Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 25/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật số 64/2014/QH13) với khá nhiều nội dung mới cần được triển khai để thống nhất thực hiện trong thời gian tới. Luật đã sửa đổi, bổ sung 55/183 điều so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trong đó sửa đổi 47 điều...
Một số nội dung mới sửa đổi, bổ sung về chức năng, nhiệm vụ và vai trò của Viện kiểm sát, Tòa án và Ủy ban nhân dân trong hoạt động thi hành án dân sự
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự năm 2008 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 25/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Luật số 64/2014/QH13) với khá nhiều nội dung mới cần được triển khai để thống nhất thực hiện trong thời gian tới. Luật đã sửa đổi, bổ sung 55/183 điều so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008, trong đó sửa đổi 47 điều, bãi bỏ 06 điều (các Điều 32, 33, 34, 51, 138 và 139) và bãi bỏ một phần của 02 điều (điểm b khoản 1 Điều 163, khoản 3 và khoản 4 Điều 179) của Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Đồng thời Luật số 64/2014/QH13 cũng đã bổ sung 03 điều (Điều 7a, 7b và Điều 44a).
Luật số 64/2014/QH13 tiếp tục hoàn thiện thể chế về thi hành án dân sự, tạo cơ sở pháp lý cho sự chuyển biến cơ bản, bền vững, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và phải được nghiêm chỉnh chấp hành. Việc nghiên cứu kỹ nội dung cơ bản của Luật số 64/2014/QH13 để triển khai thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tiễn có ý nghĩa quan trọng trong công tác thi hành án dân sự. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ giới thiệu về vai trò của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân trong công tác thi hành án dân sự.
Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân
Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động thi hành án dân sự được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4, Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có quy định nhưng chưa cụ thể nội dung này, do vậy Luật số 64/2014/QH13 đã giữ nguyên khoản 1 và sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Luật thi hành án dân sự năm 2008 theo hướng mở rộng các đối tượng kiểm sát, quy định rõ quyền nghĩa vụ của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát thi hành án dân sự, cụ thể như sau:
“Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án dân sự.
Khi kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a)Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, sửa chữa, bổ sung bản quyết định của Tòa án;
b)Yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân; yêu cầu cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án theo quy định của Luật này;
c)Trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan; ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát;
d)Tham gia phiên họp của Tòa án xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và phát biểu quan điểm của viện kiểm sát nhân dân;
đ) Kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới, yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa;
e) Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật”.
Theo quy định trên, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án dân sự có những điểm mới như sau:
- Mở rộng đối tượng kiểm sát: Nếu như trước đây Viện kiểm sát nhân dân chủ yếu kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên thì theo Luật số 64/2014/QH13 Viện kiểm sát nhân dân còn trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án trong một số hoạt động như việc cấp, chuyển giao bản án, quyết định, việc sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định và một số cơ có liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự như Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thi hành án, Trại giam hoặc trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
Lý do của việc bổ sung các nội dung trên là do trong thời gian qua việc chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án cho Cơ quan Thi hành án dân sự còn chậm, chưa đúng với thời gian quy định tại Điều 28 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, có những thời điểm Tòa án chuyển giao quá nhiều bản án, quyết định dẫn đến tình trạng cùng một lúc cơ quan thi hành án dân sự phải thi hành nhiều vụ việc. Vì vậy không tránh khỏi tình trạng cơ quan thi hành án dân sự vi phạm quy định về thời hạn như thời hạn thông báo, thời hạn xác minh điều kiện thi hành án…Với điểm mới, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kiểm sát trực tiếp hoạt động chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án sẽ hạn chế được tình trạng “dồn án” hoặc “quên” chuyển giao bản án, quyết định đã có hiệu lực cho cơ quan thi hành án dân sự để ra quyết định và tổ chức thi hành án; sẽ khắc phục được phần nào tình trạng quá tải và một số vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự.
- Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện hoạt động kiểm sát như: quyền yêu cầu Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới ra quyết định về thi hành án, gửi các quyết định về thi hành án; thi hành đúng bản án, quyết định; yêu cầu cơ quan thi hành án, Chấp hành viên tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả kiểm tra cho Viện kiểm sát nhân dân; trực tiếp kiểm sát và ban hành kết luận kiểm sát khi kết thúc việc kiểm sát; tham gia các phiên họp xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án và phát biểu quan điểm tại các phiên họp đó…
Việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát thi hành án nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế những sai sót của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, đồng thời cũng tăng trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân với hoạt động thi hành án dân sự. Thực tế thời gian qua một số cơ quan thi hành án địa phương đã để xảy ra nhiều vi phạm; đồng thời, một số Chấp hành viên, công chức đã bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những sửa đổi, bổ sung trên góp phần làm rõ phạm vi của hoạt động kiểm sát, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động thi hành án dân sự, đảm bảo cho hoạt động này hoạt động có hiệu quả và đúng qui định của pháp luật.
