Cùng với quá trình tiếp nhận hồ sơ vụ án, công tác tiếp nhận, bảo quản, xử lý vật chứng luôn được quan tâm, chú trọng và thực hiện chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn, vẫn còn nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc.
1. Một số khó khăn, vướng mắc
Một là, khó khăn trong việc trích xuất vật chứng để phục vụ xét xử tại phiên tòa ở một số vụ án do khoảng cách giữa cơ quan Thi hành án (quản lý vật chứng) với địa điểm xét xử cách xa nhau. Pháp luật quy định: Tòa án phải có trách nhiệm vận chuyển, bảo quản vật chứng khi trích xuất vật chứng từ kho vật chứng để phục vụ xét xử tại phiên tòa, sau khi xét xử xong phải giao lại vật chứng cho cơ quan Thi hành án gây tốn kém sức người, sức của và ít nhiều ảnh hưởng đến các hoạt động khác.
Hai là, về tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án hình sự được thu thập ở giai đoạn điều tra, truy tố: Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không xác định là vật chứng của vụ án nên đã tiến hành xử lý các tài liệu, đồ vật nói trên. Khi Tòa án thụ lý vụ án để giải quyết lại xác định đây là những vật chứng quan trọng. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để thu thập lại các tài liệu, đồ vật mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã xử lý. Nhiều trường hợp Cơ quan điều tra thu giữ đồ vật, tài liệu không liên quan đến vụ án, không có ý nghĩa pháp lý, khi bàn giao hồ sơ vụ án kèm theo những đồ vật, tài liệu này buộc Tòa án phải xử lý trả lại cho chủ sở hữu trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa, hoặc thu giữ những tài liệu, giấy tờ gốc (giấy khai sinh, giấy phép lái xe…) ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo, đương sự.
Ba là, vật chứng là tiền có thể được thu thập trong một số vụ án trộm cắp tài sản, nhận hối lộ, đánh bạc… Điểm b khoản 1 Điều 90 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định vật chứng là tiền phải được giám định ngay sau khi thu thập. Tuy nhiên, thực tế trong một số vụ án nhận hối lộ, đánh bạc…, cơ quan tiến hành tố tụng không tiến hành giám định tiền để xác định tiền là thật hay giả mà chỉ lập biên thu giữ tang vật trong đó ghi nhận tổng số tiền đã tịch thu. Sai sót này dẫn đến việc bị can, bị cáo hoặc đương sự trong vụ án khiếu nại với lý do số tiền là vật chứng trong vụ án không phải là tiền của họ hoặc có sự đánh tráo tiền thật thành tiền giả… Trước đây, vật chứng là tiền sẽ được cơ quan tiến hành tố tụng bảo quản tại ngân hàng. Từ khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành thì vật chứng là tiền phải được bảo quản tại Kho bạc Nhà nước. Thực tiễn hiện nay vẫn có vụ án bảo quản vật chứng là tiền, cơ quan tiến hành tố tụng gửi tiền là vật chứng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng tại ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước là không đúng quy định vì không đảm bảo được tính nguyên vẹn của vật chứng, thậm chí còn gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố xét xử, nhất là đối với vật chứng là tiền lưu dấu vết của tội phạm.
Bốn là, việc tiếp nhận, thu thập, bảo quản, chứng cứ là phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được quy định tại các Điều 88, 89, 90, 107 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, việc này cũng gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các thao tác để tiếp cận với dữ liệu điện tử, người thực hiện cũng có thể có những sơ suất hoặc do không may có sự cố xảy ra. Ví dụ: Nguyễn Văn A bị khởi tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Quá trình điều tra vụ án, A bị thu giữ điện thoại di động có chứa các dữ liệu liên quan đến hành vi phạm tội. Cơ quan điều tra đã làm việc và xác định một số nội dung được lưu trữ trong điện thoại và in ra thành văn bản để A xác nhận, sau đó, niêm phong điện thoại. Tuy nhiên, khoảng 20 ngày sau, qua đấu tranh thì lời khai của A có rất nhiều mâu thuẫn, nên Cơ quan điều tra tiếp tục mở điện thoại để làm việc với A, thì toàn bộ dữ liệu trong điện thoại đã bị mất hết. Như vậy, khó có thể xác định được lý do dữ liệu bị mất và lỗi của ai để xử lý. Khi tiến hành giải quyết vụ án hình sự có liên quan đến phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trình độ am hiểu nhất định về công nghệ thông tin và dữ liệu điện tử, đặc biệt là trong các vụ án mà đối tượng phủ nhận hành vi phạm tội và có những thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội, trường hợp này người tiến hành tố tụng phải có cách tiếp cận dữ liệu điện tử kịp thời, giải mã dữ liệu nhanh chóng và bảo quản phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử đảm bảo.
