CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính

25/10/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 18/10/2019, VKSND tối cao (Vụ 11) ban hành Thông báo số 745/TB-VKSTC rút kinh nghiệm một số nội dung thông qua kiểm tra công tác kiểm sát thi hành án dân sự,...

Ngày 18/10/2019, VKSND tối cao (Vụ 11) ban hành Thông báo số 745/TB-VKSTC rút kinh nghiệm một số nội dung thông qua kiểm tra công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính tại 04 VKSND cấp tỉnh.

Bên cạnh các ưu điểm 04 VKSND cấp tỉnh đã đạt được, Thông báo số 745/TB-VKSTC chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm; cụ thể là:

1. Việc mở hệ thống sổ

Ngày 29/1/2019, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Quyết định số 29/QĐ-VKSTC về việc ban hành mẫu sổ nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân (Sổ thụ lý, theo dõi và xử lý các quyết định về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính – Mẫu sổ 40; sổ theo dõi, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, hành chính – Mẫu sổ 41; sổ phản ánh công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính – Mẫu sổ 42). Tuy nhiên, hiện nay, VKSND các tỉnh được kiểm tra chưa kịp thời triển khai việc in, cấp mẫu sổ nghiệp vụ theo quy định để sử dụng. Một số đơn vị chưa cập nhật đầy đủ thông tin tại các cột, mục trong sổ.

2. Việc lập hồ sơ kiểm sát

2.1 Hồ sơ trực tiếp kiểm sát thi hành án dân sự

Một số Quyết định và Kế hoạch trực tiếp kiểm sát gửi cho cơ quan, đơn vị được trực tiếp kiểm sát không đảm bảo về thời hạn ít nhất 15 ngày kể từ ngày sẽ trực tiếp kiểm sát theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Quy chế công tác kiểm sát ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao. Hồ sơ trực tiếp kiểm sát không thể hiện việc lập Phiếu kiểm sát theo Mẫu số 33 ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 01/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, mà lại thể hiện bằng việc lập Phiếu kiểm tra ban hành theo mẫu Cơ quan thi hành án dân sự, không có chữ ký xác nhận vi phạm của đơn vị được kiểm sát là không thực hiện đúng quy định tại khoản 4 Điều 29 Quy chế công tác kiểm sát ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao. Kết luận trực tiếp kiểm sát viện dẫn vi phạm không đúng điều luật.

2.2 Hồ sơ phúc tra việc thực hiện kiến nghị, kết luận trực tiếp kiểm sát

- Khi thực hiện phúc tra việc thực hiện kiến nghị, Viện kiểm sát không ban hành Quyết định, Kế hoạch phúc tra theo quy định tại khoản 6 Điều 32 Quy chế công tác kiểm sát ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 mà lại lồng ghép chung vào Quyết định, kế hoạch trực tiếp kiểm sát để thực hiện việc phúc tra.

- Sau khi kết thúc phúc tra thực hiện kiến nghị, VKSND không ban hành Kết luận phúc tra theo quy định tại khoản 6 Điều 32 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao.

2.3 Hồ sơ kiểm sát việc ủy thác thi hành án

Hồ sơ ủy thác không thể hiện tài liệu thông báo cho Viện kiểm sát nơi nhận ủy thác biết để kiểm sát theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy chế công tác kiểm sát ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC.

2.4 Hồ sơ kiểm sát quyết định chưa có điều kiện thi hành án

Hồ sơ kiểm sát không có quyết định lập và kết thúc hồ sơ nghiệp vụ kiểm sát theo đúng quy định tại Quyết định số 190/QĐ-VKSTC-VP ngày 06/4/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định chế độ công tác hồ sơ nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.

2.5 Các hồ sơ kiểm sát Quyết định thi hành án do Cơ quan thi hành án dân sự chuyển đến theo luật định, không thể hiện kết quả kiểm sát của cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát, làm căn cứ báo cáo lãnh đạo Phòng, lãnh đạo Viện để xác định các Quyết định thi hành án do Cơ quan thi hành án dân sự ban hành có đúng quy định pháp luật hay không để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị như: Xác định thời hạn Cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án; thời hạn chuyển bản án cho Viện kiểm sát; nội dung quyết định thi hành án có đúng bản án hay không.

2.6 Chưa thực hiện việc lập hồ sơ kiểm sát việc tiêu hủy theo chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ kiểm sát theo Quyết định số 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.

2.7 Trong hồ sơ kiểm sát thi hành án dân sự, có việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, chưa có tài liệu thể hiện hồ sơ thẩm định giá, cũng như tài liệu thể hiện các bước tiến hành quá trình bán đấu giá tài sản thi hành án.

3. Việc phát hiện vi phạm qua kiểm sát hồ sơ thi hành án

Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát hồ sơ thi hành án chưa phát hiện vi phạm để kịp thời kiến nghị với cơ quan có liên quan, cụ thể như sau:

- Chấp hành viên chậm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, vi phạm khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2014.

- Một số hồ sơ Cơ quan thi hành án dân sự đã ra Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đã xác minh nhiều lần thuộc trường hợp chuyển sang sổ theo dõi riêng theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, Cơ quan thi hành án dân sự đã chuyển sang sổ theo dõi riêng nhưng hồ sơ kiểm sát không thể hiện các hồ sơ trên đã được chuyển sang sổ theo dõi riêng.

- Chấp hành viên ban hành Công văn gửi các cơ quan: Phòng Tài nguyên – môi trường, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng công chứng và các cơ quan có liên quan đề nghị phối hợp trong công tác thi hành án là không đúng quy định pháp luật. Trong trường hợp này, Chấp hành viên phải ra Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, tẩu tán, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản của người phải thi hành án, tài sản chung của người phải thi hành án với người khác theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án dân sự năm 2014.

- Qua nghiên cứu một số hồ sơ thi hành án dân sự, nhận thấy Chấp hành viên không thực hiện các quy định tại Điều 89 và Điều 111 Luật Thi hành án dân sự năm 2014.

4. Về thực hiện kiểm sát thi hành án dân sự theo Thông tư liên tịch số 07/2013

Có đơn vị chỉ nắm số liệu tại Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh hoặc chưa thực hiện kiểm sát về việc này.

5. Việc xây dựng kế hoạch công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

Kế hoạch công tác kiểm sát mới chỉ nêu chỉ tiêu kiểm sát 100% việc xác minh và phân loại thi hành án dân sự, chưa có điều kiện thi hành án, đình chỉ, hoãn thi hành án, miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án. Chưa nêu các chỉ tiêu cụ thể về kiểm sát trực tiếp tại Cơ quan thi hành án dân sự; chỉ tiêu xác minh điều kiện thi hành án; chỉ tiêu ban hành kiến nghị, kháng nghị.

6. Công tác kiểm sát thi hành án hành chính

Qua đối chiếu và làm việc tại Cơ quan thi hành án dân sự, trong thời điểm kiểm tra, có trường hợp Cơ quan thi hành án dân sự tiếp nhận bản án của TAND chuyển đến phải theo dõi và bản án hành chính đã thực hiện xong nhưng chưa thực hiện kiểm sát.

Thanh Hằng

(Tổng hợp)

 

 

Tìm kiếm