Trong những năm qua tình hình tai nạn giao thông đường bộ xảy ra với mức độ thiệt hại nghiêm trọng xảy ra vào ban đêm có xu hướng tăng. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân cơ bản như: Trời tối, khả năng quan sát của lái xe bị hạn chế; hệ thống đường giao thông được nâng cấp tốt hơn đặc biệt là đường cao tốc, quốc lộ nên lái xe thường tranh thủ đi với tốc độ cao; hoạt động tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng vào thời điểm này thường hạn chế. Đây còn là khoảng thời gian mà các loại xe khách đường dài hoạt động mạnh, phương tiện có trọng tải lớn được phép lưu thông trong nội thị, đi với tốc độ cao, dễ gây nguy hiểm cho người, phương tiện tham gia giao thông khác.
Một nguyên nhân chủ quan đó là ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông của người tham gia giao thông chưa cao là nguyên nhân chính dẫn tới thiệt hại rất lớn khi mỗi vụ việc tai nận giao thông xảy ra, gây ra hậu quả nặng nề cho gia đình nạn nhân và xã hội. Để đảm bảo cho việc giải quyết các vụ tai nạn giao thông đúng pháp luật, hoạt động thu thập dấu vết và khám nghiệm hiện trường là đặc biệt quan trọng nhất là những vụ tai nạn xảy ra vào ban đêm. Sau đây là một số lưu ý của hoạt động này:
Thứ nhất, cán bộ tham gia khám nghiệm phải nắm rõ được đặc điểm của từng loại hiện trường, quy luật hình thành và tồn tại của dấu vết cũng như mối quan hệ giữa các dấu vết, vật chứng tại hiện trường, các loại dấu vết phổ biến, vị trí xuất hiện của chúng… Từ đó xác định chính xác cách thức phát hiện, ghi nhận, thu lượm và bảo quản phù hợp với từng loại dấu vết, đánh giá, giải thích đúng cơ chế, quy luật hình thành dấu vết tại hiện trường phục vụ có hiệu quả hoạt động điều tra.
Thứ hai, đảm bảo các phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác khám nghiệm hiện trường ban đêm. Khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vào ban đêm cần phải huy động tối đa hệ thống đèn pin, đèn chuyên dụng, hệ thống đèn pha công suất lớn, ngoài ra có thể sử dụng hệ thống đèn pha ôtô, đèn dân sinh để hỗ trợ công tác khám nghiệm. Lực lượng kỹ thuật hình sự cần chủ động về hệ thống máy ảnh, máy quay có hệ thống đèn hỗ trợ khi chụp, ngoài ra đảm bảo hệ thống phương tiện chiếu sáng chuyên dụng phục vụ hoạt động thu thập, đánh giá dấu vết, vật chứng tại hiện trường.
Thứ ba, làm tốt công tác bảo vệ hiện trường, phân luồng giao thông bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng khám nghiệm. Đối với các hiện trường tai nạn giao thông đường bộ, việc có mặt ngay khi có thông tin báo cáo về vụ việc sẽ giúp hạn chế những tác động làm thay đổi, xáo trộn hiện trường, đồng thời giúp đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự tại nơi xảy ra tai nạn.
Lực lượng bảo vệ hiện trường phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông trong việc phân luồng, hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực xảy ra tai nạn, tránh những va chạm thứ cấp gây nguy hiểm cho người và phương tiện có mặt tại hiện trường. Thiết lập hệ thống cảnh báo, chướng ngại vật chắn, đèn cảnh báo trên đường, cách khu vực hiện trường vụ việc ít nhất 100-150m theo các hướng phương tiện lưu thông. Có thể yêu cầu các phương tiện chuyển làn hoặc giảm tốc độ tránh gây nguy hiểm cho lực lượng khám nghiệm, cũng như làm ảnh hưởng tới hệ thống dấu vết, vật chứng tại hiện trường.
