Vừa qua, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ra Thông báo số 19/TB-VC2-V3 rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau về việc chuyển nhượng cổ phần và yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu”...
Vừa qua, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng ra Thông báo số 19/TB-VC2-V3 rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp giữa các thành viên công ty với nhau về việc chuyển nhượng cổ phần và yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu”.
Nội dung vụ án
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng L được thành lập năm 2006, vốn điều lệ 100 tỷ đồng gồm 5 cổ đông, trong đó, ông Lê Tấn H góp vốn tỷ lệ 61% (tương đương 61 tỷ đồng). Ngân hàng TMCP D góp vốn tỷ lệ 11% (tương đương 11 tỷ đồng). Ngày 07/8/2014, Ngân hàng S và ông Lê Tấn H ký Biên bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng cổ phần Công ty CP đầu tư xây dựng L (nay là Công ty CP P), theo đó, Ngân hàng S chuyển nhượng cho ông Lê Tấn H 110 000 cổ phần của Công ty CP đầu tư xây dựng L, tương ứng số tiền 11 000 000 000 đồng. Thời điểm thực hiện chuyển nhượng dự kiến không quá ngày 30/9/2014. Sau đó, Ngân hàng S và ông Lê Tấn H ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2014/HĐCN (không có ngày, tháng) năm 2014. Theo đó, Ngân hàng S chuyển nhượng cho ông Lê Tấn H 110 000 cổ phần (tương ứng với tỷ lệ 11% vốn điều lệ) của Công ty với tổng giá trị chuyển nhượng 100 000đ/CP, tương ứng với số tiền là 11 000 000 đồng.
Do ông Lê Tấn H không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng S khởi kiện, yêu cầu ông Lê Tấn H trả cho Ngân hàng số tiền 13 502 500 000 đồng, trong đó, tiền gốc 11 000 000 000 đồng và tiền nợ phạt chậm trả theo quy định của hợp đồng là 2 502 500 000 đồng.
Ông Lê Tấn H có đơn phản tố với nội dung: Việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa ông và Ngân hàng S xuất phát từ lý do: Năm 2012, vì Ngân hàng Nhà nước không cho các Ngân hàng thương mại đầu tư ngoài ngành nên Ngân hàng S rút vốn khỏi Công ty CP đầu tư xây dựng L (nay là Công ty CP P). Đến năm 2014, do không tìm được đối tác mua lại số cổ phần trên nhưng đã hết thời hạn báo cáo với Ngân hàng Nhà nước nên hai bên đã ký kết Hợp đồng chuyển nhượng số 01/2014/HĐCN nhằm mục đích để Ngân hàng S hợp thức hóa hồ sơ báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về việc rút vốn khỏi Công ty cổ phần đầu tư xây dựng L, nên Hợp đồng 01/2014/HĐCN không ghi ngày, tháng, không có thời hạn chuyển nhượng cổ phần, thời hạn thanh toán.
Ông Lê Tấn H không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng S. Đồng thời, yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2014/HĐCN (không ghi ngày, tháng) năm 2014 vô hiệu.
Quá trình tố tụng
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 16/2017/KDTM-ST ngày 26/9/2017 của TAND thành phố T tuyên: Căn cứ khoản 4 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 3 Điều 38, Điều 200, Điều 266, Điều 273 BLTTDS năm 2015; căn cứ khoản 5 Điều 87 Luật Doanh nghiệp năm 2005; căn cứ Điều 134, Điều 137, khoản 1 Điều 449 BLDS năm 2005/,
1/ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng S về việc buộc ông Lê Tấn H trả cho Ngân hàng S số tiền 13 502 500 000 đồng.
2/ Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông Lê Tấn H đối với Ngân hàng S về việc tuyên Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2014/HĐCN (không ghi ngày, tháng) năm 2014 giữa Ngân hàng S và ông Lê Tấn H vô hiệu.
3/ Ông Lê Tấn H có trách nhiệm hoàn trả cho Ngân hàng S 110 000 cổ phần (tương ứng với tỷ lệ 11% vốn điều lệ) của Công ty CP đầu tư xây dựng L (nay là Công ty cổ phần P).
