không có thỏa thuận điều chỉnh lãi suất; không đối chiếu kiểm tra số liệu về lãi suất. Cấp sơ thẩm thường chấp nhận số liệu tính lãi do ngân hàng cung cấp, dẫn đến việc tai cấp phúc thẩm, những vi phạm này là một trong những nguyên nhân án sửa, hủy tại cấp phúc thẩm.
Quá trình nghiên cứu yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập hay yêu cầu phản tố liên quan đến lãi suất, mức lãi suất áp dụng, việc điều chỉnh lãi suất, cần được xem xét toàn diện trên cơ sở những thỏa thuận cụ thể, và thỏa thuận này phải phù hợp với quy định pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
Dựa trên mục đích phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và có cơ hội vay vốn, Chính phủ có những cơ chế đặc thù áp dụng về lãi suất cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng). Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp quy dưới các hình thức Quyết định, các Thông tư điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, gồm:
- Vay nhằm phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
- Vay để thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại;
- Vay phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Vay để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ;
- Vay để phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật Công nghệ cao và các quy định của pháp luật có liên quan.
Các văn bản do Ngân hàng Nhà nước ban hành được điều chỉnh liên tục theo tình hình phát triển kinh tế trong nước. Trên cơ sở các văn bản này, các ngân hàng đều có các quyết định điều chỉnh lãi suất của chính ngân hàng đối với các nhóm khách hàng.
Tính đến thời điểm hiện nay thì Quyết định 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2014 do Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam… với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 ngày 30/12/2016, có ghi nhận cụ thể về lãi như sau:
“Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm.
2. Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 7,5%/năm."
Theo quy định này, thời điểm hiện tại khi Quyết định 1425 có hiệu lực, các đối tượng luật định khi vay ngắn hạn sẽ được vay với lãi suất cao nhất là 6,5%
Trong các vụ án tranh chấp HĐTD tại địa bàn Hà Nội nói chung, thực tế giải quyết cho thấy hơn 50% các tranh chấp tín dụng trong đó bị đơn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc đối tượng được hưởng chính sách cho vay ngắn hạn đã được Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, mức lãi suất giải ngân được ngân hàng và doanh nghiệp thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng thường cao hơn so với quy định, rất hiếm trường hợp doanh nghiệp được cho vay theo lãi suất ưu đãi.
Quá trình giải quyết loại án này, người nghiên cứu hồ sơ cũng như Kiểm sát viên tham gia phiên tòa cần phải lưu ý những vấn đề sau: Trường hợp tại phiên tòa, qua giải thích, các đương sự không có ý kiến xem xét về lãi suất thì cần tôn trọng; trường hợp có đương sự đề nghị xem xét về lãi suất, người nghiên cứu hồ sơ cần thu thập các tài liệu về cách tính lãi của ngân hàng đối chiếu văn bản luật về lãi suất để đưa ra đề xuất giải quyết phù hợp. Căn cứ quy định của NHNN, căn cứ nội dung thỏa thuận của HĐTD, các khế ước nhận nợ về lãi suất cho vay ngắn hạn mà ngân hàng cấp cho doanh nghiệp (DN vừa và nhỏ), người nghiên cứu có thể xác định mức lãi suất, mức điều chỉnh lãi suất có phù hợp với quy định của NHNN. Trường hợp thấy lãi suất thỏa thuận cao hơn, cần yêu cầu ngân hàng tính lại trên cơ sở quy định của các Quyết định, Thông tư do NHNN ban hành.
2. Những vi phạm có tính điển hình của cấp sơ thẩm liên quan đến lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng:
* Cấp sơ thẩm không thu thập tài liệu về lãi suất hoặc không đánh giá tài liệu về lãi suất, chấp nhận yêu cầu số liệu tính lãi ngân hàng cung cấp.
VD: Bản án sơ thẩm của quận X tuyên bị đơn phải có nghĩa vụ trả nợ gốc của HĐTD hạn mức là 28.000.000.000 đồng, lãi trong hạn: 5.954.156.206 đồng; Nợ lãi quá han: 26.880.903.835 đổng.
