Trong thực tiễn giải quyết các vụ án ma túy, việc áp dụng các văn bản hướng dẫn vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc xử lý Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 255 Bộ luật Hình sự) và Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258 Bộ luật Hình sự). Điều này đòi hỏi sớm hoàn thiện quy định của pháp luật để khắc phục vướng mắc; tạo sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
Nội dung vụ án:
Nguyễn Văn A (30 tuổi) và Trần Văn B (28 tuổi) có mối quan hê bạn bè thân thiết, A thường xuyên đến nhà B chơi và sử dụng ma túy. Vào 20 giờ 30 phút ngày 18/12/2022, A qua nhà B chơi thì B đi vắng và giao nhà cho Nguyễn Trần C (25 tuổi) trông coi. C biết A là bạn thân của B nên để cho A vào nhà chơi. Tại đây, A lấy các dụng cụ sử dụng ma túy (ống nỏ, bật lửa…) trong túi áo rồi tự sử dụng ma túy trước sự chứng kiến của C. C biết nhưng không có ý kiến gì vì đã nhiều lần chứng kiến A và B sử dụng ma túy. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, Trần Vĩ D (29 tuổi) gọi điện thoại cho A để hẹn trả tiền đã vay trước đó thì A nói đến địa chỉ nhà B. Tại đây, D thấy A đang nằm trên giường, dưới chân giường là ma túy vừa sử dụng và các dụng cụ sử dụng ma túy nên D ngồi xuống và tự sử dụng ma túy (lời khai của A xác định A thấy D sử dụng ma túy của mình, nhưng vì đã nhiều lần cùng sử dụng ma túy với D nên tuy không nói gì nhưng A đã đồng ý và để cho D sử dụng).
Khi thấy C đang nằm chơi điện thoại thì D rủ C cùng sử dụng ma túy với mình, C đã đồng ý. Khi cả hai đang sử dụng ma túy thì bị Tổ công tác Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an huyện X bắt quả tang và thu giữ các tang chứng, vật chứng nghi là ma túy tại hiện trường.
Kết luận giám định số 113/PC09 ngày 20/12/2022 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Y xác định: Các hạt tinh thể bên trong 01 bịch nilon (ký hiệu A1) thu tại nhà B gửi giám định là ma túy, loại ketamine, có khối lượng 1,3568 gam.
Quá trình giải quyết vụ án có nhiều ý kiến khác nhau về hướng xử lý đối với hành vi của Trần Vĩ D.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, phải xử lý D về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) với vai trò đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn A.
Trong vụ án này, mặc dù giữa D và A không có sự bàn bạc, thống nhất trong việc tổ chức cho C sử dụng trái phép chất ma túy nhưng sau khi sử dụng ma túy của A, D đã cung cấp cho C sử dụng trái phép. Việc làm trên mặc dù không được sự đồng ý thể hiện bằng hành vi của A, song trong quá trình D cung cấp ma túy cho C sử dụng, A không phản đối. Do đó, có đủ căn cứ để xác định A đã mặc nhiên đồng ý cho D sử dụng ma túy của mình và cung cấp cho C sử dụng. Vì vậy, A phải bị xử lý về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 2 Điều 255 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung “phạm tội đối với 02 người trở lên”, còn Trần Vĩ D phải bị xử lý về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015 với vai trò đồng phạm giúp sức cho A.
Quan điểm thứ hai cho rằng, phải xử lý D về hành vi độc lập với Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015.
Giữa D và A không có sự bàn bạc, thống nhất trong việc cung cấp ma túy cho C sử dụng trái phép. Mặt chủ quan của Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đòi hỏi người thực hiện hành vi do lỗi cố ý. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là mong muốn đưa chất ma túy vào cơ thể của người khác thì không phải là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Việc D rủ rê và cung cấp ma túy cho C sử dụng là hành vi vượt quá phạm vi quyền sử dụng nguồn ma túy của A, mặc dù A có ý thức bỏ mặc việc D tự ý quyết định việc sử dụng ma túy của mình, tuy nhiên không đủ cơ sở để xác định A có mục đích đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của C. Bởi lẽ, trong suốt quá trình A sử dụng, A không rủ rê cũng không cung cấp ma túy cho C sử dụng. C cũng xác định chỉ sử dụng ma túy khi được D rủ.
