CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm: Từ thực tiễn tại VKSND tỉnh Bắc Kạn

16/12/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Đối với ngành Kiểm sát, hình ảnh và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên chính là hình ảnh và uy tín của ngành Kiểm sát. Hoạt động tranh tụng thể hiện quan điểm truy tố, cũng như những quan điểm xử lý tội phạm của Viện kiểm sát nói riêng và của Nhà nước nói chung và đặc biệt kết quả của tranh tụng sẽ là căn cứ mang tính chất quyết định để Tòa án xem xét, ban hành bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

1) Một số khái quát về hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

Công tác thực hành quyền công tố (THQCT), kiểm sát xét xử (KSXX) thể hiện qua việc tranh luận, đối đáp (hoạt động tranh tụng) tại phiên tòa giữa Kiểm sát viên (KSV) với bị cáo, người bào chữa của bị cáo tập trung ở một số nội dung như: Bị cáo phủ nhận toàn bộ hành vi phạm tội cho rằng Viện kiểm sát truy tố oan; bị cáo, người bào chữa của bị cáo đưa ra cơ sở và căn cứ pháp luật để chứng minh bị cáo không phạm tội như Cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố; hoặc đưa ra cơ sở, chứng cứ và căn cứ pháp luật để chứng minh bị cáo có phạm tội nhưng là tội danh khác nhẹ hơn hoặc cùng tội danh nhưng có khung hình phạt nhẹ hơn; đưa ra ý kiến thống nhất với quan điểm của Viện kiểm sát về tội danh, nhưng không thống nhất cách đánh giá tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, hoặc đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ khác, về nhân thân để đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ hình phạt dưới mức KSV đề nghị và đưa ra ý kiến đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa hoặc trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung…

Trong quá trình giải quyết vụ án, vấn đề tranh lun, đối đáp của KSV khi THQCT và KSXX các vụ án hình sự nói chung có vai trò hết sức quan trọng, đc biệt là đối với các vụ án nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, những vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, Lãnh đạo VKSND tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra nhằm nâng cao trách nhiệm của KSV trong công tác THQCT và KSXX nhất là kỹ năng tranh tụng, đối đáp của KSV tại phiên tòa, góp phần cùng Tòa án làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, việc giải quyết các vụ án ngày càng có chất lượng tốt hơn, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật; tình trạng sai sót trong việc giải quyết các vụ án hình sự đã giảm rõ rệt, nhất là không xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội.

2) Thực trạng và nguyên nhân

Qua thực tiễn các phiên tòa hình sự sơ thẩm trên địa bàn tỉnh, nhìn chung có nhiều Kiểm sát viên đã thực hiện tốt vai trò trước và trong khi tham gia phiên tòa, bình tĩnh, tự tin trong đối đáp tranh luận, thể hiện được bản lĩnh của KSV khi THQCT. Các KSV khi được giao nhiệm vụ THQCT, KSXX đã có sự chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, đánh giá các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Từ đó xây dựng đề cương xét hỏi và dự thảo luận tội dự kiến những nội dung cần tranh luận; tích cực tham gia xét hỏi nhằm đấu tranh làm rõ những chứng cứ, tình tiết chưa rõ và tập trung theo dõi mọi diễn biến, ghi chép đầy đủ bút ký phiên tòa, các câu trả lời của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác. Do đó, chất lượng công tác THQCT, KSXX các vụ án hình sự được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 09/CT-VKSTC, ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa. Tuy nhiên, trong một số phiên tòa cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, có thể thấy ở một số điểm chính như sau:

- Một số KSV khi tranh luận với luật sư, người bào chữa và bị cáo chưa có sức thuyết phục, còn né tránh, ngại tranh luận. Một số KSV khi tranh luận không đối đáp hết ý kiến của luật sư, bị cáo, không có sức thuyết phục. Phong cách, thái độ của một số KSV khi tranh luận còn tỏ ra thiếu bình tĩnh, dẫn đến hạn chế việc tranh luận.

- Một số KSV chưa chuẩn bị tốt đề cương tranh luận, nắm chưa chắc tài liệu, chứng cứ, văn bản pháp luật khi tranh luận, dẫn đến còn lúng túng hoặc không đối đáp được các vấn đề mà luật sư, người bào chữa nêu ra… dẫn đến một số phiên tòa, KSV không đưa ra được căn cứ phản bác quan điểm của luật sư, người bào chữa, không bảo vệ được quan điểm luận tội, mức hình phạt đã đề nghị.

3) Giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa hình sự sơ thẩm.

Thứ nhất, cần quan tâm, chú trọng khâu phân công, lựa chọn Kiểm sát viên phải phù hợp.