Thứ tư, lựa chọn phương pháp, chiến thuật khám nghiệm hiện trường phù hợp với đặc thù của hiện trường và lực lượng, phương tiện được huy động, đảm bảo đầy đủ yêu cầu pháp luật, nghiệp vụ. Phương pháp, chiến thuật để tiến hành khám nghiệm hiện trường tai nạn giao thông rất đa dạng, do đó, cần triệt để sử dụng các phương pháp và lựa chọn chiến thuật phù hợp đối với mỗi hiện trường tai nạn giao thông cụ thể. Mỗi chiến thuật có những điểm tích cực và hạn chế nhất định, phải căn cứ vào thông tin, tài liệu ban đầu, căn cứ vào tình hình lực lượng, phương tiện hiện có và đặc điểm hiện trường thực tế để lựa chọn chiến thuật phù hợp. Tuy nhiên, hiện trường các vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm hầu hết là các vụ việc nghiêm trọng, trước yêu cầu nhanh chóng giải phóng một phần hiện trường, tránh ùn tắc kéo dài thì chiến thuật khám nghiệm theo từng khu vực của hiện trường thường đem lại hiệu quả cao. Do đó, cần nhanh chóng lựa chọn, khoanh vùng, xác định những khu vực có thể tiến hành khám nghiệm trước thì tập trung lực lượng, phương tiện tác nghiệp nhằm giải toả một phần hiện trường phục vụ yêu cầu lưu thông của các phương tiện.
Nếu tại hiện trường, người và phương tiện gây tai nạn đã bỏ trốn cần áp dụng ngay các biện pháp nghiệp vụ truy tìm người, phương tiện theo dấu vết nóng như: Dấu vết sinh vật, nguồn hơi... Đồng thời, tìm kiếm những dấu vết mà qua đó truy nguyên được người (đường vân, lông tóc, vải sợi…); truy nguyên phương tiện (dấu vết hoa vân lốp xe, dấu vết bùn đất…); xác định hướng di chuyển phương tiện (xăng, dầu, bùn đất văng bắn…) thoát khỏi hiện trường.
Thứ năm, làm tốt công tác phối hợp, trao đổi thông tin và hỗ trợ nhau giữa các lực lượng tham gia trong quá trình khám nghiệm. Căn cứ vào tính chất của vụ tai nạn, thực hiện theo Thông tư số 76/2011/TT-BCA ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định phân công trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đối với các vụ tai nạn giao thông có người chết hoặc có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết và cử Kiểm sát viên tham gia giám sát hoạt động khám nghiệm. Trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị, các lực lượng cần thiết lập hệ thống trao đổi thông tin, qua đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung thông tin trong quá trình khám nghiệm, cũng như hỗ trợ cho các hoạt động điều tra ban đầu. Đặc biệt, trong những trường hợp người và phương tiện gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, trên cơ sở khai thác tốt những thông tin từ lời khai và từ hoạt động thu thập, đánh giá dấu vết, vật chứng tại hiện trường, kịp thời cung cấp những thông tin giúp Cơ quan điều tra có thể nhanh chóng truy tìm người, phương tiện gây tai nạn.
Trong điều tra các vụ tai nạn giao thông đường bộ, cần chú ý khai thác thông tin từ việc trích xuất thiết bị giám sát hành trình của phương tiện, từ hệ thống camera an ninh của nhà dân xung quanh hoặc tại một số tuyến đường có lắp hệ thống giám sát an ninh (nếu có) nhằm hỗ trợ cho hoạt động thu thập, đánh giá dấu vết, vật chứng tại hiện trường.
Thứ sáu, tiến hành công tác khám nghiệm theo trình tự, thủ tục thống nhất, đảm bảo phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tiễn. Quá trình khám nghiệm hiện trường vào ban đêm, cán bộ khám nghiệm cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, khắc phục khó khăn, điều kiện ngoại cảnh, tiến hành theo đúng trình tự, quy trình khám nghiệm nhằm thu thập, đánh giá một cách triệt để dấu vết, vật chứng tại hiện trường.
