CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số lưu ý khi khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông đường bộ xảy ra ban đêm

29/08/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Việc tiến hành công tác khám nghiệm vào ban đêm luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, khó khăn, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác. Trong bài viết, tác giả nêu một số điểm cần lưu ý...

Việc tiến hành công tác khám nghiệm vào ban đêm luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm, khó khăn, ảnh hưởng tới hiệu quả công tác. Trong bài viết, tác giả nêu một số điểm cần lưu ý khi khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng xảy ra vào ban đêm.

Thực trạng tai nạn giao thông trên cả nước những năm gần đây tuy có giảm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), song số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn có xu hướng gia tăng, chủ yếu xảy ra trên tuyến đường bộ. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như: Trời tối, khả năng quan sát của lái xe bị hạn chế; hệ thống đường giao thông được nâng cấp tốt hơn đặc biệt là đường cao tốc, quốc lộ nên lái xe thường tranh thủ đi với tốc độ cao; hoạt động tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng vào thời điểm này thường hạn chế. Đây còn là khoảng thời gian mà các loại xe khách đường dài hoạt động mạnh, phương tiện có trọng tải lớn được phép lưu thông trong nội thị, đi với tốc độ cao, dễ gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông khác.

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của người tham gia giao thông chưa cao là nguyên nhân chính dẫn tới mắc phải những lỗi vi phạm phổ biến như: Vi phạm tốc độ (9%), vượt sai quy định (6%), đi không đúng phần làn đường (25%), chuyển hướng không đúng quy định (9%), lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích (3,4%)…, đặc biệt, các lái xe thường có tâm lý chủ quan cho rằng đường ban đêm thường ít phương tiện lưu thông nên điều khiển quá tốc độ cho phép, khi gặp chướng ngại vật hoặc các tình huống bất ngờ đã không kịp xử lý, gây tai nạn. Thực trạng tai nạn giao thông trên cả nước những năm gần đây tuy có giảm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), song số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn có xu hướng gia tăng, chủ yếu xảy ra trên tuyến đường bộ, chủ yếu do một số nguyên nhân cơ bản như: Trời tối, khả năng quan sát của lái xe bị hạn chế; hệ thống đường giao thông được nâng cấp tốt hơn đặc biệt là đường cao tốc, quốc lộ nên lái xe thường tranh thủ đi với tốc độ cao; hoạt động tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng vào thời điểm này thường hạn chế. Đây còn là khoảng thời gian mà các loại xe khách đường dài hoạt động mạnh, phương tiện có trọng tải lớn được phép lưu thông trong nội thị, đi với tốc độ cao, dễ gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông khác.

Một số đặc điểm của hiện trường tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng xảy ra vào ban đêm 

Các vụ tai nạn giao thông xảy ra về đêm, đặc biệt trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, khu vực dân cư thưa thớt, do tâm lý ngại phiền hà khi làm việc với cơ quan chức năng, hoảng sợ khi thấy tai nạn, lái xe thường lựa chọn tiếp tục lưu thông, rất khó để có thể tìm được nhân chứng, người biết những thông tin về tình tiết, diễn biến của vụ việc. 

Những vụ tai nạn này thường có tính chất nghiêm trọng, phạm vi hiện trường rộng, phức tạp, số người thương vong thường lớn, nhiều trường hợp gây ách tắc trong thời gian dài, khó khăn trong việc thu thập dấu vết, vật chứng cũng như có thể để mất những thông tin, tài liệu quan trọng phục vụ làm rõ diễn biến của vụ việc. Hệ thống dấu vết, vật chứng xuất hiện tại hiện trường rất đa dạng (dấu vết cơ học, sinh vật, hoá học…), dễ bị xáo trộn do nhiều nguyên nhân khác nhau, khó khăn cho công tác bảo vệ và khám nghiệm hiện trường.

Hậu quả của các vụ tai nạn giao thông đường bộ nghiêm trọng xảy ra vào ban đêm thường làm nhiều người thương vong; quang cảnh hiện trường, tử thi cùng với việc phải làm việc vào đêm, dễ gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn tới lực lượng tham gia khám nghiệm. 

Bên cạnh đó, hiện trường nằm trên đường giao thông, quá trình khám nghiệm trong đêm tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không tiến hành cảnh báo, phân luồng cho các phương tiện đang lưu thông, đặc biệt trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ. 

