Trong bài viết này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng khoa đào tạo luật sư, Học viện tư pháp Nguyễn Minh Hằng đề cập đến những vướng mắc cần có hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ với con và của con với cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ, chồng khi ly hôn và khi còn đang chung sống để góp phần thống nhất áp dụng pháp luật trong thực tiễn.
Cấp dưỡng, các trường hợp phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
Các nghĩa vụ về cấp dưỡng là cơ sở pháp lý nhằm gắn kết các thành viên trong gia đình hay trong một cộng đồng trách nhiệm. Trên tất cả, việc quy định về cấp dưỡng giúp các thành viên thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội. Tại Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình (HN và GĐ) năm 2014 đã ghi nhận:“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.
Về bản chất, quan hệ cấp dưỡng tồn tại giữa hai chủ thể, một bên là người có nghĩa vụ cấp dưỡng và một bên là người nhận cấp dưỡng (người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật HN và GĐ năm 2014). Quan hệ cấp dưỡng là một trong các quan hệ đặc trưng trong lĩnh vực HN và GĐ. Đây là một quan hệ pháp luật có điều kiện, tương ứng với mỗi quan hệ khác nhau giữa các thành viên trong gia đình với những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các chủ thể trên cơ sở quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Theo đó, tại khoản 1 Điều 107 Luật HN và GĐ năm 2014 đã xác định rõ: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này”. Các chủ thể này có thể là thành viên trong gia đình hoặc không phải là thành viên trong gia đình nhưng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật HN và GĐ năm 2000, Luật HN và GĐ năm 2014 vẫn quy định đầy đủ về vấn đề cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình như: Khái niệm cấp dưỡng, điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng, phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng. Luật HN và GĐ năm 2014 cũng đã mở rộng phạm vi quy định về quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột (Điều 114), đây là quy định mới so với các văn bản Luật HN và GĐ trước đó.
Thứ hai, quan hệ cấp dưỡng không chỉ là quan hệ nhân thân mà còn mang tính tài sản, song không mang tính đền bù ngang giá. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải chu cấp một số tiền hoặc tài sản nhất định nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu cho người được cấp dưỡng. Khi thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, luôn có sự chuyển giao một phần lợi ích nhất định từ phía người cấp dưỡng sang người được cấp dưỡng. Trường hợp bên có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế, không thể thực hiện việc cấp dưỡng thì tuy nghĩa vụ cấp dưỡng chưa chấm dứt, nhưng ý nghĩa thực tế của nghĩa vụ này cũng hầu như không có, bởi vì lợi ích tài sản của nghĩa vụ không còn tồn tại.
Quan hệ cấp dưỡng không mang tính đền bù ngang giá do yếu tố tình cảm giữa các chủ thể. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện một cách tự nguyện, không tính toán đến giá trị tài sản đã cấp dưỡng, không đòi hỏi người được cấp dưỡng phải hoàn lại một số tiền tương ứng. Do nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ được đặt ra khi có những điều kiện nhất định. Vì vậy, quan hệ cấp dưỡng không mang tính đền bù tương đương.
Thứ ba, nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Bên có nghĩa vụ cấp dưỡng không thể cam kết sẽ dùng nghĩa vụ khác để thay thế, bù trừ nghĩa vụ cấp dưỡng như là bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm. Nghĩa vụ cấp dưỡng này cũng không thể sử dụng làm cơ sở đảm bảo cho những nghĩa vụ khác; đồng thời, chủ thể có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không thể chuyển giao nghĩa vụ cấp dưỡng cho bất cứ ai. Đây cũng là một đặc trưng xuất phát từ tính chất của quyền nhân thân “...là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Thứ tư, nghĩa vụ cấp dưỡng chỉ phát sinh trong điều kiện nhất định. Quan hệ cấp dưỡng là quan hệ phái sinh, tức là khi quan hệ nuôi dưỡng không thực hiện được hoặc thực hiện không đầy đủ thì lúc đó quan hệ cấp dưỡng mới xuất hiện. Trong thực tế, không chỉ do người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng không thực hiện nghĩa vụ đó thì nghĩa vụ cấp dưỡng mới phát sinh. Bất kỳ thành viên nào trong gia đình cũng có thể rơi vào hoàn cảnh không đầy đủ hoặc thiếu hụt về phương diện nào đó; song chỉ khi người đó có sự thiếu hụt về vật chất, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ thì nghĩa vụ cấp dưỡng mới đặt ra. Điều này biểu hiện ở chỗ, người đó gặp khó khăn, túng thiếu hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Trong quan hệ cấp dưỡng này, chủ thể không chỉ là thành viên gia đình trong mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng mà còn phải thoả mãn những điều kiện nhất định về độ tuổi, tình trạng nhân thân, tài sản...