Trong quá trình phân công KSV trực tiếp thụ lý vụ án có người bào chữa hoặc vụ án có bị cáo phản cung, khai báo quanh co, Lãnh đạo VKSND cần phải lựa chọn những KSV có năng lực, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vụ án này.

Khi THQCT, KSXX, KSV phải có sự hiểu biết nhất định về đặc điểm nhân thân, đặc điểm kinh tế xã hội, dân cư; có hiểu biết nhất định về tâm lý học, sự hình thành, phát triển và cơ chế bột phát của tâm lý trong diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo.

Hai là, KSV cần nâng cao năng lực, trình độ, trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ.

Trước hết, bản thân KSV phải nâng cao trách nhiệm của mình trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và chuẩn bị cho hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. Phải nghiên cứu để nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là về hình sự, về tố tụng hình sự, các văn bản pháp luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, các thông báo rút kinh nghiệm của Ngành và của các cơ quan chức năng khác. Thường xuyên rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ về tham gia phiên tòa hình sự như kỹ năng trình bày luận tội, diễn đạt, đối đáp, sự linh hoạt trước các vấn đề mới phát sinh tại phiên tòa. Phải tự mình đánh giá lại kết quả hoạt động sau mỗi phiên tòa, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc những thiếu sót, chú ý lắng nghe các ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện hơn kỹ năng nghiệp vụ của mình.

Ba là, KSV cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị kỹ lưỡng các tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa.

KSV được phân công tham gia phiên tòa phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, phải có sự chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự kiến tình huống tranh luận, dự thảo kết luận, dự kiến nội dung đối đáp làm tiền đề cho hoạt động xét hỏi tại phiên tòa, để làm cơ sở đối đáp, tranh luận làm sáng tỏ hành vi phạm tội của bị cáo, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, bồi thường trách nhiệm dân sự. Quá trình tranh luận, đối đáp phải hết sức bình tĩnh, tự tin góp phần làm cho Tòa án ra những phán quyết đúng người, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, công bằng trong quyết định hình phạt, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Cụ thể:

- Đối với vụ án nếu bị cáo chối tội tại phiên tòa thì ngoài các chứng cứ đã thu thập đủ để buộc tội, KSV cần chuẩn bị thêm các tài liệu khác có liên quan tới việc kết tội bị cáo và giải quyết vụ án đó. Các tài liệu, chứng cứ phải sắp xếp có hệ thống trước để khi đối đáp tranh luận và phải nêu rõ bút lục của tài liệu trong hồ sơ chính nhằm nâng cao tính thuyết phục trong lập luận đối đáp, tranh luận.

- Đối với những vụ án có sự tham gia của người bào chữa, KSV cần phải thực hiện thật đầy đủ và đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Quá trình kiểm sát cần áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để nắm bắt và dự đoán được ý kiến bảo vệ của người bào chữa để từ đó xây dựng phương án tranh luận, đối đáp.

- KSV cần xây dựng kế hoạch xét hỏi và kế hoạch tranh luận tại phiên tòa và chuẩn bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật của các cơ quan chức năng có liên quan tới việc xác định tội danh, điều luật, khoản để áp dụng hình phạt; trách nhiệm dân sự đối với bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để chủ động trong đối đáp, tranh luận tại phiên tòa.

 - Tại phiên tòa, KSV vừa phải chủ động tham gia xét hỏi nhằm đấu tranh làm rõ những chứng cứ, tình tiết chưa rõ, vừa phải tập trung, ghi chép để theo dõi mọi diễn biến, ghi chép đầy đủ các câu hỏi của Hội đồng xét xử, người bào chữa, các câu trả lời của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác để phán đoán hướng bào chữa; từ đó bổ sung vào dự thảo những ý kiến đối đáp, tranh luận.

- KSV cần dự kiến những tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa dựa trên thái độ, lời khai của bị cáo, nhân chứng, người bị hại, người liên quan trong quá trình điều tra, truy tố để phán đoán những tình huống, những câu hỏi, việc chối tội, khai không đúng sự thật… tại phiên tòa để dùng tài liệu và các quy định của pháp luật để giải thích, tranh luận bảo vệ cáo trạng đã truy tố và luận tội một cách thuyết phục.

- KSV cần linh hoạt, bình tĩnh để xử lý các tình huống phát sinh ngoài dự kiến, tránh trường hợp ra giữa phiên tòa bị cáo chối tội, bác bỏ các hành vi phạm tội. KSV ngoài những chứng cứ có tại hồ sơ cần phải sắc sảo, lập luận, đưa ra những chứng cứ nhằm buộc tội bị cáo.

