CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 16/10/2015 đến ngày 22/10/2015

22/10/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 276 ngày 15/10/2015, có bài “Vô tội rõ ràng vẫn né bồi thường oan” của tác giả Phương Loan, số 277 ngày 16/10/2015 có bài “Dân oan ức, không thể rút kinh nghiệm qua loa” của tác giả Đinh Văn Quế. Nội dung: Ngày 02/10/2013, anh Trần Hoàng Minh ở ấp Bình Phước...

 Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 16/10/2015 đến ngày 22/10/2015

 
1. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh  số 276 ngày 15/10/2015, có bài  “Vô tội rõ ràng vẫn né bồi thường oan” của tác giả Phương Loan, số 277 ngày 16/10/2015 có bài “Dân oan ức, không thể rút kinh nghiệm qua loa” của tác giả Đinh Văn Quế. Nội dung: Ngày 02/10/2013, anh Trần Hoàng Minh ở ấp Bình Phước, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh bị Công an huyện Cần Giờ khởi tố và bắt tạm giam về tội “Trộm cắp tài sản” (máy vi tính xách tay của ông Nguyễn Văn Hoàng ở ấp Bình Thuận). Sau khi bị tạm giam 2 tháng, anh Minh được tại ngoại. Ngày 09/12/2013, VKSND huyện Cần Giờ có Cáo trạng truy tố anh Minh. Trong suốt quá trình điều tra cho đến khi bị xét xử tại Tòa, anh Minh liên tục kêu oan và đưa ra chứng cứ chứng minh thời điểm xảy ra vụ trộm Minh đang sửa xe cho khách. Nhân chứng là em Đạt phản cung khai rằng do bị công an đánh đau nên khai bừa theo hướng dẫn của cán bộ điều tra, nhân chứng khác là anh Võ Minh Tấn xác nhận có nhìn thấy tối ngày 29/9/2013, khi xảy ra vụ trộm, anh Minh đang ở tiệm sửa xe cho anh Tấn và nhiều người khác để làm việc, không đi đâu. Thực nghiệm tại hiện trường cho thấy Minh không thể chui lọt qua cửa sổ nên Tòa không tuyên án được phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau khi Tòa trả hồ sơ, VKSND huyện Cần Giờ đã đình chỉ điều tra vụ án và bị can cho  anh Minh theo khoản 1 Điều 25 Bộ Luật hình sự với lý do “Do chuyển biến của tình hình, người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội”. Nhiều Thẩm phán, Luật sư cho rằng lý do đình chỉ này không đúng. Anh Minh rõ ràng bị oan vì không đủ căn cứ kết tội nên trường hợp này phải đình chỉ anh Minh vì không phạm tội và xem xét việc bồi thường. Kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án phải bị kỷ luật, không thể rút kinh nghiệm qua loa được. 
Yêu cầu VKSND Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh  số  2933, 2934, 2935 ra các ngày 16, 17 và 19/10/2015 có bài “ Đàn dê oan nghiệt” của tác giả Lục Bình. Nội dung: Ngày 31/5/2005, bà Trần Thị Kim Nguyệt trú tại Lương Tây, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Trộm cắp tài sản” là 52 con dê. Đây là tài sản  chung của 3 người là bà Nguyệt, vợ chồng ông Lê Văn Thái và bà Y. Vụ án này kéo dài gần 9 năm với 15 phiên tòa xử mới kết thúc được ở cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Quá trình điều tra và giải quyết vụ án các cơ quan tố tụng của huyện và tỉnh có rất nhiều vi phạm Luật tố tụng hình sự như: Không xác định rõ  ai là chủ nhân thật sự của đàn dê?. Tỷ lệ sở hữu của mỗi người trong đàn dê là bao nhiêu? Xác định sai tư cách của người tham gia tố tụng, Vi phạm nguyên tắc về bảo quản và xử lý vật chứng. Khi xét xử không có vật chứng, cả 52 con dê không còn con nào, ai là người  đã bán trái phép số dê này, sau gần 9 năm số dê này được sinh sản thêm bao nhiêu con cũng không  được làm rõ. Kiểm sát viên, Điều tra viên và Thẩm phán đã đồng thuận sử dụng tài liệu chứng cứ không hợp pháp là 2 Quyết định xử lý vật chứng được làm năm 2013 nhưng lại ghi lùi thời gian là năm 2005 và 2008. Đây rõ ràng là hành vi làm sai lệch hồ sơ.  Vụ án này có dấu hiệu oan sai khá rõ cần được cấp giám đốc thẩm xem xét lại.     
