Vấn đề cơ bản trong công tác kiểm sát nói chung và các cuộc trực tiếp kiểm sát nói riêng là phát hiện những ưu điểm trong công tác tạm giữ, tạm giam để phát huy, đồng thời tìm biện pháp khắc phục những vi phạm, thiếu sót, tồn tại (nếu có) của Nhà tạm giữ. Do vậy Kiểm sát viên (KSV), Kiểm tra viên (KTV) được phân công kiểm sát phải nắm vững kiến thức pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý tạm giữ, tạm giam và vận dụng linh hoạt các phương thức kiểm sát trong công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, đồng thời thường xuyên tổng hợp tình hình vi phạm thông qua kiểm sát Nhà tạm giữ hàng ngày, thông qua nguồn đơn thư khiếu nại, tố cáo về tạm giữ, tạm giam…KSV, KTV phải kịp thời nắm bắt để yêu cầu giải trình, đối chiếu, xác minh trong quá trình trực tiếp kiểm sát. Khi trực tiếp kiểm sát tại Nhà tạm giữ cần chú ý các vấn đề sau:
1. Kiểm sát sổ sách, nghiên cứu hồ sơ
Đây là công việc bắt buộc đầu tiên đối với KSV, KTV khi tiến hành kiểm sát Nhà tạm giữ. Qua đó, đối chiếu số liệu giữa sổ thụ lý với số liệu báo cáo của Nhà tạm giữ xem có khớp với nhau không, nhằm tìm ra mâu thuẫn để xác định vi phạm. Khi thực hiện công tác kiểm sát Nhà tạm giữ KSV, KTVphải xem hồ sơ (chú ý kiểm tra từ khi có Lệnh bắt, biên bản bắt, biên bản giao nhận người bị bắt, Quyết định (QĐ) tạm giữ, Lệnh tạm giam…) để nắm được trình tự, thủ tục mà Nhà tạm giữ tiếp nhận người vào và cho người ra khỏi nơi giam giữ có đúng với các điều luật tương ứng quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và Điều 16; Điều 17… Luật tạm giữ, tạm giam không? Qua đó phát hiện xem việc tiếp nhận người mới bị bắt có Lệnh tạm giữ hoặc Lệnh tạm giam còn hiệu lực không? Khi bắt người có lập biên bản bắt không? Khi bàn giao người bị bắt có lập biên bản giao nhận không?Đối với người bị truy nã có Lệnh truy nã không? Khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam, Nhà tạm giữ có lập biên bản xác định tình trạng sức khỏe của họ; có lập biên bản kiểm tra thân thể và đồ vật của người bị tạm giữ, tạm giam trước khi chuyển họ vào buồng giam giữ không? Trường hợp thời hạn tạm giữ, tạm giam trong Lệnh tạm giữ, tạm giam đối với họ đã hết nhưng chưa được gia hạn hoặc không có lệnh khác thay thế thì Nhà tạm giữ có kiến nghị ngay với cơ quan thụ lý vụ án và thông báo VKS cùng cấp để kiểm sát việc giam giữ biết chưa? Khi có lệnh hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền quyết định trả tự do cho họ Nhà tạm Giữ có trả tự do cho họ ngay không?…
2. Kiểm sát việc thực hiện chế độ quản lý giam giữ
Để xác định xem Nhà tạm giữ đã thực hiện đúng chế độ quản lý giam giữ theo quy định tại Chương III Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và các quy định của pháp luật khác có liên quan hay chưa, cần chú trọng một số nội dung sau:
- Việc phân loại quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Việc thực hiện chế độ quản lý đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Việc thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Việc chuyển giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Việc gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Việc kỷ luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ;
- Việc quản lý đồ vật, tư trang, tiền, tài sản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
- Việc giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
- Việc giải quyết trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết;
Qua đó nếu phát hiện vi phạm, tồn tại trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam thì Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan quản lý, cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam khắc phục ngay và có biện pháp chấn chỉnh, tổ chức phòng ngừa theo quy định của pháp luật.
3. Kiểm sát việc bảo đảm quyền và các chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam
KSV, KTV làm công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam phải nghiên cứu, nắm chắc các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam được quy định trong BLHS; các Điều 58, 59, 60 BLTTHS; Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Quy chế công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.
