CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân

15/06/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí vừa ký Quyết định số 208/QĐ-VKSTC về việc ban hành Quy chế phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 521/QĐ-VKSTC ngày 01/11/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Quy chế này quy định phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân về những nội dung: Thẩm quyền và trách nhiệm quyết định biên chế công chức, viên chức, số lượng người lao động; tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ đối với công chức, viên chức; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức cán bộ và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức, viên chức và người lao động; bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng, quản lý hồ sơ, dữ liệu về công chức, viên chức và người lao động.

Đối tượng áp dụng Quy chế này là Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, Viện trưởng VKSND cấp huyện; cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động. Quy chế này không áp dụng đối với Viện kiểm sát quân sự.

Theo Quy chế, Viện trưởng VKSND tối cao có thẩm quyền và trách nhiệm sau: Ban hành văn bản hướng dẫn về quản lý biên chế công chức, viên chức và người lao động trong ngành kiểm sát nhân dân; lập kế hoạch biên chế công chức, viên chức và người lao động hằng năm của ngành Kiểm sát nhân dân. Đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu các ngạch công chức, viên chức của ngành Kiểm sát nhân dân; phê duyệt Đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu các ngạch công chức, viên chức hằng năm của các đơn vị thuộc VKSND tối cao và các VKSND cấp dưới.

Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định biên chế ngành Kiểm sát nhân dân theo từng giai đoạn; quyết định phân bổ và điều chỉnh biên chế, số lượng Kiểm sát viên cho các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh; phân bổ số lượng người lao động cho VKSND các cấp theo số lượng và yêu cầu công việc cụ thể.

Thanh tra, kiểm tra việc quản lý biên chế công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về biên chế, số lượng, cơ cấu công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

Viện trưởng VKSND tối cao có thẩm quyền và trách nhiệm quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng công chức của VKSND tối cao. Quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp; Hội đồng thi tuyển Điều tra viên các ngạch; Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp. Quyết định thành lập các hội đồng khác theo quy định.

Bên cạnh đó, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định bổ nhiệm, giao quyền hoặc phụ trách, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp Phòng và cấp Vụ của các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp dưới, trừ lãnh đạo cấp Phòng ở đơn vị sự nghiệp và việc giao quyền hoặc phụ trách cho Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện. Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức danh tư pháp của VKSND, trừ chức danh Kiểm sát viên VKSND tối cao và Kiểm tra viên công tác ở VKSND cấp dưới; bổ nhiệm, miễn nhiệm Kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán thuộc thẩm quyền quản lý (trừ các đối tượng đã phân cấp cho Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp quy định tại khoản 6 Điều 27 Quy chế này). Quyết định bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức đối với các ngạch từ chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên thuộc VKSND các cấp...

Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, Viện trưởng VKSND cấp cao phân bổ biên chế cho Văn phòng, Viện nghiệp vụ và các phòng thuộc Văn phòng, Viện nghiệp vụ; Viện trưởng VKSND cấp tỉnh phân bổ biên chế cho các phòng và tương đương, VKSND cấp huyện trực thuộc. Quản lý, xây dựng hồ sơ, dữ liệu công chức, người lao động thuộc VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện.

Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định tuyển dụng, tiếp nhận công chức sau khi được Viện trưởng VKSND tối cao phê duyệt theo quy định về tuyển dụng công chức trong ngành Kiểm sát nhân dân. Quyết định cử người hướng dẫn tập sự và áp dụng chế độ chính sách đối với người hướng dẫn tập sự cho công chức thuộc VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh. Ký hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Nghị định số 111 (Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập) trên cơ sở số lượng được VKSND tối cao giao và trên cơ sở tự chủ kinh phí của đơn vị.

Về công tác điều động, luân chuyển, biệt phái, Viện trưởng VKSND cấp cao quyết định điều động, luân chuyển đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiệp vụ và tương đương, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của Viện nghiệp vụ hoặc tương đương thuộc VKSND cấp cao, Kiểm sát viên cao cấp và tương đương trở xuống trong phạm vi biên chế và cơ cấu công chức của đơn vị. Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND huyện (cùng cấp), Kiểm sát viên trung cấp và tương đương trở xuống trong phạm vi biên chế và cơ cấu công chức của đơn vị. Trường hợp điều động, luân chuyển, biệt phái Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND cấp huyện đến công tác tại VKSND cấp tỉnh; Kiểm sát viên trung cấp đang công tác tại VKSND cấp tỉnh đến làm nhiệm vụ tại VKSND cấp huyện phải báo cáo bằng văn bản và được sự nhất trí của Viện trưởng VKSND tối cao trước khi thực hiện.

Thủ trưởng đơn vị trực thuộc VKSND tối cao có thẩm quyền và trách nhiệm chung đánh giá và xếp loại đối với công chức, viên chức và người lao động theo quy định. Có trách nhiệm chủ động tham mưu Viện trưởng VKSND tối cao về nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý của mình và trao đổi với Vụ Tổ chức cán bộ để thống nhất trong tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền. Phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện quy trình tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, luân chuyển, biệt phái, quy hoạch, bổ nhiệm chức vụ, chức danh, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý.

Viện trưởng VKSND cấp huyện có thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá, xếp loại đối với công chức và người lao động theo quy định; bố trí, sử dụng công chức và người lao động trong đơn vị. Trường hợp điều động đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng trực thuộc (nếu có) phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của Viện trưởng VKSND cấp tỉnh trước khi thực hiện. Đồng thời, quyết định cử người hướng dẫn tập sự đối với công chức trong đơn vị và thực hiện chế độ chính sách đối với người hướng dẫn tập sự.

File đính kèm
TH (giới thiệu)
Tìm kiếm