Vai trò của Tòa án nhân dân.
Tòa án là cơ quan tư pháp, thực hiện chức năng xét xử, ban hành các bản án, quyết định nhân danh Nhà nước. Cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan chấp hành, thực hiện và tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án. Công tác thi hành án dân sự có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào phán quyết của Tòa án có tính khả thi hay không. Do đó cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Tòa án trong việc tuyên án; chuyển giao kịp thời, đầy đủ các bản án, quyết định có hiệu lực cho cơ quan thi hành án dân sự; giải thích, đính chính những nội dung trong bản án, quyết định mà Cơ quan thi hành án dân sự, đương sự có kiến nghị, đề nghị; nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong việc xác định quyền sở hữu tài sản của người phải thi hành án, kịp thời áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án … để thi hành án đạt kết quả.
Luật số 64/2014/QH13 quy định cụ thể và tăng cường trách nhiệm của Tòa án trong việc xác định quyền sở hữu tài sản, giải quyết vấn đề về tài sản, nghĩa vụ thi hành án … như sau:
- Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của Cơ quan Thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản; hủy giấy tờ, giao dịch phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án” được quy định tại điểm c khoản 3 Điều 170.
- Khi xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định đã bị hủy một phần hoặc toàn bộ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án phải giải quyết vấn đề tài sản, nghĩa vụ đã được thi hành theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật nhưng bị hủy”.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong hoạt động thi hành án dân sự:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao:
a)Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc ban hành văn bản pháp luật về thi hành án dân sự;
b) Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án quyết định trong trường hợp cần thiết;
c)Giải quyết yêu cầu, kiến nghị và chỉ đạo Tòa án các cấp giải quyết yêu cầu, kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự trong thời hạn theo quy định của pháp luật;
d)Chỉ đạo Tòa án các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự;
đ) Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc tổng kết công tác thi hành án dân sự.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự cấp cao trung ương:
a)Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo kết quả thi hành bản án, quyết định trong trường hợp cần thiết;
b)Trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị;
c)Xem xét theo thủ tục tái thẩm quyết định miễn, giảm thi hành án theo quy định của pháp luật.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. Tòa án quân sự quân khu và tương đương:
a)Chuyển giao bản án, quyết định, tài liệu và vật chứng có liên quan cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật này;
b)Xem xét, quyết định việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước; giải quyết kháng nghị về quyết định miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật này;
c)Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng tài sản; hủy giấy tờ, giao dịch phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Tòa án;
d)Giải quyết kiến nghị, yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự và theo dõi kết quả xử lý sau khi Tòa án trả lời.
Với các nội dung mới sửa đổi, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, trước hết sẽ giúp các cơ quan thi hành án dân sự tháo gỡ được nhiều vướng mắc mà từ trước đến nay không tự giải quyết được, góp phần không nhỏ vào việc giảm án tồn của cơ quan thi hành án dân sự các cấp.
Vai trò của Ủy ban nhân dân
Có thể nói không thể thiếu vai trò của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác thi hành án dân sự vì gắn liền với người dân, gắn với địa bàn cụ thể nơi đóng trụ sở của cơ quan thi hành án, nơi diễn ra hoạt động thi hành án, từ việc thông báo thi hành án, tống đạt trực tiếp hay niêm yết công khai, việc xác minh điều kiện thi hành án, đến việc tổ chức cưỡng chế thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án…
Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong thi hành án dân sự
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện vai trò chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn theo quy định tại khoản 1 Điều 173 và khoản 1 Điều 174.
- Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
- Có ý kiến bằng văn bản về việc đồng ý, không đồng ý bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.
- Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tự kiểm tra và đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp trên kiểm tra công tác thi hành án dân sự địa phương.
- Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương.
- Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự.
- Kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kịp thời vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.
Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án dân sự.
Vai trò Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án dân sự xuyên suốt cả quá trình thi hành án. Ủy ban nhân dân cấp xã xuất hiện từ đầu hoạt động thi hành án cho đến khi kết thúc. Vì vậy việc hỗ trợ, phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã trong hoạt động thi hành án dân sự là thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thi hành án. Ủy ban tham gia phối hợp bằng nhiều cách, như cử công chức tham gia cùng với Chấp hành viên trong hoạt động thông báo, xác minh, cưỡng chế; cung cấp thông tin; xác nhận vào các biên bản làm việc; giáo dục công dân trên địa bàn nhận thức và chấp hành các yêu cầu hợp pháp của cơ quan Thi hành án dân sự.
Trên đây là một số nội dung mới về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
TH