Thông qua kết quả xét xử giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng lao động”, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án lao động.
Thông qua kết quả xét xử giám đốc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng lao động”, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm về việc áp dụng pháp luật trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án lao động.
- Nguyên đơn: Bà Đặng Thị Thúy P, sinh năm 1974.
Địa chỉ: P302, Khu A Chung cư Bình An, phường H, quận H, thành phố Đ.
- Bị đơn: Trung tâm Tư vấn và cung ứng dịch vụ dân số - kế hoạch hóa gia đình thành phố Đ.
Địa chỉ: Số 66 phường P, quận H, thành phố Đ.
Người đại diện theo pháp luật: Bà Phùng Thị Hương H – Giám đốc.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình thành phố Đ.
Địa chỉ: Số 66 phường P, quận H, thành phố Đ.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Xuân H – Phó Trưởng phòng Tổ chức Hành chính – Kế hoạch Tài vụ Chi cục (Giấy ủy quyền số: 94/GUQ-CCDS ngày 04/5/2018).
Nội dung vụ án
Ngày 22/12/2016, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình thành phố Đ ra Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động với bà P vì lý do bà đã vi phạm khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động và bà Đặng Thị Thúy P cũng thống nhất với kết luận chấm dứt Hợp đồng lao động tại Biên bản làm việc của Lãnh đạo Chi cục với Trung tâm Tư vấn ngày 28/11/2016. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 30/12/2016. Bà P không đồng ý với Quyết định của Trung tâm, nộp đơn đến TAND quận H yêu cầu tuyên bố Hợp đồng trên là trái pháp luật và phải nhận bà P trở lại làm việc, đồng thời bồi thường thiệt hại các khoản sau:
- Tiền lương từ tháng 01/2017 – 07/2017 là: 2 831 400 x 7 = 19 819 800 đ; bồi thường 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động là: 2 831 400 x 2 = 5 662 800đ; tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2017 – 05/2017 là: 2 831 400 x 18% x 5 = 2 548 260đ; tiền bảo hiểm xã hội tính từ tháng 06/2017 – 07/2017 là: 2 831 400 x 17,5% x 2 = 990 990đ; tiền bảo hiểm y tế tính từ tháng 01/2017 – 07/2017 là: 2 831 400 x 3% x 7 = 594 594đ. Tổng cộng: 30 182 424đ.
- Trong trường hợp Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình thành phố Đ không nhận bà trở lại làm việc thì còn phải bồi thường thêm các khoản sau:
+ Bồi thường 02 tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động là 2 831 400 x 2 = 5 662 800đ; 05 ngày nghỉ hằng năm theo Luật Lao động là: 2 831 400 : 30 x 5 = 471 900đ.
+ Theo Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ, nhân viên y tế được hưởng 20% so với mức lương được hưởng từ tháng 01 – 07/2017 là 2 831 400 x 20% x 7 = 3 963 960đ.
Tổng cộng phải bồi thường: 40 281 380đ.
Quá trình giải quyết vụ án
- Bản án lao động sơ thẩm số 05/2017/LĐ-ST ngày 28/12/2017 của TAND quận H, thành phố Đ quyết định: Áp dụng khoản 1 Điều 38; điểm a, b khoản 2 Điều 201 BLLĐ, Điều 32 BLTTDS, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị Thúy P đối với Trung tâm Tư vấn Dân số Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đ về việc yêu cầu hủy Quyết định số 03/QĐ-TTTY ngày 22/12/2016 chấm dứt Hợp đồng lao động và yêu cầu bồi thường số tiền 40 281 380đ; miễn án phí lao động đối với bà Đặng Thị Thúy P. Ngoài ra, Bản án dân sự sơ thẩm còn quy định về quyền kháng cáo của các bên đương sự và việc thi hành án.
- Bản án lao động phúc thẩm số 04/2018/LĐ-PT ngày 09/5/2018 của TAND thành phố Đ căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS; khoản 3 Điều 36 BLLĐ, Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án, quyết định:
+ Không chấp nhận kháng cáo của bà Đặng Thị Thúy P; giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 05/2017/LĐ-ST ngày 28/12/2017 của TAND quận H, thành phố Đ.
Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà Đặng Thị Thúy P về việc “Tranh chấp Hợp đồng lao động” đối với Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đ.
+ Bà Đặng Thị Thúy P không chịu án phí lao động phúc thẩm.
+ Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên.