Khi nghiên cứu án tại cấp phúc thẩm thấy rằng giữa ngân hàng và Công ty đã ký HĐTD hạn mức với 20 khế ước nhận nợ cụ thể, hai bên đã thỏa thuận về lãi suất khi giải ngân; lãi suất quá hạn và lãi suất sẽ được điều chỉnh 3 tháng/1 lần.
Hồ sơ giải quyết tại cấp sơ thẩm, nguyên đơn chỉ cung cấp duy nhất 1 bảng chung về lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm của 20 khế ước nhận nợ; không có tài liệu nào khác giải trình việc tính lãi của từng khế ước nhận nợ. Cấp sơ thẩm không yêu cầu ngân hàng cung cấp tài liệu cụ thể về bảng tính lãi suất trong hạn và quá hạn. Vì vậy, không có căn cứ để xác định số tiền nợ lãi (trong hạn và quá hạn) mà Tòa án sơ thẩm chấp nhận theo ngân hàng tính toán đã đúng quy định pháp luật hay chưa (lãi có được đã được điều chỉnh 3 tháng/1 lần; mức lãi suất có đúng như thỏa thuận và đã phù hợp quy định về lãi suất thay đổi của chính ngân hàng…); việc Tòa án chấp nhận số liệu do nguyên đơn cung cấp là chưa đảm bảo khách quan và có thiếu sót trong việc thu thập chứng cứ.
* Cấp sơ thẩm đã yêu cầu ngân hàng cung cấp bảng tính lãi của các khế ước nhưng không đối chiếu thỏa thuận điều chỉnh lãi và cách tính lãi điều chỉnh của ngân hàng.
VD: Trong vụ án do TAND huyện Y xét xử về tranh chấp HĐTD: Tiền nợ gốc: 8.000.000.000 đồng; lãi trong hạn: 291.794.996 đồng; lãi quá hạn: 19.651.478.689 đồng. Hồ sơ tại cấp sơ thẩm thể hiện: HĐTD hạn mức và các khế ước nhận nợ ký năm 2011, ngân hàng và công ty thỏa thuận lãi suất thời điểm giải ngân; lãi suất điều chỉnh 1 tháng/1 lần. Ngân hàng đã giải ngân cho công ty bằng ba khế ước nhận nợ. Theo Bảng tính nợ gốc và nợ lãi trong hạn, lãi quá hạn, tại phần lãi quá hạn, ngân hàng không áp dụng việc điều chỉnh lãi suất 1tháng/1 lần; chỉ áp dụng 1 mức lãi suất 34,5%/năm kể từ ngày chuyển quá hạn đến ngày xét xử sơ thẩm là trái thỏa thuận của HĐTD đã ký; vi phạm khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Tại cấp phúc thẩm, Tòa án đã yêu cầu ngân hàng ngoài việc tính lại lãi suất quá hạn theo hợp đồng tín dụng, yêu cầu ngân hàng cung cấp các Quyết định áp dụng lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp qua các năm 2011 đến 2018 và đã sửa án sơ thẩm về lãi suất và nhận định mức lãi suất 34,5% quá cao so với quy định về lãi suất điều chỉnh của chính hệ thống ngân hàng khởi kiện.
* Trường hợp Tòa án đã yêu cầu ngân hàng cung cấp bảng tính lãi cụ thể, nhưng ngân hàng cung cấp không đầy đủ, không thể hiện rõ quá trình điều chỉnh lãi và cách áp dụng lãi suất cụ thể.
