Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì thủ tục tố tụng thông thường được Tòa án áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự kéo dài từ 2 tháng đến 6 tháng và chỉ có một thủ tục tố tụng dân sự chung cho việc giải quyết tất cả các loại tranh chấp dân sự. Thực tiễn xét xử các tranh chấp dân sự...
GIẢI QUYẾT VỤ ÁN DÂN SỰ THEO THỦ TỤC RÚT GỌN THEO BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ NĂM 2015
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành thì thủ tục tố tụng thông thường được Tòa án áp dụng để giải quyết các tranh chấp dân sự kéo dài từ 2 tháng đến 6 tháng và chỉ có một thủ tục tố tụng dân sự chung cho việc giải quyết tất cả các loại tranh chấp dân sự. Thực tiễn xét xử các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động tại Tòa án các cấp cho thấy, có nhiều loại tranh chấp đơn giản, giá trị tài sản tranh chấp thấp, nội dung tranh chấp cụ thể và chứng cứ rõ ràng… nhưng các Tòa án vẫn phải tiến hành đầy đủ các thủ tục theo quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự để giải quyết, dẫn tới thời gian giải quyết kéo dài, tốn kém tiền bạc của Nhà nước và của đương sự.
Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại phần thứ tư, từ điều 316 đến 324 của Bộ luật trên cơ sở đơn giản hóa các thủ tục tố tụng thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng, hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luậtđối với một số loại vụ việc cụ thể.
Theo quy định tại Điều 317 khoản 1 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thìTòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;
- Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;
- Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài và đương sự ở Việt Nam có thỏa thuận đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn hoặc các đương sự đã xuất trình được chứng cứ về quyền sở hữu hợp pháp tài sản và có thỏa thuận thống nhất về việc xử lý tài sản.
Về thời hạn chuẩn bị xét xử trong trường họp vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn, điều 318 khoản 1 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định: "Trong thời hạn không quá 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 195 của Bộ luật này, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn và mở phiên tòa xét xử trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định".
Như vậy, thời hạn giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn được rút ngắn rất nhiều so với thủ tục thông thường. (Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành quy định thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình là 04 tháng và 02 tháng đối với vụ án kinh doanh thương mại, lao động; Thời hạn mở phiên tòa là 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, tronng trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng).
Tại khoản 3 điều 318 quy định: "Quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn phải được gửi ngay cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp.
Trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật này thì Tòa án phải gửi hồ sơ vụ án cùng quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp; trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Viện kiểm sát phải nghiên cứu và trả lại hồ sơ cho Tòa án".
(Thời hạn nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát theo thủ tục thông thường là mười lăm ngày).
"1. Các đương sự, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn. Trường hợp Kiểm sát viên vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử. Đương sự có quyền đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa.
2. Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.
3. Sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành hòa giải, trừ trường hợp không được hòa giải theo quy định tại Điều 206 hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 của Bộ luật này. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này. Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử.
Việc trình bày, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương XIV của Bộ luật này".
Khoản 3 Điều 317 và khoản 4 điều 320 cũng quy định: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hoặc tại phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn, nếu xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Các trường hợp đó là:
- Phát sinh tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất do đó cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;
- Cần phải định giá, thẩm định giá tài sản tranh chấp mà các đương sự không thống nhất về giá;
- Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Phát sinh yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập;
- Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài, yêu cầu xác minh, thu thập chứng cứ ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường (khoản 4 điều 317).
Trình tự giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp phúc thẩm được quy định tại các điều từ 322 đến 324 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó:
-Thời hạn kháng cáo đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn là 07 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án, quyết định được giao cho họ hoặc bản án, quyết định được niêm yết.
Thời hạn kháng nghị đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm theo thủ tục rút gọn của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định
- Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn là 01 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, Thẩm phán phải mở phiên tòa phúc thẩm.
Việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án dân sự góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp phát sinh trong xã hội mà vẫn bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; giảm nhẹ thời gian, chi phí tố tụng của Tòa án và thời gian, chi phí của các đương sự cho việc tham gia tố tụng tại Tòa án. Đồng thời, việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp, bất đồng nảy sinh trong xã hội sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế những tác động tiêu cực của vụ việc đó, góp phần ổn định xã hội./.
Nguyễn Thị Hồng Oanh