Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục (số 329-HS2 ngày 11/5/1967) của TAND tối cao, tội dâm ô được hướng dẫn “Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác,...
Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục (số 329-HS2 ngày 11/5/1967) của TAND tối cao, tội dâm ô được hướng dẫn “Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó...".
Trước khi có bộ luật hình sự, việc xét xử các tội phạm hình sự nói chung, tội dâm ô nói riêng được các Toà án xử theo án lệ, theo các Sắc lệnh, Pháp lệnh, theo Hướng dẫn của TANDTC.
Tại “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục“ (số 329 - HS2 ngày 11/5/1967 của TAND tối cao), tội dâm ô được hướng dẫn như sau:
“Dâm ô tức là có hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thoả mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục của người đó (ví dụ như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, tác động dương vật vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong, ấn dương vật vào sau quần, cho xuất tinh vào sau quần, bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình…).
….
Can phạm thông thường là đàn ông, nhưng trong một số trường hợp hết sức cá biệt có thể là đàn bà.
…dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tròn mức hình phạt từ 3 tháng đến 2 năm tù… đối với người lớn từ cảnh cáo đến 1 năm tù".
Năm 1985, Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước ta đã xoá bỏ tội dâm ô. Ngày 22/5/1997, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, luật này đã quy định bổ sung Điều 202b về tội dâm ô đối với trẻ em. Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC- VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998 của Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ (nay là Bộ công an) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đã hướng dẫn hành vi dâm ô đối với trẻ em là hành vi như “sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em".
Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy định tội dâm ô dối với trẻ em tại Điều 116 trên cơ sở Điều 202b.
Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sửa đổi “Tội dâm ô đối với trẻ em” là “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”; đồng thời, tội này cùng các tội phạm khác về tình dục (từ Điều 141 đến Điều 145), ngoài khái niệm “giao cấu" còn quy định khái niệm “các hành vi quan hệ tình dục khác", cụ thể như sau:
“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị…”
“Giao cấu" được hiểu là hình thức quan hệ tình dục bằng cách đưa bộ phận sinh dục nam vào bên trong bộ phận sinh dục nữ. “Các hành vi quan hệ tình dục khác“ có thể bao gồm các hình thức quan hệ tình dục như: Quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng (đưa bộ phận sinh dục nam vào miệng của nữ hoặc miệng của nam xâm nhập bộ phận sinh dục nữ), quan hệ tình dục bằng tay, quan hệ tình dục bằng cách liếm bộ phận sinh dục (hoặc là hôn hít bộ phận sinh dục)...
Với cách hiểu “giao cấu và các hành vi quan hệ tình dục khác“ như nêu trên, thì tất cả các hành vi khác tác động lên nạn nhân nhằm thoả mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô. Tức là chỉ sờ soạng lên thân thể nạn nhân đã bị coi là hành vi dâm ô.(*)
Như vậy, có thể đưa ra khái niệm về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau:
Dâm ô là hành vi của người từ đủ 18 tuổi trở lên (có thể là nam hoặc nữ) sờ soạng lên thân thể người chưa đủ 16 tuổi trở xuống, như: sờ mông, sờ đùi, sờ ngực, sờ bộ phận sinh dục… bất kể là nạn nhân đồng ý hay không.
Nếu thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi hoặc dùng mọi thủ đoạn khiến họ miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, như: quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng, bằng tay, quan hệ tình dục bằng cách liếm, hôn hít bộ phận sinh dục thì phải xem xét xử lý theo Điều 145 hoặc Điều 144 BLHS.
Chúng tôi cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm tình dục đối với người chưa thành niên trong tình hình hiện nay, TAND tối cao, VKSND tối cao và Bộ Công an cần sớm có hướng dẫn mới về xử lý loại tội này, đặc biệt là đối với Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Rõ ràng là việc hiểu về hành vi dâm ô như nêu tại Bản tổng kết…số 329 HS2 và Thông tư liên tịch 01/1998/TTLT nêu trên không còn phù hợp với tình hình hiện nay, khiến cho việc xử lý tội phạm này thời gian gần đây đã gây bức xúc trong dư luận xã hội./.
(*) Ở Nhật Bản: Hành vi sờ soạng lên thân thể người chưa đủ 13 tuổi trở xuống bị coi là hành vi dâm ô đối với trẻ em, hình phạt đối với tội này là từ 6 tháng đến 10 năm tù (Điều 176 BLHS Nhật Bản).
Ngô Cường, Nguyên Vụ trưởng Vụ HTQT – TANDTC
(kiemsat.vn)