CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại VKSND TP. Hải Phòng

23/01/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đối với việc nâng cao hiệu quả các khâu công tác kiểm sát, VKSND TP. Hải Phòng đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một trong các khâu công tác đột phá trong năm 2022 và các năm tiếp theo để VKSND hai cấp TP. Hải Phòng xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu và giải pháp thực hiện.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số đang ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, chính trị ở nước ta. Chuyển đổi số được xác định vừa là nhu cầu tất yếu, vừa là nhiệm vụ chính trị và cũng là động lực to lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã có văn bản chỉ đạo bám sát các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đề ra các giải pháp cụ thể để tăng cường ứng dụng CNTT và thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến xây dựng Viện kiểm sát điện tử, Viện kiểm sát số, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Ngày 17/5/2021, Viện trưởng VKSND (VKSND) tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSTC về tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân để tạo bước chuyển biến tích cực trong việc tăng cường ứng dụng CNTT và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành, ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn nghiệp vụ và khắc phục khó khăn do thiếu biên chế; đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, theo lộ trình tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chỉ thị đã nêu rõ: Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp phải xác định việc tăng cường ứng dụng CNTT, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành là khâu đột phá, trọng tâm của năm 2021 và các năm tiếp theo để tập trung chỉ đạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Trước tình hình đó, VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng đã quán triệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao và Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26/10/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. VKSND thành phố Hải Phòng đã thành lập Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch, đề ra định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng thống nhất thực hiện.

1. Một số kết quả trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giai đoạn 2017 - 2021

- Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin:

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật CNTT tại VKSND thành phố Hải Phòng những năm gần đây đã được quan tâm, đáp ứng yêu cầu bước đầu của việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại các đơn vị. Từ năm 2014, VKSND thành phố Hải Phòng đầu tư nâng cấp 02 đường truyền internet cáp quang tốc độ cao (gồm 01 đường truyền sử dụng cho hệ thống mạng máy tính nội bộ, 01 đường truyền sử dụng cho hệ thống mạng không dây và các hội nghị trực tuyến). Hệ thống mạng không dây gồm: 14 bộ phát không dây trong đó có 10/14 bộ phát không dây hỗ trợ mạng không dây theo tiêu chuẩn 802.11n và 4/14 thiết bị được nâng cấp năm 2021 có hỗ trợ mạng không dây theo tiêu chuẩn 802.11ac. Hệ thống máy chủ được đưa vào hoạt động từ năm 2014 cung cấp một số ứng dụng CNTT cho VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng như: Phần mềm thư điện tử; phần mềm hiển thị văn bản điện tử phục vụ tin nhắn chỉ đạo - điều hành; hệ thống truyền số liệu thống kê FTP,...

VKSND thành phố Hải Phòng đã được VKSND tối cao trang bị hệ thống truyền hình hội nghị Vmeet kết nối ba cấp (VKSND tối cao, VKSND thành phố và 15 VKSND quận, huyện). Từ khi trang bị đến nay, mỗi năm VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng đã tổ chức hàng trăm hội nghị trực tuyến giữa các cấp và đã tiết kiệm được kinh phí hội họp hàng tỉ đồng.

Tại các VKSND cấp huyện đã được đầu tư hệ thống mạng nội bộ (LAN) kết nối internet tốc độ cao, mỗi công chức đều được trang bị 01 máy tính. Tổng số máy tính hiện có tại các VKSND quận, huyện là 128 máy tính để bàn và 22 máy tính xách tay. Tất cả các đơn vị đều được trang bị bộ phát không dây có kết nối mạng cho thiết bị di động.

Các đơn vị VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng đã có đường truyền internet cáp quang phục vụ công việc, trao đổi, tìm kiếm thông tin với băng thông tương đối cao (14/15 đơn vị có đường truyền internet đạt 100Mbps trở lên, riêng VKSND huyện Bạch Long Vĩ phải sử dụng mạng internet qua kết nối mạng di động 4G do đặc thù vùng biển đảo).