Thứ năm, việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thông qua lương tâm, đạo đức, dư luận xã hội và cả các biện pháp cưỡng chế thi hành. Quan hệ huyết thống là gốc rễ hình thành mối quan hệ gắn bó, khăng khít giữa các thành viên trong gia đình. Khi các thành viên trong gia đình không thể trực tiếp chăm sóc nhau thì họ thực hiện nghĩa vụ thông qua việc cấp dưỡng. Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trước hết xuất phát từ ý thức, trách nhiệm của bên thực hiện cấp dưỡng. Pháp luật cũng đã đưa ra các chế tài nhằm xử lý những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, không chỉ trong pháp luật dân sự, HN và GĐ mà còn trong pháp luật hình sự...
Luật HN và GĐ năm 2014 quy định những trường hợp phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con (Điều 110); nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ (Điều 111); nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh, chị, em (Điều 112); nghĩa vụ cấp dưỡng giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu (Điều 113); nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột (Điều 114) và nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn (Điều 115). Điều kiện chung để phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng bao gồm: (i) Nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh từ quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng; (ii) người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng không sống chung với nhau. Bên cạnh đó, nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phát sinh trong trường hợp các chủ thể có sống chung với nhau, đó là trong quan hệ giữa cha, mẹ và con, nghĩa vụ cấp dưỡng có thể phát sinh khi cha, mẹ ly hôn, người không trực tiếp nuôi con phải chi trả tiền cấp dưỡng cho người nuôi con trực tiếp; hoặc trường hợp vẫn sống chung, nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng.
Một số vấn đề trao đổi về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con và của vợ, chồng khi ly hôn
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ với con
Thứ nhất, điều kiện cha, mẹ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng với con: Pháp luật quy định độ tuổi và khả năng của con là điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con. Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên. Theo quy định tại Điều 21 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp cha, mẹ ly hôn khi con chưa đủ 18 tuổi, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ phải chi trả tiền cấp dưỡng để đảm bảo quyền lợi cho con về tài sản cho đến khi con trưởng thành.
Điều 110 Luật HN và GĐ năm 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”. Vấn đề đặt ra là, pháp luật HN và GĐ cũng như Luật trẻ em năm 2016, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 không đưa ra khái niệm cụ thể về “nuôi dưỡng” cũng như các tiêu chí để xác định một đứa trẻ sẽ được đảm bảo nuôi dưỡng đáp ứng các điều kiện vật chất tối thiểu để phát triển bình thường. Do đó, trên thực tế, mặc dù có nhiều cha, mẹ có hành vi vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng khi đang sống chung với con nhưng cũng không bị buộc phải cấp dưỡng do không có căn cứ.
Đối với con đã thành niên, cha, mẹ vẫn có trách nhiệm phải chi trả cấp dưỡng nếu thuộc các trường hợp sau: Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Không có khả năng lao động có thể là do già yếu, mất sức lao động, bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự... Tuy nhiên, không có khả năng lao động phải đi kèm với điều kiện không có tài sản để tự nuôi mình. Thực tế, có rất nhiều trường hợp con không có khả năng lao động nhưng vẫn có tài sản để tự nuôi mình. Vấn đề là, khi nào một người được coi là tình trạng “không có khả năng lao động” và “không có tài sản để tự nuôi mình”. Qua nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành, chúng tôi thấy rằng chưa có hướng dẫn cụ thể để xác định việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con đã thành niên. Thực tế hiện nay, việc nhận định “không có khả năng lao động” tùy thuộc vào sự đánh giá của Thẩm phán, Hội đồng xét xử.
Hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện hành về vấn đề trên, có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Nghị quyết số 03/2006), tuy nhiên, Nghị quyết này hướng dẫn cho BLDS năm 2005 nhưng đến nay chưa có văn bản nào thay thế. Vì vậy, cần áp dụng tương tự quy phạm pháp luật để giải quyết một vụ việc thực tế cụ thể chưa có pháp luật trực tiếp điều chỉnh trên cơ sở vận dụng quy phạm pháp luật điều chỉnh trường hợp khác có nội dung gần giống như vậy.
Tại Nghị quyết số 03/2006 có đề cập đến tiêu chí đánh giá về “mất khả năng lao động”, cụ thể là: Người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (người bị thiệt hại không còn khả năng lao động do bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng và các trường hợp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên...).
Từ quy định trên, có ý kiến cho rằng, khi xác định nếu người thành niên mà thường xuyên cần phải có người chăm sóc và rơi vào những trường hợp như đã liệt kê thì mới xác định họ “không còn khả năng lao động”.
Ý kiến khác lại cho rằng, ngoài Nghị quyết số 03/2006, còn có một văn bản khác cũng điều chỉnh tương tự, đó là Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điểm của Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08/9/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân có quy định về khái niệm “người tàn tật không có khả năng lao động”. Cụ thể, tại Mục 3.1.6 của Thông tư số 84/2008/TT-BTC có khái niệm người tàn tật không có khả năng lao động để xét giảm trừ gia cảnh về thuế thu nhập như sau: Người tàn tật, không có khả năng lao động là người bị tàn tật, giảm thiểu chức năng không thể trực tiếp sản xuất, kinh doanh hoặc người bị khuyết tật bẩm sinh không có khả năng tự phục vụ bản thân được cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên xác nhận hoặc tự bản thân khai có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về mức độ tàn tật không có khả năng lao động.
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phụ thuộc đang sống xác nhận những biểu hiện cụ thể về sự tàn tật của người phụ thuộc. Ví dụ: Xác nhận người phụ thuộc bị cụt tay, cụt chân, mù mắt, mắc bệnh thiểu năng trí tuệ, bị di chứng chất độc màu da cam...
Trường hợp người phụ thuộc mắc bệnh mà không có khả năng lao động (như bệnh AIDS, ung thư, suy thận mãn...) có bệnh án của cơ quan y tế từ cấp huyện trở lên thì chỉ cần bản sao bệnh án mà không cần phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Tuy nhiên, khái niệm này chỉ nhằm phân biệt về người tàn tật không có khả năng lao động với người tàn tật vẫn có khả năng lao động. Chúng tôi không đồng ý với các ý kiến nêu trên. Xét về lý thuyết, yếu tố không có tài sản để tự nuôi mình có thể là tài sản gốc nhưng nó không sinh lợi hoặc có sinh lợi và đã được khai thác nhưng vẫn không đủ để đáp ứng các nhu cầu sống thiết yếu, hay có thể có thu nhập nhưng không đáp ứng được các khoản chi tiêu tối thiểu cho cuộc sống. Còn yếu tố “không có khả năng lao động” có thể được đánh giá trên cơ sở khả năng đáp ứng về mặt cơ thể vật lý (có thể lao động hay không) hay bao gồm các điều kiện khách quan khác (người thất nghiệp chưa hẳn không có khả năng lao động).
Vấn đề này Luật HN và GĐ năm 2000 không quy định rõ ràng và đến Luật HN và GĐ năm 2014 cũng chưa quy định cụ thể. Có thể thấy, sự thiếu vắng các quy định hướng dẫn làm cho việc giải quyết các vụ việc như thế này trên thực tế gặp lúng túng và thiếu thống nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần có những nghiên cứu và đánh giá để đưa ra các hướng dẫn phù hợp nhằm áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật trên thực tế.
