1. Báo Pháp luật Việt Nam số 303 ngày 30/10/2015 có bài “Viện kiểm sát “làm khó” Cơ quan điều tra”của tác giả Sông La. Nội dung: Sau khi xác minh một số thông tin tố cáo về việc các đối tượng Trần Văn Chính, sinh năm 1950 ,trú tại số 28 A, phố Bà Triệu, Phùng Văn Hải trú tại thôn Thanh Vị ...
VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 30/10/2015 đến ngày 05/11/2015
1. Báo Pháp luật Việt Nam số 303 ngày 30/10/2015 có bài “Viện kiểm sát “làm khó” Cơ quan điều tra”của tác giả Sông La. Nội dung: Sau khi xác minh một số thông tin tố cáo về việc các đối tượng Trần Văn Chính, sinh năm 1950 ,trú tại số 28 A, phố Bà Triệu, Phùng Văn Hải trú tại thôn Thanh Vị , xã Thanh Vỹ, thị xã Sơn Tây, Nguyễn Hữu Đạ trú tại xã Văn Hòa, huyện Ba Vì thành phố Hà Nội có hành vi gian dối, lừa đảo chiếm đoạt của bà Bùi Thúy Nga ở xóm 2, thôn Cẩm Tân, xã Cẩm Linh huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội số tiền hơn 10 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã xác định 3 đối tượng này có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như đơn tố cáo của bà Nga. Tuy nhiên, vì vụ việc này rất phức tạp nên tháng 10/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội có công văn xin ý kiến của VKSND thành phố Hà Nội nhưng đã hơn 1 năm nay VKSND thành phố Hà Nội không có công văn trả lời, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra. Hiện nay, ông Chính đã bán nhà sang định cư bên Mỹ, các đối tượng khác đang tẩu tán tài sản làm cho vụ việc này ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Công an thành phố Hồ Chí Minh số 2943 ngày 30/10/2015 có bài “Cần sớm làm sáng tỏ vụ tố cáo hiếp dâm trẻ em” của tác giả Quang Hà. Nội dung: Chiều tối ngày 05/7/2015, ông PVD trú tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã bắt cháu TA(15 tuổi) đến nhà nghỉ Trí Nguyễn và có hành vi dùng vũ lực, đe dọa bóp cổ giết chết để cưỡng hiếp cháu, cháu TA đã kể lại sự việc cho bố mẹ nghe, gia đình cháu TA đã tố cáo hành vi này của ông D đến Công an huyện Mỏ Cày Nam. Kết quả xác minh ban đầu có nhân chứng là ông Võ Văn So, nhân viên tiếp tân của nhà nghỉ khẳng định có nhìn thấy ông D chở cháu TA đến nhà nghỉ để nghỉ qua đêm tại phòng số 5 của nhà nghỉ, nhưng ông So không biết cháu TA chưa đến 16 tuổi, Công an cũng đã thu giữ sổ ghi khách lưu trú của nhà nghỉ và đoạn Camera ghi lại hình ảnh khách đến thuê nhà nghỉ, đưa mẹ cháu TA làm người giám hộ cho cháu. Sự việc khá rõ nhưng đến nay Công an huyện vẫn chưa khởi tố vụ án, bị can. Theo Luật sư Đoàn Thị Ánh, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh việc này đã vi phạm Điều 103 Bộ Luật tố tụng hình sự và cần sớm được cơ quan chức năng xem xét, khởi tố.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bến Tre kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 292 ngày31/10/2015 có bài “Hai kiểm sát viên bị tố ngụy tạo chứng cứ” của tác giả Phương Nam. Nội dung: Trong hai năm 2012 đến 2013, bà NTKO, vợ ông H trú tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã vay số tiền hơn 4 tỷ đồng của 9 người ở cùng huyện,việc vay mượn tiền này bà O không cho ông H biết. Vì một số người vay tiền của bà O không trả nợ nên 9 người đã cho bà O vay tiền đã khởi kiện bà O ra TAND huyện Tuy Phong. Tháng 5/2014, TAND huyện Tuy Phong đã lấy lời khai bà O và sau đó tổ chức hòa giải thành giữa bà O với 9 chủ nợ và ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, xác định bà O có trách nhiệm trả tiền cho các chủ nợ. Vụ việc đã được giải quyết xong, đang trong giai đoạn tổ chức thi hành án thì bất ngờ ngày 05/8/2014, VKSND tỉnh Bình Thuận có giấy mời bà O lên lấy lời khai, bà O đã bí mật ghi âm lại buổi làm việc này. Một tuần sau VKSND tỉnh Bình Thuận có kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự do TAND huyện Tuy Phong ban hành. Ngày 08/9/2015, Hội đồng Giám đốc thẩm TAND tỉnh Bình Thuận đã chấp nhận kháng nghị và hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND huyện Tuy Phong, đưa thêm ông H vào tham gia tố tụng và có trách nhiệm cùng với bà O trả nợ cho 9 người đã cho vay tiền. Ông H đã kháng cáo với lý do hai Kiểm sát viên của VKSND tỉnh Bình Thuận đã ghi lời khai của bà O không đúng thực tế, không phù hợp với băng ghi âm của buổi làm việc, không cho bà O ký tên ở cuối các trang của biên bản. Khi ông H yêu cầu cần được giám định băng ghi âm và đã chi 15 triệu tiền chi phí cho việc giám định thì VKSND tỉnh Bình Thuận không đồng ý đáp ứng yêu cầu thu mẫu giọng nói của Kiểm sát viên NVL để giám định và có văn bản khẳng định việc ghi lời khai đúng với tài liệu ghi âm. Vì vậy, ông H đã gửi đơn đến Ủy ban Kiểm tra và Ban Nội chính tỉnh Bình Thuận đề nghị can thiệp vì đây là việc làm “không bình thường” của VKSND tỉnh Bình Thuận.