Yêu cầu Vụ 7 kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách  đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo  Pháp luật Việt Nam số 292 ngày 19/10/2015 có bài “Nghi phạm thừa nhận 4 lần hiếp dâm bé 9 tuổi, Công an  kết luận không có sự việc phạm tội”  của tác giả  Ngô Toàn. Nội dung:  khoảng 19 giờ ngày 28/8/2015, chị Lê Thị C là mẹ của cháu V.T.H ( 9 tuổi) ở xã Tây Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khi tắm cho cháu thấy bộ phận sinh dục của cháu bị sưng, cháu H kêu đau. Hỏi con gái chị được cháu cho biết buổi chiều hôm đó khi bố mẹ vắng nhà ông Nguyễn Văn C, 86 tuổi là hàng xóm có gọi cháu vào nhà cho kẹo và dụ dỗ cháu cho quan hệ tình dục. Chị đã trình báo sự việc này đến Công an xã. Tại trụ sở Công an xã với  sự chứng kiến của cả 2 bên gia đình ông C đã thừa nhận có hành vi ép cháu quan hệ tình dục 4 lần. Công an xác đã lập biên bản, ghi lời khai ban đầu và chuyển hồ sơ lên Công an huyện Yên Thành để xử lý. Sau đó  gia đình ông C có mang một túi sữa và phong bì để thăm hỏi cháu T, hiện nay túi sữa và phong bì gia đình chị C vần để nguyên chưa mở. Ngày 16/9/2015, gia đình chị C nhận được Thông báo số 77 của Công an huyện Yên Thành cho rằng không có sự việc phạm tội xảy ra nên đã có Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 12 ngày 16/9/2015. Chị C lại tiếp tục gửi đơn khiếu nại Quyết định không khởi tố của Công an huyện đến VKSND huyện nhưng VKSND huyện Yên Thành lại cho rằng việc khiếu nại này không thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND huyện. Gia đình cháu  rất hoang mang, phẫn nộ và đề nghị các cơ quan chức năng cấp trên cần kiểm tra lại việc giải quyết này của các cơ quan tố tụng huyện Yên Thành.       
Yêu cầu VKSND tỉnh Nghệ An kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Tiền Phong số 293 ngày 20/10/2015, có bài “Xử treo vì bị cáo là người nhà lãnh đạo”, số 294 ngày 21/10/2015 có bài “Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý”của tác giả Minh Thùy. Nội dung: Ngày 12/8/2015, TAND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án Phạm Đức Thảo, Nguyễn Tiến Hải, Lê Xuân Trường  bị VKSND huyện truy tố về tội “Đánh bạc”. Khi tuyên án nhiều người dân và cả Kiểm sát viên duy trì công tố trong vụ án đều bất ngờ vì cả 3 bị cáo đều được xử án treo, trong đó bị cáo Thảo đã có tiền sự là kẻ chủ mưu đã lôi kéo bị cáo Hải và Trường đánh bạc ngay tại nhà mình. Khi phóng viên báo phỏng vấn về việc này, ông  Bùi Xuân Cần, Chánh án TAND thị xã Hồng Lĩnh thừa nhận xử án treo cho  bị cáo Thảo là không đúng pháp luật nhưng do Chánh án tỉnh chỉ đạo xử treo vì lý do bị cáo Thảo là người nhà của một lãnh đạo TAND tối cao. Ông  Nguyễn Văn Thắng, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh cũng thừa nhận có điện  cho TAND thị xã Hồng Lĩnh chỉ đaọ việc xét xử này và có nói: “Chỗ người nhà của lãnh đạo phải xem xét lách ra tìm  mọi cách để hóa giải giúp cấp trên…”. Việc xét xử chưa đúng pháp luật này VKSND thị xã Hồng Lĩnh đã kháng nghị để xử phúc thẩm lại vụ án và Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng chỉ đạo cần kiểm tra và xử lý vụ việc này theo đúng pháp luật.