Khi tiếp cận hiện trường cần tiến hành ghi nhận sơ bộ tình trạng hiện trường, các yếu tố điều kiện ngoại cảnh có thể liên quan tới vụ tai nạn ngay khi tiếp cận hiện trường, phục vụ việc nghiên cứu, đánh giá dấu vết, xác định nguyên nhân tai nạn. Xác định các điều kiện ngoại cảnh xung quanh hiện trường (hệ thống đèn đường, ánh sáng khu dân cư, nguồn sáng khác nếu có); vị trí nơi xảy ra tai nạn (gần chỗ giao cắt, khúc cua khuất tầm nhìn, ngõ tắt lối mở…); các thông số, tiêu chuẩn kỹ thuật mặt đường tại nơi xảy ra tai nạn (loại đường, độ nhám mặt đường, độ rộng…); các phương tiện, thiết bị điều khiển, chỉ dẫn giao thông (đèn báo, biển báo, vạch chia làn, biển chỉ dẫn…) và những điều kiện tự nhiên khác có ảnh hưởng tới việc lưu thông của phương tiện. Thận trọng trong việc lựa chọn các mốc cố định phù hợp tại hiện trường, làm cơ sở tiến hành các hoạt động đo đạc, ghi nhận cụ thể, chính xác, bổ sung thông tin khi việc chụp ảnh, ghi hình hiện trường gặp nhiều hạn chế trong điều kiện thiếu sáng.
Kết thúc khám nghiệm cần tiến hành họp, đánh giá kết quả khám nghiệm cũng như các thông tin, tài liệu thu thập được qua hoạt động điều tra ban đầu. Thống nhất và đưa ra được những kết luận, nhận định sơ bộ về tình huống xảy ra tai nạn, về những vấn đề có liên quan. Trên cơ sở đó, người chủ trì khám nghiệm có thể ra quyết định huy bỏ việc bảo vệ toàn bộ hoặc một phần hiện trường. Yêu cầu bắt buộc khi tiến hành khám nghiệm hiện trường vào ban đêm là cần rà soát, đánh giá lại kết quả khám nghiệm, dự kiến những nội dung công việc cần triển khai và tiếp tục kiểm tra, khám nghiệm bổ sung khi trời sáng, hoàn thiện hồ sơ khám nghiệm.
Thứ bảy, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng trong quá trình tiến hành các hoạt động khám nghiệm. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm là những vụ tai nạn nghiêm trọng, hậu quả thường làm nhiều người thương vong, do đó, phải có sự tham gia ngay từ ban đầu của Viện kiểm sát. Trong những trường hợp này, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm sát viên tham gia khám nghiệm có trách nhiệm kiểm sát công tác bảo vệ hiện trường, thành phần tham gia khám nghiệm và giám sát chặt chẽ hoạt động khám nghiệm theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát viên cần nắm chắc thông tin, tính chất vụ việc và tình hình thực tế tại hiện trường, từ đó có sự trao đổi, thống nhất với Điều tra viên về phương pháp, kế hoạch khám nghiệm phù hợp. Giám sát chặt chẽ các hoạt động của Điều tra viên, Giám định viên, kỹ thuật viên và yêu cầu lực lượng khám nghiệm thực hiện tiến hành đầy đủ quy trình, trình tự khám nghiệm, đảm bảo đúng pháp luật.
Song song với hoạt động giám sát, Kiểm sát viên cũng cần ghi chép tỉ mỉ về các loại dấu vết, thông tin tài liệu liên quan; trực tiếp xem xét, kiểm tra dấu vết, vật chứng tại hiện trường để có sự đối chiếu, đánh giá kết quả công tác của các lực lượng khám nghiệm, bổ sung, củng cố tài liệu trong hồ sơ kiểm sát. Quá trình khám nghiệm, Kiểm sát viên kịp thời trao đổi, phối hợp với Điều tra viên trong việc tiến hành các biện pháp khẩn cấp tại hiện trường như: Bắt, khám xét, lấy lời khai, thu giữ vật chứng.
Về hoạt động thu thập dấu vết trong các vụ tai nạn giao thông nói chung cần lưu ý:
Thứ nhất, tiến hành phát hiện dấu vết đất:
Dấu vết đất thường nhận biết được bằng mặt thường trong điều kiện ánh sáng ban ngày. Đầu tiên, tiến hành quan sát tổng thể hiện trường, các phương tiện tham gia tai nạn, các đối tượng vật chất tồn tại, được sắp xếp trên hiện trường, cùng với nó là nắm bắt được những thông tin ban đầu có được về vụ tai nạn, trong đó cần chú ý phán đoán về khả năng xuất hiện dấu vết đất, bằng cách: chú ý quan sát kỹ càng các dấu hiệu va chạm trên các bề mặt có đất bụi, quan sát sự thay đổi màu sắc của đồ vật, các dấu vết đất bẩn lạ, chú trọng những vị trí thường xuất hiện dấu vết đất.