- Về hệ thống phần mềm CNTT:

Tính đến thời điểm hiện nay, VKSND tối cao đã xây dựng, phát triển gần 20 phần mềm dùng chung cho toàn ngành và phần lớn đã phát huy hiệu quả trong thực tế sử dụng, góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, từng bước số hóa, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và hoạt động nghiệp vụ, nhất là về cập nhật, cung cấp số liệu thống kê, báo cáo, phát hành, luân chuyển văn bản trên hệ thống, như: Phần mềm hệ thống thông tin quản lý và thống kê án hình sự; phần mềm hệ thống thông tin quản lý và thống kê các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động, phá sản doanh nghiệp; phần mềm thống kê; phần mềm thư điện tử; phần mềm quản lý cán bộ; phần mềm quản lý công tác thi đua khen thưởng; phần mềm kế toán; phần mềm quản lý văn bản và điều hành; phần mềm sổ thụ lý điện tử nghiệp vụ hình sự; phần mềm quản lý đơn khiếu nại, tố cáo…

Tính đến hết năm 2021, một số đơn vị VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng đã và đang xây dựng được một số phần mềm ứng dụng CNTT trong một số khâu công tác kiểm sát, như: Phần mềm hiển thị văn bản điện tử trên thiết bị di động thông minh (phục vụ cho hệ thống tin nhắn điều hành); phần mềm sổ thụ lý điện tử kiểm sát thi hành án hình sự; phần mềm sổ thụ lý điện tử tạm giữ, tạm giam; phần mềm sổ thụ lý điện tử tin báo tố giác tội phạm; phần mềm sổ thụ lý điện tử án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động; phần mềm sổ thụ lý điện tử thi hành án dân sự.

Những phần mềm trên khi được triển khai áp dụng trên thực tiễn công tác đã góp phần tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ, công chức và hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng.

2. Một số hạn chế, bất cập

Hệ thống máy chủ tại VKSND thành phố Hải Phòng được đưa vào sử dụng từ năm 2014 đã hết khấu hao, vì vậy không đảm bảo an toàn và thường xuyên gây ra xung đột mạng. Các VKSND cấp huyện đã có mạng nội bộ nhưng chưa được đầu tư các thiết bị an toàn, an ninh mạng, thiết bị báo cháy, báo khói, chống sét, camera an ninh, hệ thống sao lưu dữ liệu, không có nhân lực chuyên môn quản trị hệ thống mạng và máy tính.

Thiết bị trực tuyến đến cấp huyện (Vmeet) được đầu tư từ năm 2014 đến nay cũng đã hết khấu hao. Tất cả các VKSND quận, huyện hiện nay sử dụng camera chất lượng thấp, màn hình kích thước nhỏ, hệ thống âm thanh đơn giản nên chất lượng hình ảnh không cao, không tiện dụng.

VKSND thành phố Hải Phòng đang sử dụng phần mềm quản trị mạng Solarwinds, tuy nhiên do kinh phí có hạn nên bản quyền cho phép quản lý số lượng thiết bị rất ít (100 giao diện) chủ yếu quản lý cho các máy chủ vì vậy việc theo dõi quản lý các thiết bị mạng vẫn phải thực hiện thủ công. Một số phần mềm dùng chung của ngành mặc dù đã nhập số liệu đầy đủ nhưng việc khai thác còn rất hạn chế, chưa liên thông. Một số phần mềm chưa tích hợp tính năng tự động vào phần mềm, công nghệ xây dựng phần mềm đã lỗi thời, nhiều trình duyệt mới không hỗ trợ.

Các thiết bị bảo mật được đầu tư năm 2014 nhưng vẫn còn thiếu như: Thiết bị tường lửa bảo vệ mạng lõi có bản quyền; thiết bị chống tấn công từ chối dịch vụ (DDos); hệ thống bảo mật họp trực tuyến; phần mềm quản lý và giám sát an toàn an ninh thông tin.

3. Mục tiêu, giải pháp của VKSND thành phố Hải Phòng về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số từ nay đến năm 2026

3.1. Mục tiêu đến năm 2026

VKSND thành phố Hải Phòng đặt ra các mục tiêu về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số đến năm 2026 như sau:

Đến năm 2026, tất cả các bộ phận nghiệp vụ và các bộ phận công tác hành chính khác của VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng đều ứng dụng các phần mềm CNTT vào theo dõi, giải quyết công việc, góp phần nâng cao hiệu quả, tiết kiệm được thời gian, công sức và kinh phí. Phấn đấu 100% các hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của VKSND hai cấp được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

