CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT - TẤM GƯƠNG CÁCH MẠNG SÁNG NGỜI

26/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
PGS, TS Phạm Văn Linh Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28-5-1905 ở xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Đáp Cầu, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1925, khi đang học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí đã tham gia phong trào bãi khóa và biểu tình phản đối...

 ĐỒNG CHÍ HOÀNG QUỐC VIỆT - TẤM GƯƠNG CÁCH MẠNG SÁNG NGỜI

 
PGS, TS Phạm Văn Linh
Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28-5-1905 ở xã Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, nay là phường Đáp Cầu, Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1925, khi đang học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, đồng chí đã tham gia phong trào bãi khóa và biểu tình phản đối chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Do tham gia những hoạt động yêu nước, đồng chí bị đuổi học, rồi lên mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) làm thợ nguội, sau đó về làm ở mỏ Mạo Khê (Quảng Yên) và Nhà máy cơ khí Carông (Hải Phòng). Năm 1928, đồng chí tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đầu năm 1929, vì tham gia cách mạng bị lộ, đồng chí bị chủ đuổi ra khỏi nhà máy, sau đó được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cách mạng bí mật. Đầu năm 1930, trên đường từ Nam ra Bắc dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, rồi bị kết án tù chung thân biệt xứ và bị đày đi Côn Đảo. Lúc đồng chí còn ở trong tù, Hội nghị của Đảng họp tháng 10-1930 đã cử đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng.
Cuối năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, đồng chí Hoàng Quốc Việt được trả tự do, sau đó về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, cùng một số đồng chí khác khôi phục tổ chức đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động phong trào đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ; được Đảng phân công cùng đồng chí Trường-Chinh phụ trách các tờ báo của Đảng. Năm 1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Đầu năm 1938, đồng chí bị thực dân Pháp trục xuất khỏi Hà Nội, về hoạt động ở vùng Bắc Ninh, Bắc Giang. Năm 1941, đồng chí Hoàng Quốc Việt dự Hội nghị Trung ương 8 của Đảng và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Tại Hội nghị toàn quốc tháng 8-1945, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, sau đó được Trung ương Đảng cử vào Nam Bộ giúp Xứ ủy củng cố chính quyền cách mạng, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất.
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng năm 1951 đến năm 1957, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, phụ trách công tác dân vận, mặt trận, làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Năm 1960 tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, làm Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt - Trung.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ năm 1977, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 5-1983, tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 2, đồng chí được bầu làm Chủ tịch danh dự Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VII.
Xuất thân từ một gia đình công nhân, ở một quê hương giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã sớm hòa mình cùng giới thợ thuyền, từ mỏ Phấn Mễ đến mỏ Mạo Khê rồi trở về với Nhà máy cơ khí Carông ở Hải Phòng, vừa làm việc để sinh sống, vừa hoạt động cách mạng. Chính ở những nơi đó, đồng chí đã cùng các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Lương Khánh Thiện... nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng yêu nước và cách mạng của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và đã sớm trở thành hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1929, đồng chí được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động trong phong trào công nhân, gắn bó với cuộc sống thợ thuyền và bà con nghèo ở xóm Chiếu - Khánh Hội - Thủ Thiêm. Cuối năm đó, đồng chí được cử sang Pháp để đặt quan hệ giữa tổ chức cách mạng Việt Nam với Đảng Cộng sản Pháp. Thông qua hoạt động thực tế đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được tôi luyện trong cuộc đấu tranh sôi động, tham gia từ những chi hội Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đến những chi bộ cộng sản đầu tiên, góp phần chuẩn bị cho Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nhiều lần bị địch bắt và bị giam cầm ở nhiều nhà tù của bọn đế quốc thực dân, có lần bị đày đi Côn Đảo, bị kẻ thù tra tấn dã man, thành thương tật. Mùa thu năm 1938, do thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, bọn thực dân buộc phải trả lại tự do cho đồng chí Hoàng Quốc Việt. Từ đó đến năm 1945, đồng chí đã đi nhiều nơi từ Nam ra Bắc, từ miền ngược đến miền xuôi để chắp nối, khôi phục, củng cố và phát triển nhiều cơ sở đảng và quần chúng, đặc biệt là đã cùng nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng xây dựng lại Đảng bộ Bắc Kỳ. Những năm tháng cực kỳ khó khăn của cách mạng Việt Nam, trong bối cảnh nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vào lúc bọn thực dân Pháp mở chiến dịch khủng bố, đàn áp hết sức ác liệt, nhiều đồng chí Trung ương lúc đó bị kẻ thù bắt vào tù, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng với các đồng chí Trường-Chinh, Hoàng Văn Thụ thực hiện nghiêm chỉnh và sáng tạo những tư tưởng, chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, kiên cường giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, cùng với Trung ương Đảng chuẩn bị và chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vẻ vang.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt nhiều năm được Đảng phân công phụ trách công tác mặt trận, dân vận của Đảng, làm Chủ tịch Tổng Công đoàn, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá về công tác vận động nhân dân, gắn bó Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp, các giai cấp, các thành phần trong xã hội, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi được Nhà nước ủy nhiệm, với cương vị là Viện trưởng đầu tiên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong nhiều năm, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã xây dựng hệ thống tổ chức, góp phần xác lập vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức rất mới này trong thể chế nhà nước ta từ Trung ương đến địa phương.
Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người vào thực tiễn cách mạng, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, để lại cho giai cấp công nhân, cho đồng bào, đồng chí những tình cảm vô cùng quý mến. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và của giai cấp công nhân nước ta; người chiến sĩ cộng sản kiên trung, suốt đời chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Gần 70 năm hoạt động cách mạng, dù ở đâu và bất kỳ lúc nào, với cương vị khác nhau, đồng chí Hoàng Quốc Việt đều một lòng dâng trọn tài năng, trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng ta, đất nước ta, nhân dân ta; luôn được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tôn vinh; được nhân dân hết mực tin yêu, tôn kính. Do có những cống hiến to lớn đối với cách mạng, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều huân chương cao quý khác.
Chính những năm tháng lăn lộn hoạt động trong phong trào công nhân và công đoàn đã hình thành ở đồng chí Hoàng Quốc Việt tác phong sâu sát quần chúng, thói quen làm việc tận tụy và bản lĩnh vững vàng, tích cực vận động công nhân tham gia cách mạng. Đồng chí luôn chan hòa, gần gũi với công nhân lao động, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của mọi người để vận động, giác ngộ, xây dựng lực lượng và bảo vệ thành quả cách mạng. Trong cuộc sống đời thường, đồng chí có tác phong sinh hoạt rất giản dị, tính tình cởi mở, chân tình với mọi người từ cán bộ, đồng chí đến bạn bè, nhân viên giúp việc cũng như với quần chúng nhân dân lao động. Trong công tác, đồng chí giữ vững nguyên tắc, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, thói làm ăn tắc trách, hời hợt, thiếu đào sâu suy nghĩ; sớm nhìn thấy những dấu hiệu không lành mạnh trong xã hội; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, cải tạo những kẻ thoái hóa biến chất, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và bảo vệ đội ngũ cán bộ của Đảng. Đặc biệt, khi giữ cương vị là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí Hoàng Quốc Việt càng được ca ngợi về phong cách làm việc, xét xử công minh, giải quyết nhiều vụ việc đạt tình thấu lý, sát với thực tế và hợp với lòng người. Trong hoạt động quốc tế, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn coi trọng đoàn kết, hợp tác anh em với các nước, nhất là với các nước xã hội chủ nghĩa; đồng thời còn thực hiện chủ trương từng bước mở rộng quan hệ với tổ chức, phong trào công nhân, công đoàn thế giới nhằm tranh thủ đồng tình, ủng hộ của họ đối với phong trào công nhân, công đoàn và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Những hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Quốc Việt đã thể hiện phẩm chất cao đẹp của người cộng sản chân chính, suốt đời hy sinh cho sự nghiệp cao cả của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của dân tộc ta dưới ánh sáng của Đảng Cộng sản Việt Nam vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; luôn nêu cao đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đồng chí để lại cho chúng ta tấm gương sáng về một chiến sĩ cách mạng bất khuất, trung kiên, liêm khiết, giản dị, chân thành và cởi mở với đồng chí, đồng bào, đặc biệt quan tâm đến người lao động, tính nguyên tắc kết hợp với tính linh hoạt, rất nghiêm khắc nhưng rất khoan dung, được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta yêu mến và kính trọng.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đi xa, nhưngtên tuổi và sự nghiệp luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng ta, mãi mãi khắc ghi vào bản anh hùng ca mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của chúng ta. Phát huy lòng yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, với con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, được các cán bộ tiền bối dày công xây đắp, trong đó có những đóng góp to lớn của đồng chí Hoàng Quốc Việt, nhất là học tập ý chí cách mạng, phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, thái độ gần gũi với nhân dân... luôn là những giá trị bất biến trong suy nghĩ và hành động ở mỗi chúng ta.
Đất nước ta đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen những khó khăn, thách thức khôn lường trước sự biến đổi mau lẹ của tình hình thế giới. Sau gần 30 năm đổi mới, đất nước ta tuy còn một số khó khăn nhất định nhưng đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Vị thế và uy tín của nước Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường đang tác động tiêu cực đến đời sống, tâm tư tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Không ít thanh niên có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân, hưởng thụ; chưa tích cực rèn luyện đạo đức cách mạng, học tập theo tấm gương các bậc tiền bối cách mạng.
Năm nay, chúng ta tổ chức kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Quốc Việt (28-5-1905 – 28-5-2015) trong bối cảnh đất nước tổ chức kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn: 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930 – 03-02-2015);40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015); 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2015); 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01-7-1915 – 01-7-2015); 70 năm Ngày thành lập Công an nhân dân (19-8-1945 – 19-8-2015) và 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19-8-2005 – 19-8-2015);
85 năm Ngày Xôviết - Nghệ Tĩnh (12-9-1930 – 12-9-2015); 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945 – 19-8-2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945 – 02-9-2015); 75 năm Ngày Khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940 – 23-11-2015). Đây là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhận thức sâu sắc hơn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, những giá trị lịch sử - văn hóa của đất nước, khắc sâu những kinh nghiệm quý báu, tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; cũng là dịp giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng, ý chí kiên cường, phong cách gần gũi, gắn bó với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp ủy, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, noi gương các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, tiền bối tiêu biểu của Đảng, Nhà nước đã hy sinh, từ trần, trong đó có đồng chí Hoàng Quốc Việt. Đồng thời, nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với đất nước, nhận thức đầy đủ hơn về tính tiên phong, gương mẫu, tận tụy và gắn bó mật thiết với nhân dân, đặt lợi ích dân tộc và nhân dân lên trên hết; biến nhận thức thành hành động cụ thể, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tích cực chuẩn bị, triển khai tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đặc biệt là đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp, nhất là việc lựa chọn nhân sự đủ đức vẹn tài, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia vào các cấp ủy đảng nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, tiếp tục lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
 
Tìm kiếm