CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo rút kinh nghiệm giải quyết vụ án hình sự

03/04/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Thị S về tội “Trốn thuế” bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án do các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng không đúng pháp luật; VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thấy cần thông báo đến các Viện kiểm sát trong khu vực nghiên cứu rút kinh nghiệm chung, cụ thể như sau:

1. Tóm tắt nội dung vụ án

Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tổng hợp VP (Công ty VP) được thành lập ngày 08/5/2013 theo Giấy chứng nhận ĐKKD số 4101405112 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BĐ cấp, đăng ký thay đổi lần thứ 2 ngày 13/02/2015; ngành nghề kinh doanh: Mua bán đá khối, nhựa đường buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu... Theo đó, Đỗ Thị Bình K là người đăng ký thành lập Doanh nghiệp, đứng tên chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của công ty với chức danh giám đốc, nhưng thực tế Công ty VP do Nguyễn Thị S là người bỏ vốn, trực tiếp quản lý, điều hành mọi hoạt động kinh doanh của công ty. Giữa Đỗ Thị Bình K và Nguyễn Thị S có giao kết bằng lời nói, nội dung: Đỗ Thị Bình K là đại diện theo pháp luật của công ty, được trực tiếp thực hiện các giao dịch và ký các hồ sơ, giấy tờ đại diện cho công ty theo yêu cầu của S và được trả mức lương từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng/tháng.

Trong quá trình kinh doanh và nộp thuế, Nguyễn Thị S đã lập khống hồ sơ mua hàng hóa đơn đầu vào nhằm mục đích kê khai khống số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào để khấu trừ số thuế GTGT bán hàng phải nộp, đồng thời S liên hệ với Nguyễn Thanh P, Lê Thanh V (Cơ quan điều tra không xác minh được lai lịch) ở thành phố Hồ Chí Minh là những người có quan hệ mua bán hàng hóa với S, nói rằng S có thu mua gom hàng gỗ keo xẻ, gỗ bạch đàn xẻ không có hóa đơn chứng từ, nhờ P và V lấy cho S bộ hồ sơ gỗ để S kê khai báo cáo thuế. Trên cơ sở các thông tin do S cung cấp, P và V đã giao cho S bộ hồ sơ gồm hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT, biên bản giao nhận, hồ sơ nguồn gốc gỗ thể hiện 03 công ty ở thành phố Hồ Chí Minh bán gỗ keo xẻ, gỗ bạch đàn xẻ cho Công ty VP tổng số lượng 9.964,94m3 với giá trị 31.589.876.500 đồng, thuế GTGT 3.158.987.650 đồng, thành tiền 34.748.864.150 đồng, gồm:

- Công ty TNHH TM DV MHA: Số lượng 1.775,02m3 gỗ keo xẻ giá trị 5.591.313.000 đồng, thuế GTGT 559.131.300 đồng, thành tiền 6.150.444.300 đồng theo 02 hóa đơn GTGT.

- Công ty TNHH TM DV TPT: số lượng 3.322,50m3 gỗ keo xẻ giá trị 10.465.875.000 đồng, thuế GTGT 1.046.587.500 đồng, thành tiền 11.512.462.500 đồng theo 04 hóa đơn GTGT.

- Công ty TNHH TM DV PMT: số lượng 4.295,09m3 gỗ keo xẻ giá trị 13.529.533.500 đồng, thuế GTGT 1.352.953.350 đồng, thành tiền 14.882.486.850 đồng theo 01 hóa đơn GTGT; Và 572,33m3 gỗ bạch đàn xẻ giá trị 2.003.155.000 đồng, thuế GTGT 200.315.500 đồng, thành tiền 2.203.470.500 đồng theo 01 hóa đơn GTGT.

