Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Lê Hữu H, Chi cục trưởng Cục Thuế và người bị kiện là Cục trưởng Cục Thuế, VKSND cấp cao tại Hà Nội ra Thông báo rút kinh nghiệm...
Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án hành chính giữa người khởi kiện là ông Lê Hữu H, Chi cục trưởng Cục Thuế và người bị kiện là Cục trưởng Cục Thuế, VKSND cấp cao tại Hà Nội ra Thông báo rút kinh nghiệm số 04/TB-VC1-V1 để VKSND địa phương trong quá trình kiểm sát việc thụ lý giải quyết và kiểm sát xét xử vụ án hành chính tham khảo rút kinh nghiệm.
Nội dung vụ án
Ông H là công chức nhà nước, công tác tại Chi cục Thuế và giữ chức vụ Chi cục trưởng. Theo giấy khai sinh và các giấy tờ tùy thân của ông như: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sổ hộ khẩu gia đình và các loại bằng cấp chuyên môn, hồ sơ Đảng viên, ông sinh ngày 08/8/1960. Riêng ngày tháng năm sinh trong hồ sơ công chức và sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì lại ghi ngày 27/3/1958. Ông H đã nhiều lần đề nghị Cục Thuế và BHXH tỉnh điều chỉnh lại ngày tháng năm sinh của ông trong hồ sơ công chức và sổ BHXH theo giấy khai sinh nhưng cả hai cơ quan này đều không thực hiện.
- Ngày 05/1/2018, căn cứ vào hồ sơ công chức của ông H tại Cục Thuế có ghi ngày 27/3/1958, Luật BHXH số 58/2014/QH13, Nghị định số 46/2010/NĐ-CP ngày 27/4/2010 của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức, Cục trưởng Cục Thuế đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-CT ngày 05/1/2018 cho ông H được nghỉ hưu và hưởng chế độ BHXH từ ngày 01/4/2018.
- Ngày 29/1/2018, ông H làm đơn khiếu nại Quyết định số 15/QĐ-CT ngày 05/1/2018 của Cục trưởng Cục Thuế về việc ông nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH. Ngày 13/3/2018, Cục Thuế ban hành Quyết định số 292/QĐ-CT về việc giải quyết khiếu nại.
- Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, ngày 02/4/2018, ông Lê Hữu H khởi kiện đến TAND tỉnh, yêu cầu hủy Quyết định số 15/QĐ-CT ngày 05/1/2018 về việc cho ông nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH và Quyết định số 292/QĐ-CT về việc giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thuế.
Quá trình giải quyết vụ án
Tòa án tỉnh thụ lý giải quyết vụ án hành chính và ra Bản án sơ thẩm hành chính số 69/2018/HC-ST ngày 25/7/2018 của TAND tỉnh, áp dụng khoản 3 Điều 32; điểm b khoản 2 Điều 193, Điều 204, khoản 1 Điều 206 Luật Tố tụng hành chính; khoản 1, 2 Điều 6 và các Điều 24, 25, 26 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 16/11/2015 của Chính phủ; khoản 2 Điều 76 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13; khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ công chức số 22/2008/QH12; điểm c khoản 1 Điều 2, điểm a khoản 1 Điều 54 Luật BHXH số 58/2014/QH13; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí, lệ phí Tòa án: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H và tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính số 15/QĐ-CT ngày 05/1/2018 về việc cho ông H nghỉ hưu, hưởng chế độ BHXH từ ngày 01/4/2018 và Quyết định giải quyết khiếu nại số 292/QĐ-CT ngày 13/3/2018 của Cục Thuế đối với ông H, buộc Cục Thuế khôi phục lại mọi quyền lợi, chế độ cho ông H như trước ngày 01/4/2018. Ngày 31/7/2018, Cục trưởng Cục Thuế kháng cáo đề nghị hủy bản án nêu trên.
Tại Bản án phúc thẩm hành chính số 633/2018 ngày 27/11/2018 của TAND cấp cao tại Hà Nội, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 30; điểm đ khoản 1 Điều 123; điểm h khoản 1 Điều 143; khoản 1 Điều 144; khoản 4 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí, Tòa án quyết định: Chấp nhận kháng cáo của Cục trưởng Cục Thuế, hủy Bản án hành chính sơ thẩm số 69/2018/HC-ST ngày 25/7/2018 của TAND tỉnh và đình chỉ giải quyết vụ án.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
- Xác định không đúng thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ án hành chính của Tòa án: Ông H nguyên là Chi cục trưởng Chi cục Thuế khiếu nại các Quyết định của Cục trưởng Cục Thuế liên quan đến công tác tổ chức cán bộ. Các Quyết định này đều là văn bản hành chính được ban hành khi xem xét quyết định và giải quyết khiếu nại đối với cán bộ, công chức trong công tác tổ chức cán bộ. Đây là các Quyết định hành chính thuộc nội bộ của ngành Thuế.
Theo điểm c khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính quy định về các trường hợp khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Theo khoản 6 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính, quyết định hành chính và hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức được hiểu là những quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc quản lý, chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao; các quyết định trong công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý kinh phí, tài sản được nhà nước giao; hoặc trong công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công tác đối với cán bộ, công chức và chỉ đạo, điều hành đối với các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức (trừ Quyết định kỷ luật buộc thôi việc).
Mặt khác, điểm 6 khoản 1 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh không bao gồm khiếu kiện khác liên quan đến công tác tổ chức bởi đây là khiếu kiện nội bộ. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án hành chính trong trường hợp này là không đúng với quy định của Luật Tố tụng hành chính vì nội dung khiếu kiện này mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Việc Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án khi không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình là vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng thủ tục tố tụng nên Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ khoản 4 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính, quyết định hủy án sơ thẩm. Mặt khác, căn cứ điểm h khoản 1 Điều 123 Luật Tố tụng hành chính, lẽ ra phải trả lại đơn khởi kiện cho ông H. Tuy nhiên, do Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết vụ án hành chính nên căn cứ điểm h khoản 1 Điều 143 Luật Tố tụng hành chính, quyết định đình chỉ vụ án.
- Quá trình kiểm sát việc thụ lý và kiểm sát xét xử tại phiên tòa hành chính không phát hiện sai sót, vi phạm nói trên: Kiểm sát viên đã không nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền giải quyết của Tòa án để kịp thời phát hiện vi phạm và có ý kiến kịp thời để Tòa án xem xét trả lại đơn khởi kiện. Việc phát biểu quan điểm tại phiên tòa hành chính sơ thẩm không đúng quy định về tố tụng hành chính, dẫn đến vụ án phải hủy, trả lại đơn khởi kiện, gây tốn kém thời gian, kinh phí của Nhà nước và công dân.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)