Khi đã yêu cầu đối chất mà Điều tra viên không thực hiện hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát đã nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên ...
Khi đã yêu cầu đối chất mà Điều tra viên không thực hiện hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát đã nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên tiến hành đối chất.
1. Điểm mới về đối chất theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015
Mục đích của việc đối chất là nhằm giải quyết mâu thuẫn, xác định tính đúng đắn trong lời khai giữa hai hay nhiều người để tìm ra sự thật của vụ án, có thể cho đối chất giữa giữa bị can này với bị can khác, giữa bị can với bị hại, giữa bị hại với người làm chứng...
Nghiên cứu, so sánh với quy định của BLTTHS 2003, thì BLTTHS năm 2015 có một số thay đổi, bổ sung như sau:
- Về điều kiện tiến hành đối chất:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015 thì ĐTV chỉ tiến hành đối chất khi thỏa mãn cả hai điều kiện: (1) có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai người hay nhiều người và (2) đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn. Như vậy, BLTTHS 2015 quy định điều kiện tiến hành đối chất khắc khe hơn BLTTHS năm 2003 khi bổ sung thêm điều kiện (2): “đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn”.
BLTTHS 2015 bổ sung quy định về điều kiện tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo tại khoản 6 Điều 421; theo đó: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án”. Như vậy, với trường hợp đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo thì BLTTHS năm 2015 quy định điều kiện hết sức khắc khe, đó là chỉ cho phép người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiến hành đối chất nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án. Quy định này nhằm bảo vệ, tránh gây tổn thương cho bị hại là người dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự, nhất là bị hại trong các vụ án xâm hại tình dục.
- Để nâng cao trách nhiệm của KSV, bảo đảm cho hoạt động đối chất tiến hành đúng quy định pháp luật, tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS 2015 cũng đã bổ sung quy định trước khi tiến hành đối chất, ĐTV phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử KSV kiểm sát việc đối chất. Nếu KSV vắng mặt thì ghi rõ lý do vào biên bản đối chất.
- Tại khoản 4 Điều 189 BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm quy định việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
2. Một số vấn đề Kiểm sát viên cần chú ý khi tiến hành đối chất
Tại khoản 5 Điều 189 BLTTHS năm 2015 quy định trường hợp cần thiết, KSV có thể tiến hành đối chất. Theo khoản 4 Điều 30 Quy chế 03 thì khi đã yêu cầu đối chất mà ĐTV không thực hiện hoặc kết quả đối chất chưa rõ hoặc sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát đã nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng hoặc trường hợp cần thiết thì KSV tiến hành đối chất.
Khi tiến hành đối chất, KSV cũng phải thực hiện đúng các quy định tại các điều 178, 189, 421 BLTTHS năm 2015. Muốn việc đối chất đạt hiệu quả, thì KSV cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Trước khi tiến hành đối chất, KSV cần phải nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án hình sự; xác định chính xác các mâu thuẫn, nguyên nhân của những mâu thuẫn đó để có hướng giải quyết; lựa chọn các chứng cứ, tài liệu cần sử dụng khi đối chất; nghiên cứu đặc điểm tâm lý của những người tham gia đối chất... Đối với những vụ án có bị hại là người dưới 18 tuổi, KSV cần đặc biệt lưu ý nghiên cứu kỹ xem, ngoài đối chất ra, còn biện pháp nào khác để giải quyết mâu thuẫn trong lời khai hay không? Nếu có thì không được tiến hành đối chất. chỉ khi có đủ căn cứ xác định, nếu không tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo thì không thể giải quyết được vụ án, lúc đó KSV mới tiến hành đối chất.
- Khi đã nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án rồi, KSV nên xây dựng kế hoạch đối chất cụ thể, rõ ràng với các nội dung chủ yếu như: những mâu thuẫn cần được đưa ra đối chất, nguyên nhân của những mâu thuẫn đó và hướng giải quyết; các câu hỏi cụ thể đưa ra, dự kiến các câu trả lời của người tham gia đối chất và hướng xử lý đối với từng câu trả lời; dự kiến cách giải quyết đối với trường hợp người tham gia đối chất từ chối khai báo, thay đổi lời khai... KSV cũng cần chuẩn bị đầy đủ các chứng cứ, tài liệu, trang thiết bị cần thiết để có sự chủ động trong quá trình tiến hành đối chất.
- Trước khi bắt đầu đối chất, KSV phải kiểm tra thông tin cá nhân của người tham gia đối chất. Nếu có người làm chứng hoặc bị hại tham gia thì phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối khai báo, trốn tránh việc khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối.