Với điều kiện đêm tối, ánh sáng rất hạn chế, sẽ làm giảm khả năng quan sát, thu thập và đánh giá dấu vết, vật chứng của cán bộ khám nghiệm; hạn chế hiệu quả khai thác, sử dụng trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ phục vụ công tác khám nghiệm. Các thiết bị chiếu sáng thường không đủ công suất, việc ghi nhận hình ảnh bằng các phương tiện kỹ thuật, tìm kiếm dấu vết, vật chứng tại hiện trường gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, việc đảm bảo ánh sáng phục vụ công tác khám nghiệm giữ vai trò đặc biệt quan trọng, hiệu quả hoạt động khám nghiệm phụ thuộc nhiều vào các phương tiện, thiết bị chiếu sáng tại hiện trường.

Một đặc điểm nữa là lợi dụng đêm tối ít người qua lại, không ít trường hợp người cùng phương tiện gây tai nạn tìm cách bỏ trốn khỏi hiện trường, nhằm trốn tránh trách nhiệm, cho nên, việc nhanh chóng xác định các dấu vết nóng tại hiện trường, phục vụ truy bắt đối tượng ngay trong đêm có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Như vậy, khi một vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra vào ban đêm, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần nhanh chóng xác định giới hạn hiện trường, tiến hành khám nghiệm một phần hoặc toàn bộ hiện trường ngay trong đêm để đảm bảo sự lưu thông của phương tiện, cũng như truy bắt người và phương tiện bỏ trốn. Tuy nhiên, thực tiễn tiến hành công tác khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào ban đêm cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, hạn chế như: Sự chậm chễ trong việc triển khai các lực lượng, phương tiện đến hiện trường; công tác bảo vệ hiện trường triển khai chậm, chủ yếu mới chỉ làm công tác đảm bảo an ninh trật tự; hoạt động thu thập và đánh giá dấu vết, vật chứng tại hiện trường còn bị động, tiến hành hình thức, qua loa, đại khái, chủ yếu tập trung vào một số dấu vết dễ quan sát, thu thập; hồ sơ khám nghiệm còn sơ sài, chưa đảm bảo…

Một số vấn đề cần lưu ý 

Để có thể khai thác tối đa các thông tin, tài liệu từ hệ thống dấu vết, vật chứng thu được trong quá trình khám nghiệm hiện trường, cần chú ý một số nội dung sau:

Thứ nhất, cán bộ tham gia khám nghiệm phải nắm rõ được đặc điểm của từng loại hiện trường, quy luật hình thành và tồn tại của dấu vết cũng như mối quan hệ giữa các dấu vết, vật chứng tại hiện trường, các loại dấu vết phổ biến, vị trí xuất hiện của chúng… Từ đó xác định chính xác cách thức phát hiện, ghi nhận, thu lượm và bảo quản phù hợp với từng loại dấu vết, đánh giá, giải thích đúng cơ chế, quy luật hình thành dấu vết tại hiện trường phục vụ có hiệu quả hoạt động điều tra. 

Thứ hai, đảm bảo các phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường ban đêm. Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vào ban đêm cần phải huy động tối đa hệ thống đèn pin, đèn chuyên dụng, hệ thống đèn pha công suất lớn, ngoài ra có thể sử dụng hệ thống đèn pha ôtô, đèn dân sinh để hỗ trợ công tác khám nghiệm. Lực lượng kỹ thuật hình sự cần chủ động về hệ thống máy ảnh, máy quay có hệ thống đèn hỗ trợ khi chụp, ngoài ra đảm bảo hệ thống phương tiện chiếu sáng chuyên dụng phục vụ hoạt động thu thập, đánh giá dấu vết, vật chứng tại hiện trường.

Thứ ba, làm tốt công tác bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng khám nghiệm. Đối với các hiện trường tai nạn giao thông đường bộ, việc có mặt ngay khi có thông tin báo cáo về vụ việc sẽ giúp hạn chế những tác động làm thay đổi, xáo trộn hiện trường, đồng thời giúp đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự tại nơi xảy ra tai nạn. 

Lực lượng bảo vệ hiện trường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc phân luồng, hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực xảy ra tai nạn, tránh những va chạm thứ cấp gây nguy hiểm cho người và phương tiện có mặt tại hiện trường. Thiết lập hệ thống cảnh báo, chướng ngại vật chắn, đèn cảnh báo trên đường, cách khu vực hiện trường vụ việc ít nhất 100-150m theo các hướng phương tiện lưu thông. Có thể yêu cầu các phương tiện chuyển làn hoặc giảm tốc độ tránh gây nguy hiểm cho lực lượng khám nghiệm, cũng như làm ảnh hưởng tới hệ thống dấu vết, vật chứng tại hiện trường. 