Yêu cầu VKSND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Pháp luật Việt Nam số 293 ngày 20/10/2015, có bài “Bị hại biến thành bị can” của tác giả Tú Viên. Nội dung: Năm 1998, ông Nguyễn Văn Bản trú tại xã Đại Cương, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đã nộp cho ông Hồ Văn Mênh  (lúc này là cán bộ địa chính của xã) số tiền 22,9 triệu đồng với ý muốn được hợp thức hóa 1500m2 đất ao trúng đấu thầu do gia đình đang sử dụng nhưng ông Mênh chỉ nộp vào ngân sách xã 11 triệu đồng, còn chiếm đoạt 12,4 triệu đồng nên không làm được việc hợp thức hóa quyền sở hữu số đất ao này cho ông Bản. Đến tháng 6/2014, ông Bản mới biết được việc này và có nói với ông Mênh số tiền giao cho ông Mênh ở thời điểm năm 1998 có thể mua được lô đất trị giá từ 600 đến 700 triệu đồng và nói với vợ chồng ông Mênh tìm cách khắc phục. Vì vậy, ông Mênh đã nhận xin trả lại cho ông Bản 300 triệu đồng nhưng vợ chồng ông Bản không đồng ý, ông Mênh đã tự nguyện nâng số tiền trả lại cho ông Bản lên 400 triệu đồng và ông Bản đã nhận số tiền này. Ngoài ra vì ông Mênh còn chiếm đoạt tiền của nhiều người khác nên tháng 11/2014 đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau đó ông Bản cũng bị khởi tố về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Việc khởi tố ông Bản về tội danh trên là không đúng, là hình sự hóa quan hệ pháp luật dân sự vì ông Bản không có hành vi uy hiếp ông Mênh buộc ông Mênh phải giao tiền, việc ông Mênh trả tiền cho ông Bản là hoàn toàn tự nguyện, là thỏa thuận dân sự giữa hai bên được pháp luật cho phép nên vụ án này cần phải được xem xét lại.
Yêu cầu VKSND  tỉnh Hà Nam kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
6. Báo  Bảo vệ  Pháp luật số 84 ngày 20/10/2015, có bài “Chưa đủ chứng cứ buộc tội” của tác giả Quang Tiến, Gia Tiệp. Nội dung: Ngày 29/4/2015, TAND tỉnh Thanh Hóa đã xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Tiến Trình và Nguyễn Văn Tuấn  tàu Tiến Thành 26 Hải Phòng về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Tòa đã tuyên phạt bị cáo Trình 4 năm tù, Tuấn 3 năm 6 tháng tù buộc Công ty Cổ phần Tiến Thành phải bồi thường cho ông Phạm Văn Nhân (chủ tàu cá bị đắm) và chi phí tìm kiếm, mai táng cho anh Phạm Văn Hào đã bị chết số tiền hơn 1 tỷ đồng. Sau khi Tòa tuyên án, Công ty Tiến Thành và các bị cáo đã kháng cáo kêu oan, các Luật sư bào chữa cho các bị cáo cũng chỉ ra nhiều sai phạm của Tòa án khi xét xử vụ án này là: Tàu của Công ty Tiến Thành va chạm với tàu của ông Nhân ở thời điểm 5 giờ sáng  ngày 17/11/2011, đúng thời điểm  thuyền trường  Nguyễn Văn Tài đang bàn giao ca cho cho Nguyễn Tiến Trình nhưng anh Tài lại không bị khởi tố là bỏ lọt tội phạm,  khi va chạm không có cơ quan nào khám nghiệm hiện trường, không thực nghiệm điều tra nên không có chứng cứ xác định tàu của ông Nhân có bị đâm va hay không? Đâm va ở vị trí nào? không đủ căn cứ kết luận 2 bị cáo có biết tàu bị đâm va hay không để kết tội bị cáo bỏ trốn, không cứu giúp người bị nạn Vì vậy, vụ án  này cần phải được kiểm tra, xem xét lại.
Yêu cầu VKSND  cấp cao 1 và VKSND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách  đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
Về kết quả báo cáo, trả lời các vụ việc báo chí nêu có liên quan đến trách nhiệm giải quyết của ngành Kiểm sát.     
Trong tuần, Văn phòng VKSND tối cao đã nhận đư­ợc 02 công văn trả lời về kết quả giải quyết các vụ, việc báo chí nêu có liên quan đến trách nhiệm giải quyết của ngành Kiểm sát:
1/ Công văn số 322/ BC-VKS-P3 ngày 13/10/2015 của VKSND thành phố Đà Nẵng trả lời  Thông báo số 508/TB-VKSTC-VP ngày 02/10/2015  của VKSND tối cao.
2/ Công văn số 961/ BC-VKS-P7 ngày 12/10/2015 của VKSND tỉnh Đắk Lắk trả lời Thông báo số 493/TB-VKSTC-VP ngày 25/9/2015 của VKSND tối cao./.
 
Tìm kiếm