Do đó, D phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi độc lập với Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ ba cho rằng, phải xử lý D về Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 258 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, D đã có hành vi dùng lời nói rủ rê, lôi kéo nhằm gợi sự ham muốn sử dụng ma túy của C. Do đó, D phải bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 258 BLHS năm 2015.
Tác giả cho rằng, “tổ chức” được hiểu là sự sắp xếp, bố trí cho thành một chỉnh thể, có một cấu tạo hoặc là sự sắp xếp, bố trí cho thành có trật tự, có nền nếp; hay làm những gì cần thiết để tiến hành một hoạt động nào đó nhằm có được hiệu quả tốt nhất.
Trước đây, theo quy định tại Mục 2 Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 05/9/1998 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương VIIA - Các tội phạm về ma túy của BLHS năm 1985 (Thông tư liên tịch số 02/1998) thì hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 185i BLHS (nay là Điều 255 BLHS năm 2015) là một trong các hành vi sau: Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý, cũng như tìm địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy (trừ hành vi bán trái phép chất ma túy) cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; tìm người sử dụng chất ma túy cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của người đó;… Theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 02/1998, việc “cung cấp” trái phép chất ma túy cho người khác sử dụng (người thụ hưởng) là một trong những hành vi khách quan cấu thành Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, đến Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của liên ngành trung ương hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII - Các tội phạm về ma túy của BLHS năm 1999 (Thông tư liên tịch số 17/2007) thì hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đã được quy định cụ thể tại tiểu mục 6.1 mục 6. So với Thông tư liên tịch số 02/1998, thì hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đã được sửa đổi, bổ sung đáng kể. Cụ thể:
“Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:
a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy”.
Như vậy, nội dung hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17/2007 đã thể hiện bản chất cốt lõi của hành vi “tổ chức” đó là chuỗi hành vi “chỉ huy, phân công, điều hành”. Đây là chuỗi hành vi bắt buộc của người phạm tội nhằm “phác họa” rõ nét hình ảnh của một đối tượng phạm tội với vai trò “tổ chức”, đồng thời cũng phản ánh tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Sự thay đổi trên có ý nghĩa quyết định trong việc nhận thức hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy so với hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/1998.
Tác giả đồng ý với quan điểm nêu tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử (gọi tắt là Công văn số 89/2020), hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hoàn toàn khác với loại hình tội phạm có tổ chức, bởi lẽ nếu phạm tội có tổ chức là “hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm thì người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không cần sự “chặt chẽ” nêu trên.
Tuy nhiên, chính sự không thống nhất trong giải đáp của Công văn số 89/2020 và nhận thức pháp luật của từng địa phương dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Cụ thể, tại mục 1 Công văn số 89/2020 xác định: “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”. Đối chiếu với các quy định tại Thông tư liên tịch số 02/1998 và Thông tư liên tịch số 17/2007, có thể nhận thấy, nội dung “cung cấp ma túy” chỉ được xem là hành vi khách quan độc lập cấu thành Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/1998. Ngược lại, theo Thông tư liên tịch số 17/2007, đây chỉ là một hoạt động được thực hiện theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người tổ chức sử dụng ma túy, từ đó được xem là một trong những hành vi giúp sức của loại tội phạm này. Nội dung giải đáp tại Công văn số 89/2020 cho rằng đây là một trong những hành vi khách quan (vượt ngoài phạm vi điều chỉnh hành vi khách quan của tội này theo điểm a, b tiểu mục 6.1 Mục 6 Thông tư liên tịch số 17/2007) là chưa đúng với bản chất và những dấu hiệu cấu thành đặc trưng của Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hiện nay. Có thể thấy, nội dung trên tuy phù hợp với tinh thần Thông tư liên tịch số 02/1998 nhưng đi ngược với tinh thần Thông tư liên tịch số 17/2007 (là văn bản quy phạm pháp luật đã thay thế Thông tư liên tịch số 02/1998).