VD: Bản án KDTM sơ thẩm tại quận Đ. Tại phiên tòa sơ thẩm, ngân hàng đề nghị công ty trả số tiền nợ gốc 8.634.402.966 đồng; lãi trong hạn là 8.043.750.117 đồng; lãi quá hạn là 3.583.230.837 đồng. Mặc dù Tòa án đã yêu cầu nhưng ngân hàng không cung cấp giải trình tính lãi. Bản án sơ thẩm tuyên: Buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền nợ gốc 8.634.402.966 đồng và tiền lãi theo thỏa thuận khế ước nhận nợ…; không chấp nhận yêu cầu tiền lãi 8.043.750.117 đồng; lãi quá hạn là 3.583.230.837 đồng... Bản án phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm với các lý do cách tuyên án trong trường hợp này không đảm bảo các quy định pháp luật, gây khó khăn trong việc thi hành án, không có cơ sở để tính án phí có giá ngạch. Đối với những trường hợp tương tự, người nghiên cứu hồ sơ phải xác định rõ những vấn đề sau:
+ Giữa ngân hàng và công ty đã giao kết HĐTD, khi công ty vi phạm nghĩa vụ thanh toán, công ty phải có trách nhiệm trả nợ gốc, nợ lãi trong hạn, lãi quá hạn như đã thỏa thuận;
+ Khi tranh chấp xảy ra, các bên yêu cầu Tòa án giải quyết thì phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ hoặc yêu cầu Tòa án cung cấp chứng cứ theo quy định tại Chương VII Bộ luật TTDS. Về nguyên tắc, trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án. Trường hợp tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do Tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và Tòa án đã thu thập để giải quyết vụ việc dân sự (khoản 1 Điều 96).
Trong trường hợp này, nếu ngân hàng không cung cấp bảng tính lãi, không cung cấp các quyết định áp dụng lãi suất trong hệ thống ngân hàng…, Tòa án không thể có cơ sở xác định tính chính xác số liệu lãi trong hạn và lãi quá hạn có phù hợp với quy định pháp luật không. Tòa án có quyền tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về nợ gốc, xác định rõ trong bản án do ngân hàng không cung cấp chứng cứ nên dành cho ngân hàng quyền khởi kiện vụ án khác về lãi suất.
Ba dạng vi phạm cơ bản được nêu ở phần trên là những sai sót mang tính phổ biến khi giải quyết tại cấp sơ thẩm của các đơn vị cấp huyện. Nhiều vụ án giải quyết tại cấp phúc thẩm, sau khi được Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm giải thích và hướng dẫn, nhiều vụ nguyên đơn là các Ngân hàng đã có điều chỉnh lại lãi suất cho phù hợp với quy định pháp luật và HĐTD, mức lãi suất tại cấp phúc thẩm giảm tương đối đáng kể so với lãi suất tại cấp sơ thẩm.
Việc nghiên cứu và xem xét toàn diện những vấn đề liên quan đến lãi suất không chỉ có giá trị trong việc áp dụng luật chuyên ngành được thống nhất, đúng luật định mà còn có ý nghĩa đảm bảo tính chính xác làm cơ sở tính toán nghĩa vụ khi phát mại tài sản thế chấp. 100% vụ tranh chấp HĐTD tại cấp phúc thẩm, những người đã ký Hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của công ty đều có ý kiến xem xét tính hợp pháp của HĐTD, Hợp đồng thế chấp bởi nếu bản án có hiệu lực, người thế chấp sẽ mất toàn bộ tài sản đã thế chấp. Rất nhiều vụ án, với cách tính lãi không hợp lý, giá trị nhà đất đã thế chấp không đủ để trả nợ gốc và nợ lãi, điều đó có nghĩa nếu tài sản bị phát mại, những người thế chấp, các thành viên sinh sống trên nhà đất không có nơi ở.
Việc xem xét toàn diện những vấn đề liên quan đến tranh chấp HĐTD nói chung và lãi suất nói riêng không chỉ là cách để chúng ta học hỏi, tiếp cận thêm những vấn đề mới mà còn là cơ sở để cơ quan pháp luật tạo điều kiện cho các đương sự có thể đưa ra được các phương án giải quyết tranh chấp có lợi cho các bên.
Trên đây là một số vấn đề cần lưu ý khi kiểm sát hoạt động tư pháp khi giải quyết các vụ án KDTM tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan đến lãi suất trong Hợp đồng tín dụng. Rất mong nhận được các ý kiến đóng góp của độc giả.
Huyền Phương – Phòng 10, VKSND thành phố Hà Nội
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND thành phố Hà Nội)