Thứ tư, lựa chọn phương pháp, chiến thuật khám nghiệm hiện trường phù hợp với đặc thù của hiện trường và lực lượng, phương tiện được huy động, đảm bảo đầy đủ yêu cầu pháp luật, nghiệp vụ. Phương pháp, chiến thuật để tiến hành khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông rất đa dạng, do đó, cần triệt để sử dụng các phương pháp và lựa chọn chiến thuật phù hợp đối với mỗi hiện trường tai nạn giao thông cụ thể. Mỗi chiến thuật có những điểm tích cực và hạn chế nhất định, phải căn cứ vào thông tin, tài liệu ban đầu, căn cứ vào tình hình lực lượng, phương tiện hiện có và đặc điểm hiện trường thực tế để lựa chọn chiến thuật phù hợp. Tuy nhiên, hiện trường các vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm hầu hết là các vụ việc nghiêm trọng, trước yêu cầu nhanh chóng giải phóng một phần hiện trường, tránh ùn tắc kéo dài thì chiến thuật khám nghiệm theo từng khu vực của hiện trường thường đem lại hiệu quả cao. Do đó, cần nhanh chóng lựa chọn, khoanh vùng, xác định những khu vực có thể tiến hành khám nghiệm trước thì tập trung lực lượng, phương tiện tác nghiệp nhằm giải toả một phần hiện trường phục vụ yêu cầu lưu thông của các phương tiện. 

Nếu tại hiện trường, người và phương tiện gây tai nạn đã bỏ trốn cần áp dụng ngay các biện pháp nghiệp vụ truy tìm người, phương tiện theo dấu vết nóng như: Dấu vết sinh vật, nguồn hơi... Đồng thời, tìm kiếm những dấu vết mà qua đó truy nguyên được người (đường vân, lông tóc, vải sợi…); truy nguyên phương tiện (dấu vết hoa vân lốp xe, dấu vết bùn đất…); xác định hướng di chuyển phương tiện (xăng, dầu, bùn đất văng bắn…) thoát khỏi hiện trường. 

Thứ năm, làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau giữa các lực lượng tham gia trong quá trình khám nghiệm. Căn cứ vào tính chất của vụ tai nạn, thực hiện theo Thông tư số 76/2011/TT-BCA ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đối với các vụ tai nạn giao thông có người chết hoặc có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết và cử Kiểm sát viên tham gia giám sát hoạt động khám nghiệm. Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị, các lực lượng cần thiết lập hệ thống trao đổi thông tin, qua đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung thông tin trong quá trình khám nghiệm, cũng như hỗ trợ cho các hoạt động điều tra ban đầu. Đặc biệt, trong những trường hợp người và phương tiện gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, trên cơ sở khai thác tốt những thông tin từ lời khai và từ hoạt động thu thập, đánh giá dấu vết, vật chứng tại hiện trường, kịp thời cung cấp những thông tin giúp Cơ quan điều tra có thể nhanh chóng truy tìm người, phương tiện gây tai nạn. 

Trong điều tra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, cần chú ý khai thác thông tin từ việc trích xuất thiết bị giám sát hành trình của phương tiện, từ hệ thống camera an ninh của nhà dân xung quanh hoặc tại một số tuyến đường có lắp hệ thống giám sát an ninh (nếu có) nhằm hỗ trợ cho hoạt động thu thập, đánh giá dấu vết, vật chứng tại hiện trường. 

Thứ sáu, tiến hành công tác khám nghiệm theo trình tự, thủ tục thống nhất, đảm bảo phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tiễn. Quá trình khám nghiệm hiện trường vào ban đêm, cán bộ khám nghiệm cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, khắc phục khó khăn, điều kiện ngoại cảnh, tiến hành theo đúng trình tự, quy trình khám nghiệm nhằm thu thập, đánh giá một cách triệt để dấu vết, vật chứng tại hiện trường. 

