Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS 1999) quy định về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiểm đoạt chất ma túy. Điều luật quy định 4 hành vi...
Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999 (BLHS 1999) quy định về tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiểm đoạt chất ma túy. Điều luật quy định 4 hành vi (tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt), mà mỗi hành vi đó cấu thành 1 tội độc lập, như vậy Điều 194 BLHS 1999 gồm 4 tội khác nhau (tội ghép), mặt khác tại khoản 1 Điều 194 là cấu thành cơ bản của các tội này không quy định mức tối thiểu khối lượng chất ma túy làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, do đó có những khó khăn nhất định cho các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ án.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS) đã quy định 4 hành vi nêu trên thành 4 tội khác nhau: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy- Điều 249, tội vận chuyển trái phép chất ma túy- Điều 250, tội mua bán trái phép chất ma túy- Điều 251, tội chiếm đoạt chất ma túy- Điều 252. Trừ Điều 251 tội mua bán trái phép chất ma túy, còn lại cấu thành cơ bản quy định tại khoản 1 các điều 249, 250, 252 đều có quy định về khối lượng tối thiểu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Quy định đối với 4 tội phạm về ma túy nêu trên trong BLHS đã thể hiện sự tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp và tạo thuận lợi cho các cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên quy định về tình tiết định tội tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS vẫn còn một số vấn đề cần phải xem xét:
Thứ nhất: Tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 251 BLHS đều quy định “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy đinh tại điều này…chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;”. Theo cách hiểu của bản thân, tình tiết định tội quy định tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250 ,252 BLHS là để áp dụng đối với các trường hợp đã thực hiện hành vi tương ứng với các Điều luật, mà khối lượng chất ma túy nhỏ hơn mức thấp nhất được quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 trong mỗi Điều luật, nhưng vì họ có nhân thân xấu liên quan đến vi phạm, tội phạm về ma túy nên phải bị xử lý về hình sự. Tuy nhiên quy định trong điều luật không đầy đủ, rõ ràng nên trong thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau.
Thứ hai: Tại điểm a khoản 1 các điều 249, 250, 252 BLHS quy định rõ “…đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội quy định tại các Điều 248, 250, 251, 252 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Vấn đề đặt ra ở đây là: Các Điều luật đều quy định rõ việc bị kết án tại các Điều luật cụ thể (248, 250, 251, 252) của BLHS, vậy với tình tiết định tội này đối với người đã bị kết án về các tội quy định tại Điều 193, 194 BLHS 1999 (tương ứng với các điều 248, 249, 250, 251, 252 BLHS) chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không, nếu không bị xử lý về hình sự thì sẽ không đảm bảo sự công bằng, khách quan, còn nếu xử lý về hình sự thì lại không đảm bảo đúng theo quy định của Điều luật. Đây là vấn đề vướng mắc cần có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Để khắc phục những hạn chế, vướng mắc như phân tích ở trên, đề nghị sửa đổi bổ sung điểm a khoản 1 các Điều 249, 250, 252 BLHS như sau: “a) Khối lượng chất ma túy dưới mức thấp nhất quy định từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều này, hoặc đã vị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này, hoặc đã bị kết án về một trong các tội: Tội sản xuất trái phép chất ma túy, tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tội mua bán trái phép chất ma túy, tội chiếm đoạt chất ma túy , chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;”.
Vi Văn Hải – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Điện Biên
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Điện Biên)