Thứ hai, về trách nhiệm, nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con: Trên cơ sở phân tích quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật HN và GĐ năm 2014, có thể thấy cha hoặc mẹ, bên không trực tiếp nuôi dưỡng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi có sự kiện ly hôn.
Theo tinh thần được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN và GĐ năm 2000 (Nghị quyết số 02/2000) thì trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần; đánh giá toàn diện về nhu cầu sống, học tập, phát triển bình thường của trẻ, nhất là tính ổn định về tâm lý của trẻ em sau khi cha mẹ ly hôn.
Phán quyết của Hội đồng xét xử về việc giao con chung cho một bên nuôi thường kèm theo nghĩa vụ cấp dưỡng của bên không nuôi con chung theo quy định tại Điều 82 Luật HN và GĐ năm 2014. Trong đó, nguyên tắc xem xét nguyện vọng không yêu cầu cấp dưỡng nuôi con của bên được giao nuôi con vẫn phải tuân thủ hướng dẫn tại điểm 11 Nghị quyết số 02/2000, cụ thể: “Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con”.
Nghị quyết số 02/2000 mặc dù hướng dẫn các quy định của Luật HN và GĐ năm 2000 nhưng quy định này của Luật HN và GĐ năm 2000 không xung đột với quy định của Luật HN và GĐ năm 2014. Hơn nữa, Hội đồng Thẩm phán cũng chưa ban hành văn bản hướng dẫn Luật HN và GĐ năm 2014 để thay thế. Do đó, tinh thần của Nghị quyết số 02/2000 vẫn được vận dụng để áp dụng tương tự pháp luật.
Đa số các phán quyết của Hội đồng xét xử về nội dung này đều đảm bảo pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, khi giải quyết yêu cầu về cấp dưỡng trong những vụ án mà bên nuôi con chung không yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, một số trường hợp Hội đồng xét xử thường chú trọng phân tích nguyện vọng của người được nuôi con (tức là xem xét việc từ chối nhận cấp dưỡng của người nhận nuôi con có tự nguyện không) mà chưa làm rõ, chưa phân tích kỹ trong bản án các điều kiện đủ kèm theo là họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con như Nghị quyết số 02/2000 đã hướng dẫn hay không. Thực tiễn cho thấy, có không ít trường hợp vì tự ái cá nhân hoặc vì muốn chấm dứt hoàn toàn mối quan hệ với vợ hoặc chồng sau khi ly hôn nên người được giao nuôi con chung không quan tâm đến lợi ích của con, chủ quan nhất quyết không cần bên kia thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong khi đó, nhu cầu sống, phát triển của trẻ em sau thời điểm ly hôn khác và lớn hơn rất nhiều so với lúc Tòa án giải quyết ly hôn; pháp luật HN và GĐ và thực tiễn cuộc sống khẳng định rõ quyền yêu cầu cấp dưỡng nuôi con không phải chỉ của người được giao nuôi con mà là của chính người được cấp dưỡng con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng bị tâm thần, bị khiếm khuyết về thể chất không có khả năng lao động. Mục đích cuối cùng của chế định cấp dưỡng là phục vụ nhu cầu sống, phát triển tối thiểu của con chung sau khi vợ, chồng ly hôn. Do đó, nội dung của Nghị quyết số 02/2000 mới quy định Tòa án có quyền xem xét tính tự nguyện, kèm theo điều kiện cần thiết về khả năng kinh tế, hoàn cảnh cuộc sống của người nhận nuôi con để phán quyết nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của người không được giao nuôi con. Những sai sót này kéo theo một hệ lụy là chỉ một thời gian ngắn sau khi ly hôn, có rất nhiều trường hợp người được giao nuôi con chung lại làm đơn khởi kiện tại Tòa án yêu cầu bên không nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Đây là một nội dung Kiểm sát viên cần lưu ý khi kiểm sát việc giải quyết các vụ án HN và GĐ có yêu cầu hoặc không có yêu cầu cấp dưỡng.
Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ
Trong quan hệ giữa con với cha, mẹ, nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra đối với con đã thành niên và không sống chung với cha, mẹ. Tương tự, điều kiện đối với bên được nhận cấp dưỡng là cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ đặt ra khi con có khả năng về kinh tế, đủ đảm bảo được cuộc sống của chính mình; do đó, về nguyên tắc, nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ chỉ đặt ra đối với con đã thành niên. Tuy nhiên, Luật HN và GĐ năm 2014 cũng quy định “con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập” (khoản 2 Điều 75). Trong thực tế, nhiều trường hợp cha, mẹ túng thiếu, không có khả năng lao động và không có đủ tài sản để tự nuôi mình mà người con đã từ 15 tuổi trở lên có tài sản riêng nhưng không sống chung với cha, mẹ. Nên chăng pháp luật cần quy định trong trường hợp này, con cũng có nghĩa vụ đóng góp vào nhu cầu sống thiết yếu của cha, mẹ, nhằm đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ hơn giữa các điều luật, đồng thời ràng buộc hơn trách nhiệm của con đối với cha, mẹ.
Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn và khi còn đang chung sống
Điều kiện phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi ly hôn là một bên có khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng. Vấn đề là, pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, không có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là khó khăn, túng thiếu và lý do thế nào được coi là chính đáng. Do vậy, khi giải quyết các tình huống trên thực tế, người áp dụng pháp luật sẽ gặp khó khăn do thiếu căn cứ pháp lý, nên trong nhiều trường hợp, người có yêu cầu cấp dưỡng tự do yêu cầu việc cấp dưỡng và việc xét xử trong nhiều vụ án mặc dù có tình tiết tương tự nhưng lại không nhất quán. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng có thể phát sinh ngay cả khi hôn nhân đang tồn tại, khi có những điều kiện sau:
- Khi vợ, chồng không sống cùng và sống xa nhau, vì nhiều ý do như điều kiện công tác, mâu thuẫn về tình cảm nhưng không muốn ly hôn mà chỉ muốn ở riêng (hình thức ly thân), do đó, xin chia tài sản chung...
- Trong điều kiện sống xa nhau mà một bên vợ hoặc chồng lâm vào tình trạng túng thiếu, khó khăn do bị tai nạn, mất sức lao động, ốm đau, sinh đẻ... Sự túng thiếu, khó khăn đó phải có lý do chính đáng thì mới có cơ sở buộc người kia phải cấp dưỡng.
- Tài sản chung của vợ, chồng không có hoặc có nhưng không đủ để đảm bảo cuộc sống bình thường của người túng thiếu, khó khăn. Trong khi đó, người vợ hoặc người chồng có tài sản riêng. Ví dụ: Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, toàn bộ tài sản chung được chia hết, hai vợ chồng ở riêng. Người vợ bị bệnh hiểm nghèo phải sử dụng hết số tiền được chia nhưng vẫn không đủ, do phải điều trị lâu dài. Trong trường hợp này, người chồng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Do đó, nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng vẫn có thể phát sinh khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân chứ không nhất thiết chỉ khi ly hôn. Tuy nhiên, trong Luật HN và GĐ năm 2014 lại chưa quy định cụ thể. Việc cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi hôn nhân đang tồn tại tuy ít khi xảy ra vì vợ, chồng đã trực tiếp chăm sóc nhau bằng tài sản chung nhưng trong trường hợp đặc biệt như đã phân tích, sự cấp dưỡng cho một bên vợ hoặc chồng ở xa, gặp khó khăn lại là cần thiết. Do đó, khi hướng dẫn thi hành Luật HN và GĐ năm 2014, cần có những quy định cụ thể và đầy đủ hơn về vấn đề này để thống nhất giải quyết trong thực tiễn xét xử.
TCKS số 7/2019