CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quy trình nghiên cứu hồ sơ các vụ án dân sự rút theo đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

25/06/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Từ kinh nghiệm từ thực tiễn công tác, tác giả đưa ra một quy trình nghiên cứu hồ sơ các vụ án dân sự rút theo đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để bạn đọc tham khảo...

Từ kinh nghiệm từ thực tiễn công tác, tác giả đưa ra một quy trình nghiên cứu hồ sơ các vụ án dân sự rút theo đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để bạn đọc tham khảo.

Từ thực tiễn giải quyết đơn, các vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời gian qua cho thấy, nếu xây dựng được quy trình nghiên cứu hồ sơ các vụ án rút theo đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng đơn vị thì việc nghiên cứu hồ sơ trở nên đơn giản hơn, rút ngắn được thời gian nghiên cứu hồ sơ, đồng thời nâng cao được chất lượng giải quyết vụ án, giúp hạn chế các trường hợp hồ sơ trình Kiểm sát viên cao cấp thẩm định hoặc trình Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xin đường lối giải quyết vụ án bị trả về nghiên cứu lại.

Bước 1: Trước khi nghiên cứu hồ sơ chính, cần phải nghiên cứu đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự để tóm tắt được quan điểm của đương sự cho rằng Tòa án vi phạm về những vấn đề gì, đương sự căn cứ vào chứng cứ nào, những quy định nào của pháp luật để có quan điểm đó.

Bước 2: Nghiên cứu hồ sơ, đồng thời lập bản cứu ghi chú lại các tài liệu, nội dung quan trọng của vụ án: Cần nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách kỹ lưỡng, thận trọng, khoa học. Đây là một yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giải quyết vụ án, bởi lẽ, có nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án thì cán bộ nghiên cứu án mới có đủ điều kiện viện dẫn các căn cứ, chứng cứ và lời khai của đương sự, bị can, người làm chứng… khi trình bày quan điểm và đề xuất ý kiến với Kiểm sát viên phụ trách và lãnh đạo đơn vị. Tùy vào tính chất của từng hồ sơ vụ án phức tạp hay đơn giản, nhiều hành vi hay ít hành vi, nhiều đương sự hay không, có đồng phạm hay không… và căn cứ vào sở trường, năng khiếu của mình mà mỗi cán bộ có thể đề ra phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án cho phù hợp.

Kinh nghiệm để nghiên cứu hồ sơ và lập bản cứu nhanh, ngắn gọn, dễ dàng đối chiếu các tài liệu khi đánh giá chứng cứ thì: Trước khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, cán bộ cần tra cứu ở bảng kê mục lục tài liệu của Tòa án tại hồ sơ vụ án để tập hợp các bút lục theo nhóm cần nghiên cứu (ví dụ nhóm các lời khai của từng đương sự, nhóm các tài liệu cung cấp của các cơ quan chức năng…). Trên cơ sở các bút lục đã liệt kê theo nhóm giúp cho cán bộ nghiên cứu hồ sơ có sự liền mạch từ giai đoạn đầu đến giai đoạn kết thúc vụ án đối với từng đương sự, từng đối tượng; các thao tác này cũng giúp cho cán bộ tổng hợp chứng cứ của vụ án được nhanh chóng, đơn giản, linh hoạt, khoa học và tiết kiệm được thời gian hơn.

Thông thường đối với các vụ án có nội dung phức tạp, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong quá trình nghiên cứu hồ sơ đến đâu thì đồng thời phải lập bản trích cứu ghi chú lại các bút lục có nội dung quan trọng của vụ án; hoặc các tài liệu, lời khai… có thay đổi, có mâu thuẫn trong từng giai đoạn khai báo để thuận lợi cho quá trình tổng hợp chứng cứ khi lập báo cáo đề xuất giải quyết vụ án và để thuận lợi cho khâu thẩm định hồ sơ của Kiểm sát viên, của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

Bước 3: Nghiên cứu các bản án, quyết định của Tòa án và bản phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa có trong hồ sơ; phần này đặc biệt chú trọng bản án có hiệu lực pháp luật, đang có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Khi nghiên cứu các bản án cần chú ý việc đánh giá chứng cứ của Tòa án tại phần “xét thấy” để đối chiếu với các tài liệu đã nghiên cứu trong hồ sơ xem đánh giá chứng cứ đã đủ chưa, khách quan chưa và các điều luật Tòa án viện dẫn trong bản án để giải quyết vụ án đã đúng, đủ và có phù hợp hay không.

Đối với những vụ án có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, cần nghiên cứu quan điểm của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa để tham khảo, đồng thời đây là cơ sở để tập hợp những điểm làm được, những điểm thiếu sót của Kiểm sát viên của Viện kiểm sát địa phương để kiến nghị, rút kinh nghiệm chung, nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát của ngành và nâng cao hơn nữa mối quan hệ phối hợp nghiệp vụ giữa Viện kiểm sát nhân dân cấp cao với Viện kiểm sát nhân dân địa phương.

Bước 4: Lập hồ sơ kiểm sát và lập báo cáo đề xuất giải quyết vụ án.

+ Lập hồ sơ kiểm sát: Để thuận lợi cho việc nghiên cứu thẩm định hồ sơ của Kiểm sát viên và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân cấp cao phụ trách đối với vụ án rút theo đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; việc lập hồ sơ kiểm sát các vụ án cần lập theo nhóm lời khai, tài liệu… (ví dụ tập đơn khởi kiện và lời khai nguyên đơn; tập lời khai bị đơn, tập biên bản phiên tòa, tập giấy tờ hợp đồng…). Trong trường hợp cán bộ đề xuất kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì các tài liệu, chứng cứ để đề xuất giám đốc thẩm, tái thẩm nên đưa vào một tập riêng (tập chứng cứ đề xuất kháng nghị). Hồ sơ kiểm sát phải được đánh số tài liệu và lập bảng kê mục lục tài liệu trước khi trình Kiểm sát viên thẩm định.

+ Lập báo cáo đề xuất giải quyết vụ án: Khi lập cáo cáo đề xuất giải quyết vụ án, việc tóm tắt lời khai cũng như các tài liệu trong phần nội dung vụ án và các chứng cứ cán bộ đưa ra lập luận để xác định Tòa án xét xử đúng hay sai trong phần nhận xét đều phải ghi chú những tài liệu chứng cứ đó ở tại bút lục nào của hồ sơ vụ án. Các vấn đề đương sự nêu trong đơn khiếu nại có căn cứ để chấp nhận hay không.

Kiểm tra viên, Kiểm sát viên chính, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp (gọi tắt là cán bộ nghiên cứu hồ sơ) nghiên cứu hồ sơ, lập hồ sơ kiểm sát và lập báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết đơn để Kiểm sát viên cao cấp được phân công phụ trách thẩm định. Sau khi có quan điểm của Kiểm sát viên phụ trách, hồ sơ được trình lên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao. Khi đề xuất đường lối giải quyết vụ án, cán bộ nghiên cứu vụ án phải nêu rõ quan điểm có hay không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm; trường hợp đề nghị kháng nghị cần viện dẫn được căn cứ pháp luật áp dụng kèm theo.

Vũ Thị Xoan (VKSND cấp cao tại Hà Nội)

Kiemsat.vn

Tìm kiếm