Năm là, khi Viện kiểm sát giao bản Cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo cho Tòa án. Vấn đề đặt ra là các vật chứng đều được niêm phong thì theo quy định của pháp pháp luật, cán bộ Tòa án đảm nhiệm công tác thụ lý vụ án cũng không có quyền mở niêm phong để kiểm tra tình trạng, số lượng vật chứng. Hiện nay, về thủ tục tiếp nhận vật chứng dưới hình thức gói niêm phong trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể nên trong quá trình thực hiện gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tiễn, trong nhiều trường hợp (khi đối chiếu với biên bản giao nhận vật chứng) thì Tòa án vẫn nhận và thụ lý vụ án là chưa đúng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc Thẩm phán cần mở niêm phong để xem xét, đánh giá chứng cứ trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa cũng khó khăn vì có nhiều trường hợp khó đảm bảo thành phần tham gia mở niêm phong theo quy định của pháp luật.
2. Đề xuất, kiến nghị
Thứ nhất, các cơ quan tiến hành tố tụng cần chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, bảo quản vật chứng; hàng năm cơ quan chuyên môn cấp trên tổ chức tập huấn cần lồng ghép về công tác tiếp nhận, bảo quản và xử lý vật chứng cho đội ngũ cán bộ.
Thứ hai, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác tiếp nhận, bảo quản và xử vật chứng trong tố tụng hình sự; quy định cụ thể trách nhiệm, chế tài đối với cán bộ làm công tác thu thập, đánh giá, bảo quản và xử lý tài liệu, đồ vật, vật chứng, đặc biệt đối với các loại vật chứng đặc thù như tiền, ma túy, vũ khí quân dụng…
Thứ ba, do nhận thức và hiểu biết về phương tiện điện tử của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng còn hạn chế nên việc thu giữ, bảo quản phương tiện, dữ liệu điện tử hiện nay chưa được thống nhất về cách thức tiến hành. Điều này ảnh hưởng đến tính khách quan và nguyên gốc của dữ liệu. Vì vậy, vấn đề tiếp nhận, khai thác và bảo quản chứng cứ là dữ liệu điện tử cần phải có hướng dẫn cụ thể của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Đồng thời, bản thân người tiến hành tố tụng cũng cần phải tự nghiên cứu, tìm hiểu nguyên lý, đặc điểm, chức năng của một số phương tiện điện tử thông thường, nguyên lý hoạt động của mạng viễn thông, mạng xã hội… để vận dụng có hiệu quả khi giải quyết các vụ án hình sự.
Thứ tư, để thực hiện theo đúng quy định về bàn giao hồ sơ vụ án, tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá vật chứng dưới hình thức gói niêm phong, cơ quan chuyên môn cấp trên cần hướng dẫn cụ thể việc giao nhận, mở niêm phong vật chứng của cán bộ Tòa án làm công tác thụ lý, cũng như của Thẩm phán trước khi mở phiên tòa và tại phiên tòa để thuận lợi trong quá trình giải quyết vụ án. Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện theo biểu mẫu thống kê, xuất, nhập sổ theo dõi vật chứng và các tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan trong vụ án hình sự để việc quản lý, bảo quản, xử lý vật chứng được thống nhất và chặt chẽ; bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất như xây dựng kho vật chứng, tủ, giá… để cất giữ, bảo quản vật chứng đúng quy định của pháp luật./.
Nguyễn Tất Trình, TAQS Khu vực 1 Quân khu 5