Nội dung này cũng mâu thuẫn với hướng dẫn tại mục 2 Công văn liên quan đến Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 258 BLHS năm 2015). Bởi lẽ, hiện nay hầu hết hành vi của các đối tượng rủ rê, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy đều cùng một điểm chung là có hoặc đã chuẩn bị sẵn ma túy. Sau khi rủ rê, lôi kéo, những đối tượng này cung cấp hoặc người thụ hưởng tự chủ động trong việc sử dụng ma túy có sẵn. Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có phạm vi rộng hơn hành vi rủ rê, lôi kéo và chỉ được phân định ở mục đích phạm tội. Đối với Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, người phạm tội nhằm mục đích đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác thì ở Tội lôi kéo người sử dụng trái phép chất ma túy, người phạm tội nhằm mục đích khơi dậy, khêu gợi sự ham muốn của người thụ hưởng. Nếu theo hướng dẫn tại Công văn và đường lối xử lý hiện nay của các cơ quan tiến hành tố tụng thì tất cả các trường hợp trên đều bị xử lý về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mà không phải về Tội lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy; hoặc nếu người rủ rê, lôi kéo không có ma túy thì cũng bị xem là hành vi giúp sức cho người cung cấp ma túy (người tổ chức) trong Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
Từ nhận thức trên đã làm phát sinh xung đột trong việc áp dụng pháp luật để xử lý Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Một số cơ quan tiến hành tố tụng vận dụng Công văn số 89/2020 để xử lý người có hành vi “có ma túy, sau đó rủ đối tượng khác cùng sử dụng” về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 255 dẫn đến nhầm lẫn về nhận thức trong quá trình định tội danh, phân biệt giữa Điều 255 và 258 BLHS năm 2015.
Trở lại tình huống trên, D tuy đã thực hiện các hành vi sử dụng lời nói, ma túy để rủ rê, lôi kéo C cùng sử dụng ma túy với mình, nhưng theo hướng dẫn tại điểm c Mục 1 Công văn số 03/VKS ngày 03/01/2000 của VKSND tối cao về việc hướng dẫn thống nhất đường lối xử lý một số trường hợp cụ thể thuộc các tội phạm về ma túy đã xác định: “Để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cưỡng bức, lôi kéo theo quy định của Điều 185 (m) thì người bị cưỡng bức, lôi kéo phải được xác định là người không có nhu cầu sử dụng trái phép chất ma túy”. Người không có nhu cầu sử dụng trái phép chất ma túy là người không có mong muốn hay nguyện vọng muốn sử dụng trái phép chất ma túy, hay nói cách khác đây là người chưa từng sử dụng trái phép chất ma túy đến trước thời điểm bị lôi kéo hoặc bị cưỡng bức. Như vậy, để xác định D có phải là người rủ rê, lôi kéo hay không cần phải xác định, trước thời điểm vụ án, C đã từng sử dụng trái phép chất ma túy chưa (hoặc nếu đã từng sử dụng ít nhất 01 lần thì việc sử dụng có được duy trì thường xuyên không, hay từ lần đầu sử dụng cho đến lần bị phát hiện là lần thứ mấy sử dụng?) hay chỉ vì bị D rủ rê, lôi kéo nên đã khơi dậy sự ham muốn sử dụng trái phép chất ma túy để làm cơ sở xác định C là người có hay không có nhu cầu sử dụng trái phép chất ma túy. Từ đó, mới xem xét D có phạm Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 258 BLHS năm 2015 hay không.