Tất cả cán bộ, công chức của VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng sử dụng thành thạo các ứng dụng, trang thiết bị CNTT trong công tác chuyên môn; được đào tạo, tập huấn đầy đủ về các kỹ năng cơ bản ứng dụng CNTT và chuyển đổi số; cập nhật và sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng CNTT trong khâu công tác được phân công. 100% các loại sổ sách theo dõi các khâu công tác về nghiệp vụ (sổ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm; sổ thụ lý điện tử hình sự; sổ thụ lý án dân sư; sổ thụ lý đơn khiếu nại tố cáo; sổ thụ lý thi hành án dân sự…) được thực hiện trên các phần mềm CNTT; 100% các báo cáo thống kê liên ngành, thống kê nghiệp vụ kiểm sát được thực hiện dưới dạng điện tử, được số hóa, áp dụng chữ ký số, thực hiện tự động trên nền tảng ứng dụng;  hoàn thành và tiếp tục thực hiện việc số hóa hồ sơ trong các khâu công tác để xây dựng được một kho dữ liệu số trong các lĩnh vực nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, phân tích, tổng hợp, lưu trữ và việc sử dụng tài liệu số tham gia phiên tòa, phiên họp của các Kiểm sát viên. VKSND thành phố Hải Phòng tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu trong Bảng xếp hạng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của ngành Kiểm sát nhân dân.

3.2. Một số giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tại VKSND thành phố Hải Phòng từ nay đến năm 2026

Một là, phát triển hạ tầng kỹ thuật tổng thể:

Đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật CNTT với các công nghệ tiên tiến, đảm bảo cho sự ổn định và phát triển lâu dài; xây dựng hệ thống mạng đường trục giữa VKSND cấp tỉnh và các VKSND cấp huyện. Chuyển đổi toàn bộ địa chỉ giao thức mạng Ipv4 sang giao thức Ipv6, ưu tiên tập trung chuyển đổi Ipv6 cho trang tin điện tử và các đường truyền internet có sử dụng IP tĩnh của VKSND hai cấp; nâng cấp hệ thống hội nghị truyền hình của VKSND hai cấp để đảm bảo hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động ổn định, có độ tin cậy cao, chất lượng tín hiệu hình ảnh, âm thanh hoạt động tốt, khả năng bảo mật cao theo đúng quy định của Bộ Thông tin và truyền thông theo Công văn số 2558/BTTTT-CBĐTW ngày 02/8/2019 về việc công bố tài liệu hướng dẫn việc xây dựng, triển khai hạ tầng mạng và hệ thống thiết bị; tiêu chuẩn kỹ thuật nối các hệ thống hội nghị truyền hình; ứng dụng CNTT phục vụ các cuộc họp trực tuyến. Có thể áp dụng phương án sử dụng đường truyền internet riêng cho hệ thống hội nghị trực tuyến và hệ thống mạng không dây. Xây dựng các giải pháp họp trực tuyến cho 100% cán bộ, công chức trong toàn ngành để phục vụ các cuộc họp trực tuyến có nội dung không mật và làm việc từ xa trong trường hợp cần thiết.

Lắp đặt đường truyền riêng hoặc thiết lập 01 vLAN riêng cho hệ thống mạng không dây của các đơn vị, đảm bảo hệ thống mạng không dây đạt chuẩn wifi 802.11n (chạy trên dải tần 2.4GHz) và 802.11ac (chạy trên giải tần 5GHz). Lắp đặt ít nhất 02 đường mạng internet cáp quang tốc độ cao với tốc độ mạng tối thiểu 1Gbps sử dụng cho hai cấp Kiểm sát, trong đó VKSND thành phố chịu trách nhiệm quản lý hệ thống mạng, cấp phát địa chỉ IP và quản trị hệ thống mạng. Đảm bảo hệ thống mạng có thể cung cấp kết nối mạng ổn định cho tối thiểu 500 nút mạng. Thay mới thiết bị tường lửa, mua bản quyền phần mềm tường lửa và định kỳ cập nhật bản cập nhật mới cho hệ thống tường lửa, hệ thống mạng, các bản vá cho máy chủ của đơn vị và kiểm tra, nâng cấp 100% nút mạng nội bộ (LAN) lên tốc độ kết nối tối thiểu là 1Gbps. Lập sơ đồ mạng, đánh số từng cổng mạng trong các phòng làm việc, đảm bảo tất cả các nút mạng nội bộ đều được kết nối về phòng máy chủ.

