Thời gian qua, hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của mỗi nước và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Để thúc đẩy phía Hoa Kỳ thực hiện nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu tương trợ tư pháp, các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam cần nâng cao chất lượng văn bản tương trợ.
Thực trạng hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Tương trợ tư pháp (TTTP) về hình sự được xác định là kênh hợp tác chính thức giữa cơ quan tiến hành tố tụng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, để hỗ trợ nhau giải quyết các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài nhằm góp phần tích cực vào công cuộc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Hoạt động TTTP về hình sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại, luật pháp trong nước có liên quan và các công ước quốc tế đa phương mà hai bên đều là thành viên, điển hình là: Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Palermo); Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Merida); Công ước tội phạm mạng của Hội đồng châu Âu (Budapest); Công ước Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần (Vienna) và các Công ước về chống khủng bố...
Trong thời gian qua, hoạt động TTTP về hình sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của mỗi nước, qua đó, góp phần đáng kể vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, bảo đảm an ninh, an toàn của mỗi quốc gia. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hoạt động TTTP về hình sự giữa hai nước vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc dẫn đến thời gian xử lý yêu cầu TTTP hình sự bị kéo dài, ảnh hưởng đến thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và thời hạn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài của Việt Nam. Nguyên nhân chính là do sự khác biệt về hệ thống pháp luật giữa hai nước; bên cạnh đó, Việt Nam và Hoa Kỳ chưa ký Hiệp định TTTP về hình sự nên hoạt động TTTP được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại và yêu cầu TTTP được gửi thông qua kênh ngoại giao. Quy trình gửi yêu cầu TTTP qua kênh ngoại giao thường mất nhiều thời gian, nhiều trường hợp hồ sơ gửi đi bị thất lạc.
Theo số liệu thống kê của Vụ hợp tác quốc tế và TTTP về hình sự (Vụ 13), Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ năm 2020 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã gửi 52 yêu cầu TTTP về hình sự đề nghị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ thực hiện, trong đó, phía Hoa Kỳ đã thực hiện xong hoặc đề nghị phía Việt Nam bổ sung thông tin để thực hiện đối với 11 yêu cầu; dừng thực hiện 03 yêu cầu (do phía Việt Nam không bổ sung thông tin, tài liệu trong thời hạn 03 tháng); 17 yêu cầu đang trong quá trình giải quyết; 21 yêu cầu phía Hoa Kỳ không nhận được (do gửi vào thời gian cao điểm dịch Covid-19 tại Hoa Kỳ nên hồ sơ bị thất lạc). Phía Việt Nam đã tiếp nhận, giải quyết 05 yêu cầu TTTP về hình sự của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, trong đó, đã thực hiện xong và cung cấp kết quả đối với 03 yêu cầu; 02 yêu cầu đang trong quá trình giải quyết.
Trong quá trình phối hợp xử lý các yêu cầu TTTP của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam, phía Hoa Kỳ phản ánh một số vướng mắc thường gặp như:
Các yêu cầu TTTP liên quan đến lấy lời khai: Việc lấy lời khai một cá nhân tại Hoa Kỳ thường rất khó khăn do quy định về bảo mật thông tin cá nhân, có trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ chỉ có thể tiếp cận được với luật sư của người cần lấy lời khai mà không được gặp họ nên hiệu quả không cao; hoặc phải xin lệnh của Tòa án có thẩm quyền nên mất nhiều thời gian để Tòa án xem xét sự cần thiết của việc lấy lời khai.
