Vừa qua, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo rút kinh nghiệm số 09/TB-VKS-DS vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại” cấp sơ thẩm và phúc thẩm vi phạm về đánh giá chứng cứ khi giải quyết.
Vừa qua, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ra thông báo rút kinh nghiệm số 09/TB-VKS-DS vụ án “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại” cấp sơ thẩm và phúc thẩm vi phạm về đánh giá chứng cứ khi giải quyết.
Nội dung vụ án
Ngày 04/9/2015, bà Đỗ Ngọc H yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn với ông Đặng Vũ D, con chung được bà H xin nuôi dưỡng, không yêu cầu giải quyết tài sản chung. Tại phiên hòa giải ngày 27/6/2016, Tòa án lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành về con chung giao cho bà H, tài sản chung tự thỏa thuận, nợ chung không có. Ngày 28/6/2016, bà H và ông D làm hợp đồng tặng cho nhau phần tài sản chung tại Văn phòng công chứng. Theo đó, ông D sở hữu căn hộ E6-01 khu T.P.C và ô tô 56N-47xx, bà H sở hữu căn hộ B2.3 khu P.V H19.2 và ô tô 56N-45xx. Ông D tiến hành làm thủ tục và được cấp Giấy chứng nhận sở hữu ngày 30/6/2016, cùng ngày, ông D làm hợp đồng bán căn hộ trên cho Công ty TNHH MTV K.G.X, đã nhận 2,2 tỷ tiền cọc. Ngày 04/7/2016, ông D có đơn thay đổi ý kiến về biên bản hòa giải ngày 27/6/2016, không đồng ý giao cho con bà H và đề nghị chia căn hộ B2.3 khu P.V; đồng thời yêu cầu bà H liên đới trả nợ chung.
Ngày 05/7/2016, bà H có đơn yêu cầu chia tài sản chung và yêu cầu hủy bỏ văn bản thỏa thuận và hợp đồng công chứng đã ký ngày 28/6/2016; đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch đối với 2 căn hộ. Ngày 19/7/2016, Tòa án ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với 2 căn hộ trên. Ngày 22/7/2016, ông D có đơn đề nghị hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng không được chấp nhận. Ông D cho rằng bà H yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng nên ông phải trả cọc và chịu phạt cọc. Ngày 30/8/2016, ông D khởi kiện yêu cầu bà H bồi thường thiệt hại 2,2 tỷ đồng.
Kết quả giải quyết của Tòa án
Bản án dân sự sơ thẩm số 120/2017/DS-ST ngày 18/5/2017 của TAND quận quyết định: Bà Đỗ Ngọc H phải bồi thường cho ông Đặng Vũ D 2,2 tỷ đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực. Ngày 24/5/2017, bà H kháng cáo bản án sơ thẩm. Bản án dân sự phúc thẩm số 935/2017/DS-PT ngày 29/9/2017 của TAND thành phố H tuyên xử: Giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy: Xuất phát từ việc bà H yêu cầu TAND quận giải quyết ly hôn với ông D, khi có tranh chấp về tài sản chung, bà H yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”, Tòa án chấp nhận và ban hành Quyết định số 08/QĐ-BPKCTT.
Ngày 30/8/2016, ông D có đơn yêu cầu bà H bồi thường thiệt hại do bà H yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến việc ông không bán được căn hộ E6-01 cho Công ty TNHH MTV K.G.X nên bị phạt cọc.
Xét thấy, căn hộ E6-01 là tài sản chung của vợ chồng được hình thành trong thời kỳ hôn nhân. Sau khi hòa giải thành ngày 27/6/2016, ngày 28/6/2016, ông D bà H tự thỏa thuận phân chia bằng hình thức tặng cho tài sản. Theo phân chia, ông D sở hữu căn hộ E6-01 nên tiến hành làm thủ tục và được cấp quyền sở hữu ngày 30/6/2016. Ngay sau đó, ông D bán căn hộ và còn trong hạn 7 ngày để thay đổi ý kiến thì ông D không đồng ý biên bản hòa giải thành ngày 27/6/2016, không đồng ý giao con cho bà H nuôi dưỡng và đòi chia căn hộ B2.3 bà H đang quản lý trong khi ông D đã bán căn hộ E6-01. Việc ông D thay đổi ý kiến sau khi ký hợp đồng bán căn hộ E6-01 là có sự tính toán nên buộc bà H phải yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm chuyển dịch đối với cả hai căn hộ để đảm bảo yêu cầu chia tài sản chung là lý do chính đáng do ông D có sự thay đổi liên quan đến tài sản. Khi ông D thay đổi ý kiến thì căn hộ E6-01 trở lại là tài sản chung, cả hai cấp Tòa án cho rằng đây là tài sản riêng của ông D và do bà H yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng nên buộc bà H phải bồi thường tiền cọc, việc giải quyết trên là không phù hợp.
Mặt khác, Tòa án chấp nhận khởi kiện của ông D khi chưa làm rõ các mâu thuẫn sau: Phiếu thu số tiền 4,4 tỷ của Công ty TNHH MTV K.G.X thể hiện các mục không trùng khớp về thời gian. Phiếu thu không số ghi ngày 30/11/2016 nhưng mục đóng dấu và giám đốc ký tên ngày 30/6/2016. Điểm 2 mục D của hợp đồng đặt cọc thể hiện bên bán đảm bảo pháp lý hợp pháp của căn hộ, nếu bên bán đổi ý không hoàn tất việc bán căn hộ thì sẽ đền bù gấp hai lần tiền cọc nhưng lại ghi 6,6 tỷ là có mâu thuẫn. Tại Công văn số 4756/CCT-KT ngày 18/9/2017, Chi cục thuế quận, thành phố H xác định kiểm tra quyết toán thuế năm 2016 kết thúc ngày 29/5/2017, Công ty TNHH MTV K.G.X chưa kê khai và nộp thuế số tiền đã được nhận bồi thường vào ngân sách. Như vậy, thực tế, ông D có nộp phạt cọc cho Công ty TNHH MTV K.G.X hay không chưa được Tòa án làm rõ.
Từ những vi phạm trên, Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị giám đốc thẩm số 173/2018/QĐKNGĐT-DS ngày 23/10/2018 theo hướng hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án sơ thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho TAND quận, thành phố H xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật. Ngày 01/3/2019, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử giám đốc thẩm chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)