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bình Thuận kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 9, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 292 ngày31/10/2015, có bài “Lật lại vụ nhập gỗ lậu đình đám”, số 294 ngày 02/11/2015 có bài “Điêu đứng vì dính buôn gỗ lậu” của tác giả Nguyễn Đức. Nội dung: Tháng 5/2014, Cục Điều tra chông buôn lậu, Tổng cục Hải quan thực hiện khởi tố vụ án buôn lậu gỗ xảy ra tại Công ty Bảo Ngọc tỉnh Bình Phước tại cửa khẩu quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) và Dinh Bà ( Đồng Tháp), chuyển hồ sơ đến cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra. Sau khi Hải quan khởi tố vụ án và thu giữ, không cho Công ty Bảo Ngọc xuất bán 12 container gỗ cho Đan Mạch, ông Quách Phi Long đã có đơn khiếu nại, kêu oan đến Bộ Công an và Viện trưởng VKSND tối cao. Qua 1 năm điều tra xác minh, vì không đủ căn cứ kết luận Công ty Bảo Ngọc buôn lậu nên tháng 4/2015, Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ trường Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án Buôn lậu gỗ xảy ra tại cửa khẩu Dinh Bà. Căn cứ vào kết quả trả lời ủy thác tư pháp của VKSND tỉnh Champasak (Lào) xác định rõ Công ty Bảo Ngọc mua gỗ của Công ty bên Lào là có thật, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoa Lư xác định hồ sơ nhập khẩu gỗ của Công ty Bảo Ngọc là đầy đủ, hợp lệ nên sau khi họp liên ngành, ngày 12/9/2015, phòng PC46 Công an tỉnh Bình Phước đã ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án vì việc mua bán gỗ của Công ty Bảo Ngọc không cấu thành tội phạm. Sau khi đình chỉ vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng như Công an tỉnh Bình Phước đã yêu cầu Tổng cục Hải quan phải trả lại gỗ cho doanh nghiệp, nhưng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan vần chưa thực hiện, gây thiệt hại cho Công ty Bảo Ngọc gần 20 tỷ đồng (tiền lưu kho bãi, tiền phạt vi phạm hợp đồng, tiền lãi chậm thanh toán tiền mua gỗ cho Lào…) buộc ông Long phải kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu Vụ 3 và VKSND tỉnh Bình Phước kiểm tra lại vụ việc trên, đôn đốc Tổng cục Hải quan trả lại tang vật, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
5. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 295 ngày03/11/2015 có bài “Xem xét chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra” của tác giả Đ. Lam, Báo Đời sống và pháp luật số 132 ngày 04/11/2015 có bài “Tâm thư làm lộ diện gần 1tỷ đồng bớt xén” của nhóm phóng viên. Nội dung: Sau khi nhận được tâm thư và đơn tố cáo của tác giả Đàm Lan Anh và một số cán bộ phản ánh về đời sống quá khổ cực của những người tâm thần và những người vô gia cư sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An, Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn Thanh tra tại Trung tâm này và có căn cứ kết luận trong 5 năm qua Giám đốc và Phó Giám đốc của Trung tâm đã thực hiện “bớt xén” gần 800 triệu đồng tiền của các đối tượng tâm thần và người vô gia cư sống tại Trung tâm bằng cách không cấp quần áo, đồ dùng, thuốc, cắt xén khẩu phần ăn của người được hưởng chế độ tại Trung tâm. Hành vi này là nghiêm trọng làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước, có dấu hiệu cấu thành tội “Tham ô tài sản”. Nhiều báo khác phát hành trong tuần cũng đưa tin về vụ việc này và đề nghị các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo pháp luật.
Yêu cầu VKSND tỉnh Nghệ An kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
6. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 296 ngày 04/11/2015, có bài “Đình chỉ vụ án gây thiệt hại cho bị can” của tác giả Ngân Nga.Nội dung: Ngày 24/10/2014, VKSND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk có cáo trạng truy tố anh Nguyễn Văn Hào, Đội trưởng Đội cơ động số 2, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn tỉnh Đắk Lắk về tội “Cố ý gây thương tích” vì có hành vi dùng súng AK bắn trúng chân anh Y Kút Ayun gây thương tích 15% nhưng khi chuyển hồ sơ sang Tòa án huyện, Tòa đã 2 lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung với lý do tội danh Viện kiểm sát huyện truy tố anh Hào chưa đúng, phải là “Cố ý gây thương tích trong khi thi hành công vụ” mới đúng, nhưng đối với tội này mức độ thương tích phải là 31% trở lên mới cấu thành tội phạm. Sau khi Tòa án huyện trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ 2, tháng 8/2015, VKSND huyện Buôn Đôn đã có quyết định đình chỉ điều tra vụ án và bị can, miễn trách nhiệm hình sự cho anh Hào theo khoản 1 Điều 25 Bộ Luật hình sự. Anh Hào và TAND huyện Buôn Đôn cho rằng việc đình chỉ này là sai, phải đình chỉ cho anh Hào vì không phạm tội mới đúng, phải chăng việc đình chỉ này để tránh né việc bồi thường thiệt hại cho anh Hào.
Yêu cầu VKSND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 2, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.