Hiện nay vấn đề xác định thẩm quyền của cơ quan ra quyết định Thi hành án hình sự (THAHS) và cơ quan ra quyết định truy nã đối với người bị phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn khỏi nơi cư trú còn có vướng mắc và tranh chấp trong việc áp dụng pháp luật, chưa được thực hiện một cách thống nhất và nhanh chóng, gây ảnh hướng tới hiệu quả thi hành của Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Sự tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong THAHS dẫn đến việc chậm ra quyết định bắt thi hành án và quyết định truy nã bị án bỏ trốn làm giảm hiệu lực của bản án đã có hiệu lực pháp luật, làm cho bản án đó không được thực hiện được một cách nhanh chóng, dẫn đến việc kéo dài việc chấp hành bản án không cần thiết, không kịp thời truy nã để bắt thi hành án đối với bị án bỏ khỏi nơi cư trú.
Tuy nhiên, sự tranh chấp đó cũng xuất phát từ các quy định của pháp luật chưa được cụ thể, chặt chẽ; các văn bản hướng dẫn còn có những quy định chưa rõ ràng, chưa được hiểu một cách thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Xin nêu 1 trường hợp sau đây làm ví dụ:
Nguyễn Văn H phạm tội “Cướp tài sản”, H có hộ khẩu thường trú tại phường K, quận BĐ, thành phố H (là nhà vợ của H). Trong thời gian điều tra, H được áp dụng biện pháp “Cấm đi khỏi nơi cư trú” tại địa chỉ xã HT, huyện H, tỉnh TB là nhà của mẹ đẻ bị can H. Hồ sơ vụ án được chuyển đến Tòa án quận TX để xét xử.
Ngày 21/12/2017, H bị Tòa án nhân dân quận TX, thành phố H xét xử sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam... Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Văn H kháng cáo.
Ngày 11/10/2018, Tòa án nhân dân thành phố H đã xét xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Văn H 07 (bảy) năm tù về tội “Cướp tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam…
Sau khi nhận được bản án phúc thẩm, ngày 6/5/2019, Tòa án nhân dân quận TX đã ra quyết định ủy thác thi hành án (THA) cho Tòa án nhân dân huyện H, TB ra quyết định thi hành án phạt tù đối với Nguyễn Văn H. Ngày 24/6/2019, Tòa án nhân dân huyện H trả lại quyết định ủy thác THA cho Tòa án nhân dân quận TX với lý do hiện nay Nguyễn Văn H không cư trú tại xã HT, huyện H và không xác định được H đang ở đâu.
Ngày 03/9/2019, Toà án nhân dân quận TX đã ra quyết định ủy thác THAHS cho Tòa án nhân dân quận BĐ, thành phố H (nơi H đăng ký hộ khẩu thường trú) để ra quyết định thi hành bản án đối với Nguyễn Văn H. Ngày 07/10/2019, Tòa án nhân dân quận BĐ đã ra Quyết định Thi hành án phạt tù đối với H và chuyển cho Công an quận BĐ thi hành quyết định. Công an quận BĐ đã tiến hành xác minh đối với H thì được biết H không còn ở địa chỉ trên, do H đã ly hôn với vợ từ năm 2001, hiện nay H đi đâu địa phương không nắm được. Do vậy, Công an quận BĐ đã chuyển lại hồ sơ THA cho Tòa án nhân dân quận BĐ. Ngày 16/11/2019, Tòa án nhân dân quận BĐ đã trả lại hồ sơ THA cho Tòa án nhân dân quận TX để giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 23/3/2020, Tòa án nhân dân quận TX tiếp tục ra Quyết định ủy thác thi hành án số 31/2020/QĐ-CA ngày 23/3/2020 đến Tòa án nhân dân huyện H, tỉnh TB (lần 2) căn cứ theo địa chỉ nơi cư trú mà Cơ quan điều tra quận TX đã ra Quyết định Cấm đi khỏi nơi cư trú tại xã HT, huyện H để thi hành án đối với Nguyễn Văn H. Tòa án nhân dân huyện H đã tiến hành xác minh tại địa chỉ trên, được Công an xã HT trả lời Nguyễn Văn H không thường xuyên sinh sống tại địa phương, H làm ăn sinh sống ở đâu thì địa phương không nắm được. Thỉnh thoảng H có về thăm gia đình sau đó đi ngay. Hiện H không có mặt tại địa phương.