Khi tiếp cận hiện trường cần tiến hành ghi nhận sơ bộ tình trạng hiện trường, các yếu tố điều kiện ngoại cảnh có thể liên quan tới vụ tai nạn ngay khi tiếp cận hiện trường, phục vụ việc nghiên cứu, đánh giá dấu vết, xác định nguyên nhân tai nạn. Xác định các điều kiện ngoại cảnh xung quanh hiện trường (hệ thống đèn đường, ánh sáng khu dân cư, nguồn sáng khác nếu có); vị trí nơi xảy ra tai nạn (gần chỗ giao cắt, khúc cua khuất tầm nhìn, ngõ tắt lối mở…); các thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật mặt đường tại nơi xảy ra tai nạn (loại đường, độ nhám mặt đường, độ rộng…); các phương tiện, thiết bị điều khiển, chỉ dẫn giao thông (đèn báo, biển báo, vạch chia làn, biển chỉ dẫn…) và những điều kiện tự nhiên khác có ảnh hưởng tới việc lưu thông của phương tiện. Thận trọng trong việc lựa chọn các mốc cố định phù hợp tại hiện trường, làm cơ sở tiến hành các hoạt động đo đạc, ghi nhận cụ thể, chính xác, bổ sung thông tin khi việc chụp ảnh, ghi hình hiện trường gặp nhiều hạn chế trong điều kiện thiếu sáng. 

Kết thúc khám nghiệm cần tiến hành họp, đánh giá kết quả khám nghiệm cũng như các thông tin, tài liệu thu thập được qua hoạt động điều tra ban đầu. Thống nhất và đưa ra được những kết luận, nhận định sơ bộ về tình huống xảy ra tai nạn, về những vấn đề có liên quan. Trên cơ sở đó, người chủ trì khám nghiệm có thể ra quyết định huy bỏ việc bảo vệ toàn bộ hoặc một phần hiện trường. Yêu cầu bắt buộc khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vào ban đêm là cần rà soát, đánh giá lại kết quả khám nghiệm, dự kiến những nội dung công việc cần triển khai và tiếp tục kiểm tra, khám nghiệm bổ sung khi trời sáng, hoàn thiện hồ sơ khám nghiệm. 

Thứ bảy, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng trong quá trình tiến hành các hoạt động khám nghiệm. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm là những vụ tai nạn nghiêm trọng, hậu quả thường làm nhiều người thương vong, do đó, phải có sự tham gia ngay từ ban đầu của Viện kiểm sát. Trong những trường hợp này, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm có trách nhiệm kiểm sát công tác bảo vệ hiện trường, thành phần tham gia khám nghiệm và giám sát chặt chẽ hoạt động khám nghiệm theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát viên cần nắm chắc thông tin, tính chất vụ việc và tình hình thực tế tại hiện trường, từ đó có sự trao đổi, thống nhất với Điều tra viên về phương pháp, kế hoạch khám nghiệm phù hợp. Giám sát chặt chẽ các hoạt động của Điều tra viên, Giám định viên, kỹ thuật viên và yêu cầu lực lượng khám nghiệm thực hiện tiến hành đầy đủ quy trình, trình tự khám nghiệm, đảm bảo đúng pháp luật.

Song song với hoạt động giám sát, Kiểm sát viên cũng cần ghi chép tỉ mỉ về các loại dấu vết, thông tin tài liệu liên quan; trực tiếp xem xét, kiểm tra dấu vết, vật chứng tại hiện trường để có sự đối chiếu, đánh giá kết quả công tác của các lực lượng khám nghiệm, bổ sung, củng cố tài liệu trong hồ sơ kiểm sát. Quá trình khám nghiệm, Kiểm sát viên kịp thời trao đổi, phối hợp với Điều tra viên trong việc tiến hành các biện pháp khẩn cấp tại hiện trường như: Bắt, khám xét, lấy lời khai, thu giữ vật chứng...

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

2. Chỉ thị số 02/2001/CT-BCA ngày 06/02/2001 của Bộ trưởng Bộ Công an về công tác khám nghiệm hiện trường của lực lượng Công an nhân dân.

3. Thông tư số 76/2011/TT-BCA ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân.

4. Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông đường bộ.

5. Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự (ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện trưởng VKSND tối cao).

(Trích bài viết: "Một số điểm cần lưu ý khi tiến hành khám nghiệm hiện trường các vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra vào ban đêm" của tác giả Nguyễn Minh Tuấn, giảng viên Khoa Tham mưu, chỉ huy Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân, Tạp chí Kiểm sát số 16/2017).

(kiemsat.vn)

 

 

Tìm kiếm