Thực hiện chức năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại của Tòa án hai cấp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam thấy rằng: Toà án nhân dân huyện D giải quyết vụ án: “ Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần XNK Việt nam (Exim bank) và bị đơn là Công ty TNHH sản xuất Hà Thanh...
VKSND tỉnh Hà Nam kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong việc giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại
Thực hiện chức năng kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ việc kinh doanh, thương mại của Tòa án hai cấp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Nam thấy rằng: Toà án nhân dân huyện D giải quyết vụ án: “ Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa nguyên đơn: Ngân hàng thương mại cổ phần XNK Việt nam (Exim bank) và bị đơn là Công ty TNHH sản xuất Hà Thanh; Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Đặng Thị Thanh Hiền, sinh năm 1974 và ông Phạm Đức Thọ, sinh năm 1970, trong quá trình giải quyết vụ kiện, còn để xảy ra một số vi phạm, VKSND tỉnh Hà Nam đã ban hành kiến nghị yêu cầu Tòa án nhân dân huyện D khắc phục vi phạm. Trang tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:
Thứ nhất: Vi phạm trong việc không thông báo việc thụ lý vụ án cho bà Đặng Thị Thanh Hiền (vợ ông Thọ) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án là vi phạm Điều 174 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tại điều 174 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Toà án phải thông báo bằng văn bản cho bị đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án...”
Thứ hai: Hồ sơ không thể hiện có văn bản trả lời thông báo thụ lý vụ án, không có bản tự khai của ông Thọ nhưng lại có biên bản lấy lời khai của Thẩm phán đối với ông Thọ thời gian đề ngày 7/01/2013, trước khi Toà án thụ lý vụ án gần 11 tháng ( Toà án thụ lý ngày 5/12/2013) là vi phạm điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự, thời gian ghi biên bản không đảm bảo tính lô gíc của hoạt động tố tụng.
Điều 86, Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai của đương sự khi đương sự chưa có bản tự khai hoặc nội dung bản tự khai chưa đầy đủ, rõ ràng. Đương sự phải tự viết bản tự khai và ký tên của mình. Trong trường hợp đương sự không thể tự viết được thì Thẩm phán lấy lời khai của đương sự…”
Thứ ba: Nội dung Biên bản hoà giải lần III của Tòa án huyện lập ngày 28/02/2014 phần đầu ghi đại diện của bị đơn trình bày giống y như Biên bản hoà giải lần 1 lập ngày 18/12/2013. Cụ thể:
Lần thứ 3 Toà án tiến hành hoà giải vào ngày 28/02/2014 nhưng phần trình bày của bị đơn ( BL 144) vẫn có nội dung ghi giống hệt Biên bản hòa giải lần 1: “Ông Thọ thừa nhận có việc vay nợ Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam ( Eximbank). Khi vay có cam kết và hợp đồng vay vốn, số tiền gốc và lãi cụ thể như thế nào thì ông Thọ đề nghị Toà án cho thời gian về công ty xem xét, sau đó sẽ báo cáo lại cho Toà biết vào thời điểm ngày 23/12/2013”.
Như vậy việc lập biên bản ghi nội dung ông Thọ có nội dung sẽ báo cáo cho Toà án vào ngày 23/12/2013 ( thời điểm trước khi Toà án lập biên bản hoà giải hơn 02 tháng), thể hiện tính thiếu chính xác về mặt thời gian trong hoạt động tố tụng dân sự.
Thứ tư: Biên bản hoà giải thành của Tòa án không gửi ngay cho Ngân hàng Exim bank (là nguyên đơn) vi phạm Điều 186, Khoản 2, đoạn 2, Bộ luật tố tụng dân sự.
Điều 186, Khoản 2, đoạn 2 quy định: “ Khi các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Toà án lập biên bản hoà giải thành. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hoà giải”.
Thứ năm: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có nội dung ghi không đúng với nội dung của Biên bản hòa giải thành.
Cụ thể trong biên bản hòa giải thành có nội dung ghi: “ Đối với số tiền gốc 4.400.000.000 đồng phát sinh từ 01/5/2014 đến 30/6/2014 sẽ tính lãi và thời gian trả nợ chậm nhất phải trả là 30/6/2014”.