Ngày 24/6/2020, Tòa án nhân dân huyện H có công văn trả lại hồ sơ ủy thác THA cho Tòa án nhân dân quận TX, với lý do:
- Thứ nhất: Tại Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều thể hiện bị án có đăng ký hộ khẩu trường trú: L15 ngõ NT, phường K, quận BĐ, thành phố H.
- Thứ hai: Tòa án nhân dân quận TX căn cứ theo Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú do Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) - Công an quận TX ban hành từ ngày 29/11/2014, còn bản án xét xử ngày 11/10/2018 đều thể hiện H không có nơi ở cố định. Theo Tòa án nhân dân huyện H thì Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của CQCSĐT - Công an quận TX đã hết hiệu lực; sau khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Tòa án nhân dân quận TX và Tòa án nhân dân thành phố H không ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và thông báo cho địa phương để quản lý theo dõi, nên không có căn cứ xác định bị án đang cư trú tại huyện H, tỉnh TB.
Ngày 17/7/2020, Tòa án nhân dân quận TX đã ra quyết định hủy bỏ quyết định ủy thác thi hành án số 31/2020/QĐ-CA ngày 23/3/2020. Đồng thời ra quyết định thi hành án phạt tù số 26/2020/QĐ-CA và có văn bản gửi PC10 - Công an thành phố H đề nghị ra quyết định truy nã, bắt thi hành án đối với Nguyễn Văn H.
Tháng 10/2020, Tòa án nhân dân quận TX nhận được Công văn số 1168/CQTHAHS-PC10 ngày 28/9/2020 của Cơ quan THAHS - Công an thành phố H với nội dung: Theo biên bản xác minh ngày 17/6/2019 của Tòa án nhân dân huyện H thể hiện: “…H không thường xuyên sinh sống, cư trú tại địa phương…”, đồng nghĩa với việc H có sinh sống, cư trú tại địa phương nhưng không thường xuyên; hồ sơ không có tài liệu thể hiện H được cho tại ngoại về nơi cư trú trên địa bàn thành phố H nên Cơ quan THAHS - Công an thành phố H căn cứ Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012, chuyển trả hồ sơ của Nguyễn Văn H để thực hiện theo nơi người bị kết án được tại ngoại ra quyết định truy nã.
Trong trường hợp trên, tác giả thấy một số vấn đề vướng mắc sau:
1. Về vấn đề nơi cư trú:
Điều 11 Luật Cư trú có quy định về nơi cư trú của công dân như sau:
“1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.”
Điều 19. Điều kiện đăng ký thường trú tại tỉnh
“Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.”
Điều 30. Đăng ký tạm trú
“Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.”
Trong vụ việc trên, bị án Nguyễn Văn H đăng ký thường trú tại phường K, quận BĐ, thành phố H nhưng do đã ly hôn nên bỏ đi không ở địa chỉ đó nữa và về nhà mẹ đẻ ở huyện H, tỉnh TB ở, có đăng ký tạm trú tại đó. Như vậy, khi áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với H thì các cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng theo Luật cư trú. Tuy nhiên, do quyết định áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cứ trú của các cơ quan tiến hành tố tụng ban hành chỉ trong thời hạn giải quyết của mỗi cơ quan. Khi thụ lý hồ sơ để xét xử, Tòa án ra quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo cho đến khi xét xử xong. Sau khi xét xử thì hiệu lực của quyết định cấm đi khởi nơi cư trú cũng không còn. Bị án H có thể chuyển nơi khác sinh sống nhưng phải báo với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nơi đi và nơi đến để thực hiện công tác quản lý nhân khẩu cũng như quản lý, giám sát đối với H vì H đang là người bị hạn chế về quyền tự do cư trú.