Sở dĩ phải nắm vững các quy định trên mới vận dụng vào công tác kiểm sát Nhà tạm giữ được thuận lợi. Muốn vậy KSV, KTV phải trực tiếp kiểm sát tại các buồng tạm giữ, tạm giam, hỏi người bị tạm giữ, tạm giam những vấn đề liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam nhằm mục đích kiểm tra công tác giáo dục của Nhà tạm giữ, đồng thời để kiểm tra xem khi họ bị bắt, Điều tra viên có đọc lệnh bắt, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 58, 59, 60 BLTTHS hay không; có giao cho họ 01 bản Quyết định tạm giữ theo quy định tại Điều 117 BLTTHS; trong buồng tạm giữ, tạm giam có niêm yết bản Nội quy Nhà tạm giữ hay không.
4. Kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân
Đây là một công việc bắt buộc khi tiến hành kiểm sát tại Nhà tạm giữ. Nhằm để kiểm tra kết quả việc tổ chức thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân, qua đó xác định tính chính xác những phản ảnh của người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân về các chế độ mà họ được hưởng như đường, khăn rửa mặt, xà phòng, nước uống,... nhưng chưa được Nhà tạm giữ cấp. Muốn vậy KSV, KTV phải nắm chắc các quy định về định lượng, tiêu chuẩn mà Nhà nước quy định cho họ được hưởng theo Chương IV Luật thi hành tạm giữ, tạm giam; Chương II Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017 của Chính phủ quy định về chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, tạm giam; chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 36 tháng tuổi ở cùng mẹ trong cơ sở giam giữ,…. KSV, KTV phải kiểm tra các loại sổ theo dõi về nhập, xuất lương thực, thực phẩm. Công khai tài chính hàng ngày có ký giao nhận cụ thể hay không. Chú ý từ khâu chế biến, nấu ăn đến việc chia khẩu phần ăn cho người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân, có cán bộ giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng định lượng hay không; việc ăn chín, uống sôi có đảm bảo đúng vệ sinh hay không; các ngày lễ, tết có thực hiện cho họ ăn đúng tiêu chuẩn gấp 05 lần so với ngày thường hay không.
Khi kiểm tra chế độ ăn của người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân, KSV, KTV phải chú ý kiểm tra sổ sách, tài liệu trong đó có bảng quyết toán hàng tháng gồm 2 phần:
- Phần do ngân sách nhà nước cấp được quy ra tiền theo thời giá thị trường nơi Nhà tạm giữ đóng (Nghị định số 120/2017/NĐ-CP ngày 06/11/2017).
- Phần do kế toán của Nhà tạm giữ thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân quyết toán. Chú ý kiểm tra sổ nhập, xuất lương thực, thực phẩm trong tháng do cán bộ quản lý bếp ăn báo cáo xem có phù hợp với số liệu trong báo cáo quyết toán không; kiểm tra bảng chấm cơm từng bữa, từng ngày so sánh với công khai tài chính từng bữa, từng ngày có khớp với số liệu báo cáo của cán bộ phụ trách bếp ăn với số liệu quyết toán không; kiểm tra sổ sách do phạm nhân phụ trách bếp ăn hàng ngày nhận lương thực, thực phẩm… so sánh với số liệu cán bộ quản giáo quản lý bếp ăn có khớp nhau không. Trên cơ sở đó đối chiếu với tiêu chuẩn Nhà nước quy định sẽ phát hiện được tiêu chuẩn nào thiếu, thừa, đồng thời tìm ra nguyên nhân thiếu, thừa, đề ra biện pháp đấu tranh làm rõ việc thừa, thiếu nếu có.
5. Dự thảo Kết luận
Tập hợp những nội dung đã kiểm sát để dự thảo Kết luận. Kết luận phải nêu rõ tình hình chấp hành pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù…bằng số liệu cụ thể; nêu rõ ưu, khuyết điểm, các vi phạm pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, viện dẫn các điều luật cụ thể làm cơ sở cho việc xác định vi phạm. Kết luận trực tiếp phải làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), điều kiện dẫn đến vi phạm, thiếu sót trong công tác tạm giữ, tạm giam để ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị với yêu cầu khắc phục, sửa chữa, phòng ngừa vi phạm.
Từ những cơ sở pháp lý và thực tiễn trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù tại Nhà tạm giữ Công an cấp huyện, cho thấy Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, đã góp phần đảm bảo trình tự, thủ tục, áp dụng biện pháp ngăn chặn, công tác quản lý Nhà tạm giữ và việc cấp phát các chế độ, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng và được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Qua đó còn phát hiện những thiếu sót, vi phạm trong công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù của Nhà tạm giữ, các cơ quan tiến hành tố tụng… được kịp thời và ban hành nhiều yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục, sửa chữa những thiếu sót và vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù, đảm bảo cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.