- Tiến hành đối chất, KSV hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Với mỗi câu hỏi, KSV đưa ra cho người này trả lời, người này trả lời xong thì KSV cũng hỏi lại câu hỏi đó với người kia và yêu cầu người kia trả lời. Sau khi hỏi và những người tham gia đối chất trả lời xong câu hỏi này, KSV đưa ra các câu hỏi khác cho đến khi hết các vấn đề cần hỏi. KSV nên tăng cường cho những người tham gia đối chất hỏi lẫn nhau nhằm giải quyết các mâu thuẩn, góp phần xác định sự thật vụ án. Chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong mới được nhắc lại những lời khai trước đó của họ. Điều này để bảo đảm khách quan trong lời khai của những người tham gia đối chất.
- Trường hợp một bên người tham gia đối chất khai báo gian dối dẫn đến lời khai mâu thuẩn với NTHĐC khác thì KSV cần có biện pháp tiến hành đối chất sao cho gây ra sự bất ngờ đối với họ, chẳng hạn như KSV cho người có lời khai đúng vào trước, chuẩn bị tâm lý thật tốt cho họ, rồi mới đưa người có lời khai gian dối vào. Sự tiếp xúc bất ngờ với người có lời khai đúng sẽ đánh mạnh vào tư tưởng của người có lời khai gian dối, làm cho họ lúng túng, không kịp chuẩn bị lời khai để đối phó, buộc phải thành khẩn khai báo. Quá trình đối chất, KSV cho người khai gian dối và người có lời khai đúng sự thật tranh luận trực tiếp với nhau; sử dụng đúng chứng cứ, vào đúng thời điểm để đấu tranh với người có lời khai gian dối...
- KSV cũng cần chú ý quan sát thái độ, cử chỉ, hành động của những người tham gia đối chất, vì việc này sẽ cung cấp cho KSV các thông tin quan trọng như: người tham gia đối chất khai báo đúng sự thật hay gian dối, có sự thông cung giữa những người tham gia đối chất hay không?... KSV không để người tham gia đối chất tiếp xúc với nhau ngoài sự giám sát của mình, tránh trường hợp họ thống nhất lời khai, tác động lẫn nhau.
- KSV phải giữ vững sự tự tin, thận trọng, bình tĩnh xử lý các tình huống xảy ra trong khi đối chất, nhất là tình huống người tham gia đối chất chống đối, không hợp tác. Tuyệt đối không được vội vàng, nóng giận, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia đối chất...
- Nhận diện và xử lý tốt các tình huống thường gặp trong việc đối chất: (1) Thực tiễn đối chất có xảy ra trường hợp người tham gia đối chất thay đổi lời khai, từ đúng sự thật thành gian dối hoặc người lại. KSV khi gặp trường hợp đó phải tìm hiểu nguyên nhân, phải yêu cầu người tham gia đối chất giải thích rõ lý do của sự thay đổi và phải thật cẩn trọng xem xét, đánh giá với các chứng cứ, tài liệu khác; (2) Tại buổi đối chất, người tham gia đối chất từ chối khai báo. Trường hợp này, KSV phải thật sự bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân vì sao họ từ chối khai báo, kiên nhẫn giải thích, thuyết phục họ tiến hành khai báo. nếu phát hiện họ từ chối khai báo là do bị đe dọa, sợ trả thù thì cần tiến hành các biện pháp bảo vệ họ, động viên họ yên tâm khai báo.
- Chỉ tiến hành lập biên bản đối chất sau khi hoàn thành các nội dung cần đối chất, không nên vừa hỏi vừa lập biên bản. Về cách ghi biên bản, thực tiễn thường áp dụng cách sau: Chia dọc từng trang biên bản thành hai cột, một bên ghi câu hỏi và câu trả lời của người này, một bên ghi câu hỏi và câu trả lời của người kia.
- Kết thúc việc đối chất, KSV tiến hành đánh giá và sử dụng kết quả đối chất để xác định sự thật vụ án. Đánh giá riêng kết quả đối chất để xác định việc đối chất có thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS hay không? Đã giải quyết được các mâu thuẩn gì?. Đánh giá kết quả đối chất trong mối quan hệ với các chứng cứ, tài liệu khác đã thu thập được để xác định tính phù hợp.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003
3. Quy chế tạm thời Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 03/2017/QĐ-VKSTC ngày 27/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế 03).
Nguyễn Cao Cường - VKSND huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế
(kiemsat.vn)