4/ Ông Lê Tấn H và Công ty cổ phần P có trách nhiệm thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định của Luật Doanh nghiệp để Ngân hàng S được nhận lại 110 000 cổ phần (tương ứng với tỷ lệ 11% vốn điều lệ) của Công ty CP đầu tư xây dựng L (nay là Công ty cổ phần P).
Ngày 09/10/2017, Ngân hàng S kháng cáo, đề nghị Tòa án phúc thẩm:
- Hủy án sơ thẩm
- Công nhận hiệu lực biên bản thỏa thuận ngày 07/8/2014 giữa Ngân hàng S và ông Lê Tấn H và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2014/HĐCN CP L, đề nghị buộc ông Lê Tấn H phải trả cho Ngân hàng S số tiền 13 502 5000 000 đồng như nội dung ban đầu đã khởi kiện.
Do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị của VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 16/2017/KDTM-ST ngày 26/9/2017 của TAND thành phố T để xét xử lại vụ án.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
1. Về hình thức hợp đồng: Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2014/HĐCN giữa ông Lê Tấn H và Ngân hàng S không ghi ngày, tháng, chỉ ghi năm 2014 và không thỏa thuận về thời hạn thanh toán là chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt hình thức. Căn cứ khoản 2 Điều 404 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Nhưng bản án sơ thẩm xác định là Hợp đồng vô hiệu để xử không chấp nhận đơn khởi kiện của Ngân hàng S là chưa có căn cứ vững chắc. Bởi lẽ:
Tại Điều 2 Hợp đồng số 01 có quy định về thời hạn, phương thức thanh toán nhưng không thể hiện cụ thể thời hạn thanh toán là ngày, tháng, năm nào. Sau khi ký kết Hợp đồng, các bên đều không thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hợp đồng. Nhưng tại Biên bản họp Đại hội cổ đông ngày 16/4/2015, ông H tham gia và tiếp tục thỏa thuận việc mua 110 000 cổ phần của Ngân hàng S và xác định thời điểm chuyển nhượng là ngày 16/4/2015. Sau đó, Công ty CP đầu tư xây dựng L làm thủ tục báo cáo lên Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư xin phép đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 4, nội dung thay đổi bao gồm tên Công ty và phần chuyển nhượng vốn góp của các cổ đông, trong đó, có Ngân hàng S. Giấy phép kinh doanh được cấp ngày 07/5/2015, sửa đổi lần thứ 4, thể hiện ông Lê Tấn H nắm giữ 972 000 cổ phần, chiếm tỷ lệ 97,27%; cổ phần của Ngân hàng S là 0 (không).
Tại Biên bản xác minh ngày 21/9/2017, Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư xác định: Ngân hàng S không phải là cổ đông sáng lập của Công ty, nên việc chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng S cho các cá nhân, tổ chức không phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh, mà chỉ thực hiện thông báo cho nội bộ Công ty CP đầu tư xây dựng L và ghi nhận trong số cổ đông của Công ty CP đầu tư xây dựng L. Khoản 5 Điều 87 Luật Doanh nghiệp năm 2005 (nay là Điều 126 Luật Doanh nghiệp năm 2014) quy định: “Giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Bên chuyển nhượng vẫn là người sở hữu cổ phần có liên quan cho đến khi tên của người nhận chuyển nhượng được đăng ký vào sổ đăng ký cổ đông”, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập tài liệu, chứng cứ “Sổ đăng ký cổ đông” của Công ty CP đầu tư xây dựng L để xem xét, đánh giá hiệu lực của việc chuyển nhượng cổ phần giữa Ngân hàng S và ông Lê Tấn H đã được đăng ký vào sổ đăng ký cổ động hay chưa? Án sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai nhận của ông H và Công ty CP đầu tư xây dựng L là chưa đủ căn cứ.