Qua xác minh, các công ty: Công ty MHA, Công ty TPT, Công ty PMT không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế đã ra thông báo cưỡng chế hóa đơn, doanh nghiệp bỏ địa điểm kinh doanh. Xác minh Lê Thị Nguyễn T - Giám đốc Công ty MHA, thì bà T không có tại địa phương, lên TP. Hồ Chí Minh sinh sống từ tháng 11/2017 trong khi Công ty MHA đăng ký thành lập từ năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh; xác minh Mai Văn H - Giám đốc Công ty TPT, thì H đã chết từ tháng 07/2010 khi bị tạm giam tại Trại giam Chí Hòa về tội mua bán trái phép chất ma túy, nhưng công ty đăng ký thành lập năm 2014; xác minh Nguyễn Quốc P - Giám đốc Công ty PMT, ông P xác định trước đến nay chỉ làm nghề biển tại địa phương, không thành lập công ty.

Đối với nguồn gốc gỗ keo xẻ, gỗ bạch đàn xẻ như trên hồ sơ mua bán giữa các công ty trên với Công ty VP tại các địa phương (phường CL, thành phố P, tỉnh GL; xã LD, huyện ĐC, tỉnh GL; xã CK, huyện MĐ, tỉnh ĐL; xã NB, huyện ĐS, tỉnh ĐN). Qua điều tra xác định: Tại địa phương không có việc giao đất cho cá nhân để trồng rừng, cũng không có tên các cá nhân đã trồng và khai thác rừng keo, rừng bạch đàn để bán cho các công ty. Chữ ký, dấu tên của Chủ tịch UBND xã, phường, khuôn dấu của UBND xã, phường trên các bộ hồ sơ nguồn gốc gỗ giống nhau có dấu hiệu được sử dụng photo ghép. Tên cán bộ kiểm lâm địa bàn ký xác nhận trên hồ sơ nguồn gốc gỗ cũng không có thực. Sau khi lập khống hồ sơ mua bán gỗ nêu trên, S đưa cho Đỗ Thị Bình K ký toàn bộ số hồ sơ, chứng từ này. Tuy nhiên, với vai trò là giám đốc đại diện theo pháp luật của công ty, Đỗ Thị Bình K buộc phải biết về hoạt động mua bán, kinh doanh hàng hóa của Công ty VP. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, S đã đưa vào kê khai báo cáo Công ty VP có hàng gỗ keo xẻ, gỗ bạch đàn xẻ tồn kho tại thời điểm 30/06/2016 và kê khai báo cáo thuế GTGT nâng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào của Công ty VP trong Quý II năm 2016 thành 37.708.479.884 đồng, có thuế GTGT 3.770.847.990 đồng. Do đó, Công ty VP không phải nộp thuế GTGT đã thực bán hàng của Quý II năm 2016 số tiền 3.151.486.925 đồng. Đối với số thuế GTGT chênh lệch còn lại 7.500.725 đồng (3.158.987.650 đồng - 3.151.486.925 đồng) được S chuyển sang tiếp tục trong Quý III năm 2016, không phải nộp thuế GTGT cho Nhà nước số tiền này.

Để đối phó với việc kiểm tra, nên từ ngày 19/07/2016 đến ngày 25/02/2017, Nguyễn Thị S đã làm thủ tục xuất hóa đơn GTGT xuất bán toàn bộ số gỗ keo xẻ, bạch đàn xẻ lập khống nói trên cho các công ty của gia đình S. (Cụ thể: Công ty TNHH XD TM TH BA: Số lượng 1.190,26m3 gỗ keo xẻ giá trị 3.808.832.000 đồng, thuế GTGT 380.883.200 đồng; Công ty TNHH SXTMTH HS: số lượng 1.475,87m3 gỗ keo xẻ giá trị 722.784.000 đồng, thuế GTGT 472.278.400 đồng; Công ty TNHHSXTM GĐ: số lượng 713,25m3 gỗ keo xẻ giá trị 2.282.400.000 đồng, thuế GTGT 228.240.000 đồng; Công ty TNHH SX TM GT: số lượng 6.012,80m3 gỗ keo xẻ và 572,33m3 gỗ bạch đàn xẻ với tổng giá trị 17.359.261.000 đồng, thuế GTGT 1.735.926.100 đồng). Với tổng giá trị 28.173.277.000 đồng, thuế GTGT phải nộp 2.817.327.700 đồng. Mục đích là để tránh bị phát hiện việc trốn thuế. Chi cục thuế thành phố QN xác nhận từ tháng 7/2016 đến hết tháng 06/2017, Công ty VP đã nộp 150.000.000 đồng thuế GTGT, còn nợ thuế tính đến ngày 30/6/2017 là: 2.819.279.994 đồng.