- Ngày 17/9/2018, bà Đặng Thị Thúy P có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
- Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/QĐ-VKS-LĐ ngày 04/12/2018 của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định: Kháng nghị đối với Bản án lao động phúc thẩm số 04/2018/LĐ-PT ngày 09/5/2018 của TAND thành phố Đ theo hướng hủy toàn bộ Bản án phúc thẩm nêu trên và giao hồ sơ cho TAND thành phố Đ xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
- Quyết định giám đốc thẩm số 01/2019/LĐ-GĐT ngày 27/2/2019 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định: Hủy toàn bộ Bản án lao động sơ thẩm số 05/2017/LĐ-ST ngày 28/12/2017 của TAND quận H, thành phố Đ và Bản án lao động phúc thẩm số 04/2018/LĐ-PT ngày 09/5/2018 của TAND thành phố Đ về vụ án “Tranh chấp hợp đồng lao động” giữa nguyên đơn bà Đặng Thị Thúy P với bị đơn là Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đ; giao hồ sơ vụ án cho TAND quận H, thành phố Đ xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Vấn đề cần rút kinh nghiệm
Xét Quyết định số 03/QĐ-TTTV ngày 22/12/2016 của Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đ (sau đây, gọi tắt là Trung tâm) về việc chấm dứt Hợp đồng lao động đối với bà Đặng Thị Thúy P:
- Điều 1 Quyết định số 03/QĐ-TTTV có ghi chấm dứt Hợp đồng lao động với bà Đặng Thị Thúy P vì lý do: “Đã vi phạm khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 1 Điều 31 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của BLLĐ: “Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc…” Như vậy, trong phạm vi 30 ngày tính từ ngày 24/10/2016 – 22/11/2016, bà P nghỉ 03 ngày, còn 02 ngày 24, 25/11/2016 đã qua ngày thứ 32, 33. Mặt khác, trong các ngày 27, 28/10/2016 và 24,25/11/2016, bà P nghỉ việc nhưng vẫn có đơn xin phép nghỉ không lương gửi Giám đốc Trung tâm. Tuy rằng, Giám đốc Trung tâm có phê chuyển đơn lên Chi cục giải quyết và chưa có ý kiến của Chi cục nhưng điều đó thể hiện bà P có gửi đơn xin phép chứ không tự ý nghỉ không có đơn, thiếu sót này của bà P chỉ ở mức độ phê bình, kiểm điểm, uốn nắn, chưa đến mức phải xử lý kỷ luật sa thải. Vì vậy, không có cơ sở xác định bà Đặng Thị Thúy P tự ý bỏ việc, vi phạm khoản 3 Điều 126 BLLĐ như Quyết định số 03 nêu ra.
- Quyết định số 03 nêu rằng: “…bà Đặng Thị Thúy P cũng thống nhất với kết luận chấm dứt Hợp đồng lao động tại Biên bản làm việc của lãnh đạo Chi cục với Trung tâm Tư vấn ngày 28/11/2016” là một lý do để ra Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động với bà P. Tại Biên bản làm việc ngày 28/11/2018, bà P thống nhất với kết luận của bác sỹ H (Chủ tịch Công đoàn Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình) là “Giao Giám đốc Trung tâm TV và CWDV làm việc với chị P để thống nhất thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng lao động… thời gian hoàn thành là ngày 30/11/2016”. Nhưng sau đó, Giám đốc Trung tâm không làm việc với bà P để thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng như kết luận tại cuộc họp mà ban hành Thông báo số 18/TB-TTTV ngày 30/11/2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với bà P là không đúng, làm ảnh hưởng đến các chế độ quyền lợi của bà P.
- Trung tâm Tư vấn và Cung ứng Dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đ chấm dứt Hợp đồng lao động do người lao động vi phạm kỷ luật đến mức sa thải nhưng trình tự, thủ tục sa thải không được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 123 BLLĐ và Điều 30 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015, cụ thể là không có Biên bản về việc xử lý kỷ luật đối với bà Đặng Thị Thúy P cũng như không chứng minh được lỗi của người lao động.
Quyết định số 03/QĐ-TTTV ngày 22/12/2012 của Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đ ban hành không đúng theo quy định pháp luật. Bản án lao động sơ thẩm số 05/2017/LĐ-ST ngày 28/12/2017 của TAND quận H, thành phố Đ và Bản án lao động phúc thẩm số 04/2018/LĐ-PT ngày 09/5/2015 của Tòa án đánh giá chứng cứ chưa khách quan, toàn diện, dẫn đến không chấp nhận đơn khởi kiện của bà P là không có cơ sở, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của bà P. Do đó, cần phải hủy hai Bản án trên để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm và giải quyết đúng các quyền lợi của bà P được hưởng theo quy định hiện hành do việc chấm dứt Hợp đồng lao động không đúng pháp luật gây ra nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp của bà P cũng như quyền kháng cáo của đương sự.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)