2. Về thành phần dự họp: Tại Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông ngày 16/4/2015, ông Lê Tấn H – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng L chủ trì họp cho rằng ông Nguyễn Văn L đại diện phần vốn góp Ngân hàng S có tham dự cuộc họp. Ngân hàng S không thừa nhận ông Nguyễn Văn L có tham dự cuộc họp này. Tòa án cấp sơ thẩm chưa lấy lời khai, chưa xác minh ông Nguyễn Văn L và các thành viên góp vốn khác có mặt tại cuộc họp này để làm rõ ông Nguyễn Văn L có tham dự cuộc họp hay không? Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: Ngày 16/4/2015, Ngân hàng S vẫn còn tư cách cổ đông, có tham gia cuộc họp Đại hội đồng cổ đông với tư cách là cổ đông của Công ty, chiếm 11% tỷ lệ phần vốn góp và xác định đến thời điểm này, Ngân hàng S vẫn còn là cổ đông của Công ty L là chưa đủ căn cứ.
3. Về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Buộc ông Lê Tấn H có trách nhiệm hoàn trả cho Ngân hàng S 110 000 cổ phần (tương ứng với tỷ lệ 11% vốn điều lệ) và Công ty CP đầu tư xây dựng L có trách nhiệm cùng với ông Lê Tấn H thực hiện các thủ tục pháp lý để Ngân hàng S nhận lại 110 000 cổ phần, tương ứng với tỷ lệ 11% vốn điều lệ của Công ty CP đầu tư xây dựng L không rõ ràng, khó thi hành án vì, theo nội dung Công văn số 20/TB-ĐKKD ngày 23/5/2017 của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và đầu tư. Công ty CP đầu tư xây dựng L đăng ký xin Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 4) “Nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã cấp chưa chính xác với hồ sơ gốc nên yêu cầu doanh nghiệp hoàn chỉnh và nộp hồ sơ hợp lệ trong thời hạn 30 ngày để xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”. Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lê Tấn H và Công ty CP đầu tư xây dựng L (Công ty cổ phần P) đều thừa nhận chưa có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp mới. Do vậy, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 4 ngày 07/5/2015 chưa được công nhận nên vốn điều lệ của Công ty cổ phần P chưa được xác định, làm rõ nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án trả 110 000 cổ phần (tương ứng 11% vốn điều lệ) của Công ty, trong khi vốn điều lệ của Công ty chưa được xác định tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Bản án sơ thẩm tuyên như vậy khó cho việc thi hành án, nếu vốn điều lệ tăng lên hoặc giảm xuống sẽ ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự.
4. Về yêu cầu số tiền hoàn trả: Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện của bị đơn ông Lê Tấn H, bà Đào Thanh L lại khẳng định: Ông Lê Tấn H chỉ có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng S 11% cổ phần chứ không phải trả bằng tiền là 11 tỷ đồng, ông H chỉ hoàn trả số cổ phần đang nắm giữ. Đại diện Ngân hàng S yêu cầu ông H trả 11 tỷ đồng và số tiền nợ phạt do chậm trả là 2 502 500 000 đồng. Sự không thống nhất trong các yêu của các đương sự chưa được bản án sơ thẩm đánh giá, xác định rõ và giải quyết các yêu cầu khởi kiện và phản tố của các đương sự một cách rõ ràng, triệt để. Cụ thể: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận nội dung phản tố của bị đơn là bao nhiêu so với vốn điều lệ được xác định hợp pháp, đúng pháp luật là bao nhiêu.
Ngoài ra, cấp sơ thẩm chưa xác định, làm rõ thời điểm phát sinh tranh chấp việc chuyển nhượng cổ phần giữa Ngân hàng S và ông Lê Tấn H để làm căn cứ xác định việc chậm nghĩa vụ thanh toán như trong Hợp đồng chuyển nhượng đã ký là chưa đảm bảo đúng pháp luật. Việc ông Lê Tấn H cho rằng việc hai bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2014/HĐCN chỉ nhằm mục đích để Ngân hàng hợp thức hóa hồ sơ báo cáo Ngân hàng Nhà nước về việc rút vốn khỏi Công ty cổ phần đầu tư xây dựng L có thực hay không? Có vi phạm việc đầu tư ngoài ngành hay không? Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được các vi phạm nêu trên, cần hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm theo đúng pháp luật.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)