Hai là, về phần mềm công nghệ thông tin:

Đưa vào sử dụng các phần mềm do VKSND hai cấp của Hải Phòng xây dựng trong một số khâu công tác chưa có phần mềm dùng chung của VKSND tối cao như: Phần mềm sổ thụ lý điện tử kiểm sát thi hành án hình sự; phần mềm sổ thụ lý điện tử kiểm sát tạm giữ tạm giam; phần mềm sổ thụ lý điện tử tin báo, tố giác tội phạm; phần mềm sổ thụ lý điện tử thi hành án dân sự…, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát tại các khâu công tác này. Trong quá trình sử dụng sẽ từng bước cải tiến, nâng cao các tính năng của phần mềm để phát huy tối đa hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian, công sức cho cán bộ, Kiểm sát viên; tiếp tục khuyến khích các VKSND quận, huyện tự xây dựng các phần mềm mới có tính ứng dụng cao, không trùng lặp với các hệ thống phần mềm do VKSND tối cao xây dựng để phát triển lên phiên bản web và triển khai ứng dụng vào thực tiễn.

Ba là, tăng cường an ninh mạng và an toàn thông tin:

Tăng cường đầu tư để trang bị các thiết bị tường lửa cho hệ thống mạng của VKSND hai cấp. Trang bị các phần mềm giám sát và bảo vệ an ninh mạng với các tính năng cơ bản như: Theo dõi, phát hiện và cảnh báo các mối nguy hại ở lớp mạng; theo dõi, phát hiện và cảnh báo các mối nguy hại xảy ra tại các thiết bị đầu cuối; chủ động bảo vệ toàn bộ hệ thống mạng với khả năng quét và diệt virus theo thời gian thực; ngăn chặn các cuộc tấn công ATP và các loại mã độc có chức năng mã hóa dữ liệu có thể lây nhiễm qua mạng nội bộ.

Trang bị hệ thống máy chủ VPN để đảm bảo an toàn trong việc truy cập vào các phần mềm hoạt động trên nền web cài đặt trên máy chủ của VKSND thành phố. Đảm bảo 100% máy tính có kết nối mạng phải được cài đặt phần mềm bản quyền về: Hệ điều hành, phần mềm office, phần mềm diệt virus,… Định kỳ kiểm tra bảo mật, cập nhật các bản vá lỗi của phần mềm và hệ điều hành. Thường xuyên sao lưu dữ liệu ra bộ nhớ lưu trữ cắm ngoài để đảm bảo an toàn dữ liệu. Tiếp tục sử dụng riêng các máy tính không kết nối mạng để số hóa hồ sơ hoặc soạn thảo các văn bản tố tụng như các lệnh, quyết định, cáo trạng, phiếu đề xuất, báo cáo án…, qua đó đảm bảo tính bảo mật đối với các thông tin chưa được phép công bố.

Bốn là, nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ của lãnh đạo, kiểm sát viên, cán bộ, công chức Viện kiểm sát hai cấp trong việc ứng dụng CNTT:

Các đơn vị VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng phải xác định rõ việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc; xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể, đưa nội dung này vào công tác kiểm tra, giám sát; có đánh giá sơ kết, tổng kết để có sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân đơn vị làm tốt; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, đơn vị làm chưa tốt.

Năm là, cần đặc biệt quan tâm nguồn lực đầu tư cho CNTT:

VKSND tối cao cần có cơ chế, chính sách quan tâm đặc biệt về nguồn kinh phí đầu tư cho hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và cơ chế khuyến khích đối với cán bộ chuyên trách làm công tác CNTT trong ngành. Cần quy định một mục lục tài khoản riêng về CNTT để bảo đảm việc đầu tư được ổn định. Riêng VKSND thành phố Hải Phòng tiếp tục dành một phần kinh phí thỏa đáng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của địa phương để hằng năm trang bị thêm các thiết bị về hạ tầng CNTT, về an ninh mạng và an toàn thông tin; từng bước nâng cấp hạ tầng kỹ thuật CNTT và hệ thống an toàn, an ninh mạng tại các đơn vị VKSND hai cấp thành phố Hải Phòng, đáp ứng được nhu cầu ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại các đơn vị trong thời gian tới.

Ts. Nguyễn Sơn Hà

(kiemsat.vn)
Tìm kiếm