Ngoài ra, theo hướng dẫn tại Công văn số 89/2020, để đánh giá một người phạm tội theo Điều 258 BLHS năm 2015 cần xác định rõ đối tượng và người thụ hưởng có trong tình trạng nghiện ma túy hay không. Giải đáp này mâu thuẫn với chính các văn bản hướng dẫn hiện nay. Cụ thể:
Tại Thông tư liên tịch số 17/2007: Không có nội dung nào đề cập đến việc loại trừ xử lý hình sự đối với người nghiiện ma túy trong Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử (Công văn số 02/2021): “Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 của BLHS thì: “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này...”. Quy định này không loại trừ việc xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.
Tại Công văn số 5442/2020/VKSTC-V14 ngày 30/11/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và thi hành án hình sự, trong đó hướng dẫn: “Khoản 1 Điều 255 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”. Như vậy, bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể của tội phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma túy”.
Các hướng dẫn nêu trên đều cho thấy quy định về chủ thể của tội phạm trong BLHS hiện hành là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để đánh giá một cá nhân có phải là người phạm tội hay không. Ngoài các trường hợp đặc biệt được BLHS quy định cụ thể về chủ thể như người có chức vụ, quyền hạn; người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp… thì “người nghiện ma túy” không phải là trường hợp được loại trừ xử lý hình sự trên cơ sở kết cấu các Điều luật về tội phạm ma túy hiện nay. Có thể thấy, các văn bản trên chưa cụ thể, dẫn đến các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp khó khăn trong quá trình xử lý vụ án, cụ thể là việc quyết định có bắt buộc hay không bắt buộc phải xác định tình trạng nghiện ma túy của các đối tượng với Tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy?
Bên cạnh đó, thực tiễn vẫn còn sự mâu thuẫn về đường lối giải quyết các vụ án ma túy trong trường hợp bắt quả tang, thu giữ tang vật nhưng giám định không có chất ma túy, dù cho các đối tượng xác định tang vật thu được là ma túy thì không xử lý về tội phạm ma túy, nhưng khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007 (Thông tư liên tịch số 08/2015): “... Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”. Ngoài ra, trường hợp không thu giữ được ma túy liên quan (do các đối tượng đã sử dụng hết hoặc ma túy thu giữ không đồng chất với kết quả test ma túy) nhưng tất cả những lời khai của các đối tượng có mặt đều phù hợp với nhau và có các chứng cứ khác có đủ căn cứ xác định đã sử dụng ma túy như đĩa, nỏ, ống hút… thì có xem xét xử lý về hành vi tổ chức, lôi kéo sử dụng trái phép chất ma túy không?
Nhằm khắc phục những vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật, tác giả kiến nghị liên ngành tư pháp trung ương cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫn về việc giải quyết các vụ án ma túy nhằm đảm bảo việc thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy được thống nhất, đồng bộ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; giúp cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng nhận thức sâu sắc, đúng đắn ý nghĩa của từng loại tội, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án ma túy. Đặc biệt, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế Thông tư liên tịch số 08/2015 hướng dẫn xử lý các tội phạm về ma túy phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, trong đó cần làm rõ một số nội dung sau:
- Định nghĩa về hành vi khách quan của các loại tội phạm về ma túy dễ gây nhầm lẫn như: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Do vậy, cần có hướng dẫn nhằm phân định rõ ràng và hướng xử lý phù hợp với những trường hợp đối tượng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy có quy mô (trên cơ sở các tiêu chí như: Số lượng người thụ hưởng, gắn kết có hệ thống như chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất...) với các hành vi mang tính bộc phát cá nhân, mục đích giản đơn (rủ cùng sử dụng ma túy cho vui trong các buổi tiệc, hoặc để trả ơn, đền đáp,...; hoặc có số lượng người thụ hưởng không nhiều).
- Làm rõ việc xác định chủ thể của tội phạm về ma túy gồm những đối tượng nào: Người nghiện ma túy, người không nghiện ma túy hay bất kỳ người nào đủ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS hiện hành? Làm rõ khái niệm “người khác” trong hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác.
Phạm Công Tuấn - Nguyễn Đức Hà