Bị án H chuyển đi ở nơi khác mà không khai báo nơi tạm trú, nơi cư trú mới với cơ quan có thẩm quyền là vi phạm Điều 11 Luật Cư trú về trách nhiệm của công dân phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền. Như vậy có thể xác định, H có hành vi bỏ trốn khỏi nơi cư trú, cần phải truy nã để bắt thi hành án.
2. Quy định về thẩm quyền ra Quyết định THAHS và QĐ truy nã đối với bị án bỏ trốn:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
“…Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã”.
Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự quy định:
“1. Người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, khi có quyết định thi hành án nhưng bỏ trốn thì Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù được tại ngoại ra quyết định truy nã...”
Như vậy, giữa Công an thành phố H và Công an tỉnh TB có sự tranh chấp về thẩm quyền ra quyết định truy nã đối với Nguyễn Văn H do cách áp dụng của mỗi nơi không thống nhất.
Quan điểm tranh chấp là về việc xác định thế nào là “nơi người bị kết án phạt tù được tại ngoại…”. Công an thành phố H cho rằng đó là nơi bị án cư trú và được cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời gian giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng. Còn phía Công an huyện H, TB thì cho rằng bị án chỉ bị hạn chế theo Lệnh của cơ quan điều tra, và chỉ có hiệu lực trong giai đoạn điều tra, Tòa án xét xử không áp dụng biện pháp ngăn chặn gì đối với H, không giao cho địa phương quản lý, giám sát và hiện tại H cũng không sinh sống tại địa phương nên không thuộc thẩm quyền ra quyết định truy nã của Công an tỉnh TB mà thuộc thẩm quyền của Công an thành phố H, nơi Tòa án nhân dân quận TX, thành phố H đã xét xử, ban hành bản án trên.
Hệ quả là đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào ra quyết định truy nã đối với bị án Nguyễn Văn H, nghĩa là bản án có hiệu lực pháp luật vẫn chưa được thi hành, người bị kết án phạt tù chưa bị bắt để thi hành án, điều này có thể gây ra những hậu quả khó lường nếu không bắt được H để thi hành án phạt tù. Trên thực tế đã xảy ra trường hợp do việc thi hành án phạt tù chậm đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bị án đó tiếp tục phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm đến tính mạng của người khác. Cũng có thể việc chậm ra quyết định thi hành án và quyết định truy nã bị án dẫn đến việc hết thời hiệu thi hành bản án đối với bị án, làm cho Bản án hết hiệu lực thi hành.
Theo quan điểm cá nhân của người cán bộ ngành Kiểm sát, việc giao bị án cấm đi khỏi nơi cư trú tại xã HT, huyện H, tỉnh TB theo lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của CQCSĐT- Công an quận TX trong giai đoạn điều tra nhưng khi tiến hành xét xử thì nếu thấy không có căn cứ áp dụng biện pháp ngăn chặn là bắt bị cáo để tạm giam thì Toà án cần phải ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo cho đến khi thi hành án, có như vậy thì việc xác định thẩm quyền ra quyết định Thi hành án và cơ quan ra quyết định truy nã khi bị án bỏ trốn mới được đảm bảo thống nhất. Trường hợp có tranh chấp về thẩm quyền ra quyết định THA phạt tù giữa Tòa án (nơi xét xử và nơi bị án được tại ngoại) mà thuộc 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc xác định thẩm quyền cuối cùng do Tòa án nhân dân tối cao quyết định để yêu cầu cơ quan Công an cấp tỉnh của địa phương ra quyết định truy nã khi bị án bỏ trốn, đảm bảo mọi Bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án phải được thi hành kịp thời.
Trần Lương Tuấn, Chu Văn Quang - VKSND quận Thanh Xuân