Theo như nội dung Tòa án ghi như trên thì nguyên đơn và bị đơn chỉ thống nhất với nhau là Công ty TNHH Hà Thanh phải trả lãi cho Ngân hàng Exim bank đối với số tiền gốc 4.400.000.000đồng mà các bên đương sự không thoả thuận rõ ràng về lãi suất cụ thể của khoản tiền này nhưng tại Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 01/2014/QĐST –KDTM ngày 7/03/2014 Toà án huyện Duy Tiên lại ghi rõ: “Đối với số tiền lãi phát sinh từ ngày 01/5/2014 đến 30/6/2014 của số tiền gốc 4.400.000.000đồng là 10%...” và cũng không chỉ rõ 10% là lãi của 1 năm hay 1 tháng, lãi trong hạn hay lãi quá hạn.
Lẽ ra khi lập biên bản hoà giải thành giữa các đương sự, Toà án phải ghi cụ thể lãi suất đối với khoản tiền 4.400.000.000 đồng Công ty TNHH Hà Thanh phải trả bao nhiêu phần trăm /năm cho Ngân hàng Exim bank sau đó mới ghi vào quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự thì mới thể hiện tính chính xác khi ban hành quyết định tố tụng. Việc làm này của thẩm phán đã vi phạm mẫu số 09a ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03.12.2012 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao; dẫn đến việc đương sự cho rằng chưa đúng nội dung thỏa thuận về lãi trong biên bản hòa giải thành và liên tục có đơn khiếu nại.
Mẫu số 9a quy định (5): “ Ghi đầy đủ lần lượt các thoả thuận của các đương sự về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án đã được thể hiện trong biên bản hoà giải thành...”
Biên bản hòa giải ngày 28/02/2014 ( Bản giao cho đương sự Phạm Đức Thọ) không có chữ ký của Thư ký Tòa án là vi phạm Điều 186 khoản 2 Bộ luật tố tụng dân sự.
Điều 186 khoản 2 quy định: “ Biên bản hòa giải phải có…, chữ ký của Thư ký Tòa án ghi biên bản…”
Thứ sáu: Quyết định xem xét thẩm định tại chỗ số 02/2014 ngày 21/02/2014 Thẩm phán ấn định luôn thời gian xem xét thẩm định tại chỗ vào hồi 8h ngày 26/02/2014 tại gia đình bà Đặng Thị Thanh Hiền nhưng đến 10h ngày 7/03/2014 mới ghi biên bản về việc xem xét thẩm định tại chỗ ( hồ sơ không thể hiện có việc Toà án hoãn việc xem xét thẩm định tại chỗ ngày 26/02/2014 và chuyển sang ngày 7/3/2014), không thể hiện việc giao quyết định xem xét thẩm định tại chỗ cho các đương sự ( ông Thọ, bà Hiền) theo quy định tại Điều 89 khoản 1 Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 4 Điều 9 NQ số 04 ngày 3/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ được tiến hành sau khi đã hòa giải thành và cùng với ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là chưa đảm bảo trình tự lô gíc về mặt thời gian của hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật TT Dân sự.
Điều 89, Khoản 1 Bộ luật TTDS quy định: “ Việc xem xét, thẩm định tại chỗ phải do Thẩm phán tiến hành…và phải báo trước việc xem xét, thẩm định tại chỗ để đương sự biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định đó.”
Điều 9, Khoản 4 NQ số 04 quy định: “ Quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ phải được giao hoặc được gửi cho đương sự để họ biết và chứng kiến việc xem xét, thẩm định tại chỗ….”
Xét nội dung thỏa thuận giữa các bên về lãi xuất cho vay trong hợp đồng tín dụng là 10%/năm; nội dung Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 04 ngày 10/10/2014 của Chi cục thi hành án quận Hoàng Mai – thành phố Hà Nội đã tính lãi xuất 10%/năm của số tiền phải thi hành án từ 01/5/2014 đến 11/6/2014 là 50.111.111đồng, thấy rằng quyền lợi của Công ty TNHH Hà Thanh không bị xâm hại; vi phạm của TAND huyện chưa đến mức nghiêm trọng nên VKSND tỉnh Hà Nam thấy không cần thiết phải kháng nghị giám đốc thẩm.
Vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng đến sự hoạt động đúng đắn trong công tác giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại của Toà án và việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Nguyên nhân của vi phạm nêu trên là do Thẩm phán, Thư ký của Toà án nhân dân huyện D thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án kinh doanh thương mại./.
T.T.