Bốn là, KSV cần trau dồi và nâng cao văn hoá pháp lý khi tranh tụng.

Hoạt động tranh luận, đối đáp của KSV khi THQCT và KSXX sơ thẩm các vụ án hình sự là hoạt động đấu tranh công khai của KSV tại phiên tòa. Do vậy, để xây dựng hình ảnh của người cán bộ kiểm sát thì KSV phải không ngừng trau dồi các thao tác, kỹ năng nghiệp vụ của mình theo những chuẩn mực cơ bản về “văn hóa”, nhất là văn hóa pháp lý trong tranh luận, đối đáp. Tránh tình trạng nóng vội, phản ứng gay gắt hoặc đưa ra những phản biện mà văn phong không rõ ràng gây hiểu lầm... làm cho hoạt động tranh luận, đối đáp không đạt được kết quả đã vạch ra.

Năm là, đề cao trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra của Lãnh đạo Viện và tính kỷ luật, kỷ cương của KSV.

Lãnh đạo đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao, tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm của KSV trong việc thực hiện các quyền hạn tố tụng. Yêu cầu KSV phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động xét xử, đồng thời mở sổ theo dõi và tích luỹ vi phạm trong hoạt động xét xử của Tòa án. Định kỳ cần tổ chức giao ban giữa Viện kiểm sát và Tòa án để nêu lên những vi phạm, tồn tại mà Tòa án thường mắc phải nhưng chưa đến mức phải ban hành kiến nghị nhằm hạn chế tình trạng vi phạm kéo dài, đồng thời cũng tránh việc lạm dụng kiến nghị ảnh hưởng đến quan hệ phối hợp. Đối với những vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống thì kiên quyết phải ban hành kháng nghị để Tòa án sớm khắc phục.

Sáu là, nâng cao hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tiễn cho thấy rằng, nếu các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp tốt không những tranh thủ được các ý kiến đóng góp và khắc phục những sơ hở thiếu sót của Điều tra viên, KSV, Thẩm phán mà còn giúp cho việc giải quyết vụ án được thuận lợi hơn. Do đó, đối với những vụ án phức tạp cần tiến hành họp 03 ngành trước khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can để lấy ý kiến thống nhất về việc xác định tội danh, vấn đề đồng phạm, những việc chưa làm được và những việc cần làm trong giai đoạn tố tụng tiếp theo. Trong đó, những Điều tra viên, KSV, Thẩm phán nào tham gia cuộc họp thì lãnh đạo các đơn vị cần phân công cho những người trực tiếp thụ lý và giải quyết vụ án.

Bảy là, áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết vụ án.

Tại phiên tòa, KSV có thể linh hoạt sử dụng máy tính để ứng dụng các phần mềm tìm kiếm, nhằm hỗ trợ việc cập nhật các văn bản hướng dẫn, các quy định có liên quan để làm căn cứ trích dẫn, đối đáp.

Tám là, cần thỉnh thị, xin ý kiến chỉ đạo của VKS cấp trên khi có khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật.

Quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phải chỉ đạo KSV thực hiện việc báo cáo, thỉnh thị xin đường lối giải quyết và ý kiến chỉ đạo của VKS cấp trên. Khi có ý kiến chỉ đạo cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc nhằm đảm bảo vụ án được xử lý đúng pháp luật, không oai sai, không bỏ lọt tội phạm.

Chín là,rút kinh nghiệm, lấy ý kiến góp ý và khen thưởng kịp thời.

Khi KSV để xảy ra vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa thì cần phải phân tích, đánh giá những vi phạm của KSV, của lãnh đạo trực tiếp phụ trách bộ phận hình sự để đúc rút kinh nghiệm cho các phiên tòa lần sau.

Cần có biện pháp biểu dương, khen thưởng những KSV thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là thể hiện tốt kỹ năng tranh tụng của mình trước phiên tòa để làm gương cho các đồng chí khác noi theo, học tập, rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, VKSND tỉnh cần lựa chọn những phiên tòa có sự tranh tụng về nhiều nội dung, nhiều vấn đề phức tạp giữa KSV và người bào chữa, bị cáo, luật sư hoặc các vụ án có nhiều luật sư, người bào chữa tranh luận, để ghi hình có âm thanh, sau đó phát chiếu lại để học tập, rút kinh nghiệm trực tuyến nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tranh tụng của KSV.

Hoàng Văn Tuân - Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bắc Kạn

Phạm Văn Trưởng - Phòng 1 VKSND tỉnh Bắc Kạn

Tìm kiếm