Đối với loại yêu cầu thu thập tài liệu là hồ sơ ngân hàng, tài liệu về thuê bao điện thoại, dữ liệu điện tử…, cơ quan chức năng của Hoa Kỳ chỉ có thể thực hiện khi có lệnh khám xét hoặc lệnh thu giữ của Tòa án có thẩm quyền. Do vậy, cơ quan trung ương của Hoa Kỳ phải xây dựng hồ sơ trình lên Tòa án có thẩm quyền để xin ban hành lệnh tương ứng; và chỉ khi có lệnh của Tòa án có thẩm quyền thì cơ quan thực thi mới được phép thực hiện. Bên cạnh đó, đối với các yêu cầu TTTP liên quan đến thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử, phía Hoa Kỳ phải tuân thủ điều kiện về mặt pháp lý về dữ liệu giao dịch điện tử quy định tại Đạo luật bảo mật truyền thông điện tử (ECPA), Tiêu đề 18, Bộ luật Hoa Kỳ, Mục 2703(d). Để có được Lệnh 2703(d), hồ sơ trình đến Tòa phải đáp ứng các yêu cầu như: Sự kiện nêu ra phải cụ thể và rành mạch, có căn cứ vững chắc và phải có cuộc điều tra đang được các cơ quan thực thi pháp luật tiến hành.
Yêu cầu xác minh thông tin về nhân thân là loại yêu cầu chiếm tỉ lệ lớn trong số các yêu cầu TTTP Việt Nam đã gửi đi đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ thực hiện. Đối với loại yêu cầu này, phía Hoa Kỳ đề nghị phía Việt Nam cân nhắc gửi qua Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam để có kết quả xác minh nhanh hơn.
Một số lưu ý khi lập hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự gửi Hoa Kỳ đề nghị hỗ trợ thực hiện
Hoa Kỳ không ban hành đạo luật riêng biệt về TTTP hình sự. Hoạt động TTTP về hình sự giữa Hoa Kỳ với nước ngoài được quy định tại 01 điểm duy nhất trong luật tố tụng hình sự, đó là:
“Điều 3512: Yêu cầu hỗ trợ điều tra và truy tố tội phạm của nước ngoài
(a) Thực hiện yêu cầu hỗ trợ;
(1) Sau khi nhận được đơn yêu cầu TTTP của nước ngoài do cán bộ có thẩm quyền của Bộ Tư pháp ủy quyền hợp lệ, Công tố viên Chính phủ hoặc Thẩm phán Liên bang Hoa Kỳ có thể ban hành các lệnh tương ứng nếu thấy cần thiết để thực hiện yêu cầu TTTP của một cơ quan nước ngoài về hỗ trợ điều tra hoặc truy tố tội phạm hình sự, hoặc trong các thủ tục liên quan đến truy tố tội phạm hình sự bao gồm cả các thủ tục về tịch thu, kết án và bồi thường”.
Pháp luật Hoa Kỳ cho phép hỗ trợ thực hiện TTTP về hình sự trong tất cả các giai đoạn bắt đầu từ điều tra, truy tố và các thủ tục liên quan đến xét xử và tịch thu tài sản do phạm tội mà có; đồng thời, sử dụng song song cả hai hình thức hỗ trợ thực hiện trong TTTP là: (1) Hỗ trợ thông qua kênh hợp tác giữa Cảnh sát - Cảnh sát và (2) Hỗ trợ thông qua kênh TTTP về hình sự. Các thông tin, yêu cầu TTTP bắt buộc phải gửi qua kênh TTTP là: Yêu cầu nhân chứng đưa ra tuyên bố hoặc lời khai; cá nhân hoặc tổ chức xuất trình tài liệu hồ sơ và vật phẩm; chứng cứ điện tử từ nhà cung cấp dịch vụ truyền thông hoặc dịch vụ lưu trữ web; thực hiện lệnh khám xét địa điểm hoặc người; kê biên và tịch thu tiền hoặc công cụ phạm tội.
Cơ quan Trung ương thực hiện hoạt động TTTP của phía Hoa Kỳ là Văn phòng Ngoại vụ (viết tắt là OIA) Bộ Tư pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Theo luật, yêu cầu TTTP về hình sự phải gửi chính thức qua kênh ngoại giao (nếu hai bên chưa có Hiệp định TTTP về hình sự). Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để thúc đẩy nhanh quá trình thực hiện các yêu cầu TTTP của nước ngoài, phía Hoa Kỳ chấp nhận việc gửi và nhận yêu cầu TTTP qua thư điện tử (đây là biện pháp ưu tiên). Sau khi nhận được yêu cầu TTTP của nước ngoài, OIA sẽ xem xét yêu cầu về tính đầy đủ theo luật pháp Hoa Kỳ; nếu hồ sơ hợp lệ sẽ thực hiện một cách nhanh nhất; nếu hồ sơ không đầy đủ sẽ trả lại cho cơ quan gửi yêu cầu đề nghị bổ sung thông tin hoặc hoàn thiện lại hồ sơ yêu cầu.
