CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Xây dựng bản lĩnh người cán bộ Kiểm sát trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

01/11/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới hầu hết các ngành, lĩnh vực cụ thể như sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp trong đó đặc biệt không thể không nhắc đến những người làm việc trong nhánh tư pháp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới hầu hết các ngành, lĩnh vực cụ thể như sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp trong đó đặc biệt không thể không nhắc đến những người làm việc trong nhánh tư pháp.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cho chúng ta những cơ hội để phát triển: Các phương tiện kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến nếu được áp dụng hợp lý sẽ nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, hỗ trợ trong việc quản lý nhân lực, tiến độ giải quyết công việc, số hóa dữ liệu để lưu trữ và khai thác tối ưu, bảo mật thông tin. Nhưng bên cạnh đó là không ít những thách thức, đó là cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Thực tế, tội phạm ngày càng có xu hướng lợi dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, xảo quyệt; công cụ, phương tiện phạm tội ngày càng hiện đại, chuyên dụng như đánh bạc, cá độ trực tuyến, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet. Điển hình các vụ án về cá độ bóng đá qua mạng vừa qua đã được tội phạm thực hiện với quy mô lớn trên toàn quốc một cách tinh vi, chuyên nghiệp hay vấn đề về tiền ảo dù chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một loại tiền tệ, một loại tài sản không được phép giao dịch như tiền điện tử nhưng sức mạnh của tiền ảo hiện nay đã và đang là mối lo ngại lớn, nguy cơ bị xâm phạm, chiếm đoạt, thay đổi dữ liệu hoặc ngừng giao dịch là rất lớn vì giao dịch bằng tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số.

Hiện nay, tội phạm đã bước đầu lợi dụng những tiến bộ khoa học của công nghiệp 4.0 như công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, in 3D… để thực hiện hành vi phạm tội. Người thực hiện hành vi phạm tội lúc này cũng là người có trình độ chuyên môn cao, am hiểu khoa học, kỹ thuật, nên việc đấu tranh, phát hiện sẽ gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang lại những nguy cơ rủi ro bất ổn về mặt xã hội khi tự động hóa nền sản xuất dẫn đến dư thừa lực lượng lao động, đồng nghĩa sẽ tạo ra những mâu thuẫn xã hội về việc làm, thu nhập của người dân, những yếu tố nêu trên sẽ tác động làm thay đổi phương, thức thủ đoạn của tội phạm. Những thay đổi đó cũng dẫn đến những quan niệm, kiến thức truyền thống về tội phạm có những sự thay đổi, ví dụ khái niệm nơi xảy ra tội phạm, hiện trường, việc phân loại, thu thập chứng cứ. 

Vì vậy, trong thời đại bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, người cán bộ Kiểm sát cần phải được trang bị kiến thức, hiểu biết về công nghệ cao, có như vậy mới hiểu được bản chất, phương thức, thủ đoạn mà đối tượng phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi. Phải sử dụng được sức mạnh của công nghệ để kiểm soát tình tình thực hiện nhiệm vụ, các quyết định, phản ứng, chỉ dẫn xử lý sự việc vi phạm và tội phạm phải được đưa ra chính xác với tốc độ nhanh nhất. Để chủ động nắm bắt thời cơ, tận dụng các lợi thế do cuộc cách mạng 4.0 mang lại, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm sát không những vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cần am hiểu công nghệ và biết vận dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào thực hiện nhiệm vụ. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần bổ sung nội dung đào tạo kiến thức công nghệ cao gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ cũng như cách thức bảo mật thông tin công tác kiểm sát trước các cuộc tấn công trên không gian mạng; sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ thông tin phục vụ công tác vào bất cứ lúc nào mà không cần phải trao đổi qua đường thủ công văn bản, công văn như hiện nay.

Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ cấu tổ chức bộ máy hợp lý thì việc đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu bổ sung phương pháp kiểm sát tiên tiến thông qua sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế để đội ngũ cán bộ kiểm sát không bị tụt hậu, thích ứng kịp thời trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0. 

Những vấn đề đặt ra đối với người cán bộ Kiểm sát trong cách mạng công nghiệp 4.0

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 người cán bộ ngoài có có đức, có tài, cần phải có bản lĩnh. Bởi vì có lúc, có việc, có nơi, người tốt thôi chưa đủ tỷ lệ áp đảo người không tốt. Vì thế rất cần người lãnh đạo, người đi đầu có bản lĩnh để thiết lập lại trật tự kỷ cương. Một cán bộ có bản lĩnh cũng cần hội đủ ba tiêu chí: Dám nghĩ, dám làm, dám nói. Dám nghĩ những điều chưa có trong sách, chưa có trong đời để làm vì sự nghiệp củng cố niềm tin của nhân dân và chấn hưng đất nước phù hợp với thời đại khoa học công nghệ. Khi đã nghĩ đúng thì dám dấn thân để làm, quyết tâm đưa cái đúng vào cuộc sống, lấy kết quả cuối cùng để bảo vệ mình. Phải tích cực đổi mới bản thân mỗi người cán bộ gắn với thay đổi môi trường sống để ra đời cái đúng, cái tốt nhiều hơn. Dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói khi im lặng, thủ tiêu đấu tranh cũng là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển. Vì vậy, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động đến tất cả cán bộ, công chức các ngành, lĩnh vực  trong đó người cán bộ kiểm sát cũng cần phải thay đổi đáp ứng công cuộc đổi mới của đất nước, cụ thể:

Thứ nhất, xác định chức năng nhiệm vụ của ngành để hướng đến mục tiêu cố gắng phấn đấu hoàn thiện bản thân để nâng cao năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo, cạnh tranh năng lực tổng kết thực tiễn tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tư duy phân tích và tổng hợp, xử lý thông tin đa chiều. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật thì cập nhật kiến thức cho bản thân mỗi cán bộ, Kiểm sát viên là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế để tránh tình trạng đội ngũ cán bộ ngành kiểm sát bị động, tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu phòng chống tội phạm, bảo vệ pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước cuộc cách mạng 4.0. Đồng thời, mỗi cán bộ ngành kiểm sát  phải tự trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu pháp luật, nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Mọi sự thay đổi của người cán bộ kiểm sát nhằm đáp ứng yêu cầu trong cuộc cải cách tư pháp nói chung và yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng. 

Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi mỗi người cán bộ trong ngành kiểm sát phải thay đổi phương thức thức làm việc nhất là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quá trình xử lý giải quyết công việc. Thực tế cho thấy, ngành kiểm sát cũng đã từng bước đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giải quyết công việc, đổi mới phương thức làm việc có sự tác động mạnh mẽ lớn đến toàn thể cán bộ, công chức ngành như việc giao ban quý, năm của mỗi tỉnh, các hội nghị tập huấn toàn ngành ở cả nước thực hiện qua trực tuyến… Bên cạnh đó, một số đơn vị có cán bộ còn rất hạn chế về áp dụng công nghệ thông tin, việc đổi mới phương thức làm việc còn chậm, hạ tầng công nghệ thông tin vẫn còn lạc hậu. Vì vậy, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở hạ tầng, phù hợp với xu hướng tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. 

Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức toàn ngành kiểm sát. Coi trọng công tác đạo tào bồi dưỡng cán bộ kiểm sát ngoài đáp ứng chức năng nhiệm vụ trọng tâm của ngành đòi hỏi phải có kiến thức, am hiểu ở các lĩnh vực đặc biệt nhất phải có bản lĩnh dám nghĩ, dám làm mới có thể thay đổi tư duy, cách nhìn nhận về những cái đã cũ, đã lạc hậu hướng đến đẩy mạnh công nghệ thông tin trong xử lý công việc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy phải đổi mới mạnh mẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách giáo dục đào tạo cán bộ, đổi mới cả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong lĩnh vực công nghệ mới để vận dụng, liên hệ thực tiễn một cách phù hợp. Đồng thời, phải thường xuyên đánh giá tổng kết sau khi đào tạo bồi dưỡng, thực hiện phối hợp giữa các trường đạo tạo cán bộ kiểm sát với cơ quan đơn vị sử dụng cán bộ.

Nhìn chung, bên cạnh những tác động tích cực đem lại cơ hội tốt, cách mạng 4.0 cũng có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả người dân. Trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo thực thi các quy định pháp luật có vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức nói chung và cán bộ ngành kiểm sát nói riêng phải thay đổi, tiếp cận cái mới là yếu tố tất yếu bắt buộc. Hệ thống pháp luật lao động tiến bộ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực - tài sản quý nhất của quốc gia. Một hệ thống pháp luật lao động phù hợp với các yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa là điều kiện cần thiết để tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh của lực lượng lao động nước ta, góp phần quan trọng vào việc đưa nước ta từ một cường quốc về lao động trở thành một cường quốc về kinh tế trong tương lai. Vì thế, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi phải có giải pháp ở phạm vi toàn cầu để khắc phục những mặt tiêu cực của cuộc cách mạng này. Từ những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên phạm vi toàn cầu, đất nước chúng ta đang có những bước đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ kiểm sát phải có bản lĩnh hoàn thiện bản thân, tiếp cận khoa học công nghệ, học hỏi cái mới để đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Người cán bộ kiểm sát phải có tầm nhìn xa trông rộng trong thời đại 4.0, phải có ngoại ngữ, am hiểu công nghệ thông tin, biết ứng dụng kết nối và lan tỏa, phải đi nhiều để tổng kết thực tiễn.

Nguyễn Thị Sang, VKSND huyện Châu Đức

(kiemsat.vn)

 

Tìm kiếm