Theo Kết luận giám định thiệt hại về thuế của Cục thuế tỉnh BĐ thì việc lập khống hồ sơ chứng từ mua 9.964,94m3 gỗ keo xẻ, gỗ bạch đàn xẻ của Công ty VP, xác định Công ty VP của Nguyễn Thị S trốn thuế GTGT với số tiền 3.158.987.650 đồng.

2. Quá trình giải quyết vụ án

Tại Bản kết luận điều tra số 81 ngày 26/8/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh BĐ đề nghị truy tố Nguyễn Thị S về tội “Trốn thuế” theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại Cáo trạng số 47/CT-VKS ngày 07/10/2019, Viện trưởng VKSND tỉnh BĐ truy tố Nguyễn Thị S tội “Trốn thuế" theo khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 03/2020/HSST ngày 28/02/2020, Tòa án nhân dân tỉnh BĐ áp dụng khoản 3 Điều 200; điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015; xử phạt bị cáo Nguyễn Thị S 02 năm tù về tội “Trốn thuế”.

Ngoài ra, bản án còn tuyên phạt bị cáo Đỗ Thị Bình K; tuyên về bồi thường thiệt hại, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 06/3/2020, bị cáo Nguyễn Thị S kháng cáo xin hưởng án treo.

Ngày 26/3/2020, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 14/QĐ-VC2, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng sửa bản án sơ thẩm theo hướng chuyển 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo của Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2016/HSST ngày 04/4/2016 của Tòa án nhân dân thành phố QN về tội “Mua bán trái phép hóa đơn" thành 12 tháng tù giam, tổng hợp 24 tháng tù của tội “Trốn thuế”, bị cáo S phải chấp hành 36 tháng tù giam theo quy định pháp luật.

Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 196/2020/HS-PT ngày 15/9/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã quyết định:

Căn cứ Điều 355; 356; 357 Bộ luật Tố tụng hình sự.

1. Không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Thị S. Chấp nhận Quyết định kháng nghị số 14/2020/QĐ-VC2 ngày 26/3/2020 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng.

2. Áp dụng: Khoản 3 Điều 200; điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự 2015; xử phạt bị cáo Nguyễn Thị S 02 (hai) năm tù về tội “Trốn thuế”.

3. Áp dụng Điều 65; Điều 56 của Bộ luật Hình sự 2015.

Chuyển 12 tháng tù nhưng được hưởng án treo tại Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2016/HSST ngày 04/4/2016 của Tòa án nhân dân thành phố QN đối với bị cáo Nguyễn Thị S thành 12 tháng tù giam.

Tổng hợp hình phạt chung của hai Bản án mà bị cáo Nguyễn Thị S phải chấp hành là 3 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

3. Vấn đề cần rút kinh nghiệm

Căn cứ quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo; cụ thể tại khoản 5 Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định như sau: “Trong thời gian thử thách, ... Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này".

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2016/HSST ngày 04/4/2016 của Tòa án nhân dân thành phố QN đã xử phạt bị cáo Nguyễn Thị S 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, về tội “Mua bán trái phép hóa đơn". Thời gian thử thách của án treo là từ ngày 04/4/2016 đến ngày 04/4/2018 nhưng trong khoảng thời gian từ ngày 19/7/2016 đến ngày 25/02/2017 bị cáo đã có hành vi phạm tội “Trốn thuế”. Như vậy, bị cáo Nguyễn Thị S đã thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời gian thử thách án treo. Tòa án cấp sơ thẩm không buộc Nguyễn Thị S phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

TL (tổng hợp)
Tìm kiếm