Quá trình phát hiện dấu vết đất trên hiện trường cần sử dụng tốt các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ thích hợp như: sử dụng kính lúp; sử dụng đèn chiếu xiên giúp phát hiện các vị trí có dấu vết đất được thuận lợi. Phải có đủ ánh sáng để quan sát, khi trời tối hoặc ban đêm phải có đèn chiếu sáng tốt.
Có ba phạm vi liên quan đến tìm dấu vết đất:
- Nơi xảy ra tai nạn (hiện trường): Trong khu vực này thường gặp các dấu vết đất phát sinh từ các phương tiện tham gia tai nạn, ví dụ đất dính trên chắn bùn, ở gầm hoặc thành xe ô tô rơi xuống nền đường.
- Trên các phương tiện giao thông tham gia tai nạn: Trên xe gây tai nạn thường gặp các dấu vết đất được phát sinh từ xe bị nạn hoặc từ hiện trường, đôi khi phát sinh từ nạn nhân hoặc các đồ vật của nạn nhân. Khi hai phương tiện tham gia tai nạn va vào nhau ở vị trí có dính đất bụi trên xe này sẽ để lại dấu vết đất trên xe kia và ngược lại. Trên xe bị nạn có thể gặp dấu vết đất phát sinh từ xe gây tai nạn hoặc từ hiện trường.
- Nạn nhân và các đồ vật của nạn nhân: Trên các bộ phận cơ thể, quần áo, giầy dép, các đồ vật, phương tiện của nạn nhân như xe đạp, xe máy… thường gặp các dấu vết đất có nguồn gốc từ xe gây tai nạn, tuy nhiên cũng có thể có nguồn gốc từ hiện trường.
Các vị trí thường hay gặp dấu vết đất xuất hiện trên một số vật mang quan trọng nhất trong khám nghiệm hiện trường các vụ TNGT đường bộ như sau:
- Mặt đường nơi xảy ra vụ tai nạn (hiện trường): Cần chú ý tới các loại đất rơi vãi được phân bố trên mặt đường, hoặc miết theo vết phanh, hoặc trên các vật có thể mang dấu vết đất.
- Phương tiện giao thông đường bộ tham gia vụ tai nạn:
+ Xe ô tô: Chú ý tới đất có thể bám dính trên thành xe (hai bên sườn xe), thành bình xăng, chắn bùn, rơ moóc, bậc lên xuống, bánh xe (má lốp, kẽ lốp…), gầm xe, bộ phận tản nhiệt của xe…
+ Xe đạp, xe máy: Cần chú ý đất có thể bám dính tại các vị trí có bánh xe chèn qua và các vị trí bị đâm, va quệt như: Xi nhan, đầu ghi đông, pê đan, khung, sườn, chắn bùn, đất để chân, giảm sóc…
- Quần áo, giầy dép, cơ thể người: Tại các vị trí va quệt với xe gây tai nạn hoặc bị bánh xe chèn qua như lưng, ngực, vạt, tay áo; mông, hông, gối, ống quần; mặt giầy, quai dép.
- Các đồ vật mang theo của người bộ hành: Đầu của các đồ vật đó như đầu đòn gánh, cán cuốc, đoạn gỗ, cán xẻng và các vật tương tự.
- Các vật được phương tiện chuyên chở rơi vãi tại hiện trường…
Thứ hai, ghi nhận, thu và bảo quản dấu vết:
- Sau khi đã phát hiện được các dấu vết, đòi hỏi cán bộ khám nghiệm cần ghi nhận các dấu vết đó theo đúng quy định của pháp luật, như: Mô tả dấu vết vào biên bản khám nghiệm hiện trường; ghi hình hình sự đối với dấu vết; vẽ sơ đồ đánh dấu vị trí dấu vết trên bản vẽ sơ đồ hiện trường.
