CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số kinh nghiệm trong kiểm sát giải quyết án kinh doanh, thương mại

20/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tỉnh Đắc Lắc thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động; Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng một số kinh nghiệm của VKSND tỉnh Đắk Lắk trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại để bạn đọc tham khảo

 Một số kinh nghiệm trong kiểm sát giải quyết án kinh doanh, thương mại 

Vừa qua, VKSND tỉnh Đắc Lắc thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động; Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng một số kinh nghiệm của VKSND tỉnh Đắk Lắk trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại để bạn đọc tham khảo:
Trong giải quyết vụ án khi chưa xác định địa chỉ của bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Theo Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự thì cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện phải làm đơn khởi kiện và trong đơn phải ghi rõ tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu có. Để thi hành quy định này, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn tại các khoản 5, 6, 7 Điều 9 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012. Tuy nhiên trong thực tế vẫn còn có một số trường hợp việc hiểu và vận dụng chưa có sự thống nhất. Vì vậy để kiểm sát việc giải quyết vụ án của Tòa án đúng pháp luật Kiểm sát viên cần chú ý nghiên cứu từng trường hợp cụ thể.
Trong một số trường hợp khi khởi kiện, nguyên đơn cung cấp địa chỉ của bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ người được nêu trong hợp đồng, tại thời điểm khởi kiện, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ đã cung cấp hông thực hiện được do đương sự không có mặt tại địa chỉ này nữa dẫn đến việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng không có kết quả, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Khi giải quyết, có Tòa án cho rằng bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ, nên đã tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Có Tòa án lại cho rằng cần trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp chưa thụ lý hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do nguyên đơn không cung cấp được địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại thời điểm thụ lý vụ án.
Ngoài ra cũng có trường hợp, trong quá trình giải quyết vụ án, bên cạnh việc cung cấp địa chỉ của bị đơn, người có quyền  lợi, nghĩa vụ liên quan theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ người được nêu trong hợp đồng thì nguyên đơn còn cung cấp địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở một số nơi khác nữa và yêu cầu Tòa án tống đạt văn bản tố tụng theo địa chỉ này nhưng Tòa án không thực hiện tống đạt các văn bản tố tụng đến những địa chỉ do nguyên đơn cung cấp thêm là thực hiện chưa đầy đủ, không đúng quy định.
Khi gặp các trường hợp này, Tòa án phải yêu cầu người khởi kiện tìm và cung cấp địa chỉ mới của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tại thời điểm tiến hành tố tụng (thời điểm khởi kiện và thụ lý vụ án) cho Tòa án. Đối với cá nhân phải thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp cho họ theo đúng quy định tại Điều 152 Bộ luật tố tụng dân sự; đối với cơ quan, tổ chức phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 153 Bộ luật tố tụng dân sự. Nếu việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp không có hiệu quả thì thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định tại Điều 154 Bộ luật tố tụng dân sự. Nếu việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt hoặc thông báo thì thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng dân sự. Sau khi đã thực hiện đúng các thủ tục cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng như đã nêu trên mà đương sự vẫn không đến Tòa án để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, lúc đó đã có đủ căn cứ vững chắc cho rằng đương sự cố tình giấu địa chỉ thì Tòa án mới xét xử vắng mặt. Nếu không thì phải trả lại đơn khởi kiện (nếu chưa thụ lý vụ án), hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện (nếu đã thụ lý vụ án).
Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ
Quá trình thụ lý và giải quyết vụ án, do chưa nắm vững các quy định của pháp luật dẫn đến việc giải quyết không đúng pháp luật.
Ví dụ: Công ty A ký hợp đồng bán cho Công ty B 01 chiếc xe ô tô giá 749 triệu đồng. Công ty B đã thanh toán được số tiền 299 triệu đồng. Sau khi nhận xe và sử dụng một thời gian do vỏ xe bị trầy xước nên đem đến giao cho Công ty A để sửa chữa. Sau khi sửa chữa nhận xe về Công ty B phát hiện nhiều chi tiết máy móc, thiết bị bị thay đổi, hư hỏng nên Công ty B đã yêu cầu Công ty A nhận lại xe cũ và đổi lại xe mới hoặc hủy hợp đồng mua bán xe. Công ty A làm đơn khởi kiện cho rằng Công ty B đã vi phạm hợp đồng, không thực hiện nghĩa vụ thanh toán như đã cam kết, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng mua bán xe, buộc Công ty A phải trả lại xe và bồi thường 10% giá trị hợp đồng và tiền hao mòn xe trong thời gian sử dụng là 80 triệu đồng. Công ty B cũng khởi kiện yêu cầu hủy bỏ hợp đồng mua bán xe, buộc Công ty A hoàn trả số tiền 299 triệu đồng và bồi thường thiệt hại tạm tính là 135 triệu đồng. Bản án kinh doanh thương mại của Tòa án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty B, hủy bỏ hợp đồng mua bán xe giữa hai Công ty. Công ty B có nghĩa vụ trả lại cho Công ty A chiếc xe ô tô và Công ty A có nghĩa vụ trả lại Công ty B số tiền 366 triệu đồng. Do xe đã được trả lại cho bên bán và bên mua được tính lãi suất đối với số tiền gốc, nên đối với các phụ tùng đã được sửa chữa và thay thế, không cần đặt ra xem xét.
Trong vụ án này, Công ty A làm đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp dồng mua bán xe và bồi thường thiệt hại, Tòa án thụ lý vụ án số 10 ngày 23/01/2013 xác định Công ty B là bị đơn. Công ty B làm đơn khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng mua bán xe và bồi thường thiệt hại, Tòa án lại thụ lý vụ án số 18 ngày 25/02/2013 xác định Công ty A là bị đơn. Đến ngày 14/3/2013, Tòa án ra quyết định nhập vụ án và xác định Công ty B là nguyên đơn, Công ty A là bị đơn, là không đúng quy định của pháp luật. Tòa án chỉ cần thụ lý vụ án số 10, Công ty B là bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn theo quy định tại Điều 176 Bộ luật tố tụng dân sự. Ông Lê Minh Nhất, Giám đốc Công ty A là người đại diện theo pháp luật của Công ty nhưng Tòa án lại xác định bà Trần Thị Thảo, Phó giám đốc là người đại diện theo pháp luật (theo biên bản nghị án) là không đúng quy định tại Khoản 4 Điều 141 Bộ luật dân sự.
Nguyên đơn yêu cầu hủy bỏ hợp đồng mua bán xe, bị đơn phải bồi thường thiệt hại tạm tính là 135 triệu đồng. Về phía bị đơn, ngoài việc đề nghị hủy bỏ hợp đồng mua bán xe còn đề nghị nguyên đơn phải bồi thường 10% giá trị hợp đồng va tiền hao mòn xe trị giá 80 triệu đồng. Tuy nhiên Tòa án chưa tiến hành định giá để xác định thiệt hại, giá trị còn lại của xe để có cơ sở giải quyết vụ án, bản án chỉ tuyên hủy bỏ hợp đồng mua bán xe giữa hai Công ty mà không ghi rõ các quyết định của Tòa án về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án về yêu cầu, đề nghị bồi thường thiệt hại của đương sự, là vi phạm các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Vi phạm trong việc áp dụng Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án
Hiện nay vẫn còn một số vụ án Tòa án tuyên phần án phí không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: Bản án kinh doanh thương mại của Tòa án huyện A tuyên chấp nhận yêu cầu độc lập của ông C và bà D (là người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tuyên bố hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của bên thứ 3 xác lập giữa Ngân hàng với ông C, bà D và ông E, bà F là vô hiệu. Buộc Ngân hàng hoàn trả cho ông C bà D giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên bản án không tuyên phần án phí dân sự sơ thẩm là vi phạm tại khoản 6, điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 (Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận).
T.T
Tìm kiếm