Sau khi nhận được yêu cầu TTTP của nước ngoài về hỗ trợ điều tra hoặc truy tố tội phạm hình sự thông qua cơ quan Trung ương của Hoa Kỳ, Công tố viên hoặc Thẩm phán Hoa Kỳ có thể ban hành các lệnh tương ứng nếu thấy cần thiết để thực hiện yêu cầu.
Quy định của pháp luật Hoa Kỳ liên quan đến yêu cầu TTTP, đặc biệt là những yêu cầu tương trợ mà cơ quan chức năng của Hoa Kỳ chỉ có thể thực hiện được khi có lệnh của Tòa án có thẩm quyền thì thủ tục hồ sơ rất chặt chẽ, đặc biệt là yêu cầu về ban hành lệnh khám xét.
Theo Tu chính án số IV: “Quyền con người được bảo đảm về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và thu giữ, quyền này sẽ không bị vi phạm. Không cấp một lệnh khám xét nào nếu không có lý do chính đáng, căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc xác nhận và đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ”.
Thẩm phán Hoa Kỳ phải ban hành lệnh khám xét dựa trên bản tuyên thệ của đặc vụ Hoa Kỳ; trình bày nguyên nhân có thể có (như các dữ kiện đáng tin cậy cho thấy tội phạm đã được thực hiện; cơ quan chức năng dựa vào các nguồn nào, tội phạm xảy ra khi nào; tài khoản có chứa chứng cứ, thành quả hoặc công cụ của một tội phạm). Quy trình này thường mất rất nhiều thời gian và điều kiện về hồ sơ phải đầy đủ, rõ ràng và thuyết phục, nên đây cũng là khó khăn của phía Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ xử lý các yêu cầu TTTP cho nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Một số lưu ý khi lập hồ sơ tương trợ tư pháp về hình sự gửi Hoa Kỳ
Trên cơ sở pháp luật của Hoa Kỳ liên quan đến hoạt động TTTP về hình sự, để thúc đẩy phía Hoa Kỳ thực hiện nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu TTTP, các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam cần nâng cao chất lượng soạn và lập yêu cầu TTTP về hình sự. Quá trình soạn thảo hồ sơ yêu cầu TTTP hình sự, ngoài việc thực hiện đúng các quy định tại Điều 19 Luật TTTP năm 2007, cần lưu ý một số nội dung dưới đây:
- Nêu rõ căn cứ pháp lý lập yêu cầu: Điều ước quốc tế hoặc công ước đa phương mà hai nước đều là thành viên hoặc trên nguyên tắc có đi có lại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
- Văn bản ủy thác phải nêu rõ các thông tin như: Cơ quan lập yêu cầu; yêu cầu đang trong giai đoạn nào, điều tra hay truy tố?… Mô tả khái quát về thông tin hoặc bằng chứng đang cần tìm kiếm tại Hoa Kỳ.
- Miêu tả sự kiện: Cung cấp thông tin đầy đủ, gắn gọn, dễ hiểu, sắp xếp thông tin một cách logic theo trật tự thời gian về các sự kiện liên quan của vụ án bằng câu rõ ràng, đơn giản; giải thích rõ sự kiện gì đã xảy ra và ai đã làm gì; cung cấp ngày tháng diễn ra sự kiện.
- Hành vi phạm tội: Xác định các hành vi có liên quan và dẫn chứng các điều khoản của Bộ luật Hình sự Việt Nam, bao gồm cả thông tin chi tiết của các điều khoản này, mô tả hành vi phạm tội liên quan hoặc hành vi đang trong quá trình điều tra.
- Đối tượng điều tra: Xác định đối tượng của cuộc điều tra và các cá nhân liên quan khác nếu có.