- Việc thu và bảo quản dấu vết đất được thực hiện như đối với dấu vết hình sự nói chung, riêng dấu vết đất cần chú ý:
+ Các vật mang nhỏ có thể vận chuyển được dễ dàng (quần áo, đồ vật nhỏ…) nên đóng gói cả vật mang lẫn dấu vết trên đó để gửi giám định.
+ Với quần áo ướt có dính đất thì hoặc cho chuyển gấp về phòng giám định, hoặc làm khô trong không khí (phơi trong phòng thoáng gió) rồi mới đóng gói gửi giám định.
+ Đối với vật mang lớn hoặc khi vật mang nhỏ nhưng có lượng dấu vết lớn thì thực hiện bằng cách bóc tách dấu vết ra khỏi vật mang gửi giám định.
+ Với vi vết đất bụi trên mặt đường nhẵn thì dùng chổi lông hoặc một chiếc lông cánh ngỗng thu gom lại, dùng que lấy mẫu hoặc lưỡi dao cạo xúc vào túi đựng mẫu.
Thứ ba, thu và bảo quản mẫu so sánh:
Khi tìm kiếm vị trí để thu thập mẫu so sánh trên các phương tiện tham gia tai nạn cần tìm được các vị trí có dấu hiệu của sự va quệt hoặc sự phân tách, chú ý chiều cao so với mặt đường của nó, màu sắc, kiến trúc của đất và phải thu được mẫu so sánh ở đúng hoặc kề sát vị trí đã sinh ra dấu vết (mẫu so sánh trực tiếp). Ngoài ra cần thu bổ sung vài mẫu so sánh khác ở xung quanh vị trí trực tiếp trên (các mẫu so sánh gián tiếp). Kỹ thuật thu và bảo quản các mẫu đất so sánh trên các phương tiện tham gia tai nạn được thực hiện như đối với dấu vết.
Trường hợp thu thập mẫu so sánh là đất ở mặt đường cần thu từ 3 đến 4 mẫu so sánh trong phạm vi hiện trường trực tiếp, tại những vị trí có vết bánh xe đi qua. Những hiện trường có quá nhiều sự xáo trộn cần thu nhiều mẫu so sánh hơn. Ngoài ra, cần thu bổ sung 4 mẫu so sánh khác ở các vị trí sau: Về hai phía của hiện trường trực tiếp, cách khoảng 10 - 20 mét trên đường giao thông thu 2 mẫu. Hai mẫu còn lại thu ở hai bên lề đường, cách hiện trường trực tiếp khoảng 1 - 2 mét. Các mẫu chỉ thu ở lớp đất mặt không sâu quá 5 cm (thường chỉ sâu 1 -2 cm).
Xác định được vị trí thu rồi dùng thìa hoặc que lấy mẫu xúc đất cho vào bình chứa. Nên chụp ảnh các vị trí thu mẫu so sánh, nhất là vị trí được dự đoán là vị trí trực tiếp phát sinh ra dấu vết.
Thứ tư, trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ mà phương tiện gây tai nạn đã rời khỏi hiện trường: Cán bộ khám nghiệm cần phán đoán tình huống và thông qua những dấu hiệu về sự va chạm quan sát được ở hiện trường hoặc trên nạn nhân để xác định khả năng xuất hiện dấu vết đất, nhất là dấu vết đất để lại trên xe gây tai nạn thì phải thu mẫu so sánh ở ngay các vị trí nghi ngờ đó. Sau này, trong quá trình điều tra khi truy tìm được xe nghi vấn có thể sẽ tìm được dấu vết và lúc đó ta đã có mẫu so sánh thích hợp.
Tóm lại, đối với dấu vết đất, nếu cán bộ điều tra, xư lý biết khai thác sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc điều tra, xử lý các vụ TNGT đường bộ. Nhưng đây là một loại dấu vết phức tạp, kết quả giám định truy nguyên của nó phụ thuộc rất lớn vào quá trình phát hiện, thu lượm và bảo quản dấu vết này trong quá trình khám nghiệm hiện trường. Thực hiện tốt hoạt động phát hiện, thu lượm và bảo quản dấu vết đất trong quá trình khám nghiệm là yếu tố quan trọng nhất trong việc nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý các vụ TNGT đường bộ.
Nguyễn Văn Nhiệm