Ngày 14/5/2019, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn” bị Ủy ban Thẩm phán TAND...
Ngày 14/5/2019, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn” bị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để xét xử lại sơ thẩm theo đúng quy định pháp luật
Nội dung vụ án
Bà Huỳnh Thị Thùy T và ông Nguyễn Hùng M đăng ký kết hôn tại UBND thị trấn P vào năm 1995. Năm 2009, phát sinh mâu thuẫn, đến năm 2015 thì ly hôn. Vợ chồng có một con chung là cháu Nguyễn Minh D, sinh năm 1999; cháu D được Tòa án giao cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc.
Tài sản chung gồm: 01 căn nhà cấp 4, diện tích 45 m2 cùng các công trình phụ gắn liền diện tích đất 304 m2 (200 m2 đất ở và đất vườn), thửa số 359, tờ bản đồ số 25C, tại số 66 Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn P, huyện K, tỉnh G đã được UBND huyện K cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) cho hộ ông Nguyễn Hùng M vào ngày 18/12/2002.
Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản ngày 12/1/2017 xác định: Diện tích đất đo đạc thực tế là 337 m2 (thừa 33 m2 so với Giấy CNQSDĐ), giá thị trường là 789 184 500 đồng. Tài sản trên đất gồm: Nhà ở diện tích 46 m2 và các công trình phụ trợ có giá trị là 177 281 831 đồng. Tổng giá trị đất và tài sản trên đất là 975 466 331 đồng.
Nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Thùy T cho rằng nhà và đất nêu trên là tài sản chung của vợ chồng bà có được trong thời kỳ hôn nhân. Nguồn gốc đất là do cha mẹ ông M để lại, các anh em nhà ông M đã thỏa thuận cho vợ chồng bà. Do đó, bà đề nghị chia tài sản chung và yêu cầu được nhận ½ giá trị nhà và đất bằng tiền, không nhận hiện vật.
Bị đơn là ông Nguyễn Hùng M đồng ý với trình bày của bà T về quan hệ hôn nhân, con chung. Tuy nhiên, về tài sản chung, ông M cho rằng ngôi nhà là tài sản chung của vợ chồng ông tạo lập trong thời kỳ hôn nhân. Riêng diện tích 304 m2 đất là di sản thừa kế do cha mẹ ông để lại và hiện chưa được chia, không phải là tài sản chung của vợ chồng ông. Khi cha mẹ ông mất, các anh em của ông đồng ý để cho vợ chồng ông được làm nhà ở trên diện tích đất này nhưng chỉ để ở, thờ cúng, nếu không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho các anh em chứ không được mua bán, chuyển nhượng. Ông không đồng ý việc bà T yêu cầu nhận ½ giá trị đất này.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh, chị em của ông M gồm: Ông Nguyễn Hùng T, ông Nguyễn Minh T, bà Nguyễn Thị Thu T, ông Nguyễn Hùng V và bà Nguyễn Thị L thống nhất với trình bày của ông M.
Quá trình giải quyết của Tòa án
Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2016/DSST ngày 09/9/2016 của TAND huyện K, tỉnh G quyết định: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Huỳnh Thị Thùy T. Giao cho ông M được quyền quản lý, sử dụng diện tích 304 m2 đất và nhà trên đất nêu trên. Ông M có nghĩa vụ thanh toán lại cho bà T ½ giá trị nhà và đất tương đương số tiền 398 000 000 đồng. Buộc ông M, bà T mỗi người chịu 3 750 000 đồng tiền chi phí định giá”.
Trong thời hạn luật định, bị đơn ông Nguyễn Hùng M và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Ông Nguyễn Hùng T, ông Nguyễn Minh T, bà Nguyễn Thị Thu T, ông Nguyễn Hùng V và bà Nguyễn Thị L có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm về tài sản là quyền sử dụng đất diện tích 304 m2.
Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 04/2017/HNGĐ-PT ngày 11/4/2017 của TAND tỉnh G quyết định: “Chấp nhận một phần kháng cáo của ông M và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, sửa bản án dân sự sơ thẩm. Giao cho ông M quyền quản lý, sử dụng nhà và đất nêu trên. Ông M có nghĩa vụ thanh toán cho bà T ½ giá trị nhà và 40% giá trị đất tương đương số tiền 376 650 515 đồng”.
Ngoài ra, Bản án phúc thẩm còn quyết định về án phí và chi phí tố tụng.
Bị đơn ông Nguyễn Hùng M và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm, phúc thẩm nêu trên.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 09/2019/HNGĐ-GĐT ngày 30/10/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, chấp nhận kháng nghị số 04/2018/KN-HNGĐ ngày 13/9/2018 của Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 04/2017/HNGĐ-PT ngày 11/4/2017 của TAND tỉnh G và Bản án dân sự sơ thẩm số 12/2016/DSST ngày 09/9/2016 của TAND huyện K, tỉnh G. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện K, tỉnh G xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Nguồn gốc thửa đất tranh chấp có diện tích 304 m2, thửa đất số 359, tờ bản đồ số 25C tọa lạc tại số 66 Nguyễn Văn Trỗi, thị trấn P, huyện K, tỉnh G đã được UBND huyện K cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Nguyễn Hùng M vào ngày 18/12/2002 đều được nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thừa nhận là đất của cụ Nguyễn Văn C và cụ Trần Thị B. Cụ C chết năm 1988 và cụ B chết năm 1989, không để lại di chúc. Đến năm 2002, ông M tự ý đi làm thủ tục xin cấp Giấy CNQSDĐ đứng tên hộ ông M.
Hồ sơ xin cấp Giấy CNQSDĐ của hộ ông M gồm: “Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất ngày 15/7/2002; Biên bản xác nhận không có tranh chấp của các hộ lân cận; Đơn xin xác nhận đã nộp đủ thuế nhà đất ngày 26/6/2002”. Theo các tài liệu này thì ông M kê khai đất là do cha mẹ chết để lại cho cá nhân ông M. Tuy nhiên, trong hồ sơ không có văn bản nào thể hiện ông M được cụ C và cụ B cho đất và cũng không có văn bản nào của anh em ông M đồng ý từ chối nhận thừa kế. Như vậy, việc UBND huyện K, tỉnh G biết được nguồn gốc đất là di sản của cha mẹ ông M chết để lại qua kê khai nhưng không yêu cầu ông M cung cấp các giấy tờ liên quan đến thừa kế, tặng cho đất mà vẫn làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông M là không đúng quy định pháp luật.
Như vậy, có đủ cơ sở xác định diện tích 304 m2 đất là di sản của cụ C và cụ B chết để lại, không có di chúc, chưa chia cho các đồng thừa kế. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm xác định diện tích đất 304 m2 là tài sản chung của vợ chồng ông M, bà T để chia cho ông M, bà T là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông M và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)