- Yêu cầu hỗ trợ: Nêu rõ nội dung, yêu cầu cần hỗ trợ, phần nào trong các sự kiện cần được hỗ trợ, phải chi tiết về số lượng và thông tin muốn được hỗ trợ; chú ý kiểm tra kỹ các định danh tài khoản.
- Vấn đề bảo mật thông tin: Nêu rõ trong yêu cầu có cần phải bảo mật thông tin và hồ sơ có cần niêm phong không (nếu cần thì nêu rõ lý do).
- Đối với loại yêu cầu thu thập tài liệu là hồ sơ ngân hàng, tài liệu về thuê bao điện thoại, dữ liệu điện tử…, cơ quan chức năng chỉ có thể thu giữ khi có lệnh tương ứng của Tòa án có thẩm quyền. Vì vậy, khi các nước gửi yêu cầu TTTP đến Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, cần cung cấp đủ tài liệu, thông tin để có căn cứ cho Tòa án ra lệnh khám xét và thu giữ, cụ thể: Đối với chứng cứ là thông tin về tài chính, ngân hàng, phải cung cấp đầy đủ các dữ kiện đáng tin cậy chứng minh tội phạm đã được thực hiện, thông tin về ngân hàng và số tài khoản (nếu có), nêu rõ tài khoản có liên quan như thế nào đến nghi phạm, khi nào và tại sao tài khoản đó được sử dụng trực tiếp; đối với hồ sơ kinh doanh, cần xác định pháp nhân kinh doanh. Đối với chứng cứ là dữ liệu điện tử, phải cung cấp ngày tháng sử dụng tài khoản điện tử.
Bên cạnh đó, để tiện cho việc liên lạc, trao đổi, yêu cầu, phía Hoa Kỳ khuyến khích đề cập rõ thông tin liên lạc cụ thể hoặc thông tin liên hệ của bất kỳ Cơ quan điều tra hoặc cơ quan tố tụng nào quen thuộc với vụ án, những bên có thể hỗ trợ các cơ quan của Hoa Kỳ thực hiện yêu cầu của phía Việt Nam; hoặc nếu biết cơ quan công tố hoặc Cảnh sát Hoa Kỳ mà cơ quan lập yêu cầu đã quen biết và quan tâm đến việc hỗ trợ thực hiện yêu cầu, cần cung cấp thông tin này để đảm bảo việc điều phối thực hiện nhanh chóng, thuận lợi.
Đồng thời, một lưu ý vô cùng quan trọng là trong quá trình giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài, các cơ quan tố tụng có thẩm quyền xét thấy cần phải lập yêu cầu TTTP đề nghị phía Hoa Kỳ (hoặc bất kỳ quốc gia nào) thực hiện thì cần lập yêu cầu càng sớm càng tốt, cân nhắc ưu tiên yêu cầu dựa trên các hạn chế về thời gian. Nếu là các yêu cầu khẩn cấp, thì giải thích lý do vì sao phải thực hiện trong thời gian đó, ví dụ: Ngày mở phiên tòa xét xử sắp đến hoặc chứng cứ có thể bị tiêu hủy…
Ngoài ra, cần đảm bảo chất lượng bản dịch hồ sơ yêu cầu. Thực tế cho thấy, rào cản về ngôn ngữ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, tiến độ giải quyết yêu cầu TTTP. Để đảm bảo tính pháp lý của hồ sơ ủy thác, cơ quan lập yêu cầu phải gửi hồ sơ đến các công ty dịch thuật hoặc các phòng công chứng để dịch, nhưng hiện nay, hầu hết hệ thống các cơ quan này ở địa phương còn thiếu, hoặc có nhưng không chuyên nghiệp. Vì vậy, nhiều trường hợp hồ sơ TTTP về hình sự gửi Hoa Kỳ bị trả lại do bản dịch không đảm bảo chất lượng, cơ quan có thẩm quyền phía bạn không rõ nội dung đề nghị nên không thực hiện được.
Vũ Thị Hải Yến - Cao Cẩm Thi